Vui như Tết có ý nghĩa là gì

TTO - Giao thừa. Tết đã đến thật rồi. Không khí xuân tràn ngập phố phường. Cảnh Tết, vật Tết, niềm háo hức đón Tết đã ngập trong mỗi gia đình. Các phóng viên, cộng tác viên Tuổi Trẻ đã ghi nhận không khí ấy ở mọi miền đất nước, mọi góc độ. Rộn ràng, tưng bừng, nhưng cũng có những phút lắng đọng, ngậm ngùi. Nhưng trên tất cả vẫn là vui như Tết.

Phóng to

Những chùm pháo hoa đầu tiên đã được bắn lên bầu trời Lào Cai - Ảnh: Quốc Hồng

TP.HCM: Công dân đầu tiên của năm mới là một bé trai

Đúng 0g, thời khắc giao thừa của năm Mậu Tý, hàng vạn bông pháo đã vút cao và đỏ rực cả bầu trời. Trên hầu hết các con đường dẫn đến trung tâm thành phố, người người đổ dồn về đông nghẹt không chỗ chen chân. Tất cả các loại phương tiện đều không được đi vào khu vực trung tâm. Nhiều điểm giữ xe tự phát đã mọc lên với giá giữ xe khoảng 10.000đ/chiếc những vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu khách du xuân.

Đường hoa Nguyễn Huệ vẫn là nơi thu hút khách tham quan nhiều nhất. Những cánh hoa tươi, những hình tượng trang trí và khung cảnh rất gần gũi với phong cách của người miền nam đã được nhiều người chào đón một cách thân tình và vui vẻ.

Phóng to
Pháo hoa trên bầu trời TP.HCM - Ảnh: T.C.N - H.TR.
Phóng to
Pháo hoa trên bầu trời TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Phóng to

Pháo hoa đêm giao thừa tại Bến Nhà Rồng, TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Phóng to
Người dân TP.HCM du xuân trên đường Lê Lợi dưới ánh đèn trang trí đẹp mắt - Ảnh: Hoàng Thạch Vân Chương trình ca nhạc mừng xuân Mậu Tý - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Cũng đúng 0g, một bé trai kháu khỉnh nặng 3kg con của sản phụ Nguyễn Thị Phương Anh đã chào đời tại bệnh viện phụ sản Từ Dũ. Đây là công dân đầu tiên trong năm Mậu Tý được chào đời ở BV Từ Dũ.

Trước đó, lúc 20g30, 150 bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ nhân viên bệnh viện phụ sản Từ Dũ đã tụ tập trước sân bệnh viện để dự liên hoan chào đón giao thừa. 800 bệnh nhân lưu trú tại bệnh viện cũng đã được tặng một suất ăn tối để hòa cùng niềm vui đón mừng năm mới. Bác sĩ Phạm Việt Thanh, giám đốc bệnh viện cho biết mời bệnh nhân cùng ăn mừng năm mới đã trở thành truyền thống của bệnh viện từ hơn 10 năm nay.

Phóng to
Các bác sĩ bệnh viện phụ sản tham dự liên hoan ngoài trời - Ảnh: T.C.N Bé trai đầu tiên của bệnh viện Từ Dũ chào đời đúng giao thừa - Ảnh: T.C.N.
Phóng to
Sau giao thừa, hàng ngàn người đổ đến chùa, cầu những điều tốt đẹp cho năm mới... - Ảnh: Kinh Luân

Hà Nội: "Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời..."

Phóng to

Pháo hoa "nở" rợp trời Hà Nội

Người dân Hà Nội tập trung chật kín xung quanh hồ Gươm để chờ xem pháo hoa giao thừa
Phóng to
Tò he, một thứ đồ chơi dân dã năm nay được nặn hình con chuột tượng trưng cho năm Mậu Tý Một cụ bà trên phố Hàng Dầu đang cúng giao thừa
Phóng to
Đêm giao thừa, hàng ngàn bông pháo hoa đủ màu sắc, được nhân đôi lên với mặt nước Hồ Gươm hàng nghìn năm đi vào lịch sử. Tôi chụp một vài bức ảnh để ghi lại khoảnh khắc này và thật may mắn cho tôi trong một vài bức ảnh đó có một chú chim bay ra trên nền pháo hoa đủ sắc màu. Tôi đã đặt tên cho bức ảnh đó là Thần May Mắn... - Ảnh: Nguyễn Việt Thanh

TP Huế - lung linh khắc giao thừa

Trong giờ khắc giao năm, trời Huế mưa bay lất phất và lạnh cắt da, nhưng không ngăn bước hàng vạn các bạn trẻ của Huế đổ dồn về hai bên bờ sông Hương và khu vực quảng trường Ngọ Môn để đón giao thừa và xem pháo hoa.

