Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế như thế nào?

  1. 1.     Tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài là gì?

Tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài là tranh chấp dân sự phát sinh giữa các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Trong đó:

-         Có ít nhất một bên là chủ thể nước ngoài tham gia hoặc;

-         Sự kiện pháp lý phát sinh ở nước ngoài hoặc phát sinh theo pháp luật nước ngoài hoặc;

-         Tài sản liên quan đến tranh chấp ở nước ngoài.

  1. 2.     Thầm quyền giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài:

Khi một tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài được giải quyết tại Tòa án. Vấn đề đặt ra là tòa án nước nào sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của cơ quan tài phán của một quốc gia phụ thuộc vào điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên và pháp luật tố tụng dân sự của quốc gia đó. Nhìn chung có hai dạng thẩm quyền xét xử: thẩm quyền xét xử chung và thẩm quyền xét xử riêng biệt.

Thẩm quyền xét xử chung là thẩm quyền mà tòa án nước này có thẩm quyền xét xử, nhưng tòa án nước khác cũng có thể có thẩm quyền xét xử tùy thuộc vào tư pháp quốc tế của quốc gia đó. Trường hợp này, các bên trong quan hệ dân sự hoàn toàn có quyền lựa chọn tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp là tòa án của một trong hai quốc gia, hoặc tòa án của một quốc gia thứ ba.

Thẩm quyền xét xử riêng biệt là trường hợp chỉ có tòa án của một quốc gia mới có thẩm quyền xét xử đối với một số vụ án nhất định. Đối với Việt Nam, tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết riêng biệt đối với những vụ án tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây:

Điều 469 , Điều 470 của BLTTDS 2015  đã liệt kê những trường hợp mà Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, bao gồm các trường hợp:

a] Bị đơn là cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc bị đơn có cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Ở đây, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết quan hệ dân sự có cơ quan, tổ chức nước ngoài tham gia khi cơ quan, tổ chức nước ngoài là bị đơn và phải có trụ sở chính hoặc cơ quan quản lý tại Việt Nam. Quy định này là cần thiết trong điều kiện hiện nay khi có nhiều cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và phát sinh tranh chấp trong quá trình tham gia các quan hệ pháp luật tại Việt Nam.

Quy định trên cũng cho thấy, Tòa án Việt Nam chỉ có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này khi phía khởi kiện là bên Việt Nam; còn nếu cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện ở Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài khởi kiện, Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết. Tòa án Việt Nam cũng có quyền giải quyết vụ việc khi bị đơn là cơ quan, tổ chức nước ngoài có chi nhánh, văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Tuy nhiên, luật không nói rõ là Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết đối với tất cả các vụ việc phát sinh có liên quan đến chi nhánh, văn phòng đại diện ở Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài hay chỉ trong một số trường hợp cụ thể. Cách quy định của điều luật cho ta hiểu rằng, Tòa án Việt Nam có quyền giải quyết tất cả các vụ việc mà bị đơn là tổ chức nước ngoài có chi nhánh, văn phòng đại diện ở Việt Nam.

 b] Bị đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam hoặc có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp thứ nhất, bị đơn người nước ngoài có nơi cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam: Khoản 2 Điều 9 của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định: “Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam”. Như vậy, người nước ngoài có nơi cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam được xem là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Và theo quy định trên, khi bị đơn nước ngoài chỉ có nơi tạm trú tại Việt Nam mà không có tài sản trên lãnh thỗ Việt Nam, Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp thứ hai, người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam thì phải có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam.Với việc hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào hoạt động kinh tế quốc tế, việc mở rộng phạm vi các quan hệ người nước ngoài được tham gia tại Việt Nam, việc phát sinh ngày càng nhiều tài sản của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam là điều tất yếu. Trong trường hợp này, khi người nước ngoài là bị đơn trong vụ tranh chấp mà có tài sản tại Việt Nam, vụ việc sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam. Nếu người nước ngoài là bị đơn mà tài sản không nằm trên lãnh thổ Việt Nam và cũng không có nơi thường trú ở Việt Nam, Tòa án Việt Nam không có cơ sở và cũng không thể thực hiện được quyền tài phán của mình. Tài sản của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam theo điều luật không phân biệt là động sản hay bất động sản. Quy định này khác biệt so với nguyên tắc xác định Tòa án theo lãnh thổ tại điểm c, khoản 1, Điều 35 của BLTTDS: Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản; nếu tài sản liên quan đến tranh chấp không phải là bất động sản, thẩm quyền sẽ thuộc Tòa án nơi cư trú của bị đơn mà không cần biết tài sản đó đang ở đâu.

