Vì sao không nên nói tục

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, nhờ có ngôn ngữ mà thông tin được truyền đến các thành viên trong xã hội, giúp họ hiểu nhau, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn góp phần hình thành, phát triển  nhân cách mỗi người. Qua ngôn ngữ, cách biểu đạt ngôn ngữ của mỗi người, ta có thể biết được phẩm chất, tích cách của họ. Tuy nhiên, trong cuộc sống, trong môi trường học tập của chúng ta vẫn còn tồn tại hiện tượng nói tục chửi thề làm mất đi nét đẹp văn hóa của ngôn ngữ, mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Nói tục chửi thề là gì? Nói tục chử thề là dùng những lời lẽ thô tục, thiếu tế nhị, thiếu văn hóa trong giao tiếp nhằm bôi nhọ, sỉ nhục hoặc xúc phạm người khác. Đó là một hiện tượng còn diễn ra khá phổ biến trong môi trường học đường hiện nay; trở thành thói hư tật xấu gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với đạo đức và hành vi ứng xử của người học. Nói tục chửi thề đang có xu hướng ảnh hưởng tràn lan trong ngôn ngữ giao tiếp của học sinh, nếu nhà trường, gia đình và xã hội không có biện pháp kịp thời để chấn chỉnh, định hướng khắc phục.

Vậy nguyên nhân đâu dẫn đến hiện tượng nói tục, chửi thề của học sinh? Do sự phát triển của kinh tế, xã hội; sự bùng nổ công nghệ thông tin kết hợp với sự xâm nhập  của các nền văn hóa ngoại lai khiến cho nhận thức của học sinh về văn hóa và đạo đức bị lệch lạc gây ra các hành vi giao tiếp thiếu chuẩn mực, thiếu trong sáng. Hoặc có thể do bản thân học sinh thiếu nhận thức về tác hại của việc nói tục chửi thề, sử dụng trong ngôn ngữ giao tiếp như một thói quen; thiếu sự điều chỉnh ngôn ngữ giao tiếp của mình. Lúc đầu chỉ là lời nói buột miệng trong lúc mất kiểm sóat, tức giận, dần dần, nói tục chửi thề trở thành câu của miệng của một số bạn học sinh, làm ảnh hưởng đến nội dung giao tiếp và gây khó chịu cho người khác.

Chúng ta thấy, thường xuyên nói tục chửi thề là hành vi rất xấu, thiếu chuẩn mực, khiến cho người khác có cái nhìn không tốt về mình. Đặc biệt trong môi trường giáo dục, đây là hành động đi ngược lại với nội quy của nhà trường, bị mọi người xa lánh, phê phán. Việc nói tục chửi thề còn làm cho kĩ năng giao tiếp của học sinh  yếu kém đi vì những phát ngôn lệch chuẩn, tạo nên hệ lụy khôn lường.

Tuy nhiên, nhiều bạn học sinh hay chính bản thân tôi cũng từng mắc phải, đó là mỗi khi bản thân cảm thấy tức giận hoặc bực bội, không kiềm chế được cảm xúc nhất thời, để rồi nói ra những lời không hay. Tôi còn nhớ như in trong giờ học môn Tiếng Anh, vì lỡ miệng, tôi buông một câu văng tục mà bây giờ nghĩ lại, tôi vô cùng hối hận và xấu hổ.

Giờ đây, hiểu được tác hại xấu của nó, tôi đã tự điều chỉnh bản thân, nói “KHÔNG” với nói tục chửi thề.  Là một người học sinh, chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại bản thân và cùng nhau loại bỏ hành vi xấu này ra khỏi môi trường học tập. Người xưa có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trước tiên ta cần học lễ nghĩa, rèn luyện nhân cách, phẩm chất, sau đó mới học kiến thức. Học sinh cần  nâng cao bản lĩnh sống; tham gia vào các sinh hoạt văn hóa lành mạnh, trau dồi ngôn ngữ chuẩn mực, ăn nói lịch sự, đối xử hòa nhã với bạn bè. Đặc biệt, phải luôn có ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Để nói được những lời hay, ý đẹp, chúng ta cần cố gắng nỗ lực rèn luyện kĩ năng giao tiếp, ứng xử hàng ngày của bản thân để trở thành người có văn hóa, lịch sự trong lời nói và hoàn thiện nhân cách của người học sinh./.

Bùi Đức Dũng – Lớp 10A12

[HNM] - Nói tục, chửi bậy không phải là một hiện tượng mới nhưng dường như chưa bao giờ người Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ lại nói tục, chửi bậy nhiều như hiện nay. Các nhà xã hội học nhận định, nói tục, chửi bậy như thể đã thành trào lưu và đó là điều rất đáng lo ngại.

"Chuyện thường ngày ở huyện" Thời xưa, người Hà Nội ăn nói chỉn chu, "khuôn vàng thước ngọc", trên kính dưới nhường, thưa gửi rõ ràng. Có lẽ, hiện tượng nói tục, chửi bậy chỉ rộ lên cách nay khoảng 30 năm và càng ngày càng phổ biến. Hiện nay, ở bất cứ nơi nào cũng có thể nghe thứ ngôn từ tục tĩu, từ quán nước, hàng ăn, bến xe đến cổng trường học... Nhưng có lẽ kinh hồn nhất phải là ở các quán game. Các game thủ tai đeo headphone, mồm chửi oang oang. Thua game cũng chửi mà khi thắng cũng chửi, nghĩa là câu chửi rủa đã thành thói quen, không cần nguyên cớ.