Phong trào đón giao thừa ngoài đường bắt đầu xuất hiện tại Huế chỉ ít năm trở lại đây, nhưng giới trẻ Huế ngày càng có xu hướng tập trung đông vào giờ khắc này để đón tết truyền thống.

Phóng to

Cúng giao thừa ở Huế - Ảnh: Thái Lộc

Giao thừa ở Huế - Ảnh: Thái Lộc

Trong khi đó, tại các con đường vắng trong thành phố, phần lớn những người già đã dọn cỗ bàn ra sân để dâng cúng vào giờ khắc thiêng liêng nhất của đất trời. Cỗ bàn không nhiều rượu, thịt, vàng mã mà chỉ là cháo, gạo muối đơn sơ, tạo thành dãy dài theo từng tuyến phố, khiến không gian trở nên lung linh, huyễn hoặc.

Đà Nẵng: Đường Bạch Đằng thành đường lễ hội

Phóng to

Pháo hoa trên sông Hàn

Bắt đầu từ 22g giao thừa tết Mậu Tý 2008, con đường Bạch Đằng dọc sông Hàn hơn 10 km [từ cầu Tuyên Sơn đến cảng Đà Nẵng] đã biến thành con đường lễ hội, 4 điểm bắn pháo hoa đã hấp dẫn hàng trăm nghìn người ùn ùn đổ về. Từng nhóm thanh niên hát hò, vui chơi, nhảy dance break, hoặc trãi chiếu nylon ngồi trò chuyện. Trên các ghế đá không còn một chỗ ngồi.

Đến giờ khắc giao thừa, pháo hoa từng chùm bung nở trên mặt sông, mọi người đứng tràn trên hè phố xuống dưới đường, tựa lưng vào nhau ngước mắt lên bầu trời.

Đến 1g ngày mồng một tết, cầu qua sông Hàn vẫn chỉ dành cho người đi bộ. Trên các tuyến đường trung tâm như Trần Phú, Hùng Vương, Lê Lợi,...mọi người bắt đầu đi chơi xuân, phần lớn đổ về các chùa để tìm một may mắn, bình an.

Long Xuyên: Rực sáng pháo hoa

22g30, 15 phút pháo hoa rực sáng bầu trời TP Long Xuyên [An Giang]. Sông Hậu cũng rực sáng. Các trục đường lớn Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trưng Nữ Vương ùn tắc, bà con náo nức đến xem pháo hoa, cùng chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng.

Phóng to

Sau khi bắn pháo hoa, hơn một giờ sau, dòng người trên TP.Long Xuyên mới giãn ra, mọi người trở về bên bàn thờ gia tiên và mâm cúng giao thừa nhà mình...

Nghệ An: Hàng ngàn người hướng ra Quảng trường Hồ Chí Minh

Phóng to
Pháo hoa quanh tượng đài Bác Hồ ở Nghệ An - Ảnh: Vũ Duy Đồng
Hàng ngàn người dân TP.Vinh đã quây quần dưới tượng đài Bác Hồ trong quảng trường để đón xem tiết mục văn nghệ đầu tiên của phố núi huyện Nghĩa Đàn do nam nữ thanh niên làng Đong - làng văn hóa của dân tộc Thái ở từ đầu cầu thị xã Thái Hòa biểu diễn đón chào đêm giao thừa.

Trong hơi ấm mùa xuân, những hình ảnh cuộc sống trỗi dậy của bản Pục, bản Méo trên tâm điểm vùng lũ xã Nậm Giải, huyện Quế Phong đã gây niềm xúc động bùi ngùi của người dân xứ Nghệ. Hình ảnh hàng trăm công nhân trên công trình thủy điện bản Vẽ, huyện Tương Dương-nơi xảy vụ sập núi đá thảm khốc, đang hối hả đổ những khối betong cuối cùng trong năm cũng làm xốn xang lòng người.

Từ chiều 30, TP.Vinh đã tạnh mưa, gió cũng bớt rét buốt. Những ngã phố vắng lặng trong bữa cơm tất niên giờ đây đã rộn rịp trở lại. Mọi người đang ra đường du xuân và đổ dồn ra Quảng trường Hồ Chí Minh để đón phút giao thừa.

Ấm áp, rực rỡ giao thừa Phú Yên

Cái lạnh như cắt của thành phố biển Tuy Hòa [Phú Yên] đêm 30 Tết không ngăn được dòng người đông đảo kéo đến quảng trường để cùng đón thời khắc giao thừa thiêng liêng. Từ những cụ già bảy tám chục tuổi đến các bé vài tháng tuổi đã tranh thủ tới sớm "xí" chỗ, háo hức chờ bắn pháo hoatại quảng trường 1-4 [TP Tuy Hòa].