c] Nguyên đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam đối với vụ việc dân sự về yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng, xác định cha mẹ.

Khi bên nước ngoài là nguyên đơn, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc trong các trường hợp cụ thể là yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng, xác định cha mẹ và người nước ngoài phải cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.

 d] Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật Việt Nam hoặc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ít nhất một trong các đương sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài. Trường hợp này được chia thành:

Quan hệ theo pháp luật Việt Nam: trong trường hợp này, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khi bên nước ngoài không có trụ sở chính, cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam [đối với cơ quan, tổ chức] hoặc không có nơi thường trú ở Việt Nam [đối với cá nhân] nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật Việt Nam. Quy định này là hợp lý vì nếu trong trường hợp cơ quan, tổ chức có trụ sở chính, cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài hoặc cá nhân có nơi thường trú ở nước ngoài mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó không theo pháp luật Việt Nam, Tòa án Việt Nam sẽ không có cơ sở để giải quyết và cũng không có điều kiện để giải quyết.

Trong trường hợp này, trước khi xác định thẩm quyền xét xử, Tòa án Việt Nam cần phải xác định luật áp dụng cho quan hệ này có là pháp luật Việt Nam hay không, bởi nếu căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ không theo pháp luật Việt Nam, Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết. Một số quan điểm cho rằng, khi áp dụng quy định trên dường như chúng ta đã đi ngược lại nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật và giải quyết xung đột thẩm quyền xét xử. Ở đây, Tòa án phải biết luật nội dung áp dụng cho quan hệ có phải là luật Việt Nam hay không rồi mới xác định thẩm quyền xét xử. Nếu luật nội dung áp dụng là luật Việt Nam, Tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền xét xử.

Quan hệ xảy ra ở Việt Nam: cũng tương tự như trường hợp trên, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khi bên nước ngoài không có trụ sở chính, cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam [đối với cơ quan, tổ chức] hoặc không có nơi thường trú ở Việt Nam [đối với cá nhân] nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ phải xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.

Quy định này là một bước tiến bộ của pháp luật Việt Nam về thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong điều kiện Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ với các quốc gia, tổ chức quốc tế, những quan hệ dân sự mà một bên hoặc cả hai bên tham gia đều là nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam diễn ra ngày càng phổ biến.

đ] Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở nước ngoài, nhưng các đương sự đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam và nguyên đơn hoặc bị đơn cư trú tại Việt Nam.

Trong trường hợp này, căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở nước ngoài nhưng các chủ thể tham gia đều là chủ thể Việt Nam và có ít nhất một bên cư trú tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quy định trên, chủ thể Việt Nam tham gia có thể là cá nhân hoặc tổ chức nhưng Luật lại sử dụng thuật ngữ “cư trú”. Đối với trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc cả hai đều cư trú ở Việt Nam, vấn đề không có gì phải bàn cãi. Nhưng nơi cư trú chỉ dành cho cá nhân chứ không dành cho tổ chức. Do đó, đối với trường hợp vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở nước ngoài, nhưng các đương sự đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam và nguyên đơn hoặc bị đơn [hoặc cả hai] lại là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam thì, Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết.

Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án là một nội dung quan trọng của quá trình giải quyết xung đột pháp luật trong Tư pháp quốc tế. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là yêu cầu cần thiết trong quá trình hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tư pháp quốc tế nói riêng và toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung.

Liên hệ luật sư giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài:

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email:

Hotline: 0915. 27.05.27                                            

Trân trọng!

Video liên quan

Chủ Đề