Tính cách dân tộc là gì

Vài bị chú về cái gọi là tính cách dân tộc

Tính cách dân tộc là một đề tài rất phổ biến, không những ở nước ta mà ở mọi nơi. Mỗi người chúng ta đều có thể phát biểu ý kiến được ngay về vấn đề này: Dân tộc A thì thế này, dân tộc B thì thế kia, dân tộc C thì thế nọ. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy rằng chỉ cần suy luận một vài bước thì ta sẽ nhận ra là những ý kiến ấy rút cục cũng chỉ là những thành kiến, định kiến hình thành bởi luận lý vơ đũa cả nắm. Nhưng đấy là phán đoán về người ta, còn tự phán đoán về mình thì thế nào? Có cơ sở vững chắc không? Như ta đã quen tai: Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, yêu nước nồng nàn, cần cù lao động Thật khó có thể phủ định tính chủ quan trong lối phán đoán đầy tự mãn này, vì thế không ít học giả Việt Nam đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu để khẳng định, khách quan hóa cũng như bản thể hóa những tính cách hay ấy, thiết kế chúng thành bản sắc dân tộc Việt Nam. Hàng loạt tác phẩm chuyên đề được công bố. Đậm đà bản sắc dân tộc cũng là một yêu cầu chính trị; hội nghị, hội thảo cùng đề tài do chính quyền triệu tập diễn ra thường xuyên không ngoài mục đích tuyên dương phẩm chất đạo đức dân tộc. Nhưng bên cạnh những tính cách dân tộc thường được tôn vinh này, hạnh kiểm của dân tộc ta dường như không phải lúc nào cũng đáng được ca ngợi. Gần đây có học giả Vương Trí Nhàn đã tự đề ra cho mình một đề án phản biện: Ông chuyên bêu thói hư tật xấu của người Việt trên công luận và đã gây một làn sóng phản ứng rất sôi nổi. Rõ ràng tính cách dân tộc là một đề tài không tát cạn nổi, được nhiều người, nhiều cấp quan tâm đến.

Tuy nhiên trong cuộc nghị luận này có vài điều liên quan cần lưu ý:

Thứ nhất, trong lịch sử tư tưởng chính trị, thiết kế bản sắc dân tộc thường là yếu tố cấu thành của chủ nghĩa dân tộc. Quan điểm đề cao tính cách dân tộc dễ đưa đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng như hẹp hòi. Trong thế kỷ thứ 20, cao điểm của trào lưu này là tư tưởng hệ phát-xít. Tư tưởng chỉ đạo của phong trào Xã hội Chủ nghĩa Dân tộc [Nationalsozialistische Bewegung], hay gọi tắt là Đức Quốc xã, tức là phát-xít Đức, dựa trên sự đề cao và khai triển tính cách ưu việt của dân tộc Đức mà tiêu biểu là những khẩu hiệu như Đức quốc trên hết!, Tổ quốc trên hết!. Các nhóm phát-xít mới hiện nay đang nổi dậy tại Đông Âu và Nga cũng sử dụng luận điệu dân túy tương tự. Hậu quả của kiểu tư duy này đã hiển nhiên.

Thứ hai, thiết kế bản sắc dân tộc là công cụ tiện nghi và hữu hiệu trong chính sách bế quan tỏa cảng, một bình phong thường dùng để phòng ngừa chống lại những ảnh hưởng từ bên ngoài. Những trào lưu tư tưởng văn hóa mới lạ bất lợi cho chế độ độc tôn thường bị bài bác, thậm chí cấm kỵ với chiêu bài không hợp với bản sắc dân tộc, một kiểu lập luận đã được thường xuyên sử dụng trong cuộc va chạm tư tưởng, văn hóa giữa ta với phương Tây trong suốt thế kỷ thứ 20 cho đến nay. Gần đây ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn [Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch] cũng viện cớ này để biện hộ cho lệnh cấm nghệ sĩ Đào Anh Khánh thực hiện tác phẩm nghệ thuật trình diễn trước công chúng. Tất nhiên đây chỉ là một sự ngụy biện, và tính tùy tiện càng lộ liễu khi ta biết rằng chính ông Lê Ngọc Cường là một trong những ông bầu của nghệ thuật hoa hậu và có lẽ Việt Nam là nước độc nhất đã nâng nghệ thuật nhập cảng này thành một sự kiện văn hóa lên tầm cỡ quốc gia [thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa!]. Thì ra kiểu trưng diễn mông đùi của các cô lại hợp với thị hiếu dân tộc!

