Ảnh hưởng về sức khỏe khi học online

Sức khỏe tinh thần cho trẻ em đang bị ảnh hưởng rất nhiều và điều đặc biệt cần sự quan tâm trong bối cảnh học online đang kéo dài như hiện nay. Tiếc rằng điều đó đang bị chìm lấp đi giữa việc chạy đua trang bị kiến thức cho con.

Gia tăng cảm xúc tiêu cực, mất kết nối gia đình

TOMATO ghi nhận được nhiều chia sẻ từ phụ huynh có bé ở độ tuổi tiểu học như: “Lịch học online chính khoá dày, cả ngày con chỉ đối diện với máy tính, không trải nghiệm thực tế. Học xong con mệt nhừ, chỉ trả lời ba mẹ qua loa, có động viên con vận động như thế nào cũng không được”, “Có hôm con ỉu xìu ngồi vào bàn học nài nỉ: “Không học nữa được không ạ? Con chán quá". Rất nhiều phụ huynh lo lắng khi con bắt đầu xuất hiện các vấn đề bất ổn như: Thay đổi nền nếp sinh hoạt, ăn không ngon, khó ngủ, ngại giao tiếp, lười vận động... Nhiều em có những biểu hiện đáng lo hơn như có hành vi chống đối, học đối phó, không tập trung khi học trực tuyến. Lâu dần những biểu hiện lo lắng, căng thẳng ấy khiến trẻ có hành vi mất kiểm soát, nóng nảy, cáu kỉnh.

Sự căng thẳng tâm lý có thể đã bắt rễ trong các con từ những khó khăn trải qua khoảng thời gian dài trước đó như: gặp khó khăn khi thay đổi hình thức học tập, căng thẳng khi học qua máy tính lâu nhưng lại không được vận động và đi ra ngoài hoặc mâu thuẫn, va chạm đã xảy ra trong gia đình vì những xáo trộn do dịch bệnh gây ra.  

Ngoài giờ học chính khoá, ba mẹ cần lưu ý sức khỏe của con, tương tác xã hội, các hoạt động mang tính giải trí. “Giáo dục đứa trẻ đâu phải là đổ, rót cho đầy kiến thức mà thôi. Các con cần hoạt động khác, vui chơi, sự tương tác, nhiều khi mang lại tinh thần tốt hơn, mang lại điểm số tốt hơn khi con học thêm" - Chị Nguyễn Thúy Uyên Phương, nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại Đại học Illinois [Mỹ] chia sẻ trên trang Tuổi trẻ.

Đặc biệt là với các em vào lớp 1, cuộc “di dân” lên thế giới online cũng gây ra không ít những xáo trộn về mặt tâm lý. Các con cũng có những bối rối, lo lắng, căng thẳng vì quá nhiều sự thay đổi cùng một lúc: Môi trường mới, thầy cô mới, những yêu cầu học tập mới… Để thích ứng với sự thay đổi ấy, trẻ cần được trang bị những công cụ và kỹ năng giúp con tự tin học tập.

Làm cách nào để trẻ cân bằng tâm lý?

Trong bối cảnh rất đặc biệt như hiện nay, ba mẹ học sinh trở thành "nhà sư phạm bất đắc dĩ" của con. Để học sinh học tập hiệu quả, bên cạnh sự hỗ trợ từ giáo viên trường chính khóa, cần phải có sự song hành của phụ huynh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Một vài gợi ý sau sẽ giúp ba mẹ tìm giúp các con "vitamin vui vẻ" cân bằng cuộc sống và học tập hiệu quả:

  1. Thay đổi kỳ vọng để phù hợp với thực tế: Khả năng tiếp thu và sự biểu hiện học tập của con có thể bị thay đổi khi đột ngột chuyển qua môi trường học online. Vì vậy, khi mong đợi và kỳ vọng thành tích của con vẫn như ở môi trường học tập cũ sẽ là điều khó với trẻ. Ba mẹ có thể cùng con nói chuyện, thảo luận để xem xét kỳ vọng kết quả học tập của con ở mức nào là phù hợp ở hoàn cảnh hiện tại, tránh làm tăng nhiều áp lực cho trẻ.

