Chủ trương vô sản hóa của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên có tác động gì

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng đã xuất hiện một phong trào vận động cộng sản hết sức sáng tạo, phù hợp với điều kiện lịch sử nước ta. Đó là phong trào Vô sản hoá. Đông đảo cán bộ, hội viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên [HVNCMTN] đã tham gia phong trào này. Trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc - người con ưu tú của Hà Nội, một thanh niên trí thức, yêu nước, qua trường vô sản hoá mà trở thành chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc mới ra đời.

਍ഀ

Phong trào cách mạng vô sản hoá bắt nguồn từ tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tiếp thu và truyền bá Chủ nghĩa Mác Lê nin vào Việt Nam. Trong những năm 1924-1927, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, Trung Quốc cho hàng trăm thanh niên Việt Nam yêu nước mà phần lớn là học sinh, trí thức rồi phái họ về nước đi vào công nhân, nông dân, học sinh để phát triển HVNCMTN và tuyên truyền vận động cách mạng giải phóng dân tộc. Điều lệ của HVNCMTN đã quy định: các hội viên phải đi vào quần chúng để vận động cách mạng... Song để tư tưởng đó vào cuộc sống, biến nó thành cách mạng rộng lớn thì phải kể tới vai trò của Kỳ bộ HVNCMTN Bắc Kỳ. Đại hội lần thứ nhất của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ [28/9/1928] nhận định: Cơ sở của Hội thanh niên ở các vùng kinh tế quan trọng như thành phố, hầm mỏ, đồn điền còn yếu, số lượng hội viên tuy có phát triển nhưng thành phần đa số là tiểu tư sản học sinh, trí thức, thành phần vô sản trong hội còn ít. Do đó, Đại hội Kỳ bộ chủ trương đưa các hội viên thuộc thành phần tiểu tư sản vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, cùng lao động, ăn ở với công nhân, nông dân nghèo khổ để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và lãnh đạo họ đấu tranh đòi quyền lợi. Thông qua đó, các Hội viên tự rèn luyện mình vững vàng về tư tưởng, lập trường giai cấp công nhân, dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo quần chúng đấu tranh để trở thành những chiến sỹ cộng sản chân chính.

਍ഀ

Thực hiện chủ trương ấy, trong những năm 1928-1929, nhiều cán bộ, hội viên của HVNCMTN ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đã tich cực đi vô sản hoá. Lịch sử phong trào cách mạng đó đã ghi nhận: đồng chí Ngô Gia Tự đi làm công nhân khuân vác ở bến tàu Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đi lao động ở mỏ than Mạo Khê, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đi kéo xe tay ở Hải Phòng, các đồng chí Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương cùng lao động ở hãng dầu Nhà Bè [Sài Gòn], đồng chí Nguyễn Công Hoà vào làm việc ở nhà máy xi măng Hải Phòng, đồng chí Lê Thanh Nghị đến lao động ở mỏ than Cọc Năm, đồng chí Trần Ngọc Hải vào làm công nhân ở nhà máy sửa chữa ô tô Avia [Hà Nội].. còn đồng chí Nguyễn Phong Sắc con đường đi vô sản hoá là một quá trình diễn ra ở nhiều nơi đầy thử thách gian khổ và từng bước trưởng thành.

