Cây táo nở hoa có nghĩa là gì

Một lần tình cờ, tôi đọc được một bài viết nói về đoạn thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Đoạn thơ thế này:

“Đừng buồn nữa Bác thợ mộc nói sai rồi 

Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa 

Tại sao cây táo lại nở hoa 

Sao rãnh nước trong veo đến thế?”.

Tác giả cứ băn khoăn về việc cây táo nở hoa thì có liên quan gì đến việc cuộc đời này có chuyện xấu xa hay không nhưng chính người viết cũng phải thừa nhận là chợt thấy nhẹ lòng. Phải thừa nhận rằng xấu, tốt dường như ở đâu cũng có nhưng nếu nhìn cuộc sống này theo theo cách như vậy thì còn gì là thi vị, thì lấy đâu ra lý do để cho người ta tiếp tục làm điều tốt. Thôi thì ngước nhìn cây táo nở hoa, mình sẽ nói nhau nghe về những câu chuyện tử tế để chúng ta có quyền tin rằng cuộc sống này vẫn còn lắm chuyện để làm mình tin vào lòng tốt của nhau và hơn hết là để chính mình mở lòng mình ra, tử tế với mọi người.

Tử tế là cái mà không phải người ta sinh ra đã có, đó cũng không phải là nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, ở. Nhưng lạ thay, khi người ta sống trong một cuộc sống thiếu đi sự tử tế thì sẽ chẳng cảm thấy dễ chịu. Chúng ta gắn bó với nhau không chỉ bởi những lợi ích phụ thuộc, cũng không hoàn toàn là do vật chất xung quanh quyết định mà bởi tình cảm của chúng ta dành cho nhau, cho dù đó là tình cảm gia đình, tình bạn, tìn yêu hay sự thấu cảm bất chợt, chúng ta đều mong muốn mình có thể nhận được sự thương yêu, quan tâm chân thành từ người khác. Sự tử tế ra đời từ những người thấu hiểu được điều đó.

Rất tiếc là chúng ta không có một đơn vị cụ thể để đo lòng tốt như cách mà người ta thường dùng để tính những vật chất có thể tính nhưng chính điều đó lại làm cho sự tử tế có giá trị vượt qua nhiều loại vật chất. Nhưng khi cho nó đi, người cho không hối tiếc, ngược lại cả họ và người nhận đều cảm thấy ấm lòng. Lòng tốt không làm người ta giàu lên về mặt vật chất nhưng nói một cách thi vị thì những người nuôi dưỡng sự tử tế cũng như họ đang chăm bón cho một khu vườn trong tâm hồn mình, người khác có thể không cảm nhận được hương sắc của chúng nhưng người chăm sóc chúng thì luôn nhìn được vẻ đẹp, ngửi được mùi hương dịu ngọt từ những bông hoa ấy, chúng làm họ cảm thấy thoải mái giữa bao lo toan, bao điều vui buồn trong cuộc sống. Và chắc bởi không ai tính toán được giá trị của lòng tốt như cách tính toán bao vật chất khác nên người sở hữu nó là người giàu có mặc dù sự giàu có ấy không thể cho họ một cuộc sống đầy đủ tiện nghi nhưng chí ít, nó mang lại thanh thản nơi tâm hồn.   

Chúng ta nghe nói nhiều về các cuộc chiến tranh, về những cuộc tranh giành đâu đó, kẻ thắng là kẻ có được cái mất của người thua, thường là vậy. Nhưng sau tất cả, trong họ đều mang những vết thương, hữu hình hoặc vô hình, ít hoặc nhiều mà những chiến lợi phẩm cũng chưa chắc xoa dịu được. Những điều mà họ cố gắng giành lấy rồi cũng không đổi lấy được sự bình yên trong tâm hồn, không làm cho chính họ hạnh phúc, không làm nguôi ngoai đi những mất mát. Sau tất cả, khi chúng ta biết sống vì người khác, chúng ta mới cảm nhận được giá trị của sự cho đi và nhận ra rằng nó dễ chịu hơn nhiều so với việc cố gắng giành lấy một điều gì đó. Nhưng không dễ để cho chúng ta biết gạt đi những lợi ích cá nhân, biết san sẻ, biết đồng cảm, biết giúp đỡ bởi khi ấy là chính chúng ta đang tự từ chối những lợi ích cho mình. Albert Schweitzer từng nói: “Cuộc sống trở nên khó khăn khi ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn”. Chúng ta thấy đẹp làm sao nụ cười của bà cụ bán bánh mì ế hàng khi được một bác xe ôm mua giúp, chúng ta thấy dễ thương làm sao sự ngây thơ của những đứa trẻ miền cao khi chăm chú nhìn vào những con chữ mà những người thầy, người cô ngày ngày cõng chúng lên non. Họ là những người bình thường nhưng họ chấp nhận mất đi một điều gì đó của mình, là ít tiền mình kiếm được, là thời gian, sức khỏe để giúp vơi đi sự đau buồn, sự thiệt thòi của người khác và nhận lại sự ấm áp nơi trái tim.