  2. Dành thời gian trò chuyện, chia sẻ: Việc hỏi han, trò chuyện về việc học tập [môn nào con thích học hơn, khó khăn gì của con, về các bạn của con…], về những quan tâm, những khúc mắc mà các em đang gặp phải sẽ khiến con thoải mái, cảm giác được quan tâm.

  3. Lên kế hoạch về thời gian biểu khoa học, xen kẽ giữa học tập và hoạt động vận động thể chất, tham gia các sinh hoạt chung cùng ba mẹ trong gia đình. Điều đó không chỉ giúp con nghỉ ngơi sau giờ học mà còn tăng các kết nối giữa các thành viên trong gia đình, giảm bớt áp lực tâm lý cho các con.

  4. Môi trường học tập: Tạo cho con học online có đủ yên tĩnh, giảm thiểu các yếu tố gây nhiễu ảnh hưởng đến sự tập trung của con không [đồ chơi xung quanh, ồn ào,…]. Những hoạt động thể chất nhẹ nhàng trong giờ giải lao có thể giúp cải thiện sự tập trung của con.

  5. Giữ liên lạc giáo viên thường xuyên: Ba mẹ nên dành thời gian để hỏi ý kiến giáo viên về những khó khăn khi giúp trẻ học trực tuyến. Chủ động liên lạc với giáo viên sẽ giúp ba mẹ nhanh chóng nắm bắt tình hình và có sự hỗ trợ kịp thời với trẻ.

Sự đồng hành của cha mẹ được xem là yếu tố quyết định hiệu quả của việc học trực tuyến. Bản thân phụ huynh cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, tránh hoang mang, lo lắng và chủ động đồng hành cùng con trong việc tổ chức môi trường học tập tại nhà.

[Tổng hợp]

Cập nhật : 14/12/2021 10:06:00 SA

Dịch COVID-19 kéo dài khiến học sinh học trực tuyến tại nhà. Bên cạnh những bất tiện về môi trường học tập, đường truyền mạng không ổn định thì nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe con em, khi các em phải chăm chú nhìn màn hình thiết bị điện tử, có nguy cơ suy giảm thị lực, mắc phải các bệnh, tật về mắt, về tai.

Dịch COVID-19 kéo dài khiến học sinh học trực tuyến tại nhà. Việc này gián tiếp gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các em học sinh.

Gây ảnh hưởng đến mắt, tai của trẻ khi học trực tuyến tại nhà

Bước vào năm học cuối cấp THCS, với chương trình học nhiều, thời gian học kéo dài cộng với áp lực thi lên lớp 10 nên em Nguyễn Anh Nam [ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa] hầu như phải ngồi học trước máy vi tính 5-7 tiếng đồng hồ/ngày. Mắt em đã cận 7 độ nay càng cận thêm. Nhưng Nam vẫn còn may mắn hơn những em khác khi không phải học trên màn hình nhỏ của điện thoại sẽ gây hại cho mắt rất nhiều.

Bên cạnh đó, ở một số gia đình có 2 trẻ học cùng giờ thì buộc phải cho các cháu đeo tai nghe riêng để tránh ồn ào. Việc này cũng làm cho tai của trẻ bị ảnh hưởng. Thực tế, trong khi những bất tiện trong quá trình học trực tuyến vẫn chưa được giải quyết thì những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh càng làm nhiều phụ huynh bất an.

Theo các bác sĩ, việc sử dụng máy tính, điện thoại, máy tính bảng, tai nghe để học trực tuyến như hiện nay sẽ ảnh hưởng nhất định đến tai và mắt của học sinh. Trong đó, mắt là bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cần bố trí cho trẻ góc học tập đầy đủ ánh sáng.

BS Nguyễn Thị Lan Anh – Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ cho biết, việc mắt trẻ tập trung trên màn hình máy tính, điện thoại trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Cụ thể trẻ em có thể gặp những biểu hiện như: Hội chứng Computer [Hội chứng thị giác máy tính], Hội chứng này liên quan đến việc sử dụng máy tính, thiết bị điện tử thường xuyên từ 2h trở lên mỗi ngày, do không có biện pháp giảm trừ bảo vệ, tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh có bước sóng ngắn. Biểu hiện rõ nhất là mờ mắt, đau đầu, mỏi mắt, khô mắt, đau cơ vai gáy dẫn đến rối loại điều tiết, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Bên cạnh đó, mắt sẽ dễ mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị. Khi sử dụng các thiết bị điện tử, trẻ thường tập trung để nhìn trong thời gian dài gây mỏi điều tiết, thể thủy tinh phồng lên, cấu trúc nhãn cầu dài ra, độ cong giác mạc tăng. Một bệnh liên quan đến mắt nữa là bệnh võng mạc, nguyên nhân là do tiếp xúc ánh sáng xanh nhiều dễ gây thoái hoá hoàng điểm.