਍ഀ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước, có tinh thần dân tộc, ở một làng ngoại vi trung tâm Hà Nội thời thuộc Pháp, cuộc đời Nguyễn Phong Sắc đi từ học sinh tiểu học lên học sinh trung học. Giỏi tiếng Pháp, tính toán thông minh, am hiểu lịch sử, văn học, đã đỗ đầu bằng Thành Chung trường Bưởi, anh vào làm việc và trở thành công chức cao cấp của Sở Tài chính Đông Dương. Là một trí thức lúc 23 tuổi có nghề nghiệp lương cao, sớm có gia đình, vợ con, cuộc sống dư dật phong lưu, song Nguyễn Phong Sắc vẫn quyết chí đi làm cách mạng để giải phóng dân tộc. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, nhận thức được những oan trái bất công trong xã hội thuộc địa đã giúp cho Nguyễn Phong Sắc sớm có tư tưởng và hành động theo tinh thần vô sản ngay cả trước khi trở thành hội viên HVNCMTN. Nguyễn Phong Sắc đồng cảm sâu sắc với những người lao động nghèo khổ sống trong làng Bạch Mai, một làng quê tập trung đủ mọi hạng người, thông cảm với các gia đình ở phố phường Hà Nội có con em người thân bị bắt đi lính sang Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918; Không màng công danh, phú quý đã từ chối đi Pháp học tập theo quyết định của chính phủ bảo hộ, rất mực yêu thương những người anh em ruột thịt trong gia đình và người vợ hiền không có điều kiện học hành phải làm lụng lao động chân tay. Đi làm ở Sở Tài chính Đông Dương, Nguyễn Phong Sắc kiên quyết từ chối ngồi xe tay bọc đồng thuê người kéo. anh kết bạn tâm giao với những trí thức công chức tiến bộ, có tư tưởng căm ghét bọn quan lại tham lam. Chuyên sâu nghề nghiệp, Nguyễn Phong Sắc còn tìm ra các thủ đoạn bóc lột tài chính, thuế khoá tàn nhẫn của thực dân Pháp và nỗi thống khổ của người dân lao động thuộc địa. Cuối năm 1926, được Nguyễn Danh Đới, Vương Văn Mùi, Trần Quang Huyến, là những hội viên HVNCMTN đến tuyên truyền, Nguyễn Phong Sắc đã tin theo cách mạng. Năm 1927 được kết nạp vào Hội Thanh niên, anh sẵn sàng nhường nhà mình cho tổ chức hội họp, tình nguyện giành một nửa số tiền lương hàng tháng cho Hội hoạt động. Các đồng chí Nguyễn Công Thu, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Danh Đới, Mai Lập Đôn và nhiều đồng chí khác thường ở nhà Nguyễn Phong Sắc. Chứng kiến tên chủ Sở Tài chính Đông Dương lăng mạ một nhân viên nữ Việt Nam, Nguyễn Phong Sắc xin nghỉ ở Sở Tài chính ra Hòn Gai, Cẩm Phả, ngược lên Lạng Sơn, xuôi về Nam Định, Ninh Bình và sang cả Lào để thâm nhập cuộc sống của người dân lao động. Về Hà Nội [cuối năm 1927], Nguyễn Phong Sắc tìm cách dạy học ở trường Thăng Long và đến nhà máy Avia để tuyên truyền cách mạng cho công nhân, trí thức, học sinh. Tất cả những điều đó giúp cho Nguyễn Phong Sắc hăng hái vô sản hoá khi có chủ trương của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ. Tại Đại hội lần thứ nhất Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ [tháng 9/1928], Nguyễn Phong Sắc là một trong số các đại biểu tích cực ủng hộ, tán thành chủ trương vô sản hoá. Đồng chí đã nói: Muốn hoạt đông ccáh mạng tốt thì phải vào nhà máy làm việc với công nhân, tiếp xúc với họ, tuyên truyền giác ngộ họ. Tại Đại hội Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội họp ở số nhà 68 phố Nam Đồng, được bầu làm Bí thư, Nguyễn Phong Sắc đã phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết đưa hội viên đi vô sản hoá và chỉ ra những phương cách tổ chức hội thanh niên trong các trường học, xí nghiệp, nhà máy, xóm làng thuộc phạm vi Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh, đồng thời là uỷ viên Kỳ bộ Bắc Kỳ. Nguyễn Phong Sắc đi kéo xe tay, sống chung với những người lao động trong các xóm thợ, khu lao động ở Hà Nội và các vùng nông thôn lân cận. Nhờ đó đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhiều hội viên Hội Thanh niên. Năm 1929 là năm phát triển mạnh mẽ phong trào vô sản hoá, ở Bắc Kỳ đã có 900 hội viên trong số hơn 1500 hội viên cả nước.

਍ഀ

Đi vô sản hoá là việc rèn luyện khó khăn, phức tạp, không phải hội viên thanh niên nào cũng làm được. Có người không dám tình nguyện ra đi, cũng có người đi nửa chừng bỏ cuộc. Trái lại, Nguyễn Phong Sắc đã đi vô sản hoá nhiều nơi ở miền Bắc, Trung và những năm tháng đó có ý nghĩa to lớn với đồng chí. Nguyễn Phong Sắc đã chuyển từ thanh niên học sinh, trí thức yêu nước giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê nin, đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, trở thành một trong số người cộng sản sớm nhất ở Hà Nội và trong cả nước. Chi bộ Cộng sản đầu tiên thành lập ngày 7/3/1929 tại số nhà 5D phố Hàm Long [Hà Nội] có Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc...dự Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ họp tại đồn điền Kim Đái [Sơn Tây] ngày 28 và ngày 29/3/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc dẫn đầu đoàn đại biểu yêu cầu thành lập ngay Đảng Cộng sản và cùng nhất trí cử Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu đi dự Đại hội Tổng bộ Thanh niên đề đạt yêu cầu của Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ. Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập ngày 17-6-1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên [Hà Nội] có Nguyễn Phong Sắc và đồng chí được cử vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Với kinh nghiệm hoạt động, đồng chí được Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng phân công lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Avia diễn ra trong thời gian đó.

