Bác sĩ nguyễn kim thiện là ai

Phóng to

Kỹ thuật viên Tạ Ngọc Chấn vận hành hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định - Ảnh: T.T.D.

TT - Một nghịch lý tồn tại hàng chục năm qua là bệnh viện [BV] gia tăng, quy mô giường bệnh được mở rộng, nhưng hệ thống xử lý nước thải thì “vũ như cẩn”. Lãnh đạo các BV đều nhìn nhận việc xả nước thải không đạt chuẩn, nhất là nước thải chưa qua xử lý, ra môi trường tiềm ẩn mối nguy hại khôn lường.

Bài 1:Những “đại lý” phân phối... vi trùng

Nhưng lý giải việc chậm xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, các BV than rằng do vướng víu thủ tục hoặc khó khăn về kinh phí.

Tăng giường, tăng nước thải

Theo lãnh đạo BV Chợ Rẫy, quy mô thiết kế ban đầu của BV này chỉ 800 giường bệnh nhưng hiện nay đã là 1.700 giường. Dự kiến trong tương lai tiếp tục mở rộng lên đến 3.000 giường bệnh nhưng hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa được cải tạo kịp thời. Trong khi đó, BV An Bình mấy năm gần đây đã nâng số giường bệnh từ 500 giường lên khoảng 600 giường, nhưng hệ thống xử lý nước thải bỏ phế từ lâu, không được cải tạo hoặc xây mới.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - giám đốc BV Nhi Đồng 1 - cho biết BV này có hệ thống xử lý nước thải từ năm 1992 với công suất thiết kế thời điểm đó là 400m3/ngày. Cách đây 16 năm, số lượng bệnh nhân nội trú tại BV chỉ 700-800 người/ngày nhưng hiện đã tăng đến 1.200-1.500 bệnh nhân/ngày. Song song với quy mô giường bệnh, nước thải BV cũng tăng lên gấp đôi so với công suất thiết kế trước đó [800m3/ngày].

Hiện nước thải BV được xử lý theo kiểu tập trung vào một bể chứa cho lắng khoảng 15 phút, xong bơm hút lên bể chứa thứ hai. Tại bể chứa thứ hai có hệ thống bơm sục khí để phân hủy vi sinh, tạp chất, xong cho hóa chất [khoảng 150 lít/ngày] để xử lý. Một ngày BV vận hành và xử lý nước thải bốn lần như vậy. Chi phí xử lý nước thải mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng. Hằng tháng BV đều phải tự lấy mẫu gửi ra ngoài xét nghiệm để thẩm định xem nước thải có đảm bảo an toàn khi thải ra ngoài không.

Dù vậy, do lượng thải gấp đôi công suất hệ thống xử lý nên không đảm bảo một số chỉ tiêu. BV vừa bị Sở Tài nguyên - môi trường phạt hơn 10 triệu đồng về vi phạm này.

Vướng thủ tục, hụt kinh phí

Bác sĩ Nguyễn Kim Thiện - phó giám đốc BV cấp cứu Trưng Vương - khẳng định lãnh đạo BV rất quan tâm về vấn đề xử lý nước thải. Tuy nhiên do cơ chế, thủ tục nên việc cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải còn chậm. Vừa qua, BV tự lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng nước thải nhưng kết quả không đạt cả hai chỉ tiêu vi sinh và hóa lý. Bản thân BV thấy nước thải ra môi trường không đạt tiêu chuẩn cũng không chịu nổi và cảm thấy mình có lỗi.

Tháng 1-2008, BV ký hợp đồng với một công ty làm hệ thống xử lý nước thải công suất 450m3/ngày, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 11,6 tỉ đồng. Khi đang thi công thì vật tư lên giá nên cuối tháng 3-2008 bên thi công đòi tăng chi phí xây dựng thêm 178 triệu đồng. Hai bên thương lượng chưa đi đến thống nhất thì nhà thầu bỏ ngang việc thi công công trình. BV mời vào thanh lý hợp đồng họ cũng không đến dù BV đã tạm ứng cho họ 30% kinh phí xây dựng.

