Ảo game là gì

05[72]2012

Mục lục

  • 1.Đặt vấn đề
  • 2.Tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến
  • 3.Hành lang pháp lý đối với tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến
  • 4.Kiến nghị
  • 5.Kết luận
  • 6.Tài liệu tham khảo

Một số vấn đề pháp lý của tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến thực tiễn và kiến nghị

NGUYỄN THANH THƯ, NGUYỄN NHẬT THANH

05[72]2012 - 2012, Trang 27-33

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share
    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

không có


ABSTRACT:

No

TỪ KHÓA: không có,
KEYWORDS: no,
Trích dẫn:
×
NGUYỄN THANH THƯ, NGUYỄN NHẬT THANH, Một số vấn đề pháp lý của tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến thực tiễn và kiến nghị, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 05[72]2012, Trang 27-33

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=530d0428-80ba-4bd1-9ab1-bc78e2d5124e

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký
Bài viết đã được lưu vài tài khoản.
×
Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Đặt vấn đề

Trò chơi trực tuyến [hoặc còn gọi là MMOG - Massively Multiplayer Online Games] ra đời khi có sự phát triển của internet. Trò chơi trực tuyến là một trò chơi trực tuyến có sức cuốn hút rất lớn đối với người chơi game [gọi là gamer hay game thủ]. Trò chơi trực tuyến nổi bật bởi một xã hội ảo sống động và không kém gì so với thế giới thực, với sự tham gia của rất nhiều người chơi game. Trò chơi trực tuyến bao gồm trò chơi trực tuyến nhập vai [MMORPG Massively Multiplayer Online Role-Playing Games] và trò chơi trực tuyến thông thường [Casual Games]. Đặc biệt, hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin trò chơi trực tuyến còn giúp người chơi game hòa mình vào thế giới của game, cùng sống trong thế giới ấy và hiện thân vào những nhân vật trong thế giới game. Trong thế giới game cũng giống như thế giới của con người cũng có những tài sản - mà chúng ta còn gọi là tài sản ảo. Người chơi game muốn sở hữu được những tài sản ảo thì cần phải có công sức tìm kiếm có thể là bằng trình độ của họ hoặc thông qua giao dịch với người chơi game khác để mua lại tài sản ảo. Hiện nay trong thế giới trò chơi trực tuyến thì hầu hết các trò chơi đều có tài sản ảo. Những giao dịch giữa những người chơi game về tài sản ảo diễn ra liên tục.

Hiện tại theo quy định pháp luật Việt Nam, chúng ta có Nghị định 97/2008/NĐCP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Thông tư liên tịch số 60/2006/ TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01 tháng 6 năm 2006 về quản lý trò chơi trực tuyến [Online Games] quy định cụ thể về trò chơi trực tuyếns và cụ thể là về vấn đề tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên trong các văn bản này không công nhận tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến là tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 [sau đây viết tắt là BLDS]. Sắp tới chúng ta sẽ có Nghị định mới ra đời sửa đổi, bổ sung Nghị định 97/2008/NĐ-CP để giải quyết những vấn đề về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, liệu rằng Nghị định mới sắp tới sẽ nhìn nhận tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến như thế nào? Tuy nhiên trước khi Nghị định này được ra đời chúng tôi có một số ý kiến sau về vấn đề tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến.


2.Tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến

Tài sản ảo, đây là khái niệm chưa được thống nhất về cách hiểu. Có cách hiểu tài sản ảo là những tài nguyên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự [1]. Có quan điểm không đề cập cụ thể về vấn đề tài sản ảo mà nêu lên một số đặc điểm của tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến [2]. Có quan điểm đề cập đến phạm vi ngoại diên của khái niệm. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, tài sản ảo bao gồm tên miền, địa chỉ email, các đối tượng ảo trong thế giới ảo... Hiểu theo nghĩa hẹp, tài sản ảo là các đối tượng trong thế giới ảo, chẳng hạn như những vật phẩm trong trò chơi trực tuyến [3]

Trong phạm vi bài viết tác giả đi phân tích cụ thể vào tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến. Tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến tức là những vật phẩm mà người chơi có được hoặc là tiền ảo. Cụ thể như sau, người chơi trò chơi trực tuyến muốn được tham gia các trò chơi trực tuyến phải đăng ký một tài khoản [bao gồm: tên tài khoản, mật khẩu, email, thông tin cá nhân] với nhà phát hành trò chơi trực tuyến. Từ tài khoản này người chơi game sẽ tham gia các trò chơi trực tuyến do nhà phát hành cung cấp. Trong quá trình chơi một loại game, thông thường sẽ có hai loại tài sản ảo có giá trị với người chơi game là đồ vật ảo trong game và tiền ảo.