Phóng to

Một tiết mục văn nghệ trong đêm giao thừa - Ảnh: Tr.Uyên

Tiếng kèn đá báo hiệu lễ bắn pháo hoa đón năm mới Ảnh: Tr.Uyên

Chương trình biểu diễn nghệ thuật với các tiết mục như: hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát múa về mùa xuân, quê hương đất nước đậm chất Phú để lại nhiều dư vị trong lòng người dân "Đặc sản" của đêm giao thừa là sự góp mặt của kèn đá và đàn đá trong dàn hoà tấu.

Đúng 0g00, sau hai tiếng kèn đá, lễ bắn pháo hoa đầy màu sắc bắt đầu và kéo dài 15p.

Vào sáng ngày mai, mùng 1 tết, hội đua thuyền trên sông Ngân Sơn [thị trấn Chí Thạnh, Tuy An] sẽ mở màn cho một loạt các lễ hội Tết sẽ diễn ra đến tận mùng 6 tháng 2 âm lịch.

Quảng Ngãi: Lắng lòng trong mùa xuân xưa

Phóng to
Tiết mục hát múa Nhớ mùa xuân năm ấy gây ấn tưọng sâu đậm về xuân Mậu Thân - 1968
Ở Quảng Ngãi, từ chiều tối ngày 30 tết, trong tiết trời se lạnh vì ảnh hưởng gió mùa đông bắc, hàng vạn người dân TP Quảng Ngãi và các huyện lân cận như Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành đổ về quảng trường thành phố xem chương trình biểu diễn văn nghệ mừng xuân và dạo chợ hoa đêm cuối năm.

Ấn tượng nhất là tiết mục hát múa nhớ Xuân Mậu Thân - 1968. Nhiều người nhất là những cựu binh từng trong đoàn quân tiến về đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi càng nhớ về mùa xuân xưa - mùa xuân chói ngời sắc đỏ oai hùng.

Chương trình biểu diễn văn nghệ kết thúc cũng là lúc khoảnh khắc giao thừa năm cũ bước sang năm mới, người người hướng mắt lên không trung xem pháo hoa rực sáng cả bầu trời và tất cả đều cầu chúc cho một năm mới tốt đẹp, hạnh phúc.

TP.HCM: Nao nức tết đến

Chiều 30 tết, những chiếc bánh chưng nấu muộn nhất cũng đã kịp vớt ra khỏi nồi, nghi ngút khói để kịp cúng ông bà. Nhà cửa đã trang hoàng tinh tươm. Người người đổ ra đường mua sắm những chậu cây kiểng, hoa quả cuối cùng.

Phóng to
Đường hoa xuân Nguyễn Huệ là một trong những điểm du xuân "nóng" trong ngày 30 tết - Ảnh: MINH PHƯỚC
Phóng to
Tiệm làm tóc vẫn nhộn nhịp cả các cô lẫn các anh đi làm đẹp đón xuân chiều 30 tết - Ảnh: MINH PHƯỚC
Phóng to
Một du khách Pháp đi lễ chùa đêm giao thừa tại chùa Giác Viên, Q.Tân Bình, TP.HCM [chụp lúc 21g30] - Ảnh: Gia Tiến Giáo dân dâng thánh lễ đêm giao thừa tại nhà thờ Tân Định, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến

Trưa 30 tết bên bờ Kênh Tẻ

Ngày cuối cùng của năm cũ dần trôi qua. Càng về trưa 30 tết, đường Trần Xuân Soạn [P.Tân Thuận Tây, Tân Kiểng, Tân Hưng Q.7 TP.HCM] mỗi lúc một đông. Dòng người đổ về đây để mua hoa, trái cây của các ghe thương hồ từ miền Tây mang lên.

Chợ tết trên đường Trần Xuân Soạn ven bờ kinh Tẻ vốn là một chợ tự phát có từ rất lâu đời. Hàng trăm chiếc ghe đậu san sát thành hàng ngang ven bờ kênh, hàng bán ngay tại chỗ. Đủ thứ hoa từ Chợ Lách, dừa, bưởi, cam, quít Cái Mơn... làm rộn lên cả một con đường.

Phóng to
Đoàn ghe san sát bên bờ kênh Tẻ - Ảnh: Trần Chánh Nghĩa

Trên bờ là những gian hàng của đoàn ghe thương hồ - Ảnh: Trần Chánh Nghĩa

Nhiều người thường chọn những giờ cuối cùng họp chợ của năm cũa để mua cho rẻ, khi đó, giá có rẻ, có lỗ thì thương lái cũng vẫn phải bán. Một anh bán hoa cúc thở dài: "Đến 14g thì chúng tôi phải trả lại mặt bằng. Lỡ không bán hết cũng đành phải chở về làm quà biếu hàng xóm chứ ra tết bán cho ai?".

