Trên Trái đất có bao nhiều người 2021

PV: Hiện nay có 6,4 tỷ người sống trên Trái đất. Với số lượng như vậy, hành tinh của chúng ta có rơi vào tình trạng thừa nhân khẩu?

Haim: Vậy bạn nghĩ gì về điều này?

PV: Người ta nói, tình trạng tăng dân số sẽ đẻ ra bao khó khăn: nghèo đói, ô nhiễm môi trường và cuối cùng là chiến tranh.

Haim: Thật là nhảm nhí! Từ thời cổ đại đến nay vẫn có nghèo đói, vẫn có môi trường bẩn thỉu và chiến tranh. Chẳng lẽ những điều ấy liên quan đến số dân của vùng này hay vùng khác? Nơi có mật độ dân số đông nhất trên thế giới này chính là công quốc Manaco [16000 người/1km2], chẳng lẽ ở đây quy tụ toàn những người nghèo nhất thế giới? Ngược lại, Manaco là đất nước có nhiều người giàu nhất thế giới. Ở Mông Cổ thì ngược lại, thưa dân nhất [1,6 người/1km2] và... dân được xếp vào hạng nghèo nhất. Cũng như vậy, những nước đông dân ở châu Á, châu Phi, nơi tốc độ tăng trưởng dân số nhanh lại hoàn toàn không phải là nơi gây ô nhiễm môi trường như những nước Tây Âu có tỷ lệ tăng dân số thấp nhưng có nền công nghiệp phát triển.

PV: Như vậy, khái niệm thừa dân số xem ra không chính xác?

Haim: Khi nói về hiện tượng thừa dân số người ta thường lẩn tránh những bằng chứng cụ thể. Hành tinh này thừa dân số thì đã sao? thiếu việc làm? Vấn đề không ở chỗ nhân khẩu mà ở chỗ người ta đã không lo được việc làm cho những người thất nghiệp.

PV: Vậy chả lẽ không có giới hạn nào đó cho việc tăng dân số trên Trái đất này?

Haim: Theo tính toán của các chuyên gia thì sau 50 năm nữa Trái đất này sẽ có 9 tỷ người và sau đó sẽ giảm dần. Ngay tại thời điểm này, tốc độ tăng dân số cũng đã bắt đầu giảm. 40 năm trước, mức độ tăng dân số trên toàn thế giới là 2,2% nhưng hiện nay chỉ còn 1,2%.

PV: Vậy theo ngài, nguồn lương thực, thực phẩm có đủ cho 9 tỷ người?

Haim: Đây chính là điều làm con người lo lắng nhưng chẳng ai biết con số chính xác. Nền kinh tế phát triển khá nhanh. Số lương thực thực phẩm trên đầu người hiện nay so với 100 năm trước lớn hơn nhiều. Vấn đề không phải do sản xuất mà ở chỗ phân phối sản phẩm. Nếu như ở Tây Âu cuộc sống đầy vương giả thì ở một số nơi, người dân vẫn còn đói khổ.

PV: Còn về vấn đề dự trữ năng lượng. Nhu cầu năng lượng của con càng cao thì trong tương lai lượng dầu mỏ sẽ cạn kiệt.

Haim: Nếu như con người trên Trái đất này cứ tiêu thụ năng lượng như những người dân ở các nước phát triển thì rõ ràng dầu lửa không thể đủ cho tất cả. Hiện nay một trẻ nhỏ sống ở các nước Tây Âu tiêu thụ một lượng năng lượng gấp 20 lần so với một trẻ em ở các nước châu Á, châu Phi. Vấn đề quan trọng không hẳn do dân số mà do chính sách năng lượng toàn cầu. Chúng ta cần phải tiết kiệm năng lượng và đồng thời với nó là phân phối hợp lý.

PV: Vấn đề môi trường quả thật không đơn giản. Nơi nào đông dân, nơi ấy nhiều chất thải.

Haim: Hiện nay chính các nước công nghiệp phát triển mới là những nước làm ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Việc đông hay ít dân chỉ đứng ở vị trí thứ yếu mà thôi.

PV: Còn nghèo đói thì sao? Cứ tính theo tỷ lệ thuận: trên Trái đất này, người càng đông thì càng nhiều người nghèo?

Haim: Bạn hãy thử tiên nghiệm điều này, rằng dân số tăng nhưng sản phẩm không tăng thậm chí giảm đi. Điều ấy cũng có nghĩa là bình quân sản phẩm theo đầu người giảm đi. Thực tế không hẳn là như vậy. Người càng đông thì khả năng tiêu thụ sản phẩm càng cao và dĩ nhiên, khả năng sản xuất hàng hoá cũng tăng so với trước đây. Chúng ta cũng cần tính đến điều này, rằng không phải tất cả cư dân trên Trái đất này đều dùng những thứ hàng hoá sang trọng như người châu Âu.

PV: Tỷ lệ sinh ở châu Âu rất thấp, dân số giảm đáng kể và tuổi trung bình ngày càng già đi. ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Haim: Câu trả lời thật đơn giản: ở nhiều nước có số lao động trẻ khá đông và số này có thể bù đắp cho sự thiếu hụt nhân công ở các nước phương Tây. Điều cơ bản là phải mềm hoá luật nhập cư.

PV: Nhưng những dòng người di cư ấy đã làm mất bản sắc dân tộc của nước sở tại.

Haim: Bạn lại sử dụng khái niệm mơ hồ kiểu như thừa dân số. Hãy nhìn về Meklenburg, ở đó rất nhiều người nước ngoài sinh sống nhưng người Đức không bị mất đi bản sắc dân tộc của mình.

Tóm lại không có chuyện Thừa dân số. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi ý thức thật sâu sắc rằng, vấn đề không chỉ phụ thuộc vào dân số ở một đất nước nào đó mà cái chính là ở tiềm năng của đất nước đó [cả về tự nhiên lẫn xã hội].

Những con số biết nói

Theo con số thống kê, năm 2005 Trung Quốc có 1289 triệu dân bằng 21% dân số thế giới.

Ấn Độ có 1069 triệu dân chiếm 17% dân số thế giới.

Mỹ có 293 triệu người, chiếm 5% dân số thế giới. Indonesia có 220 triệu dân; Brazil có 176 triệu dân; Pakistan có 149 triệu dân; Bangladesh có 147 triệu dân; Nga có 146 triệu dân...

Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học Mỹ thì đến năm 2050 trên Trái đất có 9,2 tỷ người, trong đó có 1/3 dân số trên 65 tuổi, 400 triệu người trên 80 tuổi.

Trong báo cáo mới nhất của mình, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan tuyên bố: hàng năm, số người bỏ Tổ quốc của mình đi tìm công ăn việc làm ở những nước công nghiệp phát triển tăng cao. Tính đến năm 2005 có 191 triệu người đi làm ăn ngoài biên giới tổ quốc của họ. Những nước như Philippines, Mexico, tiền ngoại tệ do những người đi làm ăn ở nước ngoài gửi về chiếm phần đáng kể trong ngân sách của đất nước. Ông Kofi Annan cho rằng, di cư đang là yếu tố quan trọng trong đời sống quốc tế. Nếu có chính sách phù hợp thì di cư sẽ mang lại nhiều lợi ích cho toàn thể nhân loại.

Nguồn: gdtd.com.vn 18/7/2006

Video liên quan

Chủ Đề