Đồ vật ảo thực chất là những loại vật phẩm, tiền của trò chơi trực tuyến mà người chơi game có thể tự tìm kiếm trong quá trình chơi game hoặc có những đồ vật mà những người chơi game phải mua lại từ nhà cung cấp hoặc mua lại từ những người chơi game khác. Mặc dù người chơi game có thể tự kiếm được những vật phẩm, tiền của trò chơi trực tuyến trong quá trình chơi game nhưng tùy thuộc vào trình độ cũng như công sức, thời gian, sự may mắn của mỗi người mà đồ vật ảo kiếm được có giá trị khác nhau. Những người không có thời gian chơi hoặc chơi kém hơn thường mua lại của những người chơi giỏi hơn. Tùy vào từng thời điểm cũng như độ hiếm của vật phẩm mà giá trị của đồ vật ảo là rất khác nhau. Ví dụ: 1 con tuấn mã Phiên Vũ [trong trò chơi trực tuyến Võ Lâm Truyền Kỳ do Vinagame phát hành] vào năm 2008 được giao dịch trên thị trường có giá trị khoảng 45 triệu đồng, 1000 viên long châu cấp 12 [trong trò chơi trực tuyến Thế giới hoàn mỹ cùa nhà phát hành Quang Minh DEC và DECO] vào năm 2008 được giao dịch trên thị trường có trị giá hơn 151 triệu đồng Theo ý kiến của đa phần người chơi game thì giá trị của các tài sản ảo được tạo nên từ những yếu tố như công sức của người chơi, tính ổn định, phổ biến của game và sự quý hiếm của món đồ. Trong đó, công sức của người chơi được tính bằng chi phí thời gian và tiền bạc bỏ ra để có được một nhân vật có cấp độ cao, lên điểm [phân phối các chỉ số tiềm năng], tiền trả cho cửa hàng Internet, trả cho nhà cung cấp game là tiền thật [4]. Với xu hướng kinh doanh và phát triển trò chơi trực tuyến thì các nhà phát hành trò chơi trực tuyến thường tung ra các loại vật phẩm mới với cấp độ và công dụng cao hơn rất nhiều so với những vật phẩm cũ nên từ đó làm cho giá của những vật phẩm cũ này nhanh chóng bị hạ xuống một cách nhanh chóng trong một thời gian rất ngắn. Ví dụ: Vào thời điểm ban đầu khi trò chơi trực tuyến Fifaonline 2 được phát hành bởi nhà phát hành VTC thì giá của những thẻ uniform +1 [thường] cầu thủ C. Ronaldo vào khoảng 600.000 Lp [tiền ảo trong Game] tương đương khoảng 30.000 đồng. Sau đó nhà phát hành tiếp tục cho ra đời cầu thủ World cup với chỉ số cao hơn rất nhiều so với cầu thủ thường thì giá của thẻ uniform +1 [thường] cầu thủ C. Ronaldo chỉ vào khoảng 100.000 Lp tương đương với khoảng 5.000 đồng Tiền ảo là loại tiền người chơi game không tự kiếm được mà phải thông qua việc mua từ nhà phát hành game những thẻ chơi game và từ đó quy đổi ra tiền ảo [Ví dụ: nhà phát hành Vinagame đưa ra loại tiền ảo là zing xu [1 zing xu = 100 đồng], nhà phát hành VTC đưa ra loại tiền ảo là vcoin [1 vcoin = 100 đồng]. Các loại game trực truyến khác nhau nhưng có cùng chung một nhà phát hành thì sử dụng chung một loại tiền ảo trong cùng một tài khoản. Mặc dù là tiền ảo và không thể dùng nó để đổi lại tiền thật với nhà phát hành trò chơi trực tuyến nhưng để có được nó thông thường người chơi game phải dùng tiền thật để mua [một số có thể do nhà phát hành thưởng trong các sự kiện của game], và một số nhà phát còn cho phép người chơi game sử dụng tiền ảo để mua món hàng thật [điện thoại, máy ảnh] thông qua việc mua hàng trực tuyến. Đặc điểm của loại tiền ảo này là giá trị của nó tương đối ổn định theo thời gian, thông thường không có sự thay đổi về giá trị của những loại tiền ảo này vì nhà phát hành coi đây là một loại tiền chung có thể giao dịch trên bất kỳ loại online game nào do mình phát hành.


