Ví dụ về lợi ích của việc quản lý tổng hợp chất thải rắn

TN&MTQuản lý chất thải rắn [CTR] ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có cả những vấn đề cũ, tồn tại trong nhiều năm và có những vấn đề mới, phát sinh trong quá trình phát triển KT-XH trong thời gian gần đây. Trước đây, chính sách quản lý CTR ở Việt Nam thường nhằm mục tiêu xử lý vệ sinh chất thải với chi phí thấp nhất, thể hiện qua việc lựa chọn phương án chôn lấp và đốt chất thải. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công cụ quản lý này cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đòi hỏi có những đột phá căn bản trong công tác quản lý CTR ở nước ta. Áp dụng mô hình thị trường trong quản lý CTR là hướng đi mới phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Thị trường liên quan về quản lý chất thải rắn

Hiện nay có năm [05] mô hình thị trường trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới CTR, đang được triển khai thực hiện, cụ thể đó:

Thị trường dịch vụ môi trường đối với CTR

Hàng hóa cho thị trường này chính là các loại CTR như CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp hay CTR nguy hại. Một thị trường cho loại chất thải này có sự tham gia của các chủ thể bao gồm các chủ nguồn thải [doanh nghiệp, hộ gia đình] và các đơn vị cung cấp dịch vụ môi trường, là các chủ thể tham gia với tư cách là người mua – người bán trên thị trường. Chủ nguồn thải sẽ phải trả chi phí cho công ty DVMT để thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý. Chất thải có thể được thu gom bởi những công ty thuộc chính quyền địa phương hoặc chính quyền đô thị hoặc những công ty tư nhân tham gia đấu thầu để thực hiện công việc thu gom, vận chuyển và xử lý một loại hàng hóa đặc biệt, đó là CTR. Trong thị trường này, đơn vị cung cấp dịch vụ môi trường trực tiếp tham gia thu giá CTR. Hoạt động dịch vụ trên tạo ra các lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng các dịch vụ này.

Thị trường đối với các sản phẩm tái chế từ CTR

Tái chế chất thải là việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ của sản phẩm được loại bỏ nhằm làm nguyên vật liệu để chế tạo ra sản phẩm mới hoặc nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp. Tái chế khác với tái sử dụng ở chỗ đó là đòi hỏi sự biến đổi nhất định về thành phần, tính chất vật lý, hóa học hay sinh học của chất thải để trở thành sản phẩm có thể sử dụng được. Các loại hình tái chế CTR gồm:

Tái chế CTR sinh hoạt thành phân bón hữu cơ: CTR sinh hoạt có thành phần hữu cơ cao sẽ được thu gom, phân loại và vận chuyển đến các nhà máy xử lý rác để chế biến thành sản phẩm phân bón hữu cơ. Ngoài ra, chất thải từ ngành nông nghiệp như: chất thải chăn nuôi, phế phẩm nông nghiệp cũng trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ.

Tái chế CTR công nghiệp thành nguyên liệu: Phần lớn CTR công nghiệp được tái chế là nguyên liệu đầu vào của sản xuất công nghiệp như giấy, hạt nhựa, kim loại [như chì, đồng, vàng, bạc,...], các hóa chất, nguyên liệu đốt [các viên năng lượng, nhiên liệu sinh học].

Thị trường cho các sản phẩm, nguyên liệu từ tái chế chất thải rắn rất lớn bao gồm người tiêu dùng là cá nhân, tổ chức, các công ty, nhà máy sản xuất.