Đào, quất bán tháo - Mai giữ giá cao

Chợ hoa chiều 30 tết ở khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP.HCM - chuyên bán đào, quất từ các tỉnh phía Bắc đưa vào và mai ở quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức nhộn nhịp hẳn lên. Ở khu vực bán đào và quất người mua người bán đều hối hả do giá cả giảm đột ngột. Đào từ 300.000 đồng/gốc buổi sáng, giờ xuống từng giờ: 150.000, 100.000, 80.000 rồi 50.000 đồng/gốc vào lúc 16 giờ. Quất cũng vậy, từ 300.000 đồng/gốc buổi sáng, giảm xuống 150.000 đồng rồi 100.000 đồng.

Phóng to
Chợ hoa chiều 30 tết ở khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ [quận Tân Bình, TP.HCM], đào, quất bán tháo trong khi mai vẫn giữ giá cao - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Trong khi đó, ở khu vực bán mai, cảnh mua bán vẫn bình thường, không ồn ào, bác Lê Văn Bình ở phường Thới An, quận 12, TP.HCM, chuyên trồng mai từ trước năm 1975 nói : "Cho đến giờ phút nầy, mai ghép, mai bonsai vẫn giữ giá bình quân 700.000-800.000 đồng/chậu, chậu có giá thấp vẫn giữ 300.000 đồng, chậu cao giá vẫn giữ giá mấy triệu đồng. Mai năm nay hút hàng, không bán được thì mang về vườn dưỡng đến năm sau.

Huế: An Vân có cái bếp chung

"Gia đình tôi thừa nhụy, thừa mỡ nhưng thiếu lá chuối; có gia đình nào thừa lá hay không?". "Hiện nay chúng tôi đang thừa nếp, có gia đình nào thừa nhụy, thừa lá chúng tôi xin nhường lại!" Những câu nói kéo dài bắt chước theo âm hưởng của cha xứ đang giảng đạo với con chiên trong thánh đường, vang lên trong toàn bộ khuôn viên khu "nhà chung" với hai nhà "rường", một ngôi nhà "rội" theo kiểu truyền thống của người Việt.

Phóng to

400 giáo dân trong toàn bộ giáo xứ được cha xứ Phan Xuân Thanh mời về cùng gói và nấu bánh tét ngay trong khuôn viên nhà thờ, trong ngày 29 tết - Ảnh: Thái Lộc

Phóng to
Các em nhỏ quây quần quanh những chõng tre gói bánh của bố mẹ - Ảnh: Thái Lộc Cánh đàn ông gói bánh khéo cũng đâu thua gì chị em! - Ảnh: Thái Lộc

Tất cả đều vui như tết. Đi kèm với việc gói bánh là những câu chuyện cũ trong năm được ôn lại, bàn luận. Người ta cũng thấy gói bánh cùng nhau là quá thuận tiện, có thể nhường qua, đổi lại những nguyên liệu làm bánh mà nhà mình thừa hoặc thiếu.

Nhưng tươi vui hớn hở nhất vẫn là những em nhỏ. Các em vừa quây quần quanh những chõng tre gói bánh của bố mẹ, vừa được học hỏi, cho phép thực hành cách làm bánh, vừa được dịp thả sức chơi đùa cùng bạn bè cùng trang lứa

Gần 50 bếp lửa nổi lên, khói xám lên um, khuôn viên nhà thờ trở thành một cái bếp lớn, ấm cúng đến lạ trong ngày giáp tết.

Thái Nguyên: Thủ đô gió ngàn đón xuân

Thái Nguyên - thủ đô kháng chiến ngày 30 Tết, không khí xuân tràn ngập phố phường. Nghĩa trang Dốc Lim người đi tảo mộ đông nườm nượp, những bó cúc vàng rực lên trong tiết trời âm u, mùi hương trầm phảng phất trong gió lạnh.

Chợ Dốc Lim ngày thường vốn vắng vẻ, hôm nay người mua kẻ bán ùa cả xuống lòng đường, hàng hoa họp ngay bên bờ ruộng. Đào quả cũng được mang ra chợ bán làm cành lộc xuân. Lá chè xanh tươi - đặc sản của xứ Thái cũng xuống chợ Tết cùng quất, bưởi.

Phóng to

Em bé bán gà ngồi chờ khách bên đường ở Thái Nguyên - Ảnh: Thu Thủy

Chợ hoa quê mở ngay bên đường - Ảnh: Thu Thủy

Tại đường tròn thành phố, một thảm hoa Chúc mừng năm mới được dựng lên gần bảo tàng các dân tộc Việt nam. Chợ hoa ở quảng trường trung tâm đông nghẹt người. Cả con đường đôi dài nối chợ Thái với đài phun nước, các loại cây cảnh, hoa Tết như đào, quất, hải đường, phong lan, tầm xuân bày bán khắp nơi. Trung bình cứ bỏ ra từ 100 - 200.000 đồng là người dân đã sắm được một cây lộc bày nhà dịp Tết.