[1] Xem: Trần Lê Hồng, Tài sản ảo Từ nhận thức đến bảo hộ, Tạp chí Luật học số 07/2007.

[2] Xem: Nguyễn Thị Thu Vân, Từ tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến suy nghĩ về quyền sở hữu trong Bộ luật dân sự Kinh nghiệm quốc tế và hướng tiếp cận của pháp luật Việt Nam, Hội thảo của Bộ Tư pháp, tổ chức ngày 25/4/2007.

[3] Xem: Hoàng Ly, Bảo hộ quyền sở hữu tài sản ảo: khái niệm tài sản ngày càng mở rộng, //www. thanhnien.com.vn/news/pages/200609/140905.aspx, cập nhật ngày 5/3/2006.

[4] Xem: Nguyễn Hằng-Hưng Hải, Buôn tài sản ảo là vấn đề sống còn của game online, http://vnexpress. net/gl/vi-tinh/giai-tri/2006/01/3b9e5cbb/, cập nhật ngày 9/1/2006.


3. Hành lang pháp lý đối với tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến

Hiện nay đã có rất nhiều tranh luận về vấn đề thừa nhận hay không thừa nhận tài sản ảo là một loại tài sản theo quy định của pháp luật [5].

Quy định tại Điều 163 BLDS về tài sản chỉ bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến là loại tài sản nào trong bốn loại tài sản mà BLDS đã liệt kê.

Thứ nhất, tài sản ảo không phải là vật vì tài sản ảo không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để có thể xem là vật. Điều kiện để được xem là vật thì tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến phải đảm bảo cho con người phải có khả năng chiếm hữu, kiểm soát được vật đó. Nhưng đối với tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến thì người chơi game không thể chiếm hữu, kiểm soát được vật đó mà người có thể chiếm hữu được tài sản ảo đó cũng như quyết định số phận thực tế của nó lại là nhà cung cấp game. Nhà cung cấp game khi họ ngừng cung cấp dịch vụ game vì một số lý do nhất định nào đó thì cũng đồng thời với việc những tài sản trong game không còn nữa. Ngoài ra, tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến có mang lại lợi ích cho con người hay không? Điều này cũng khó trả lời. Xét về khía cạnh nào đó, trò chơi trực tuyến là một trò chơi trực tuyến nên nó là một công cụ để giải trí. Tuy nhiên, tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến chỉ là tài sản ảo phục vụ trực tiếp cho nhân vật trong game trong việc lên đẳng cấp hay chiến thắng Có những người chơi game họ được lợi trong việc chuyển dịch tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến nhưng đó có phải là giao dịch được pháp luật bảo vệ, đây là vấn đề chúng ta đang bàn luận. Do vậy, lợi ích trực tiếp của tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến cho người chơi game thì khó xác định.

Thứ hai, tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến chắc chắn cũng không phải là tiền hay là các giấy tờ có giá.

Thứ ba, tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến càng không phải là một loại tài sản thể hiện dưới dạng quyền tài sản. Tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến là những vật phẩm cụ thể trong games hoặc là tiền trong thế giới game, chứ không phải là một dạng quyền tài sản theo quy định pháp luật [6]. Bởi lẽ để được xem là quyền tài sản thì trước tiên đây phải là một xử sự được phép của chủ thể mang quyền. Quyền ở đây chính là một quyền năng dân sự chủ quan của chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền này phải trị giá được thành tiền hay nói cách khác là phải tương đương với một đại lượng tiền tệ nhất định. Và cuối cùng quyền tài sản là đối tượng trong các giao dịch dân sự [7].

