Ý nghĩa của việc công khai ngân sách nhà nước

Với giao diện dễ tiếp cận, dữ liệu được trực quan hóa, cổng công khai ngân sách nhà nước [vừa được Bộ Tài chính ra mắt] được xem là một bước tiến lớn và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình công khai ngân sách. Nhưng, đây chỉ là bước khởi đầu để hướng đến minh bạch hóa chi tiêu công. Điều mà người dân chờ đợi không chỉ dừng lại ở hình thức bắt mắt.

Cần nhưng chưa đủ

 

Công khai ngân sách là điều kiện cần thiết để toàn xã hội tham gia giám sát chi tiêu công, góp phần hạn chế thất thoát ngân sách. Theo các khảo sát của Trung tâm Phát triển và Hội nhập [CDI], trong vài năm gần đây, đã có thêm nhiều bộ, ngành, địa phương công bố ngân sách. Nhưng, việc công khai chỉ có ý nghĩa khi người dân có thể dễ dàng tìm kiếm và đọc được các dữ liệu.

Những ai đã từng tìm kiếm thông tin về thu chi ngân sách của các bộ, ngành và địa phương hẳn đã từng cảm thấy ngao ngán với chất lượng thông tin được công bố: quá thời hạn hai năm nhưng tỉnh, thành vẫn không công bố quyết toán ngân sách; việc cung cấp không nhất quán về thời gian [có năm công bố, có năm không]; dữ liệu được công bố dưới dạng bản scan khiến người xem không thể xem rõ và tính toán được.

Cổng công khai ngân sách nhà nước được kỳ vọng sẽ xóa bỏ được những hạn chế nêu trên.

Phần giao diện gồm các biểu đồ giúp người xem thấy được xu hướng chung của dữ liệu về dự toán, tình hình thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước trong giai đoạn 5 năm cũng như dự toán và quyết toán ngân sách địa phương.

Việc trực quan hóa số liệu giúp những người không có chuyên môn trong lĩnh vực có liên quan vẫn có thể tiếp cận phần nào thông tin. Nhưng, để người dân thật sự có thể giám sát việc chi tiêu ngân sách, “cánh cổng” này cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa. 

Là một dịch vụ công, nỗ lực công khai ngân sách sẽ thiết thực hơn nếu không chỉ dừng lại ở một trang web với giao diện hiện đại.

Thử liên hệ với các dịch vụ tư, thử truy cập một trang web nào đó về tư vấn pháp luật hay bán hàng, gần như bạn sẽ luôn tìm được nhiều kênh tư vấn khác nhau dành cho người sử dụng: qua điện thoại, chat, email…

Những người làm dịch vụ dường như hiểu được rằng, một giao diện dù có trực quan đến đâu, cũng không thể đảm bảo tất cả mọi khách hàng đều hiểu và sử dụng được nó. Do vậy, họ có thêm bộ phận chăm sóc khách hàng, dịch vụ giải đáp trực tiếp thắc mắc, tư vấn về cách thức sử dụng sản phẩm nhằm đảm bảo 100% khách hàng có thể tiếp cận và hiểu rõ sản phẩm. 

Với các dịch vụ công, người dân không chỉ là người thụ hưởng dịch vụ [như các dịch vụ tư khác] mà còn là người giám sát về chất lượng của dịch vụ.

Để đảm bảo hai vai trò quan trọng đó, cổng công khai ngân sách nhà nước không chỉ cần một giao diện thân thiện với người dùng và những công cụ thống kê tiện dụng mà nó phải đóng vai trò như một nền tảng dữ liệu lấy người dân làm trung tâm, với đầy đủ các chức năng về cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, tiếp thu ý kiến và cải tiến liên tục.

Sự tham gia của người dân cần được coi là một chỉ số quan trọng khi thiết kế hệ thống minh bạch hóa ngân sách này. Thực tế, điểm số ở phần “sự tham gia của người dân” trong chỉ số công khai ngân sách tỉnh [POBI], công khai ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương [MOBI] luôn ở mức thấp trong nhiều năm liền.  