Người bán hoa dạo, cành lộc táo bằng xe đạp len lỏi quanh mọi ngõ ngách, cứ 5000 đồng một mớ, một cành. Hoa lay ơn, loài hoa được phần lớn dân chúng ở đây ưa thích chưng Tết xuống chợ bằng cả xe cải tiến. Người đi sắm Tết tha hồ dạo phố, đi chợ, mua bán. Không khí tấp nập và dường như ai cũng hối hả trong ngày cuối năm.

Quả thật, chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa thôi, năm mới sắp đến rồi.

Quảng Trị: Ngày người nghèo đi sắm Tết

Phóng to

Ngày cuối cùng của năm, nhiều người lao động nghèo mới có cơ hội đi sắm tết - Ảnh: Nguyễn Quốc Nam [ảnh chụp sáng 30 tết tại chợ Đông Hà, Quảng Trị]

Chiều 30 tết, trong lúc nhiều gia đình đã sum vầy bên nhau chờ đợi từng khoảnh khắc chuyển giao sang năm mới, thì mới là thời điểm những người nông dân, những người lao động nghèo tạm gác chuyện mưu sinh để đi mua một vài thứ mứt bánh, trái cây về để thờ cúng tổ tiên và gọi là cho có Tết.

Chợ Đông Hà, chợ đầu mối lớn nhất của tỉnh Quảng Trị ngày 30 tết, người người chen chúc. Lẫn trong đám đông đang xúm xít trước quầy bán bánh kẹo nhỏ, chị Ngô Thị Hằng [53 tuổi, ở Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị], tay run run dốc ngược chiếc túi vải, trong túi rơi ra đúng 3 tờ 20 nghìn. Nhìn lui nhìn tới trong làn, chỉ vẻn vẹn có mấy củ cà rốt, su hào cùng mấy gói bánh kẹo rẻ tiền.

Chị thở dài: Sau mấy trận lụt vừa rồi, đồ đạc trôi gần hết, cả nhà chỉ còn biết lo chạy ăn từng bữa. Nhà không còn gì để bán, hai vợ chồng định bụng chấp nhận không có tết, nhưng mấy đứa con cứ háo hức. Không đành lòng, chồng tui mới đi vay được hai trăm nghìn để mua cho chúng mấy gói kẹo gọi là cho đỡ tủi.

Quầy bán thịt lợn ngay bên cạnh, lật lui lật tới mãi, cuối cùng chị Nguyễn Thị Hoa [41tuổi, ở Đông Thanh, Đông Hà] cũng chọn được một miếng thịt mỡ nhiều hơn nạc. Khuôn mặt chị dường như có giãn ra đôi chút, rồi tự an ủi: Thôi thì có còn hơn không! Dù sao cũng có đủ thịt mỡ, dưa hành. Coi như là có tết. Chị làm ruộng, chồng chạy xe ôm, bốn đứa con, lớn nhất mới lớp 12. Sáng nay, ổng kiếm đâu được mấy trăm ngàn đưa cho tui đi chợ sắm tết. Rồi vụt đi ngay như thể sợ tui hỏi lấy tiền ở đâu, chỉ kịp ngoái đầu dặn: Chắc tối nay về khuya vì gắng làm thêm vài cuốc kẻo mấy ngày tới tết không đi làm được...

Đến đầu giờ chiều, lượng người vào chợ vẫn không ngớt. Ra cổng, một người phụ nữ trung niên dắt chiếc xe đạp chở đứa con nhỏ sà nhanh lên vỉa hè. Định bụng dựa tạm một lúc, tiết kiệm mấy trăm đồng gửi xe nhưng không qua mặt được một nhân viên trật tự, người mẹ nài nỉ: Thấy mấy đứa quanh xóm có áo mới mặc tết, mấy hôm ni hắn đòi mà tui không có tiền. Chừ con bé đầu của tui mới đi làm công nhân từ trong nam mới về, có ít tiền nên tui cũng gắng đi mua cho hắn cái áo rét"...

Bên trong chợ, nhiều người lao động nghèo đang rảo nhanh những bước cuối cùng để kịp mua được một ít bánh trái trước khi đồng hồ điểm thời khắc giao thừa...

Phóng to

Chợ chuối lớn trên đường Hương Giang [TP Đồng Hới, Quảng Bình], người bán nhiều hơn người mua - Ảnh: Lam Giang [ảnh chụp lúc 11g30 tết]

Quảng Bình: Chuối cúng... đại hạ giá

Sau những ngày sốt với các loại chuối cúng tết, với giá bán mỗi nải trung bình 70.000-80.000 đồng, thậm chí có nải lên tới 265.000 đồng, từ sáng 6-2 [tức 30 Tết] chuối đã đại hạ giá.