Như vậy nếu chiếu theo quy định của BLDS thì tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến không được xem là tài sản và không được pháp luật bảo hộ.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Thông tư 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA Thông tư liên tịch ngày 1/6/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến có đề cập Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến không được khởi tạo các tài sản có giá trị trong trò chơi với mục đích kinh doanh thu lợi và không được sửa đổi thông tin về tài sản, giá trị của người chơi. Như vậy theo quy định tại Thông tư 60/2006 mặc dù không nói rõ trực tiếp là không thừa nhận tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến nhưng lại có quy định đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ cho các nhà cung cấp game không được khởi tạo các tài sản có mục đích kinh doanh, thu lợi nhuận.

Sắp tới sẽ có Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng để thay thế Nghị định 97/2008/NĐCP. Trong Nghị định mới này điều đang được cộng đồng mạng cũng như trong thế giới người chơi game và các nhà cung cấp game hết sức quan tâm là vấn đề quản lý trò chơi trực tuyến như thế nào. Theo dự thảo lần 3 của Nghị định này thì doanh nghiệp được phép khởi tạo vật phẩm ảo theo đúng nội dung trong trò chơi do mình phát hành và người chơi được dùng điểm thưởng hoặc giá trị trong tài khoản trò chơi của mình để đổi lấy vật phẩm ảo do doanh nghiệp phát hành trò chơi khởi tạo. Tuy nhiên, việc kinh doanh vật phẩm ảo này chỉ được diễn ra trong trò chơi trực tuyến và nó vẫn không được công nhận là tài sản và không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào. Như vậy nếu Nghị định mới ra đời theo hướng này thì hiện tại chúng ta vẫn không công nhận và bảo hộ tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm mới đáng mừng cho những người chơi game vì khi họ tiến hành những giao dịch trong game sẽ được pháp luật bảo vệ.

Trên thế giới về vấn đề tài sản ảo cũng đang là vấn đề để mở, đặc biệt là đối với những quốc gia có ngành dịch vụ game phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc...[8] Đến nay, hầu như chưa có quốc gia nào chính thức thừa nhận và có sự bảo hộ rõ ràng về tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến [9] mà chỉ là những văn bản quy định một cách gián tiếp hoặc tùy vào từng trường hợp để bảo vệ tài sản ảo đó. Chẳng hạn như trong Công văn 039030 ngày 23.11.2003 của Bộ Tư pháp Đài Loan hướng dẫn thi hành Luật về bảo vệ các bản ghi điện tử quy định sản phẩm ảo trong trò chơi trực tuyến là tài sản, có thể chuyển giao, ăn cắp sản phẩm ảo là ăn cắp tài sản và bị xét xử theo Luật Hình sự. Ở Hàn Quốc cũng có Luật Phát triển và bảo vệ viễn thông, quy định về hành vi ăn cắp tài sản ảo [10]. Và như thế tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến ở Hàn Quốc chia thành hai loại. Loại thứ nhất do người chơi thu lượm được trong quá trình đi luyện game thì nó thuộc quyền sở hữu của nhà phát hành nên không được bảo hộ. Loại thứ hai là do người chơi bỏ tiền mua thẻ nạp vào để mua các vật phẩm trong game, cái này thuộc quyền sở hữu của người sử dụng và khi gặp sự cố sẽ được bồi thường.


