Triết học biệ chưng mac lê nin

1. Triết học Mác là một trong ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, song là bộ phận ra đời sớm nhất, đóng vai trò cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học. Trên cơ sở đó, C.Mác xây dựng và phát triển các quan điểm, lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị học, hình thành chủ nghĩa Mác.

Có thể khẳng định rằng, với sự ra đời của triết học Mác, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân lao động có một thế giới quan thật sự của mình. Đó là thế giới quan khoa học, cách mạng; là vũ khí lý luận sắc bén để họ tiến hành đấu tranh xoá bỏ áp bức, bóc lột, thực hiện khát vọng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người và giải phóng nhân loại. Vì lẽ đó, V.I.Lênin khẳng định rằng, triết học Mác là triết học hoàn bị, nó cung cấp cho loài người và nhất là giai cấp công nhân và nhân dân lao động những “công cụ nhận thức vĩ đại”. Khác với các trào lưu triết học khác, triết học Mác mang đặc trưng bản chất - sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng, phản ánh đúng đắn những quy luật phát triển khách quan của lịch sử. Nhờ đó, triết học Mác không chỉ khắc phục triệt để những hạn chế của chủ nghĩa duy vật cũ, đánh đổ các quan điểm phản khoa học của chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo, mà còn có sức mạnh cải tạo thế giới - điều chưa từng có trong các triết học trước đó.

2. Sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử triết học. Đối với các ông, nghiên cứu triết học không phải là mục đích tự thân, mà nhằm giải quyết những yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Qua đó, luận chứng khoa học về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân nhằm xoá bỏ áp bức, bóc lột, bất công, giải phóng chính mình và toàn xã hội. Triết học Mác ra đời là kết quả tất yếu của sự phát triển chín muồi các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Trong đó, sự xuất hiện của giai cấp vô sản và cuộc đấu tranh của nó chống giai cấp tư sản là một trong những điều kiện tiên quyết nhất, quyết định sự ra đời của triết học Mác. Đây chính là tiền đề quan trọng, là điểm mấu chốt làm cho triết học Mác vượt lên trên các học thuyết triết học đương thời, mang bản chất khoa học, cách mạng.

Như chúng ta biết, sau khi cách mạng tư sản thắng lợi và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được khẳng định, giai cấp tư sản trở nên bảo thủ, mất tính cách mạng, thậm chí quay lưng phản bội giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Bị lừa dối và phản bội, giai cấp vô sản tiến hành đấu tranh để giành giật lại những quyền lợi của họ mà giai cấp tư sản đã tước đoạt. Trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản đã dần dần trưởng thành và nhận thức được rằng không phải máy móc mà chính giai cấp, tư sản mới là kẻ thù trực tiếp của mình. Họ đã ý thức được sự cần thiết phải đoàn kết, phải liên hiệp lại thành một giai cấp trong một mặt trận thống nhất để chống lại giai cấp tư sản. C.Mác đã nhận xét rằng, qua cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, giai cấp vô sản từng bước trưởng thành, họ đã chuyển từ giai cấp tự phát thành giai cấp tự giác. Và, trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản không mất gì cả, ngoài cái “xiềng xích” đã từng trói buộc họ, nhưng cái mà họ được thì vô cùng to lớn - đó là được cả thế giới.