Theo bác sĩ Thượng, năm 2007 BV Nhi Đồng 1 bắt đầu lập dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới với công suất thiết kế đón đầu lên đến 1.500m3/ngày, kinh phí dự trù 12 tỉ đồng. Việc lập dự án phải qua rất nhiều khâu, qua các giai đoạn thẩm định công nghệ xử lý, đánh giá tác động môi trường… Nếu xây mới phải có ý kiến của Sở Quy hoạch kiến trúc [xây mới thì phải có quy hoạch tổng thể BV]. Hiện dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải của BV Nhi Đồng 1 vẫn chưa xong vì còn phải điều chỉnh một số chi tiết.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Đình Chanh - giám đốc BV An Bình - cho biết dự án xây mới hệ thống xử lý nước thải công suất 800m3/ngày đêm của BV này đã được xúc tiến từ năm 2004. Lúc đó, Sở Y tế đề nghị BV xin hỗ trợ kinh phí từ chương trình của Hiệp hội Thị trưởng các nước nói tiếng Pháp, nhưng về sau do chờ đợi lâu nên chuyển sang xin đầu tư bằng vốn hỗ trợ của ngân sách TP. Xin được kinh phí thì lại phải điều chỉnh mức đầu tư tăng từ 4 tỉ lên gần 5 tỉ đồng, và mãi đến gần đây mới qua được hết các “cửa” phê duyệt. Hiện BV đang gấp rút triển khai mời thầu để khởi công xây dựng trong năm 2008.

Bệnh viện bị “bắt bí”?

Phóng to
Anh Trương Huệ Sanh, nhân viên vận hành hồ xử lý nước thải Bệnh viện An Bình, Q.5, TP.HCM, cho biết hệ thống máy lọc của hồ nước thải đã bị hư hỏng. Khu vực hầm chứa hệ thống máy bơm giờ đây được dùng làm kho chứa đồ cũ [ảnh chụp ngày 14-10] - Ảnh: Minh Đức
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn dự án cải tạo, xây mới hệ thống xử lý nước thải của các BV được khởi động từ sau cuộc họp ngày 14-8-2006, khi Sở Tài nguyên - môi trường ra thời hạn buộc các BV phải triển khai trước tháng 1-2007. Đồng thời UBND TP cũng đã quyết định dành một khoản kinh phí 60 tỉ đồng hỗ trợ các dự án xử lý nước thải y tế. Theo tính toán của Sở Tài nguyên - môi trường lúc đó, trong hai năm 2006 và 2007 sẽ có 56 hệ thống xử lý nước thải y tế được cải tạo và xây dựng với tổng kinh phí hơn 48 tỉ đồng.

Tuy nhiên, quá trình lập dự án đầu tư của các BV sau đó diễn ra không được như mong muốn. Đến năm 2007, thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng cơ bản liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường được chuyển từ Sở Xây dựng về Sở Tài nguyên - môi trường. Do sự thay đổi này, một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, bổ sung công nghệ xử lý phù hợp và bị ảnh hưởng của biến động giá vật tư, khiến thời gian cho khâu thủ tục bị kéo dài thêm. Theo Sở Y tế, đến nay chỉ có chín dự án được phê duyệt đang chuẩn bị các bước đấu thầu, 11 dự án khác phải điều chỉnh tổng mức đầu tư và ba dự án phải điều chỉnh công nghệ xử lý.

Ngoài chuyện thủ tục, kinh phí, bác sĩ Nguyễn Văn Châu - giám đốc Sở Y tế - cho biết việc nâng cấp, xây mới các dự án xử lý nước thải y tế còn bị các quy định của TP “bắt bí”. Cụ thể, theo tinh thần văn bản 8933/UBND-THKH của UBND TP cuối năm 2007, các cơ sở y tế khu vực trung tâm TP và các quận nội thành không quy hoạch xây dựng mới công trình. Do đó, các BV muốn xây dựng mới, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải phải được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng. “Vừa rồi, Sở Y tế đã kiến nghị UBND TP cho phép tách riêng hạng mục xử lý nước thải để gỡ cái vướng này. Vì dù muốn dù không cũng không thể cắt được lượng nước thải đang xả ra hằng ngày”, ông Châu nói.

Bên cạnh đó, một số BV có quy hoạch “treo” là sẽ di dời nên rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan như trường hợp BV Đa khoa Sài Gòn. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Xuyền, thời gian qua BV chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vì nằm trong diện quy hoạch chung của TP là phải di dời đến địa điểm khác. Cho đến nay, TP đã quy hoạch BV di dời về khu Mả Lạng [góc Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh] nhưng khi nào thì chưa biết.

Đà Nẵng: hơn 50% bệnh viện không xử lý nước thải

Theo thống kê, có đến 57% bệnh viện ở Đà Nẵng không có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.