[5] Xem thêm: Thụy Anh, Tài sản ảo và phương án không hành động, Tạp chí thế giới vi tính, Hội nghị bàn tròn về tài sản ảo do Bộ tư pháp và Dự án về Chính sách internet toàn cầu tại Việt Nam [GiPi Việt Nam] tổ chức sáng 25/4/2006, tại Hà Nội, //www.pcworld.com.vn/pcworld/printArticle. asp?arid=2357 cập nhật ngày 25/6/2012 Có quan điểm cho rằng tài sản ảo có những đặc tính của tài sản như: có thể chiếm hữu; là kết quả của sự đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc; có thể định giá bằng tiền; có thể chuyển giao được theo thoả thuận. Vì vậy, cần xem là một dạng tài sản và pháp luật cần công nhận quyền sở hữu. Ngược lại, có quan điểm cho rằng đây không phải là tài sản. Tài sản ảo có hình ảnh, không tồn tại trong thế giới thực, và không thuộc sở hữu của người bán [game thủ]. Trong ba thuộc tính của quyền tài sản là quyền chiếm hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng, thì người chơi không có quyền chiếm hữu, không có quyền định đoạt.

[6] Theo quy định tại Điều 181 BLDS năm 2005 quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ

[7] Xem Các loại tài sản trong Luật dân sự Việt Nam, Nguyễn Minh Oanh, Tạp chí Luật học số 1/2009.

[8] Nguyễn Thị Thu Vân, Từ tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến suy nghĩ về quyền sở hữu trong Bộ luật dân sự Kinh nghiệm quốc tế và hướng tiếp cận của pháp luật Việt Nam, Hội thảo của Bộ tư pháp tổ chức ngày 25/4/2007.

[9] Trần Lê Hồng, Tài sản ảo Từ nhận thức đến bảo hộ, Tạp chí Luật học số 07/2007.

[10] Tố Tâm, Quản lý trò chơi trực tuyến vẫn còn chưa ổn,

//www.sotttt.soctrang.gov.vn/Chuy%C3%AAnm%E1%BB%A5c/Chuy%C3%AAnm%E1%BB%A5cThanhtra/tabid/71/ArticleID/95/View/Detail/Default.aspx

cập nhật ngày 24/02/2009.


4. Kiến nghị

Đối với một số người chơi game tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến, chỉ là tài sản trong thế giới game, họ chơi khi rảnh rỗi và kiếm những vật phẩm để phục vụ cho việc năng cấp trình độ của họ. Nhưng đối với đa số người chơi game những tài sản ảo chính là tài sản thật của họ. Họ dành thời gian, công sức, tiền bạc của mình để có được những tài sản ảo trong game. Một số người chơi game thì có thể xem đó là một nghề nghiệp thật sự. Họ chơi các trò chơi trực tuyến để kiếm các đồ vật ảo sau đó bán lại cho những người khác ít có thời gian chơi hơn hoặc chơi kém hơn. Trên thực tế, giá trị của những tài sản trong game được cộng đồng những người chơi game thừa nhận. Cho dù pháp luật chưa có những quy định rõ ràng, thậm chí một số nhà cung cấp vẫn tuyên bố cấm việc mua bán bằng tiền mặt, nhưng vì bản thân là một loại tài sản nên những đồ vật trong trò chơi trực tuyến vẫn được người ta trao đổi, mua bán. Ở Mỹ và trên thế giới có một trò chơi online game dạng nhập vai rất thịnh hành đó chính là Second Life. Đúng với tên thể hiện của trò chơi, đây là một thế giới không khác gì so với thế giới thật. Các nhân vật trong game có những cuộc sống rất giống cuộc sống ngoài đời thực, chỉ khác ở việc là họ có thể lựa chọn họ là ai, họ sống như thế nào... Khi tham gia vào trò chơi những người này bằng tài năng của mình có thể sáng tạo ra vật phẩm để bán cho những người chơi khác có nhu cầu mua, thậm chí có người trở thành triệu phú ở ngoài đời thực nhờ vào việc kinh doanh đất đai trong Second Life. Có những tên tuổi nổi tiếng ở ngoài đời thực tham gia hoạt động kinh doanh trong trò chơi, như trường đại học Harvard, hãng thời trang nổi tiếng thế giới American Apparel và tập đoàn truyền thông khổng lồ CNet.com, các công ty và tập đoàn có tiếng của nền kinh tế thế giới như Cisco Systems, Dell, Sony, Reuters [hãng tin], Sun MicroSystems, Pontiac [bán xe hơi], Circuit City [bán hàng điện tử tiêu dùng trực tuyến], IDG Denmark, Sears... Game này cho phép người chơi game nạp tiền để quy đổi thành tiền trong game khi họ muốn chơi game, cũng như ngược lại nếu họ có số tiền lớn trong game họ muốn rút số tiền này ra thì game vẫn cho phép. Khi đó, Chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu họ phải đóng thuế thu nhập với khoản tiền.