Đặc biệt, đối với trẻ đã có tật khúc xạ từ trước [cận thị, viễn thị, loạn thị] thì tình trạng sẽ nặng hơn. Đối với việc học trực tuyến bằng điện thoại di động, mức độ tác hại có thể sẽ nhiều hơn vì kích thước màn hình nhỏ.

BS Trần Thanh Hùng, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ - Đồng Nai cũng cho biết, việc học online chỉ ảnh hưởng đến tai khi sử dụng tai nghe không hợp lý hoặc điều chỉnh âm thanh quá lớn.

Cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ mắt, tai cho trẻ học online tại nhà

Để khắc phục tạm thời những tác hại đến mắt của trẻ khi phải học trực tuyến, BS Lan Anh khuyến cáo các bậc phụ huynh nhắc nhở trẻ thực hiện các biện pháp sau:

Về tư thế ngồi học: cần ngay ngắn, thẳng lưng; cách xa màn hình 30-60cm dưới ánh sáng đèn đầy đủ, sử dụng các phương tiện chắn màn hình ánh sáng xanh. Có thể sử dụng tấm chắn màn hình vi tính hoặc đeo kính lọc ánh sáng xanh. Học xong nên hạn chế sử dụng vào mục đích khác. Giữa các tiết học nên cho trẻ có các hoạt động thể chất nghỉ ngơi giữa các lần sử dụng thiết bị điện tử. Sau giờ học, phụ huynh nên cho trẻ hoạt động thể chất ngoài trời đó là cách tốt nhất để giúp trẻ loại bỏ điều tiết mắt.

Góc học tập, phụ huynh cần bố trí bàn học của trẻ một cách hợp lý và khoa học. Nên cho trẻ học trên các thiết bị có màn hình lớn để trẻ dễ nhìn; các thiết bị học trực tuyến cần đặt xa mắt 50cm và dưới tầm mắt của trẻ, tuyệt đối không được đặt ngang và trên tầm mắt, bàn phím cần đặt ngang thắt lưng. Đồng thời phụ huynh cũng giúp con cân chỉnh cỡ chữ và độ sáng của màn hình phù hợp để tạo cho mắt trẻ cảm giác dễ chịu. Khu vực học tập của trẻ cũng cần đảm bảo đủ ánh sáng tự nhiên, không được quá tối sẽ ảnh hưởng đến thị lực.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là những thực phẩm giàu Vitamin A để cải thiện sức khoẻ đôi mắt cho các con. Những thực phẩm có màu đỏ tốt cho mắt như đu đủ, cà rốt, cà chua, cá hồi, dâu tây, lòng đỏ trứng gà. Cần khám định kỳ mắt cho trẻ 6 tháng/1 lần để có những biện pháp điều trị phù hợp.

Về việc bảo vệ tai cho trẻ khi học trực tuyến, BS Trần Thanh Hùng cho biết, trường hợp trẻ phải dùng tai nghe để học trực tuyến thì tốt nhất nên cho trẻ sử dụng tai nghe loại chụp, hạn chế sử dụng tai nghe nhét vào tai làm đau tai trẻ và tránh được tiếng ồn nhiều hơn. Đồng thời phụ huynh cũng cần điều chỉnh mức âm lượng vừa phải, khoảng 40-50dB.

Đối với tai nghe loại nhét tai: nên sử dụng loại tai nghe có kích cỡ phù hợp với tai của trẻ. Nếu dùng loại không phù hợp có thể gây đau nhức tai. Cần vệ sịnh kỹ tai nghe sau khi sử dụng để tránh nguy cơ lây nhiễm nấm.

Nguồn://dongnaicdc.vn/

Video liên quan

Chủ Đề