Công khai phải thực chất

Theo kết quả POBI 2018, chỉ có sáu tỉnh công khai đầy đủ các thông tin về ngân sách; năm 2019, con số này tăng lên được 24 tỉnh. Như vậy, chỉ hơn một phần ba số địa phương tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Ở cấp trung ương, điểm số trung bình MOBI 2019 dù đã được cải thiện so với năm 2018 nhưng trong số 44 bộ, cơ quan trung ương tham gia khảo sát, không có đơn vị nào đạt được mức công khai đầy đủ [từ 75 điểm trở lên trong thang đo 100 điểm]. 

Các chuyên gia kinh tế dự hội thảo trao đổi về bảng xếp hạng POBI 2018 - Ảnh: Tạp chí Tài chính

Cần nhớ, minh bạch với tiền thuế của người dân không phải là việc muốn hay không muốn mà là một yêu cầu có tính bắt buộc. Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã có những quy định tương đối cụ thể về việc công khai chi tiêu công. Thế nhưng, những kết quả trên đã cho thấy mức độ chấp hành chưa nghiêm của các bộ, ngành, địa phương.

Ai sẽ chịu trách nhiệm; cơ quan, tổ chức bị xử phạt như thế nào nếu công bố quyết toán ngân sách chậm trễ hoặc không đầy đủ nội dung? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ sau nhiều năm luật có hiệu lực thi hành. 

Khi không có những quy định về chế tài, sức ép sẽ không đủ lớn để các cơ quan nhà nước chấp hành nghiêm túc luật pháp. Khi đó, việc công khai, minh bạch sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và mức độ sẵn lòng của các tổ chức, cơ quan. Bức màn minh bạch ngân sách vẫn chưa được vén cao, tiền thuế của người dân được sử dụng ra sao vẫn là một thắc mắc, nhất là sau những vụ sai phạm gây thất thoát, tham nhũng tài sản công.  

Sau cổng công khai ngân sách nhà nước, cái mà người dân mong được nhìn thấy là những nỗ lực thực chất từ phía người làm chính sách. Cổng công khai ngân sách đã được tạo ra, nhưng người dân có dễ dàng vào được bên trong hay không, có được lắng nghe và giải đáp các thắc mắc, có được đóng góp ý kiến và nhìn thấy sự cải thiện hay không?

Một hồi đáp tích cực từ phía những người quản trị quốc gia có lẽ là sự mong chờ và đòi hỏi chính đáng từ phía người dân lúc này. 

Bảo Uyên

Quy định pháp luật về công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công:

Vấn đề công khai, minh bạch đối với quản lý tài chính công được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật Quản lý nợ công, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Những nội dung cụ thể nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan trong quản lý tài chính công bao gồm:

Một là, đối tượng công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công. Những đối tượng được điều chỉnh gồm: Các cấp ngân sách; Đơn vị dự toán ngân sách; Tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ; Chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan thu, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước cũng phải thực hiện công khai.

Hai là, nội dung công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công.

Đối với hệ thống ngân sách Nhà nước [trung ương và địa phương]: số liệu và báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, HĐND, dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; trừ số liệu chi tiết, báo cáo thuyết minh thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.

Đối với các cơ quan thu, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước: thủ tục ngân sách nhà nước, bao gồm các quy định về quy trình, thủ tục kê khai, thu, nộp, miễn giảm, gia hạn, hoàn lại các khoản thu; tạm ứng, cấp phát, thanh toán ngân sách nhà nước.

Đối với đơn vị dự toán ngân sách nhà nước: Dự toán thu, chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao, tình hình thực hiện dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền duyệt; Dự toán thu, chi ngân sách đã giao cho các đơn vị dự toán cấp dưới; công bố công khai quyết toán ngân sách đã duyệt hoặc thẩm định cho các đơn vị dự toán cấp dưới.

Đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công.