Ở Việt Nam hiện nay đã có hai công ty cung cấp game là FPT Telecom và VASC tuyên bố thừa nhận quyền mua bán, trao đổi tài sản trong game. Như vậy với sự thừa nhận của nhà cung cấp game thì những người chơi game khi trao đổi tài sản không còn thông qua những chợ đen nữa mà có thể thông qua những trung tâm giao dịch. Lúc này những giao dịch của họ sẽ được thừa nhận và quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Trên thực tế mặc dù các văn bản pháp luật chưa hề thừa nhận loại tài sản này. Nhưng, trong thực tiễn xét xử hiện nay Tòa án đã bắt đầu thừa nhận tài sản ảo là một loại tài sản theo quy định của pháp luật và được bảo vệ.

Ví dụ: Vào năm 2010 Tòa án nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt 9 tháng 5 ngày tù đối với Lê Quý Hải [SN 1983, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội], nhân viên chăm sóc khách hàng và game Master của Công ty Quang Minh - đơn vị phát hành trò chơi trực tuyến Thế giới hoàn mỹ về tội trộm cắp tài sản. Theo đó, Hải đã truy cập vào máy chủ của công ty, mở khóa tài khoản Ehack11, thay đổi địa chỉ email nhằm giành quyền quản lý tài khoản. Sau đó Hải chuyển 1.000 viên Long châu cấp 12 sang nhân vật tomix của tài khoản Tomax92 do mình sở hữu. Sau khi có số vật phẩm này, Hải đã dùng 144 viên Long châu cấp 12 để nâng cấp 12 món đồ lên cấp 12 rồi rao bán trên trò chơi Thế giới hoàn mỹ. Vụ việc bị phát giác, Hải thừa nhận việc chôm gọn số 1.000 viên Long châu cấp 12 trị giá hơn 151 triệu đồng. Hải đã bán cho Hoàng Mạnh Hùng 444 viên, Nguyễn Đức Chính 156 viên. Tổng số viên Long châu cấp 12 đã bán là 600 viên, được 91 triệu đồng. Còn lại 400 viên, công ty phát hiện ra Hải đã trộm cắp nên thu hồi và xóa bỏ nên công ty không yêu cầu bồi thường. Theo ước tính của Công ty Quang Minh DC vụ việc này đã gây thiệt hại hơn 2,7 tỷ đồng nhưng vì tài sản này là ảo, đơn vị cung cấp đã chấp nhận số tiền khắc phục hậu quả của gia đình Hải là 91 triệu đồng. Với nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, khó xác định hậu quả rõ ràng, bị cáo đã tự nguyện khắc phục thiệt hại bằng đúng số tiền thu lợi, Tòa án đã dành cho Lê Quý Hải mức phạt bằng đúng số ngày bị cáo bị tạm giam là 9 tháng 5 ngày tù. Siêu trộm được trả ngay khi kết thúc phiên tòa.