Hẳn  không ai muốn tồn tại trong một thế giới khi mà người ta cúi mặt lướt qua nhau, khi nụ cười trở nên vời vợi khó tìm, khi tình yêu là một điều gì đó xa lạ. Thế mới nói, lòng tốt, tình yêu thương, sự tử tế làm cho cuộc sống của chúng ta thêm ý nghĩa. Và quan trọng hơn hết, những tình cảm của chúng ta đều bắt đầu từ sự yêu thương, tin tưởng lẫn nhau, chúng ta sẽ khó có thể duy trì được những mối quan hệ với mọi người nếu chỉ biết quan tâm cho mình mà không học cách san sẻ cùng những người xung quanh.

Sự tử tế không đòi hỏi bạn phải là một người quá vĩ đại, chỉ cần là một người bình thường với sự tử tế từ trong suy nghĩ. Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất như không vứt cái vỏ kẹo vừa ăn ra đường, không “cố tình” bỏ quên vỏ hộp trong hộc bàn với ý nghĩ rằng có ai đó sẽ dọn chúng. Dĩ nhiên là sẽ có những nhân viên môi trường, những cô, chú lao công nhưng trong một môi trường với biết bao nhiêu người có cùng suy nghĩ như vậy thì cần bao nhiêu người để dọn dẹp chúng. Thiết nghĩ, sự có mặt của họ là để cho chúng ta có ý thức hơn chứ không phải để chúng ta ỷ lại. Từ những việc nhỏ như vậy thôi, chúng ta đã bắt đầu tử tế với môi trường, với nơi mà đã nuôi sống chúng ta và hẳn sẽ còn làm nhiệm vụ đó rất lâu nữa. Nếu muốn tử tế hơn một chút nữa, chúng ta có thể chuẩn bị sẵn cho mình một cái túi vải để đi chợ, cuối tuần thì cùng bạn bè đến một vùng đất xa nào đó, trồng thêm một vài cái cây. Nếu không tin vào việc lòng tốt sẽ được đền đáp thì hãy đợi một vài năm nữa khi những cái cây ấy lớn lên, chúng sẽ trả lại cho bạn bầu không khí trong lành và bóng mát.

Nhưng không phải ai làm việc tốt cũng đều cần được trả ơn bởi như Henry Drummond nói: “Hạnh phúc… là cho, và sống vì người khác”. Hẳn không phải vì muốn bà cụ bán bánh mì nhớ đến mình mà bác xe ôm đã mua giúp bà những chiếc bánh cuối ngày, cũng không phải vì muốn nhận danh hiệu “hiệp sĩ” mà bao người sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để giúp những người gặp nạn trên đường. Đấy là lòng tốt của những người chẳng cần đáp trả, họ cho đi một cách vô tư mà không hề bận tâm là mình đã có gì, mất gì.

Sự tử tế quả thật không phải là một điều gì đó chỉ diễn ra khi người ta có những việc làm lớn lao, vĩ đại. Một chút quan tâm, một chút sẻ chia, một chút thấu hiểu, người ta đã truyền cho nhau sức mạnh của niềm tin, của tình người. Những ngày qua, khi dịch bệnh làm cho nhiều người loay hoay thì những lời động viên, những sự san sẻ như việc tặng nhau chiếc khẩu trang cũng đủ để cho thấy rằng dù chuyện gì xảy ra cũng không thể ngăn chặn được lòng tốt mà người ta dành cho nhau. Người ta có tiến tiến đến mấy, cuộc sống có phát triển đến mấy nhưng thiếu đi lòng tốt dành cho nhau thì cũng không thể gọi là trọn vẹn. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, hãy yêu thương mọi người xung quanh nhiều hơn, lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn. Một khi chúng ta vẫn còn tồn tại, vẫn khát khao yêu thương và được yêu thương, vẫn còn nghe được âm thanh từ lòng trắc ẩn bên trong mình thì sự tử tế hẳn vẫn còn tồn tại và dẫu gì, cây táo cũng nở hoa.

Tác giả: Phạm Hồng Sơn, sinh viên @ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: //www.facebook.com/profile.php?id=100018153271984

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng [tổng giá trị +8,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards] và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: //bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

Chủ Đề