Thị trường về nguyên liệu tái sử dụng từ CTR

Đối với một số loại CTR phát sinh có thể trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất khác [sau khi sơ chế], ví dụ như tro xỉ nhà máy nhiệt điện, xỉ thép, xỉ gang,… như một nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Trong công nghiệp luyện kim, phần lớn các CTR dưới dạng xỉ gang, xỉ thép có thể được tận thu, tái sử dụng làm vật liệu xây dựng hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất xi măng, sản xuất phân bón và một số ngành công nghiệp khác. Trong sản xuất xi măng, việc sử dụng xỉ gang đã làm tăng tính chất cơ học và tính năng vật liệu xây dựng [tăng cường độ chịu lực, chống ăn mòn hóa học cho vữa bê tông...]. Trong sản xuất phân bón, việc sử dụng xỉ gang lò cao đã cung cấp SiO2 trong thành phần của phân bón. Trong ngành công nghiệp nhiệt điện, nguồn tro xỉ thải, thạch cao từ quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện được tái sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất xi măng, làm bê tông hoặc sản xuất vật liệu xây dựng.

Thị trường tiêu thụ điện năng được sản xuất từ CTR

Hiện nay có 2 phương án để sản xuất điện năng từ CTR đó là phương án đốt chất và phương án sản xuất điện từ nguồn năng lượng sinh khối.

Đốt chất thải để thu hồi năng lượng và phát điện năng: Hệ thống xử lý chất thải để phát điện, áp dụng công nghệ lò đốt để tái sử dụng nguyên liệu chất thải để biến thành điện năng. Khi hệ thống đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và BVMT thông qua việc xây dựng các hệ thống lò đốt và xử lý làm sạch khí thải, thu hồi nhiệt và máy phát điện sử dụng công nghệ tuabin hơi nước để sử dụng rác thải công nghiệp cho sản xuất điện năng.

Giải pháp sản xuất điện năng từ nguồn năng lượng sinh khối được triển khai thực hiện ở các dự án thu hồi khí mê tan tại bãi chôn lấp CTR, nguồn sinh khối [biomas] từ bã nông, lâm nghiệp như rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ, giấy vụn, chất thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Giải pháp thị trường để tiêu thụ sản phẩm điện năng này giúp làm tăng khối lượng chất thải rắn đem đốt hoặc tận dụng tối đa giá trị kinh tế thu được từ khối lượng chất thải rắn đem đi chôn lấp.

Thị trường mua bán tín chỉ các bon [CER] thu được từ CTR

Bên cạnh việc thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp để sản xuất điện năng, việc thu hồi khí mê tan từ CTR sinh hoạt có thể mang lại giá trị kinh tế thông qua chương trình mua bán tín chỉ các bon. Cho đến nay, thị trường buôn bán carbon phân ra làm 2 loại: Thị trường chính thống và thị trường tự nguyện. Thị trường chính thống là thị trường mà ở đó việc buôn bán carbon dựa trên sự cam kết của các quốc gia trong Công ước khung của Liên hợp quốc [UNFCCC] để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch - CDM hoặc đồng thực hiện - JI. Thị trường carbon ngoài khuôn khổ Nghị định thư là thị trường carbon tự nguyện - thị trường này trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.

Lợi ích thực hiện quản lý CTR thông qua mô hình thị trường

Chất thải là một phần của nền kinh tế, là sản phẩm phụ của nền kinh tế phát sinh do hoạt động của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình. Chất thải là đầu vào cho các hoạt động kinh tế - thông qua hoạt động thu hồi nguyên vật liệu và năng lượng. Thông qua mô hình thị trường, việc quản lý chất thải có ý nghĩa về kinh tế, tiêu dùng chính phủ và BVMT. Các lợi ích khi thực hiện KTCT đó là:

Lợi ích khi thực hiện mô hình thị trường để quản lý CTR

Thị trường DVMT về CTR tạo ra hiệu quả thu gom, vận chuyển và xử lý CTR với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp. Việc tham gia thị trường này mang lại giá trị kinh tế cho công ty, doanh nghiệp, đơn vị xử lý. Ngoài ra việc phát triển DVMT sẽ giúp giải quyết bài toán về việc làm.