Đối với quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước: Quy chế hoạt động và cơ chế tài chính của quỹ, kế hoạch tài chính hàng năm, kết quả hoạt động và quyết toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các quỹ có nguồn thu từ các khoản đóng góp của Nhân dân : Quy chế hoạt động của quỹ, các điều kiện, tiêu chuẩn, quyền lợi và nghĩa vụ của người đóng góp và người được hưởng lợi từ quỹ; Mục đích huy động và sử dụng các nguồn thu của quỹ; Đối tượng và hình thức huy động; Mức huy động; Kết quả huy động; Sử dụng quỹ trong năm cho các mục tiêu; Báo cáo quyết toán năm.

Báo cáo kiểm toán, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành.

Ba là, thời điểm công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công. Tùy từng vào loại báo cáo tài chính mà cơ quan hành chính nhà nước thực hiện công khai, minh bạch ở những thời điểm khác nhau.

Bốn là, hình thức công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công. Đối với cơ quan hành chính nhà nước, công bố tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; đưa lên cổng thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị có cổng thông tin điện tử thì phải thực hiện công khai ngân sách qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình.

Năm là, trách nhiệm công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công. Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh, Sở Tài chính, Ủy ban ngân sách cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND cấp xã chịu trách nhiệm thực hiện công khai những nội dung trong phạm vi ngân sách của cấp mình quản lý. Thủ trưởng đơn vị dự toán, thủ tưởng tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ chịu trách nhiệm thực hiện đối với những nội dung mà đơn vị mình công khai. Các nội dung tài chính công khác được những người đứng đầu từng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm công khai, minh bạch. Các đối tượng có trách nhiệm phải thực hiện công khai theo quy định của pháp luật, nếu không thực hiện công khai đầy đủ, đúng hạn thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực trạng thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công:

Trên cơ sở Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật quản lý nợ công, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác công khai, minh bạch nội dung tài chính công đã thể hiện được những tiến bộ rõ rệt qua từng năm và dần đi vào nề nếp; có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc công khai, minh bạch nội dung tài chính công được chú trọng thực hiện; công tác kiểm tra nội bộ, cấp trên cấp dưới được tăng cường và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng. Đồng thời, đã tạo điều kiện phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, nghiên cứu về tài chính công của các tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan hành chính nhà nước đã cơ bản thay đổi nhận thức và chú trọng thực thi trách nhiệm công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài chính công. Việc công khai quy trình quản lý tài chính, công khai dự toán, thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách, công khai kết quả kiểm toán tài chính hằng năm cũng được đầy mạnh. Mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận được những thông tin, nội dung tài chính công trên những trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng.

Theo kết quả thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” năm 2019 đối với 1.090 đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các bộ, ban, ngành và địa phương cho thấy, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức cho rằng các nội dung tài chính công đều được công khai, minh bạch. Trong đó, 69,7% người được hỏi cho biết cơ quan nhà nước nơi họ công tác có công khai nguồn thu, giá trị thu, lĩnh vực thu của ngân sách nhà nước; 53,9% người được hỏi cho biết cơ quan nhà nước nơi họ công tác có công khai các khoản chi tiêu ngân sách nhà nước; 43,5% người được hỏi cho biết cơ quan nhà nước nơi họ công tác có công khai các khoản đầu tư, danh mục các dự án phát triển hạ tầng, xây dựng, cơ bản và các gói đấu thầu mua sắm công; 58,2% người được hỏi cho biết cơ quan nhà nước nơi họ công tác có công khai báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các kế hoạch, chương trình dự án; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư; và chỉ 28,5% người được hỏi cho biết cơ quan nhà nước nơi họ công tác có công khai báo cáo kiểm toán, quyết toán các công trình đầu tư [Hình 1.1].

