Cách ngâm hạt lựu

Mùa hè, mùa của các loại thức uống, đồ ăn mát lạnh cả đầu lưỡi. Bởi có vậy mới chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Nóng như đổ lửa!!! Cùng với việc tăng cường làm sữa chua để tăng sức đề kháng cho người thương và gia đình còn bổ sung thêm nhiều rau củ quả cung cấp vitamin C để bảo vệ sức khỏe.

Trên hết là cần có thật nhiều đồ uống mát để giải nhiệt cho cơ thể vốn đang bị bốc hơi nước ngùn ngụt đến héo quắt này

Phải tăng cường thức uống không chỉ là nước lọc để bù cho lượng mồ hôi túa ra mà còn là nước hoa quả thơm ngon mát lành. Ví như siro, siro gì thì ngon? Trả lời loại nào cũng ngon, mỗi loại có một hương vị đặc trưng khác nhau. Nếu ai đã từng uống siro lựu thì quả thực khó có thể quên mùi thơm ngon đặc trưng của nó. Cách làm đơn giản, miễn là có lựu và đường đương nhiên có sẵn trong tủ bếp

Nguyên liệu và cách làm

Nguyên liệu

  • 3 4 quả lựu to [khoảng 1kg hạt lựu]
  • 500g 1kg đường cát
  • Dụng cụ: Lọ/ hũ thủy tinh có nắp đậy

Cách làm

  • Chọn lọ/ hũ thủy tinh có nắp đậy, rửa sạch, luộc hoặc tráng qua nước sôi để diệt khuẩn. Cẩn thận hơn thì làm khô trong lò nướng. Lọ phải thật sạch sẽ, khô ráo thì khi làm siro lựu cũng như rượu lựu mới ngon, không bị váng hoặc mọc mốc. Đã bị hỏng lại mất công đem đổ bỏ và tiếc hùi hụi
  • Siro lựu và rượu lựu chỉ khác nhau ở thời gian ngâm hạt lựu với đường thôi, muốn có rượu thì cần thời gian dài để lên men. Lượng đường cho vào để ngâm làm ra siro lựu lại tùy sở thích của mỗi gia đình. Nếu ai thích thì có thể dùng một công thức dành cho cả siro lựu và rượu lựu đó là tỉ lệ hạt lựu : đường là 1: 1 [cứ 1kg hạt lựu thì cần 1kg đường cát]

Siro lựu

  • Vì làm siro lựu hay bất kì loại siro nào để uống mình không thích cho quá nhiều đường, không tốt cho sức khỏe
    Làm siro trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 1 tuần đến 2 tuần là có nước siro dùng để pha nước uống giải khát ngon tuyệt rồi. Nhưng để lâu cần phải ngập lựu trong đường, thật nhiều thì mới tránh được nhanh hỏng, nên làm tỉ lệ như với làm rượu lựu [1:1]
  • Tách hạt lựu riêng ra tô.

    Cân lựu và đường theo tỉ lệ lựu: đường là 2:1 [cứ 1kg hạt lựu thì cần 500g đường cát].

  • Xúc hạt lựu vào lọ thủy tinh, cứ xếp một lớp hạt lựu lại rải một lớp đường lên trên. Cứ làm thế cho đến khi đầy lọ.

    Rải một lớp đường kín ở lớp trên cùng.

  • Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín miệng lọ thủy tinh lại, sau đó đậy kín nắp.
  • Để nơi thoáng mát, sau 1 tuần là có siro lựu để pha nước đá uống ngon lành, thơm ngon.

    Một cốc siro lựu thơm lừng

Rượu lựu

  • Tỉ lệ hạt lựu : đường là 1: 1
  • Để lọ siro Lựu thời gian lâu hơn, khoảng 3 tháng là có rượu lựu để uống. Cần dùng báo hoặc giấy bạc bọc kín lọ lại hoặc cất vào ngăn tủ tối, rượu sẽ ngon hơn.
  • Thời gian để rượu lựu càng lâu thì rượu càng thơm ngon. Nửa năm là rượu cực thơm ngon.
  • Rượu lựu có thể dùng để làm bánh cũng rất tuyệt.

..

Thêm vài cái ảnh update cho quá trình làm rượu lựu sau 5 tháng của mình nhé! Thơm cực kì luôn ý

Màu sắc thì đẹp thôi rồi. Rượu ngọt ngọt, hơi cay cay, thơm lựng, nhấm nháp thấy ngon tuyệt.

Mình sẽ để dành đến Giáng Sinh mời bạn bè, người thân cùng với để dành một chút để làm bánh Giáng Sinh sẽ thật ngon. Không biết có đợi được đến lúc đó không nữa

Thưởng thức

Mùa hè nóng nực mà có siro lựu uống thì còn gì bằng. Pha nước siro cùng nước lọc để mát vào cốc, vắt thêm vài giọt nước cốt chanh, cắt thêm vài lát chanh cho vào, quậy đều để cân bằng hương vị chua ngọt. Nếu có lá bạc hà thì cắt thêm vào, không có cũng không sao. Thích mát lạnh tim gan phèo phổi nữa thì thả vài cục đá lạnh vào. Cái nóng tan biến tức thì, thật là tuyệt

Share this:

Video liên quan

Chủ Đề