Khu vực bán chuối ở đường Mẹ Suốt, Hương Giang, chợ Nam Lý... [TP Đồng Hới] dù đã sắp vãn chợ, nhưng chuối vẫn còn bày đầy đường. Mấy ngày trước, người buôn chuối thấy đắt nên đã đổ xô nhau chở chuối về cấp tập. Nay ai nấy ngồi... ôm hận vì chuối. Mỗi nải loại đẹp trung bình chỉ còn bán với giá 15.000 - 20.000 đồng. Loại cao cấp nhất cũng chỉ bán được ở giá 35.000 - 40.000 đồng. Chưa có năm nào chuối cúng ở Đồng Hới lại đại hạ giá như năm nay.

Nha Trang: Bánh tét 33m

Phóng to
Chiếc bánh tét dài 33m của Khách sạn Yasaka-Sàigòn-Nha Trang - Ảnh: Khuê Việt Trường
Tết Mậu Tý, khách sạn Yasaka - Saigon - Nha Trang lại đưa ra một kỷ lục bánh tét mới: bánh tét dài 33m, đường kính 0,2m với nghi thức cắt bánh trang trọng theo đúng nghi lễ cổ truyền.

Chiếc bánh gồm nhiều loại nhân khác nhau: thịt heo đậu xanh, nhân đậu đỏ, nhân gấc, nhân đậu đen, nhân chuối theo tập tục ba miền.

29 Tết, chiếc bánh được 20 thợ gói bánh lành nghề thực hiện, lò nấu đặt ở bãi biển. Sau khi nấu xong, chiếc bánh nặng 800 ký. Ngay sau khi làm lễ cắt, bánh đã được bán cho người dân địa phương và du khách với giá 10.000 đồng/lát. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được dùng làm quỹ hỗ trợ người nghèo.

* Lần đầu tiên tại Nha Trang, chợ hoa cành, hoa cắm bình chủ yếu nhập về từ Đà Lạt đã hết hàng rất sớm 12 giờ trưa ngày 30 tết. Giá hoa cũng đạt mức cao kỷ lục với một cành hoa hồng từ 8-10.000 ngàn nhưng vẫn không còn để bán, một bình lay ơn từ 60-80.000 đồng. Các lọai hoa lyz, hoa tulip lại hết hàng từ sớm.

Bình Định: Nín thở chờ đêm khai hội giao thừa

Phóng to
Sân khấu chính chào mừng năm mới tại quảng trường TP Quy Nhơn [Bình Định] đã sẵn sàng - Ảnh: Phạm An Hòa
Chiều 30 tết, mọi công tác chuẩn bị cho đêm hội giao thừa bắt đầu vào lúc 20g tối nay tại quảng trường chính TP.Quy Nhơn [Bình Định] trên đại lộ Nguyễn Tất Thành đã hoàn tất.

Điểm bắn pháo hoa tại Quy Nhơn sẽ bắn vào lúc 11g30 đêm, thay vì 12g đêm như các năm trước. Điểm bắn pháo hoa còn lại sẽ diễn ra đồng thời tại thị trấn Phú Phong [huyện Tây Sơn]. Ở đây có Bảo tàng Quang Trung, chứng tích cho sự sinh thành của ba anh em Quang Trung - Nguyễn Huệ, làm nên huyền thoại của miền đất Võ.

Đến giờ phút này, tiết trời Bình Định đang ấm dần lên sau những ngày rét mướt. Trên các tuyến đường chính của phố biển: Lê Hồng Phong, Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng dòng người cũng hối hả hơn trong tiết xuân.

Cần Thơ: Không kẹt phà

Phóng to
30 tết năm nay Cần Thơ không có cảnh kẹt phà - Ảnh: Quốc Anh
Phó giám đốc Cụm phà Hậu Giang Hoàng Ngọc Châu cho biết: Liên tục từ 28 đến 30 tết âm lịch năm nay, tình hình kẹt phà đã không còn nữa. Chiều 30 tết, cả hai đầu bến không còn cảnh xe nối đuôi chờ phà nối dài đến 2-3 km như những năm trước.

Áp lực xe qua lại phà có giảm cộng với việc 13 phà sẵn sàng phục vụ xe và hành khách 24/24g nên tình trạng kẹt phà đã chấm dứt.

Phóng to
Hoa Atiso được trưng bày tại khu văn hóa - du lịch Lâm Đồng - Ảnh: Nhất Hùng
Đà Lạt : Khai mạc hội Tết Mậu Tý

Chiều 6-2, Trung tâm Lễ hội Văn hóa và Du lịch Lâm Đồng đã khai mạc Hội Tết Mậu Tí tại khuôn viên quảng trường trung tâm ở số 01 - Yersin , cạnh hồ Xuân Hương - Đà Lạt.