Thị trường về sản phẩm tái chế, nguyên liệu tái sử dụng chất thải có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế và góp phần giải quyết bài toán về cung cấp nguồn nguyên liệu tái chế, thay thế nguồn nguyên liệu thô phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp. Tái sử dụng chất thải làm đầu vào cho quy trình sản xuất khác giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu sử dụng cho quá trình sản xuất và giảm chi phí thải bỏ chất thải ra môi trường. Tái chế chất thải thành các sản phẩm hữu ích như phân bón, gạch nung, vật liệu xây dựng, giấy, nhựa.. hay các sản phẩm có ích khác sẽ tạo ra các giá trị mới, được tiêu thụ và sử dụng trên thị trường và mang lại các giá trị kinh tế cho doanh nghiệp.

Phát triển thị trường năng lượng từ chất thải, thị trường khí thải mê tan thu hồi từ bãi chôn lấp: Chất thải cuối cùng sau khi được tái chế, tái sử dụng sẽ được thải bỏ bằng cách chôn lấp hợp vệ sinh hoặc đốt. Cả hai phương pháp này nếu được thực hiện đúng kỹ thuật cũng sẽ tạo ra nguồn thu. Đốt chất thải tận dụng nhiệt thu hồi từ các lò đốt, kết hợp để quay turbin và phát điện. Có nhiều giải pháp để thu hồi năng lượng từ chôn lấp chất thải như thu hồi khí metan từ bãi chôn lấp, ủ kị khí rác trong điều kiện thích hợp để sản xuất biogas. Việc thu hồi khí mê tan từ bãi chôn lấp chất thải cũng có thể mang lại các lợi ích kinh tế cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường mua bán tín chỉ các bon

Bên cạnh việc giảm các sức ép từ sức nóng của sự phát triển kinh tế lên môi trường, thông qua tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thải chất gây ô nhiễm vào môi trường, giảm gánh nặng ngân sách chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, KTCT còn đóng góp vào hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm, tạo ra những lợi ích ngoại biên. Không giống như các lợi ích trực tiếp, những lợi ích gián tiếp từ thực hiện KTCT khó được nhận diện chính xác và tính toán đầy đủ những giá trị trực tiếp mang lại. Các lợi ích gián tiếp có thể kể đến là:

Thứ nhất, KTCT sẽ giúp giảm các chi phí liên quan tới sức khỏe người dân do ô nhiễm môi trường từ chất thải. Ô nhiễm từ các hoạt động liên quan tới chất thải có thể gây nhiều tác động lên sức khỏe người dân, từ các cơn ho ngắn hạn cho đến tử vong trước khi trưởng thành, tuy nhiên việc lượng giá những tác động này còn rất nhiều tranh cãi.

Thứ hai, KTCT giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc hạn chế phát thải khí thải nhà kính vào môi trường.

Thứ ba, KTCT làm giảm các tác động từ các quá trình liên quan tới chất thải là nguyên nhân của các ngoại ứng, chẳng hạn như xe tải vận chuyển rác gây ra các ngoại ứng tiếng ồn và tắc nghẽn giao thông, gây ra mùi hôi thối, nước rỉ rác trên đường làm mất vệ sinh đô thị. Bãi chôn lấp tạo ra mùi độc hại, hay tăng nguy cơ về sức khỏe với người dân sống gần các bãi chôn lấp hay lò đốt chất thải.

Như vậy, việc thực hiện KTCT mang lại nhiều lợi ích bao gồm cả lợi ích về môi trường, xã hội và lợi ích về kinh tế. Lợi ích về môi trường được thể hiện qua việc giảm thiểu lượng thải phát sinh, cải thiện chất lượng môi trường. Lợi ích về tài chính được thể hiện qua việc mang lại các giá trị có thể tính toán bằng tiền thông qua việc xem xét chất thải là nguồn tài nguyên và là nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất.

ThS. HÀN TRẦN VIỆT, ThS. NGUYỄN THỊ THU THẢO

Viện Khoa học môi trường

Video liên quan

Chủ Đề