Phong trào vô sản phát triển mạnh mẽ và giai cấp vô sản ngày càng chứng tỏ là một lực lượng xã hội to lớn, đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội. Họ đã bước lên vũ đài lịch sử với tư cách một lực lượng khách quan, tiến bộ nhất và có sứ mệnh “là người đào mồ chôn giai cấp tư sản”. Sự phát triển đó là một tất yếu khách quan và, tương tự như vậy, sự xuất hiện của triết học Mác cũng là một tất yếu khách quan.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng, phong trào vô sản ở Tây Âu lúc đó còn mang tính chất tự phát, thiếu tổ chức, đặc biệt là chưa có lý luận khoa học soi sáng, dẫn đường. Sự bế tắc này đã xác nhận rằng, các học thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng - phê phán của Xanhximông, Phuriê, Ôoen không đáp ứng được yêu cầu của phong trào vô sản, không thể hiện được những lợi ích căn bản của giai cấp vô sản và do vậy, không thể đóng vai trò dẫn đường, đưa giai cấp vô sản tiến lên phía trước, thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa. Với nhãn quan xuất chúng, C.Mác và Ph.Ăngghen đã cảm nhận một cách sâu sắc những biến chuyển tất yếu, khách quan của thời đại; cảm thông và trăn trở trước nỗi khổ đau của giai cấp cần lao. Các ông đã tự nguyện từ bỏ địa vị, đặc lợi, đặc quyền của đẳng cấp mình xuất thân, đứng về phía người dân lao động nghèo khổ, trọn đời đấu tranh, bênh vực, bảo vệ họ. Và, chính C.Mác, Ph.Ăngghen đã thực hiện sứ mệnh mà lịch sử trao cho các ông - sáng tạo lý luận cách mạng, xây dựng nên thế giới quan, phương pháp duy vật biện chứng khoa học, cách mạng để trang bị cho giai cấp vô sản, giúp họ nhận thức và giải quyết đúng đắn các vấn đề mà thực tiễn đấu tranh cách mạng đặt ra. Từ đây, giai cấp vô sản toàn thế giới đã tìm thấy ở triết học Mác vũ khí tinh thần của mình, cũng giống như triết học Mác đã tìm thấy ở giai cấp vô sản vũ khí vật chất của mình. Chính vì lẽ đó, triết học Mác trở thành triết học của giai cấp vô sản - giai cấp tiến bộ và cách mạng nhất thời đại. Giai cấp vô sản đón nhận triết học Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác nói chung, coi đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của mình trong cuộc đấu tranh xoá bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công và xây dựng cuộc sống hoà bình, ấm no, tự do, hạnh phúc… Đó là những điều mà mọi kẻ thù “lớn, nhỏ” của Mác xưa và nay không hề mong muốn. Và cũng chính điều đó đã khiến chúng tức giận, thù ghét triết học Mác đến tận xương, tuỷ. Vì thế, cũng không có gì phải ngạc nhiên khi triết học Mác, từ lúc ra đời cho đến nay, luôn bị kẻ thù tìm cách chống phá, phủ nhận và xuyên tạc. Cũng cần nói thêm rằng, tuy chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô [cũ] và các nước Đông Âu bị sụp đổ, song nguyên nhân chủ yếu là do những người cộng sản của các nước đó đã mắc sai lầm về đường lối chính trị và vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc mácxít - lêninnít. Lịch sử đã và sẽ tiếp tục chứng minh, khẳng định sức sống mãnh liệt của triết học Mác, chủ nghĩa Mác.

3. Nhấn mạnh những nội dung trên, chúng ta không chỉ làm rõ sự thống nhất biện chứng giữa tính đảng và tính khoa học trong triết học Mác, coi đó như một nguyên tắc của nhận thức và hành động, mà còn khẳng định sự tác động biện chứng giữa các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan đã quy định sự ra đời của triết học Mác. Ở đây, mỗi tiền đề, mỗi nhân tố có vị trí, vai trò riêng; mặc dù vị trí, vai trò của các tiền đề đó không ngang bằng nhau. Sự hợp lực và phát triển đến độ chín muồi của các điều kiện, tiền đề nêu trên đã tạo cơ sở cho sự ra đời của triết học Mác với tư cách là sản phẩm tất yếu của lịch sử và thời đại. Mặt khác, cũng cần thấy là, khi phân tích bản chất khoa học, cách mạng của triết học Mác, không thể không phân tích bản chất giai cấp công nhân của nó. Hiểu cho đúng điều đó thì người ta mới có đủ can đảm và thật sự khách quan khi thừa nhận sự vận động, phát triển của các quy luật khách quan của thế giới vật chất. Thế nhưng, nhiều người đã cố tình lẩn tránh hoặc tìm cách phủ nhận những sự thật ấy. Người ta cho rằng, triết học Mác chẳng qua cũng chỉ là “sự sao chép triết học cổ điển Đức”, “là phép cộng giản đơn phép biện chứng của Hêgen và chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc”. Cái điệp khúc này đã có ngay từ sau khi triết học Mác ra đời, được “nhai lại với giọng điệu mới của một số người hiện đại” hôm nay. Hẳn là những người này thừa hiểu C.Mác, Ph.Ăngghen đã viết những gì, luận giải điều gì và sợi dây liên hệ giữa Hêgen, Phoiơbắc với sự ra đời của triết học Mác là như thế nào. Những vấn đề này đã được C.Mác và Ph.Ăngghen nói rõ qua nhiều tác phẩm của các ông, đặc biệt là ở Hệ tư tưởng Đức, Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức. Quan điểm nhất quán của C.Mác, Ph.Ăngghen là luôn đánh giá cao phép biện chứng của Hêgen và chủ nghĩa duy vật nhân bản của Phoiơbắc. Tuy nhiên, các ông cũng vạch rõ những hạn chế căn bản trong triết học của Hêgen cũng như của Phoiơbắc và chỉ tiếp thu ở đó cái “hạt nhân hợp lý”, “điểm tích cực” bằng cách lọc bỏ “chín phần bã”, lấy lại “một phần chất” để cải tạo nó trên lập trường duy vật biện chứng.