Hội sẽ diễn ra đến mùng 8 Tết [14-2], phục vụ nhân dân và du khách nhiều chương trình hấp dẫn như: trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu võ đài Khu trưng bày các sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt như trà Atiso, trà ôlong, hoa, rượu vang khai mạc tại khu Văn hóa - Du lịch số 4 Trần Quốc Toản [cạnh hồ Xuân Hương]. Đêm giao thừa, tại khu vực bờ hồ Xuân Hương sẽ tổ chức chương trình văn nghệ đón giao thừa và bắn pháo hoa tầm thấp.

Đà Nẵng, Hội An: Ngập du khách

TP Đà Nẵng trời ấm, nắng hanh vàng kéo dài liên tục từ buổi sáng cho đến xế chiều 30 tết. Người người đi sắm tết, nhà nhà đi hội chợ hoa. Các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, 2-9, Điện Biên Phủ,đã được trang trí hoa rực rỡ tại các giao lộ và dải phân cách. Các cụm hoa nổi bật nhất nằm trước UBND TP, chợ Hàn, đài truyền hình, đường Bạch Đằng cũng rực rỡ hẳn lên với việc trưng bày đá nghệ thuật Non Nước.

Theo kế hoạch, năm nay Đà Nẵng sẽ thực hiện bắn pháo hoa tại 4 điểm dọc trên sông Hàn với thời lượng 15 phút.

Phóng to
Người dân Đà Nẵng chọn mua hoa tết - Ảnh: Đăng Nam Đà Nẵng bắt đầu se lạnh. Nhiều người dân đã đổ xô đi mua khăn quàng cổ, mũ len khiến các quầy mũ vải trên đường Lê Duẩn cháy hàng - Ảnh: Đăng Nam

Các khách sạn 3 sao trở lên nằm ở trung tâm thành phố như Phương Đông, Thái Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, Khách sạn Xanh khách đã đặt kín chỗ. Lượng khách tăng hơn mọi năm do ở Hà Nội lại rét đậm, còn Sài Gòn thì nắng nóng. Du khách chọn Đà Nẵng với một thời tiết tương đối dễ chịu và là trung điểm có thể đi thăm Huế, Quảng Bình, Hội An.

Nhiều đơn vị lữ hành khai thác khoảng 500 khách Thái Lan du lịch đường bộ sang chơi Tết ở Đà Nẵng. Đô thị cổ Hội An đã có khoảng 3.000 khách đặt phòng để đón giao thừa, trong đó hơn 80% du khách Tây.

Quảng Trị: Tết trong mưa rét

Hai ngày 28, 29 Tết trời hửng khiến nhiều người hy vọng sẽ có một cái Tết khô ráo thì từ sáng 30 trời bổng đổ mưa, càng trưa mưa càng nặng hạt. Không như năm ngoái, tầm trưa đã cháy hàng hoa, nay giữa chiều 30 Tết song hoa vẫn đầy chợ. Người mua cũng như người bán hy vọng vào giờ G

Phóng to
Chợ Tết ngập áo mưa, mũ bảo hiểm, khẩu trang..chỉ hoa là hồn nhiên khoe sắc - Ảnh: Lê Đức Dục Giữa rộn ràng người qua lại sắm Tết, bất chấp mưa rét, 18g tối, Phương - quê ở huyện Thanh Thủy, Phú Thọ] vẫn ngồi ngay bên bùng binh quốc lộ 1 và quốc lộ 9 bán những quả bóng bay và đồ chơi trẻ em. Mưa nên cũng ít người mua. Phương nói cô vào đây bán đồ chơi dịp Tết đã lâu. Sáu năm nay cô ăn Tết ở Đông Hà, mọi năm nắng ráo còn khá, năm nay mưa nên ế quá - Ảnh: Lê Đức Dục

LÊ ĐỨC DỤC

Hà Nội: trời tuyệt đẹp chờ pháo hoa

Chiều 30, không khí Tết tràn ngập khắp phố phường Hà Nội, tiết trời se lạnh, không mưa sau gần nửa tháng u ám, mưa phùn gió bấc. Nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 13oC, khô lạnh, hứa hẹn một đêm pháo hoa rạng rỡ. Tại hai điểm bắn pháo hoa tầm cao Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây, lực lượng của Quân khu Thủ đô đã sẵn sàng với các nòng pháo hướng lên trời cao chờ lệnh khai hỏa.

Giá đào quất chiều nay đã xuống thấp đáng kể, chỉ với 100.000 - 200.000 người đi chợ hoa đã có thể mua được cành đào, cây quất như ý. So với hai ba ngày trước, giá cây cảnh chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 do chợ hoa còn tồn quá nhiều hàng.

