Bản chất của Thạch Sanh là gì

Thế nên triết học văn hóa hiện đại khuyến nghị hướng nghiên cứu tốt nhất là đổi mới trên nền truyền thống. Trên cơ sở kế thừa, bảo lưu cái bản chất, bản sắc tốt đẹp, loại bỏ cái bất cập, lạc hậu, bảo thủ để sáng tạo những giá trị mới, để tạo ra những hình thức biểu hiện vừa cổ điển vừa tươi mới, sinh động, hấp dẫn hơn. Như cây xanh bám sâu rễ vào mảnh đất truyền thống rồi vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng, hấp thụ khí trời của thời đương đại để cường tráng vững vàng hơn mà kết trái thơm, giàu dinh dưỡng ý nghĩa nghệ thuật hơn.

Hẳn nhiên ta phải xem bản chất Thạch Sanh như thế nào rồi soi vào thời 4.0 để từ đó mới có thể đề nghị chàng giữ cái gì, phát huy thế nào, cần thay đổi ra sao.

Văn hóa xứ nào cũng đều có những hình tượng như Thạch Sanh-Lý Thông, như Tấm, như Cám... Mô típ có thể chung nhưng chịu sự khúc xạ của tâm hồn tính cách dân tộc [căn tính] mà hình tượng mang ý nghĩa khác nhau. Ký hiệu học văn hóa gọi đó là những biểu tượng. Biểu tượng càng lớn thì càng nhiều lớp mã, có trường hợp không có đáy. Ngày nay người ta quan niệm văn hóa là việc kiến tạo mã và giải mã. Thế nên các nhà văn lớn [như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...] cũng là các nhà văn hóa vì họ đã kiến tạo các mã biểu tượng để các nhà nghiên cứu và độc giả tìm hiểu, phát hiện. Tài sản văn hóa của mỗi dân tộc cũng được đo bằng các biểu tượng văn hóa, xét cả về tiêu chí định lượng [số lượng] và định tính [hàm lượng ý nghĩa].

Thạch Sanh là một biểu tượng sinh động và giàu ý nghĩa bậc nhất trong kho tàng văn hóa nhân loại [so với các hình tượng chung mô típ].

Mở đầu truyện giới thiệu chàng là người lao động cần cù, chăm chỉ. Đấy là kết cấu có chủ ý: Con người ta, dù sang trọng hay nghèo hèn cũng đều phải có cái nghề, sống chết với cái nghề ấy. Tức đã là người thì phải lao động. [Xin được rẽ ngang: Ngày nay thế giới quan niệm về hạnh phúc là được làm việc mình thích!]. Cái nghề nghiệp sẽ quy định tính cách, số phận con người. Làm nghề tiều phu ban ngày vào rừng kiếm củi, đêm về ngủ ở gốc đa, sống giữa thiên nhiên cây cỏ nên Thạch Sanh hồn nhiên, chân thật, như cái tên của chàng vậy: Sinh ra [Sanh] từ đá [Thạch], hồn nhiên như đá! Đúng là nhân vật cổ tích, Thạch Sanh hồn nhiên như cổ tích.

Ảnh minh họa

Mặt trái của tính cách này là cả tin và dễ bị lợi dụng. Lý Thông xin kết nghĩa anh em. Thạch Sanh liền ưng thuận. Là anh em thì luôn là tốt nên hành động ấy là đáng yêu! Lý Thông nhờ đi canh miếu thần, chàng nhận lời. Đó là sự vô tư, hết lòng, tận tụy thật đáng quý. Chàng chém chết chằn tinh tức chàng đủ bản lĩnh và sức mạnh để chiến thắng yêu quái tự nhiên. Nhưng cái đáng trách ở chàng là thiếu sự phân tích của lý trí tỉnh táo để nhận ra sự phản phúc của Lý Thông, khi nó dọa rằng phải trốn ngay vì mắc tội chém chết rồng của nhà vua. Chàng tin ngay, thì cái cả tin ngây thơ ấy đã tiếp tay cho kẻ ác gây ra những tội lỗi tiếp theo.

Thạch Sanh chưa thể khôn ngoan bằng tác giả dân gian với triết lý: Sự phản phúc của con người nguy hiểm hơn nhiều các loài yêu quái ngoài tự nhiên!

Sự cả tin nếu không được đặt đúng chỗ, hơn nữa lại đặt vào kẻ thù thì nguy hiểm bội phần. Thạch Sanh đủ dũng đủ tài bắn đại bàng cứu công chúa nhưng vẫn mất cảnh giác để bị lừa tiếp, còn đau hơn lần trước: Lý Thông trắng trợn cướp đoạt thành quả [công chúa] rồi cố tình thủ tiêu bằng cách đẩy xuống hang rồi lấp đi. Thì ra ở ngay thời của cổ tích dân gian đã dạy rằng: Làm người tốt chưa đủ. Trong sáng quá chưa đủ. Còn phải biết bảo vệ mình. Bảo vệ trước hết bằng cách nhận chân ra kẻ thù và hết sức cảnh giác với các thủ đoạn thâm độc, hèn hạ. Thạch Sanh chưa có đủ trải nghiệm và thiếu sự xét đoán cần thiết để thấy Lý Thông là kẻ xấu, chưa nói đến chuyện nhận thức ra quy luật: Bản chất kẻ xấu là không thay đổi!