Như vậy, hiện nay không chỉ riêng cộng đồng những người chơi game thừa nhận giá trị của các loại tài sản ảo mà ngay cả một số nhà cung cấp game, Tòa án cũng đã bắt đầu xem xét loại tài sản này dưới góc độ pháp lý là một loại tài sản. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải xây dựng một quy chế pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến. Việc xây dựng quy chế pháp lý cho tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến theo tác giả cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần quy định trách nhiệm của nhà phát hành trò chơi trực tuyến đối với những tài sản ảo do mình phát hành ra. Hiện nay thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTTBBCVT-BCA ngày 01 tháng 6 năm 2006 về quản lý trò chơi trực tuyến [Online Games] đã quy định về việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải áp dụng các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sử dụng dịch vụ và giải quyết tranh chấp giữa những người sử dụng dịch vụ; chịu trách nhiệm trước người sử dụng dịch vụ về chất lượng dịch vụ, an toàn an ninh thông tin, cước phí. Hiện nay, một số nhà phát hành cũng đã yêu cầu người chơi game đăng ký xác nhận thông tin cá nhân đối với tài khoản chơi trò chơi trực tuyến của mình [đăng ký chứng minh nhân dân, số điện thoại] và khi tài khoản của người chơi game bị người khác chiếm hữu trái pháp luật thì người chơi game có thể yêu cầu nhà phát hành thu hồi và hoàn trả tài sản cho người chơi game khi người chơi game xuất trình được các giấy tờ chứng minh quyền của mình đối với tài khoản đã đăng ký với nhà phát hành. Tuy nhiên, nhà phát hành chỉ thu hồi và trả lại quyền chiếm hữu và sử dụng đối với tài khoản đó còn các vật phẩm, tài sản ảo của người chơi trò chơi trực tuyến trong từng trò chơi trực tuyến bị người chiếm hữu trái pháp luật xâm phạm [chuyển dịch, hủy bỏ] lại không được nhà phát hành hoàn trả. Do không có quy định cụ thể nào của pháp luật nên trách nhiệm của nhà phát hành đối với tài sản ảo của người chơi trò chơi trực tuyến khi tài sản này bị người khác chiếm hữu trái pháp luật lại chủ yếu do chính nhà phát hành tự quy định, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người chơi game. Theo tác giả cần quy định trách nhiệm thu hồi, khôi phục, hoàn trả lại những tài sản ảo do mình phát hành cho chủ sở hữu tài sản khi có cơ sở để xác định rằng chủ sở hữu đã tài sản ảo đã bị người khác chiếm hữu trái pháp luật [cơ sở này có thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc nhà phát hành bằng các nghiệp vụ của mình tự xác định].

Thứ hai, các nhà làm luật nên mạnh dạn cho các doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến có quyền tạo ra những tài sản ảo và kinh doanh những tài sản ảo đó. Thiết nghĩ quy định như vậy sẽ thiết thực hơn khi trong Thông tư 60/2006 các nhà làm luật cấm các doanh nghiệp kinh doanh những loại tài sản ảo này. Tuy nhiên trên thực tế các nhà kinh doanh trò chơi trực tuyến vẫn tiến hành tạo ra những loại tài sản ảo và bán cho người chơi game thu lợi nhuận. Bởi vì nếu họ không tạo những tài sản ảo để kinh doanh thì họ không thể tạo ra lợi nhuận vì trừ một số game có thu phí ra, việc chơi game của những người chơi game là không mất phí. Và như vậy những nhà cung cấp game không thể nào trụ nổi trong môi trường kinh doanh mà không có lợi nhuận. Tuy nhiên, để đảm bảo cho quyền lợi của những người chơi game, tránh tình trạng áp đặt của nhà cung cấp game về giá trị tài sản, về sự thay đổi tài sản, về sự độc quyền các nhà làm luật nên theo hướng cho các nhà cung cấp game làm nhưng việc cho đó phải hạn chế.

Thứ ba, hiện nay việc quản lý các giao dịch liên quan đến tài sản ảo còn khá mới mẻ đối với chúng ta nhất là khi quy chế pháp lý về tài sản ảo còn chưa được định hướng một cách rõ ràng, những giao dịch tự do trên mạng thông tin trực tuyến cũng rất khó quản lý và chứng minh khi có hành vi trái pháp luật. Tác giả đề xuất pháp luật nên có quy định buộc các nhà phát hành phải có những trung tâm chăm sóc khách hàng mà ở đó những người sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến có thể giao dịch những tài sản ảo có giá trị với nhau, nhà phát hành bằng các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật sẽ là người trung gian đảm bảo cho việc giao dịch này và có thể thu những khoản lệ phí cho việc đứng ra làm trung gian. Cách này có thể vừa đảm bảo tính an toàn cho người tham giao dịch vừa đảm bảo lợi ích cho nhà phát hành khi đứng ra làm trung gian bảo đảm cho việc thực hiện giao dịch.

Thứ tư, cần quy định quy chế định giá tài sản ảo một cách rõ ràng, thiết thực. Việc định giá tài sản ảo hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn vì giá trị tài sản ảo gần như là do người chơi trò chơi trực tuyến tự định giá với nhau từ đó mới tiến hành các giao dịch.