Phóng to
Tại Hà Nội, xe bán lá mùi đắt hàng - Ảnh: VNN Công nhân vệ sinh hối hả đưa những đuờng chổi cuối cùng... - Ảnh: VNN

Bữa cơm chiều 30 trong những gia đình công nhân vệ sinh môi trường, trong những gia đình bác sĩ hay những người chiến sĩ công an nhân dân... bao giờ cũng khuyết đi một người. Trong những giờ phút cuối năm, người công nhân vệ sinh môi trường cáng tất bật khi phải nhanh chóng dọn dẹp, làm sạch đường phố. Trên các ngã ba, ngã tư, lực lượng công an đã triển khai đội hình bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân đón giao thừa.

Trong khi nhà nhà đang nghi ngút khói hương tất niên đón ông bà tổ tiên thì trên phố lác đác bắt đầu có các cửa hàng bán mía, cành phất lộc, hoa Hải Đường. Phong tục hái lộc đầu xuân nhiều năm làm tan tác cây cỏ Hà Nội sau đêm giao thừa nhưng từ vài ba năm trở lại đây, những cửa hàng bán cành lộc chỉ họp vào buổi tối duy nhất đã góp phần giữ trọn vẹn màu xanh của cây hoa trong những ngày Tết.

Hà Giang: Hân hoan đón Tết

Giáp Tết, chợ trung tâm thị xã Hà Giang đông nghẹt, người mua kẻ bán tràn cả ra ngoài đường. Nhiều người dân tranh thủ phiên chợ cuối để bán chuối xanh, quất cành, phật thủ, cau trầu. Gà nhốt lồng buộc sau yên xe đạp lên chợ. Người hối hả vác cành đào, chở quất, cây nêu ngày Tết về nhà. Chỉ còn một ngày là tới giao thừa năm mới mà vẫn còn người mua bán lá dong để gói bánh.

Phóng to
Một ông cụ bán cau ở chợ Hà Giang - Ảnh: Hắc Bách Hoa Người Mán ở Hà Giang đi chợ Tết, co ro trong cái lạnh 8 độ C - Ảnh: Hắc Bách Hoa

Cây cầu sông Miện cờ xí rợp trời, xe cộ nườm nượp. Hai bên bờ sông là nơi tụ họp của chợ quất. Quất Hà Giang to đẹp cũng không kém gì quất cảnh ở Hà Nội. Vài người dân buộc sau xe máy cành đào rừng lòe xòe mới chỉ ủ nụ, chưa bật được hoa vì quá rét xuống chợ.

Người dân tộc ở Hà Giang cũng không quản ngại mưa gió và đường xa để đi chợ Tết. Giữ ấm chân trong những đôi ủng cao su, bước chân họ rất dẻo dai trên đường. Tại các trung tâm huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, chợ cũng đã tràn xuống đường quốc lộ. Hoa quả, rau cỏ bán dọc hai bên vỉa hè. Cờ Tổ quốc treo đỏ rực dọc hai bên đường, xua đi cơn gió rét chiều cuối năm.

Thổ Chu: Quà hoa mai

Món quà quí nhất những ngày giáp Tết với các chiến sĩ hải quân chính là hoa mai.

Phóng to

QUANG VINH

Phú Yên: Gần 1.000 công nhân đón tết trên công trình thủy điện sông Ba Hạ

Phóng to
Công trình thủy điện Sông Ba Hạ vẫn thi công trong những ngày Tết
Tin từ Ban quản lý dự án thủy điện Sông Ba Hạ [Phú Yên], gần 1.000 kỹ sư, công nhân đang thi công thủy điện Sông Ba Hạ đang đón Tết ngay trên công trình.

Theo kế hoạch, hồ thủy điện Sông Ba Hạ sẽ tích nước lần thứ nhất vào tháng 3-2008 nên Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp thủy lợi - đơn vị tổng thầu đang huy động động các nhà thầu bố trí cán bộ, công nhân thi công liên tục để đảm bảo tiến độ. Riêng tuyến năng lượng, lực lượng thi công chia làm ba, làm việc liên tục ngay trong những ngày Tết.

Kỹ sư Vương Công Mão, giám sát thi công hạng mục công trình Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết: Việc lắp tổ máy số một phải hoàn thành trong tháng 2-2008. Do đó, toàn công trình đang chạy đua với thời gian. Tết năm nay, hầu hết những cán bộ, công nhân ở xa đều ăn Tết ngay trên công trường. Toàn công trường sẽ tổ chức lễ ra quân vào sáng mồng ba Tết.

Dự án Thủy điện Sông Ba Hạ được khởi công tháng 4-2004. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lên kế hoạch hoàn thành phát điện vào tháng 10-2008.

Công trình thủy điện Sông Ba Hạ nằm trên địa bàn các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh [Phú Yên], Krông Pa [Gia Lai]. Nhà máy này có hai tổ máy với tổng công suất 220MW, sản lượng điện trung bình 825 triệu Kwh/năm, có tổng kinh phí đầu tư 4.275 tỉ đồng.

Video liên quan

Chủ Đề