਍ഀ

Với tinh thần tiếp tục vô sản hoá, chấp hành sự phân công của Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp ngày 21-7-1929 tại nhà Ngô Gia Tự [Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh]. Nguyễn Phong Sắc cùng vớí Trần Văn Cung sốt sắng vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam Đà Nẵng hoạt động phụ trách công tác Đảng ở Trung Kỳ. Trong một thời gian ngắn đồng chí đã lập được Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ: thành các chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Vinh Bến Thuỷ và một số làng xã ở mấy huyện thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời [3-2-1930], đồng chí đã chuyển Kỳ bộ Đông Dương Cộng Sản Đảng Trung Kỳ thành Kỳ bộ Đảng cộng sản Việt Nam Trung Kỳ, cơ quan đứng đầu là Xứ uỷ do đồng chí làm Bí thư. Tiếp đó Nguyễn Phong Sắc cùng một số cán bộ địa phương như Lê Mao, Lê Viết Thuật... đã quy tụ các tổ chức cộng sản khác về một mối, thành lập Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ đặt trụ sở ở Vinh và Đà Nẵng.

਍ഀ

Lòng dũng cảm, trí thông minh gắn bó mật thiết với công nhân, nông dân, đoàn kết với mọi cán bộ, Nguyễn Phong Sắc làm việc hết mình và với tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất ở Trung Kỳ, đồng chí chan hoà với công nhân Trường Thi, nhà máy Diêm Bến Thuỷ, liên hệ với công nhân nhà máy chè Đà Nẵng, học sinh trường Quốc học Vinh, đến các làng Dương Xuân [Anh Sơn], Võ Liệt [Thanh Chương], Yên Dũng [Hưng Nguyên] và một số xã thuộc Đức Thọ, Can Lộc [Hà Tĩnh]. Đồng chí và đồng bào Nghệ - Tĩnh rất quý mến anh Thịnh [bí danh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc]. Khả năng hoạt động thực tiễn rất lớn trong phong trào công nhân, nông dân, năng lực lãnh đạo Đảng tài tình, tư duy tổng kết thực tiễn, lý luận sắc bén thông qua viết báo, sách cùng với sự ủng hộ của quần chúng nhân dân... đã giúp Nguyễn Phong Sắc vững vàng lãnh đạo cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh từ khi nổ ra cho đến khi bị đế quốc Pháp khủng bố dìm trong biển máu.

਍ഀ

Tuy hết sức cảnh giác, song do bội phản của kẻ đầu hàng, 5 giờ chiều ngày 3-5-1931, Nguyễn Phong Sắc sa vào bẫy mật thám Pháp, bị đế quốc Pháp giam cầm tra tấn hết sức dã man, chết đi sống lại nhiều lần. Song Nguyễn Phong Sắc vẫn một lòng trunh thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân. Những tên mật thám Pháp gian ác khét tiếng như Acnu, Pugiôn không thể hiểu nổi Nguyễn Phong Sắc, một con người mảnh khảnh, dáng nho nhã đã từng là viên chức của Sở Tài chính Đông Dương lại chịu đựng được những trận đòn tra khảo khủng khiếp nhất để bảo toàn phẩm chất, khí tiết của người cộng sản. Chúng quá sợ hãi mà vội vàng thủ tiêu Nguyễn Phong Sắc vào lúc 5 giờ sáng ngày 25-5-1931, từ Sở mật thám Vinh, bọn Pháp đã bí mật đưa Nguyễn Phong Sắc đến đồn Song Lộc, Nghi Lộc, Nghệ An, bắn chết không qua xét xử.
਍ഀ Đối với các chiến sỹ cộng sản, đồng chí, bạn bè cùng hoạt động thời đó, những người thân gia đình và các thế hệ cách mạng sau này, tấm gương phấn đấu hi sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Phong Sắc - một tri thức mảnh khảnh, nho nhã lại làm được nhiều điều kỳ diệu bảo toàn phẩm chất khí tiết người cộng sản trước quân thù là có nhiều lý do, song cái chủ yếu nhất là đồng chí đã rèn luyện trong phong trào vô sản hoá và luôn luôn tắm mình trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

਍ഀ

Bài học quý giá ở cuộc đời hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng rất vẻ vang của đồng chí Nguyễn Phong Sắc mà chúng ta cần rút ra học tập là phải luôn luôn đi vào phong trào quần chúng, gắn bó với quần chúng lao động, đứng vững trên lập trường quan điểm của giai cấp công nhân, rèn luyện mình trong mọi điều kiện gian khổ, khó khăn để trở thành những chiến sỹ cộng sản tiên phong, chân chính của Đảng, của nhân dân.

਍ഀ

TS. Nguyễn Thanh Tâm
਍ഀ Phó Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Đảng

Video liên quan

Chủ Đề