Ví dụ: Trở lại với vụ việc trộm 1000 viên Long châu cấp 12 của Lê Quý Hải. Hải đã bán được 600 viên, thu về 91 triệu đồng. Tuy nhiên, theo đơn trình báo của đại diện phía bị hại thì chỉ tính 878 viên long châu cấp 12 bị trộm có giá hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, theo cách tính của nhà phát hành, để ép thành công viên long châu cấp 12 này, game thủ phải tiêu tốn khoảng 4.645 viên long châu cấp 1, mà mỗi viên long châu cấp 1 được bán chính thức với giá 1000 đồng/viên. Cũng chính vì thế mà nhà phát hành Quang Minh DEC đã đòi bị cáo phải bồi thường một số tiền lên đến 2,7 tỷ đồng. Tại Văn bản số 4805 ngày 16-10-2009 của HĐĐGTS TP Hà Nội kết luận: Đây là loại hình tài sản mới [tài sản ảo] không có giá trị thực tế; các văn bản quy phạm pháp luật chưa đề cập đến vấn đề quản lý giá của loại tài sản này; lời khai của bị can không đủ.

Như vậy, có thể thấy hiện nay cơ chế để định giá tài sản ảo còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị của tài sản ảo không ổn định mà luôn biến động liên tục theo thời gian và thông thường theo xu hướng ngày càng giảm giá trị. Không những thế việc giảm giá trị đối với tài sản ảo thường là rất lớn và trong một thời gian ngắn. Tác giả đề xuất nên xây dựng một cơ chế để định giá tài sản ảo một cách chính xác trên nguyên tắc xác định giá trị tài sản ảo bị thiệt hại là giá trị tại thời điểm xảy ra hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản ảo của chủ sở hữu, từ đó mới có thể bảo vệ tốt quyền lợi của người sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến. Trong việc định giá này phải có sự tham gia của đại diện nhà phát hành loại trò chơi trực tuyến đó để đảm bảo tính chính xác về mặt giá trị trong quá trình định giá, vì nhà phát hành có đầy đủ thông tin, cơ sở để xác định giá trị tài sản do mình phát hành ở từng thời điểm cụ thể, ngoại trừ trường hợp nhà phát hành là một bên trong tranh chấp hoặc là chủ thể có quyền và lợi ích liên quan.

Thứ năm, cần quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu pháp luật bảo về quyền sở hữu đối với tài sản ảo khi có hành vi xâm phạm là ngắn hơn so với quy định 2 năm của Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004. Với trò chơi trực tuyến thì có những trò chơi trực tuyến có hàng trăm ngàn người chơi với hàng triệu tương tác mỗi ngày, vì thế việc yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến phải ghi nhận và xử lý mọi vấn đề trong một thời gian dài là điều không thể với trình độ kỹ thuật hiện nay. Chúng tôi đề xuất khoảng thời hiệu để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích bị xâm phạm liên quan đến tài sản ảo là 6 tháng kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm.

Thứ sáu, pháp luật nên có thêm những quy định chặt chẽ hơn đối với nhà cung cấp để đảm bảo bảo vệ những tài sản ảo tránh những rủi ro. Chẳng hạn, những nhà kinh doanh trò chơi trực tuyến nên có sự công khai thông tin về thời gian mua bản quyền trò chơi từ đối tác nước ngoài cho người chơi game biết để họ tự bảo vệ tài sản của họ. Các nhà cung cấp không được ngừng cung cấp dịch vụ giữa chừng khi chưa đến thời hạn mà họ đã thông báo, trừ sự kiện bất khả kháng.


5. Kết luận

Giao dịch liên quan đến tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra rất sôi động và thu hút rất nhiều người tham gia. Một khi đây là nhu cầu trong xã hội thì không thể không thừa nhận và điều chỉnh nó, nhưng thừa nhận và điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với xã hội cũng như đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch là vấn đề cần phải bàn luận. Do vậy, thiết nghĩ các nhà làm luật nên quan tâm và sớm ban hành những văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề này và nên thừa nhận tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề