Uterine fibroids là gì

Sức khỏe

Bướu xơ tử cung

  • Bác Hiền
    Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của bà Thu ở Saigon về bướu xơ tử cung.

Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Bà Thu ở Saigon có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:

Leiomyoma of the uterus [fibroids] - Bướu xơ tử cung:

Bịnh nhân hỏi về cách chữa trị bướu xơ tử cung. Đúng ra, đây mà một loại u bướu gồm những tế bào cơ trơn [leiomyoma], xuất phát từ một tế bào duy nhất của tử cung [tử cung là một cái cơ trơn hình túi rỗng]. Do đó bướu xơ tử cung là một bướu lành, không phải là ung thư, và cũng không trở thành ung thư, dù có tăng thể tích nhanh đi nữa. Chúng ta không rõ nguyên nhân gây ra bướu, tuy nhiên yếu tố di truyền quyết định một phần, và đàn bà có con hoặc dùng thuốc ngừa thai thì có phần nào ít bị bướu xơ hơn.

Đáng để ý là nếu chúng ta dùng MRI trên phụ nữ bình thường khỏe mạnh, thì đến 75% phụ nữ có bướu to hoặc nhỏ; nếu khám phụ khoa bằng ngón tay [pelvic exam] các phụ nữ bình thường có thể tìm thấy bướu xơ trong 30 % các trường hợp. Nếu dùng siêu âm các phụ nữ tuổi 35, hết 60% người da đen có bướu, người da trắng thì ít hơn [40%]. Đến 50 tuổi, chừng 70-80% phụ nữ có bướu xơ có thể phát hiện bằng siêu âm [theo Bs William Parker]. Những con số này cho thấy bướu xơ TC rất phổ biến, và tin vui là trên 80% của các phụ nữ mang bướu xơ tử cung không bao giờ có triệu chứng gì cả, và do đó không cần chữa trị gì cả. Bướu xơ TC xuất hiện thường ở lứa tuổi 25-35 và sự tăng trưởng của nó tùy thuộc vào sự hiện diện của các hormone tính dục nữ [estrogen và progesteron] do buồng trứng tiết ra. Do đó sau khi người đàn bà nghỉ kinh [menopause], là lúc buồng trứng không hoạt động nữa, thì bướu sẽ dần dần teo nhỏ lại.

Các triệu chứng do bướu gây ra:

Đa số bướu xơ không gây ra triệu chứng gì cả, như trường hợp thính giả ở đây đi khám sức khỏe tổng quát và là siêu âm mới biết mình có bướu. Những bướu nằm trong vách của tử cung [intramural fibroids] thường không gây khó chịu gi.

Trong lòng tử cung có lót một lớp niêm mạc [mucosa], nếu bướu xơ nằm ngay dưới lớp niêm mạc đó [submucosal fibroid], sẽ làm rối loạn kinh nguyệt của người đàn bà, như chảy máu thất thường, quá nhiều [metrorrhagia] hoặc quá lâu [menorrhagia] lúc có kinh, làm cho bịnh nhân mất máu kinh niên, thiếu chất sắt [iron deficiency] cần thiết để tạo máu mới, và do đó mang bịnh thiếu máu [anemia] mản tính, gây ra mệt mõi, có thể suy nhược, suy tim. Người đàn bà cũng có thể khó thụ thai hơn chút ít.

Nếu bướu nằm dưới màng thanh mạc [subserosal fibroid], tức nhiên là nằm phía bên ngoài của tử cung và mọc lớn lên về phía trước, đè lên bàng quang [bọng đái] gây triệu chứng đường tiểu như mắc tiểu thường xuyên, khó tiểu, nhiễm trùng đường tiểu; bướu mọc lên về phía sau thì đè lên ruột già [gây bón], hoặc đè lên các dây thần kinh từ xương sống đi ra [spinal nerve] làm đau lưng. Ngoài ra có thể làm đau vùng xương chậu, đau lúc giao hợp. Ngoài ra, bướu có thể đè lên ống dẫn trứng và làm cho tinh trùng đi qua ống dẫn trứng khó khăn hơn và thụ thai khó hơn.

Một số ít bướu có cái cuống [pedunculated fibroid] và có thể bị xoắn lại, đau bụng dưới cấp tính, có thể cần giải phẫu lấy bươu ra.

Tuy nhiên theo tài liệu của Mayo Clinic: Thông thường, bướu xơ không can thiệp với thụ tinh hoặc thai nghén. Trước đây, người ta tưởng lúc thai nghén, bướu xơ sẽ lớn nhanh lên, nhưng những khảo cứu gần đây cho thấy chuyện này không xảy ra. Trường hợp bướu quá lớn, gây vấn đề, bs có thể cắt bớt nếu thấy cần. Lúc sanh, có thể phải sanh mổ nếu bướu làm nghẹt đường sanh âm đạo.

Trị liệu:

Chỉ cần trị bịnh nếu bướu xơ gây ra biến chứng. Thuốc thường dùng:

1] Gonadotropin releasing hormone [Gn-RH] agonist:
Bướu cần đến sự hiện diện của hormone tính dục nữ estrogen và progesteron do buồng trứng sản xuất mới tồn tại và phát triển được.

[2 hormon này do buồng trứng [ovary] tiết ra, mà buồng trứng lại cần một hormone gọi là gonadotropin từ tuyến yên [bằng hạt đậu, nằm dưới não, hypophysis or pituitary gland] kích thích mới làm việc. Ngược lại, sự sản xuất của gonadotropin lại tùy thuộc vào một bộ phận của óc gọi là hypothalamus. Hypothalamus tiết ra chất Gn-RH để kích thích tuyến yên.]

Sự sản xuất estrogen và progesterone tùy thuộc gián tiếp vào một hormone tên Gn-RH của hypothalamus nằm trong não bộ.

Một số thuốc có cấu trúc na ná như Gn-RH tự nhiên gọi là Gn-RH agonist. Các chất này vào dành chỗ của chất Gn-RH tự nhiên, và gây tác dụng ngược lại, làm sản xuất estrogen và progesterone giảm xuống do đó bướu xơ teo lại.

Trong loại này, goserelin [tên thương mãi Zoladex], thuốc rất đắt tiền [theo bịnh nhân 2 triệu một ống, trên internet trên 1200 dollars cho 3 ống] chích dưới da, mỗi tháng một lần trong ba tháng [thuốc được thính giả dùng]. Thuốc thường chỉ dùng ngắn hạn, thường là trước khi mổ để làm bướu nhỏ lại, giải phẩu dễ dàng hơn, ít chảy máu hơn, hoặc bịnh nhân sắp đến tuổi nghỉ kinh. Thuốc không dùng dài hạn được, vì nội chừng sáu tháng, bướu sẽ tăng trưởng [rebound growth] bộc phát lại, và bịnh nhân dễ bị xốp xương [bone loss] khó hồi phục nếu trên 35 tuổi [FDA, Merck Manual]. Đúng như bịnh nhân nói, thuốc này cũng được dùng để trị ung thư tuyến tiền liệt [cancer of the prostate] vì thuốc làm giảm chất testosterone của đàn ông, theo cơ chế tương tự trên hypothalamus.

2] Danazol là một thuốc uống tổng hợp tương tự như testosterone [kích tố tính dục phái nam] có thể được dùng để ngưng kinh nguyệt, làm cho tử cung và bướu xơ teo lại, nhưng lại gây nhiều biến chứng như khó chịu [dysphoria] [trầm cảm, lo lắng, nhức đầu], mụn trứng cá, giọng nói trầm giống đàn ông, làm nhiều phụ nữ không muốn dùng thuốc này.

Tóm lại, theo hướng dẫn chung hiện nay, nếu bướu xơ tử cung được khám phá tình cờ bằng siêu âm, mà người bịnh không có triệu chứng gì liên hệ tới bướu đó thì nói chung không cần chữa thuốc men gì cả. Nếu có biến chứng như chảy máu, triệu chứng đường tiểu, tiêu hóa, thần kinh do chèn ép thì dùng thuốc men để trị thiếu máu, điều hoà kinh nguyệt, và dùng thuốc làm teo bướu trước khi mổ nếu cần.

Biện pháp cuối cùng là cắt bỏ bướu bằng phẩu thuật [myomectomy] hoặc bằng cách bơm vào mạch máu nuôi dưỡng bướu một chất làm tắc nghẽn mạch mạch máu đó [embolization] để bướu thiếu máu mà tiêu đi. Nếu không muốn giữ tử cung nữa, người ta sẽ cắt bỏ tử cung. [hysterectomy]. Ở Mỹ, hết 30% đàn bà sớm muộn cũng sẽ cắt bỏ tử cung. Một số bác sĩ cho rằng một số giải phẩu cắt tử cung hiện nay ở Mỹ không cần thiết.

Về câu hỏi về các cục nhỏ sờ thấy dưới da, có thể là những bướu mỡ [lipoma] nhỏ. Tuy nhiên không thấy nên không thể có ý kiến chính xác. nếu bịnh nhân có những mãng da mầu như cà fẹ sữa [6 hoặc nhiều hơn] và nếu trong gia đình có trường hợp tương tư, cần loại bỏ khả năng bịnh xơ thần kinh [neurofibromatosis]. Bịnh nhân nên theo dõi với bs chuyên về da mình từng khám bịnh. Đa số lipoma không cần chữa trị nếu không có biến chứng, hoặc không lớn quá nhanh, hoặc ảnh hưởng đến ngoại hình.

Xin nhắc lại là trên đây chỉ là những thông tin tổng quát căn cứ trên y văn mới đây, bịnh nhân cần tham khảo bác sĩ chuyên khoa về phụ khoa để điều trị thích hợp.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.

Video liên quan

Chủ Đề