Gia đình và nhà trường cần có cách giáo dục phù hợp để hình thành thói quen ứng xử văn minh, lịch sự trong giới trẻ. Ảnh: Viết Thành

Vào một tối đầu tháng 9 này, khi có mặt tại một quán trà chanh trên phố Nhà Thờ, người viết được chứng kiến một nhóm học sinh vừa uống trà chanh, cắn hạt hướng dương vừa "chém gió": "Mùa thu đ. gì mà nóng vãi!". "Dự báo thời tiết tối nay mưa mà có thấy mưa đâu. Nóng đ. đỡ nổi", "Nghe cái bọn thời tiết ấy thì có mà ăn cám!". Việc giới trẻ "phun châu nhả ngọc" đã là chuyện thường, như thể không nói bậy thì cảm thấy nhạt mồm, nhạt miệng, câu nói thiếu đi sức nặng. Không chỉ tục tĩu ở ngoài đời, người ta còn vô tư chửi bậy trên các trang mạng xã hội. Trên thực tế, mỗi sáng mở mắt ra là nhiều người phải vào facebook thì mới chịu được. Họ theo "dòng thời gian", "ném đá" hoặc tán tỉnh một lát rồi sau đó mới làm gì thì làm. Do ít bị nhắc nhở hơn là ở ngoài đời nên các thành viên tự do "văng" bạt mạng. Nói tục, chửi bậy phát triển mạnh đến mức trên mạng có hẳn "cẩm nang" nói bậy, trong đó liệt kê rõ 5 mức bậy, từ cách dùng từ đệm, chửi theo tên bố mẹ, ông bà người khác, dùng từ ngữ chỉ chỗ kín của cơ thể đến chửi kết hợp… Không những vậy, "cẩm nang" còn hướng dẫn cách phát âm các từ chửi bậy sao cho đạt giá trị biểu cảm cao nhất.

Sự nhầm lẫn trong quan niệm

Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội [Viện Xã hội học], đã có sự nhầm tưởng về giá trị trong suy nghĩ của con người ngày nay. Nhiều người quan niệm bỗ bã, bặm trợn mới chứng tỏ là người "ăn sóng nói gió", biết làm chủ tình thế, là người dân dã, suy nghĩ mạnh mẽ, đồng thời thể hiện sự chịu chơi. Trên thực tế, việc nói tục, chửi bậy chưa bị lên án đủ mức là bởi chúng ta quá quan tâm, đề cao những vấn đề vĩ mô, chú trọng rèn luyện lý tưởng, lẽ sống mà không thấy rằng, lẽ ra, trước tiên, cần phải bắt đầu từ việc uốn nắn hành vi nhỏ nhặt như lời ăn tiếng nói, thói quen ứng xử của từng cá nhân. Theo giới nghiên cứu, sở dĩ thế hệ ngày xưa không có nhiều người có thói quen nói tục, chửi bậy là vì con người thời ấy được giáo dục kỹ lưỡng, cả ở trong và ngoài gia đình. Xã hội gồm đa số gia đình gia giáo, tôn ti trật tự, phận vị, thứ bậc rất rõ. Người dưới không được văng tục, hỗn hào, quát nạt người trên. Các bậc cha mẹ hằng ngày rèn con vào khuôn phép, từ cách ăn đến tác phong sinh hoạt, khuôn thước ứng xử. Thầy cô giáo thực sự là những tấm gương mẫu mực… Ngày nay, cuộc sống hiện đại, nhịp sống nhanh, gấp gáp, con người chịu nhiều áp lực hơn và trong nhiều trường hợp, việc nói tục, chửi bậy còn là cách để xả stress. Hiện tượng nói tục, chửi bậy tràn lan khiến xã hội thêm ngổn ngang, nó như rác rưởi làm cho cộng đồng kém phần văn minh, là tiền đề dẫn đến một xã hội ưa chuộng bạo lực. Nguy hiểm hơn, khi người lớn có thói quen ứng xử tục tĩu, không theo khuôn thước thì sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Lối nói tục của người lớn sẽ hằn trong trí não của con trẻ, đeo đuổi chúng cho đến khi trưởng thành và có khả năng chi phối mạnh mẽ đến cách ứng xử trong tương lai, ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành nhân cách. Hơn nữa, người nói phải có người nghe, một khi có nhiều người nói tục mà những người nghe họ không có phản ứng thể hiện sự phản đối thì có nghĩa sự tục được chấp nhận. Đó là điều thực sự nguy hiểm.

Trong câu chuyện nói tục, chửi bậy của giới trẻ, trách nhiệm thuộc về người lớn, các bậc cha mẹ trong gia đình, các thầy cô giáo trong nhà trường và những người tham gia quản lý xã hội. Để giảm thiểu hiện tượng nói tục, chửi bậy, gia đình, nhà trường cần có cách giáo dục phù hợp đối với trẻ - không lý thuyết suông, không nặng tính giáo điều mà cụ thể từng việc, từng người, uốn nắn ngay khi trẻ làm sai. Muốn trẻ tránh thói xấu thì người lớn phải tỏ thái độ làm gương, nói năng đúng mực. Trên bình diện chung, chúng ta cần đưa yêu cầu không nói tục, chửi bậy vào một bộ chuẩn mực nằm trong quy tắc ứng xử trong cộng đồng xã hội, có cách giám sát việc thực hiện.

Video liên quan

Chủ Đề