4. Ai đó đã “thổi phồng” khi cho rằng, triết học Mác ra đời từ triết học cổ điển Đức và từ lâu “triết học cổ điển Đức đã chết”, “đã cáo chung”, do đó, nó cũng cùng chung số phận với triết học cổ điển Đức và không còn giá trị gì. Nhận định đó là không có căn cứ, về thực chất, chỉ là sự xuyên tạc, lời vu khống trắng trợn của những người có đầy toan tính riêng tư. Nói cách khác, đó chỉ là ý kiến thiểu số, mang tính thiển cận, áp đặt chủ quan, không có giá trị. Với cách nhìn đó, những người này càng lún sâu vào bế tắc, ngõ cụt. Như đã nói trên, triết học Mác ra đời là một tất yếu lịch sử, là kết quả phát triển chín muồi của các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Nếu xét riêng về nguồn gốc lý luận, C.Mác đã kế thừa tất cả những di sản tư tưởng, văn hoá tiến bộ của nhân loại, trong đó đáng kể nhất là triết học cổ điển Đức, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và kinh tế chính trị học Anh.

Triết học Mác không phải là một học thuyết triết học bè phái; nó là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, giai cấp có sứ mệnh lịch sử toàn thế giới: xoá bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công; thiết lập nên chế độ xã hội mới - xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, công bằng, bình đẳng, hạnh phúc. Để hoàn thành sứ mệnh vĩ đại ấy, giai cấp công nhân đã kế thừa toàn bộ tinh hoa văn hoá, tư tưởng nhân loại - triết học Mác đã nêu tuyên ngôn giúp họ và đang dẫn dắt họ đi tới mục đích cuối cùng. Sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, có một số người cho rằng, triết học Mác và chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không cần thiết nữa và do đó, không nên giảng dạy triết học Mác - Lênin và chủ nghĩa Mác - Lênin trong trường đại học ở nước ta hiện nay. Luận điệu này chẳng có gì mới, song nó như “đổ thêm dầu vào lửa”, gây sự hoang mang, nghi ngờ ở một số người về chân lý khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Sự thật thì chủ nghĩa Mác - Lênin không chết mà trái lại, nó khẳng định đanh thép rằng, ngày nay, bất cứ ai, bất cứ Đảng Cộng sản nào nếu làm sai và vi phạm những nguyên tắc mácxít - lêninnít thì nhất định sẽ rơi vào sai lầm và phải trả giá đắt, Đảng Cộng sản sẽ mất vai trò lãnh đạo, Tổ quốc lâm nguy, nhân dân cực khổ.

Đối với nước ta, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và thành công của sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là những minh chứng hùng hồn về sức sống, cũng như thắng lợi của thế giới quan duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, về tính đúng đắn của mục tiêu độc dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đó cũng là sự xác nhận của thực tiễn về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng tiên phong, có lý luận tiên phong dẫn đường, chỉ lối. Đối với cách mạng Việt Nam, vai trò thế giới quan và phương pháp luận của triết học Mác - Lênin đã được khẳng định trong lịch sử cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Trong tương lai, vai trò đó vẫn không thay đổi. Tương tự, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, vị thế nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là không thể đảo ngược.

[*] Tiến sĩ, Quyền trưởng phòng Khoa học, công nghệ và môi trường - Học viện Chính trị quân sự.

Chủ Đề