Điều gì cứu chàng? Lòng nghĩa hiệp! Nhờ cứu hoàng tử mà chàng gặp và được vua Thủy Tề tặng đàn thần. Tiếng đàn thần hay là tiếng nói của nghệ thuật đích thực đã thấu hiểu tình cảnh công chúa sắp bị gả bán cho kẻ đểu cáng, đã thấu cảm trái tim đang thổn thức về ân nhân, nên Thạch Sanh được minh oan. Cũng chỉ có tiếng đàn này là tiếng nói yêu hòa bình hòa vào, rung lên cùng nhịp với một tâm hồn nghệ sĩ Thạch Sanh mới ru ngủ quân của mười tám nước chư hầu sắp gây nạn binh đao!

Thì ra để hóa giải tình cảnh nước sôi lửa bỏng không phải là sức mạnh vật chất mà là tâm hồn nghệ sĩ biết dùng nghệ thuật làm phương tiện. Nghệ thuật chân chính sẽ làm sứ giả giãi bày để tìm một sự sẻ chia [tiếng đàn nói hộ nỗi lòng Thạch Sanh] để là sức mạnh của công lý [minh oan], làm một chức năng chữa bệnh [làm người câm nói được], đóng vai trò chinh phục [ru ngủ kẻ hiếu chiến],... Tuyệt vời biết bao thiên chức của nghệ thuật!

Đặc trưng của thời đại 4.0 là hội nhập toàn cầu, lấy đối thoại văn hóa làm cánh cửa mở bước ra thế giới. Muốn có đối thoại phải hội tụ 4 yếu tố cơ sở: Sự hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe. Tiếng đàn Thạch Sanh chính là một biểu hiện tuyệt vời của đối thoại văn hóa!

Đặc trưng của con người thời 4.0 mà Thạch Sanh phải giao tiếp là khôn ngoan, trí tuệ, bản lĩnh, nhiều thủ đoạn âm mưu, quay quắt, tráo trở với tuyên ngôn bất thành văn: Không có kẻ thù/bạn bè vĩnh viễn; chỉ có lợi ích [dân tộc/quốc gia] là vĩnh viễn. Đề cao mục đích lợi ích cốt lõi của đất nước lên hàng đầu đến mức có thể hy sinh hình ảnh thể hiện!

Thạch Sanh cần trang bị những gì?

Chưa bao giờ vị thế một quốc gia quan trọng như thời bây giờ. Vì đối thoại là bắt tay nhau. Kẻ cao người thấp thì lệch!

Chỉ khi Thạch Sanh làm phò mã thì quân của mười tám nước chư hầu mới kéo đến gây sự. Thì ra con người chỉ có kẻ thù khi có một vị thế nào đó. Vị thế càng cao càng nhiều kẻ thù. Thuyền to thì sóng cả là như vậy. Nghèo thiên hạ khinh. Giàu thiên hạ ghét. Con người là thế. Đất nước cũng vậy. Trong cổ tích thì Thạch Sanh hóa giải bằng niêu cơm thần. Thạch Sanh ngày nay càng phải thế, càng phải có nhiều niêu cơm thần kinh tế, nhiều thóc, nhiều gạo, nhiều sản vật nông nghiệp, nhiều hàng hóa xuất khẩu... để thiên hạ ăn mãi không hết. Có vậy họ mới bái phục, tâm phục, khẩu phục mà quy hàng.

Phải rèn tay búa, tay cung thiện nghệ hơn. Ngày xưa Thạch Sanh dùng búa chém chằn tinh, dùng cung bắn hạ đại bàng. Ngày nay những chằn tinh, đại bàng của thời đại số thâm độc, biến hóa, mờ ảo, nguy hiểm hơn nhiều. Thế nên công cụ bảo vệ đất nước của Thạch Sanh cũng phải nâng cấp. Hiển nhiên Thạch Sanh phải học thầy học bạn, tự học tự rèn để làm chủ phương tiện khí tài tinh vi... Học vấn thời 4.0 mang tính quyết định. Thuật ngữ kinh tế tri thức chính là khái niệm công cụ cơ bản của thời 4.0. Thạch Sanh xưa vào rừng kiếm củi. Thạch Sanh nay phải ra giữa nhân loại thu nhận tinh hoa trí tuệ của loài người.

Phải cảnh giác cao độ hơn. Không chỉ cảnh giác với những Lý Thông, mà còn phải cảnh giác cả với những oan hồn của chằn tinh, đại bàng, dù đã chết nhưng vẫn âm mưu báo thù. Tiểu nhân gặp thời cũng nguy hiểm không kém kẻ gian hùng ác bá.

Thạch Sanh cứu người nên được người giúp. Thời nay càng thế. Qua nạn dịch Covid-19 toàn cầu vừa qua thế giới hiểu thêm, kính trọng thêm Thạch Sanh Việt Nam đoàn kết, bao dung, nhân ái. Đấy là tài sản tinh thần to lớn làm điểm tựa để vượt mọi thách thức!

Mặt trái thời cách mạng công nghiệp là sự lạnh lùng của kỹ thuật số, của những thao tác rô-bốt chính xác nên càng cần đến sự bay bổng, lãng mạn, sự rung động trước cái đẹp, cái thẩm mỹ nhân văn đậm tính người, tình người. Do vậy càng phải làm giàu có hơn những tâm hồn nghệ sĩ Thạch Sanh để sáng tạo và làm chủ những cung đàn văn học nghệ thuật. Tiếng đàn nay phải hay hơn, thần diệu hơn, đa dạng, tinh tế hơn để cảm hóa nhiều hơn những tấm lòng bè bạn. Tiếng đàn ấy là văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, nói đúng được tiếng lòng Việt Nam, xứng đáng là sứ giả trung thành của Thạch Sanh Việt Nam với thế giới.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Video liên quan

Chủ Đề