Hình 1.1. Thực trạng công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công

Kết quả khảo sát của đề tài đối với 1.810 đối tượng là người dân về việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý chính công của cơ quan quản lý nhà nước cho thấy, tỷ lệ người dân cho rằng chính quyền địa phương có công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công là 49.6%. Bên cạnh đó, kết quả phỏng vấn sâu của Đề tài cho thấy, mặc dù các hoạt động công khai có thể được thực hiện nhưng mức độ quan tâm của người dân khá thấp vì không được giải thích rõ vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của thông tin được công khai.

Bên cạnh kết quả khảo sát xã hội học, Đề tài đã khảo cứu nhiều kết quả đo lường mức độ công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công đang được triển khai tại Việt Nam hiện nay. Trong đó, có thể kể đến: [i] Chỉ số công khai ngân sách quốc gia [OBI-Open Budget Index]; [ii] Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương [MOBI- Ministry Open Budget Index] và [iii] Chỉ số công khai ngân sách tỉnh [POBI- Province Open Budget Index].

Kết quả khảo sát OBS, MOBS và POBS cho thấy Việt Nam còn ít hoặc chưa công khai đầy đủ các thông tin về NSNN theo như quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ tốt của quốc tế. Chỉ số OBI 2017 của Việt Nam đạt 15/100 điểm, chỉ số POBI 2018 trung bình của 63 tỉnh, thành phố đạt 50.9/100 điểm và chỉ số MOBI 2018 trung bình của 17 Bộ, cơ quan Trung ương đạt 11/100 điểm. Cụ thể:

Chỉ số công khai ngân sách Quốc gia [OBI]: Kết quả khảo sát OBS 2017 cho thấy Việt Nam thuộc nhóm 27 nước Ít hoặc Không công khai ngân sách. Chỉ số công khai ngân sách [OBI] của Việt Nam đạt 15/100 điểm thấp hơn mức trung bình của thế giới là 42/100 điểm. Chỉ số OBI của Việt Nam có xu hướng tăng qua các kỳ đánh giá trong giai đoạn 2006-2012 và giảm nhẹ trong 2 kỳ đánh giá gần đây 2015-2017. Năm 2006, chỉ số OBI của Việt Nam được đánh giá ở mức 3/100 điểm, năm 2012 được đánh giá ở mức cao hơn là 19/100 điểm, năm 2015 và năm 2017 chỉ số này của Việt Nam đạt 18/100 điểm và 15/100 điểm, giảm nhẹ so với đánh giá 2015 [Hình 1.2].

Hình 1.2. Thay đổi về mức độ công khai ngân sách của Việt Nam [OBI 2006-2017]

Chỉ số công khai, minh bạch ngân sách tỉnh:

Khảo sát POBI 2018 đánh giá mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ và tính thuận tiện của 9 tài liệu ngân sách, trong đó có 7 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật ngân sách Nhà nước 2015 và 2 tài liệu ngân sách cần phải công khai theo như thông lệ tốt của quốc tế. Kết quả khảo sát POBI 2018 cho thấy chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 50.9 điểm trên tổng số 100 điểm, cao hơn so với chỉ số trung bình đối với POBI 2017 là 30.5 điểm. Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2018 đã cải thiện hơn so với năm 2017. Năm 2018, có 6 tỉnh công khai ĐẦY ĐỦ thông tin về ngân sách nhà nước và không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0, trong khi năm 2017 có 4 tỉnh có điểm số POBI bằng 0 và không có tỉnh nào công khai ĐẦY ĐỦ thông tin về ngân sách tỉnh.

Kết luận

Pháp luật về công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công đã quy định cụ thể về đối tượng, nội dung, thời điểm, hình thức và trách nhiệm trong công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công. Bên cạnh những tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các cơ quan hành chính nhà nước, quá trình thực hiện pháp luật còn tồn tại nhiều hạn chế liên quan đến công khai, minh bạch ngân sách tỉnh và sự quan tâm của người dân trong việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công.

Mai Anh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 66 - 21

Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX 01.41/16-20, thuộc Chương trình KH&NC trọng điểm cấp Quốc gia KX.01/16-20.

Video liên quan

Chủ Đề