Tự nhiên thải vào đất

Từ rất nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân của hai phường Hòa Minh và Hòa An [quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng] luôn sống trong cảnh lo sợ bởi nguồn nước ngầm mà họ khai thác phục vụ sinh hoạt hằng ngày có vấn đề. “Hễ cứ khoan giếng lên là nước có lớp váng màu vàng nhờ nhợ, còn mùi vị rất khó ngửi”, ông Mai Mạnh [tổ trưởng tổ 53A, phường Hòa Minh] cho biết. Theo ông Mạnh, khi Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đà Nẵng được di dời lên đây từ giữa năm 2006, người dân vô cùng lo ngại bởi nước thải từ bệnh viện này thải ra và ngấm vào đất, gây ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt.

Theo ông Lê Thành Phúc - phó giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đà Nẵng, hệ thống xử lý nước thải của đơn vị gồm các bể lắng, bể lọc, cống dẫn… đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2007 [bệnh viện này đã hoạt động từ tháng 6-2006 - PV]. Ông Phúc cũng nói: “Việc xét nghiệm, kiểm định chất lượng nước thải của bệnh viện vẫn chưa làm. Từ xưa đến giờ chẳng kiểm định gì cả. Một số nơi cũng đã kiểm định gì đâu”.

Dù sao, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đà Nẵng đã có xây dựng hệ thống xử lý nước thải, còn Bệnh viện Đa khoa Thanh Khê - nơi tiếp nhận điều trị hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày - việc xử lý nước thải được thực hiện một cách đơn giản: cho tự động chảy vào lòng đất. “Lâu nay chẳng ai nghĩ đến việc có bao nhiêu nước thải từ bệnh viện thải vào đất. Mà các bệnh viện tuyến quận, huyện đều như vậy cả”, một lãnh đạo bệnh viện này nói.

Bệnh viện C [Bộ Y tế] là một bệnh viện lớn với quy mô trên 500 giường bệnh. Qua khảo sát mới đây cho thấy nước thải của bệnh viện này không đạt trước khi xả ra môi trường, dù đã qua khâu xử lý trước đó. Theo ông Lê Văn Từ - trưởng phòng vật tư - thiết bị y tế [Bệnh viện C]: toàn bộ các chất ô nhiễm như BOD, COD, TSS, N, P và coliform đều vượt ngưỡng cho phép, trong đó coliform vượt 13,2 lần. Nguyên nhân, theo ông Từ, do hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện này đã xuống cấp, hư hỏng từ lâu.

Xây bệnh viện theo quy trình ngược

Theo thống kê của Sở Y tế Đà Nẵng, toàn bộ bệnh viện trên địa bàn xả ra môi trường ước tính không dưới 4.000m3 nước thải mỗi ngày. Thế nhưng chỉ 9/21 bệnh viện là có xây dựng hệ thống xử lý nước thải, điều đáng bàn hơn là có 4/9 hệ thống xử lý nước thải không được kiểm tra, giám sát định kỳ mẫu nước thải. Để giải quyết vấn nạn này, Sở Y tế Đà Nẵng đã yêu cầu các bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải phải tiến hành hút hầm vệ sinh [hầm chứa nước thải bệnh viện] theo định kỳ hai năm/lần.

Phòng nghiệp vụ y [Sở Y tế Đà Nẵng] cho biết ngoài số bệnh viện, TP Đà Nẵng còn 56 trạm y tế cấp phường, xã và gần 700 cơ sở y tế tư nhân, tất cả cơ sở này đều xả thẳng nước thải ra cống thoát nước công cộng.

Một nghịch lý đã và đang xảy ra tại Đà Nẵng là quy trình ngược trong việc xây dựng bệnh viện, trạm y tế. Một cán bộ Sở Y tế Đà Nẵng nói: “Nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng chỉ chú ý xây dựng các khu điều trị, còn hệ thống xử lý nước thải, rác thải thì xây sau, thậm chí không quan tâm. Đơn cử như Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đà Nẵng, các khu đơn nguyên điều trị đã hoàn tất nhưng hệ thống xử lý nước thải rất chậm, mãi sau này mới xong nhưng cũng chưa kiểm định chất lượng. Ở nước ngoài người ta thường làm ngược lại”.

Đ.Nam - Đ.Cường

[còn tiếp]

TH.HÀ - N.TRIỀU - V.HƯƠNG

Video liên quan

Chủ Đề