Thứ ba, là một sản phẩm tư tưởng hệ, quan niệm đề cao tính cách dân tộc là một đối tượng của phản tư phê phán; tính cách dân tộc tự nó không phải là một đối tượng khảo cứu nghiêm chỉnh của khoa học xã hội. Những cái được gọi là tính cách của một dân tộc nào đó [kể cả dân tộc Việt Nam] không phải là nhận thức khoa học. Trong thực học chẳng tồn tại một tác phẩm khoa học nào bận tâm đến đề tài này. Ta cũng không ngạc nhiên là thành quả khảo cứu khoa học vể tính cách dân tộc rút cục cũng chỉ là những kết luận võ đoán chung chung, và nhiều khi không thiếu phần khôi hài. Khẳng định dân ta là một dân tộc anh hùng, yêu nước, cần cù lao động cứ ngỡ tưởng như là có dân tộc nào đó nhút nhát, bán nước hay chỉ ngồi chơi tán láo. Thật khó có thể tưởng tượng được ở Pháp, Đức hay Mỹ có thể có một đầu sách nghiên cứu với đề tài Tính cách dân tộc Pháp, Đức hay Mỹ, ngoại trừ đấy là thể loại châm biếm, giễu cợt. Phản ứng gần đây trên công luận Việt Nam về những bài báo của Vương Trí Nhàn càng cho ta thấy kiểu suy tư bản thể hóa tính cách dân tộc vẫn còn rất phổ biến. Việc Vương Trí Nhàn sử dụng phong cách cường điệu phóng đại những điều chướng ta gai mắt thành tính cách dân tộc của người Việt để dựng lên tấm gương cho ta soi là quyền ưu tiên của một nhà văn. Cảnh cáo họ Vương phải nghiêm cẩn với tính cách dân tộc là một sự tự cáo cái ngây ngô của mình vậy!

Thứ tư, vì không phải là nhận thức nên cái được gọi là tính cách dân tộc chẳng giải thích được chuyện gì cả, không giải thích được một sự vật nào cũng như một sự kiện nào, càng không giải thích được tính đa dạng trong sự phát triển khác nhau của các dân tộc. Ngược lại, muốn đi sâu vào tìm hiểu một dân tộc nào thì trước hết phải gạt những định kiến sang một bên, muốn tự tìm hiểu về dân tộc mình thì trước hết phải phá vỡ những ảo tưởng về tính cách dân tộc đã ru ngủ ta xưa nay.

Dĩ nhiên sự quan tâm đến tính cách dân tộc là một hiện tượng phổ biến và là một thực tại cần được soi rọi. Vấn đề đặt ra ở đây, như đã hiển nhiên, không phải là phán xét những tính cách gán cho một dân tộc nào đó hay tự gán cho dân tộc mình có đúng hay không. Vấn đề ở đây là sự quan tâm đến tính cách dân tộc biểu hiện một nhu cầu chính đáng, nhu cầu tự ý thức về mình hình thành qua sự đụng chạm, vật lộn với thế giới chung quanh mình, với cái gì khác mình. Đấy là một nhu cầu tự khẳng định mình liên tục [của một cá nhân hay một dân tộc] trong sự biến đổi không ngừng của môi trường chung quanh và của chính mình. Tự nhận thức là một quá trình phức tạp biểu hiện qua sự lần mò đi tìm sự đồng nhất với chính mình. Bản thể dân tộc chỉ có thể hiểu là tính đồng nhất với chính mình, tính đồng nhất dân tộc. Hegel đã từng phát biểu: Sự đồng nhất là sự khác biệt đồng nhất với chính bản thân mình [Identität ist der mit sich selbst identische Unterschied]. Câu nói tưởng chừng như khó hiểu, thậm chí tự mâu thuẫn này đã diễn đạt một cách tài tình tính biện chứng của khái niệm đồng nhất. Đồng nhất không phải là một trạng thái mà là một diễn trình. Đưa vào tương quan nội dung đang bàn, ta có thể nói rằng sự đồng nhất dân tộc là sự biểu dương muôn màu muôn vẻ của sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần trong chiều dài lịch sử trưởng thành của một dân tộc, và tất nhiên không thể đút nhét vào một vài tính cách dân tộc chung chung thô thiển.

Như đã trình bày, sự quan tâm đến tính cách dân tộc là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên trong hơn nửa thế kỷ qua nhu cầu ấy đã được công cụ hóa qua sự đề cao tinh thần anh hùng, yêu nước, cần cù lao động, vân vân là tính cách dân tộc nhằm phục vụ ý đồ chính trị: động viên quần chúng trong hai cuộc chiến tranh vừa qua và củng cố trật tự xã hội đang thống trị. Có lẽ không ai có thể phủ nhận được là trong một thời điểm nhất định, đòn tâm lý này đã có tác động mạnh mẽ và đem lại thành công như dự tính. Tuy nhiên như ta biết, trong tuyên truyền cũng như trong quảng cáo yếu tố tâm lý đóng một vai trò tối quan trọng. Trong hai lãnh vực tương tự này tính tác động là kim chỉ nam cho mọi hành động thao tác, là mẹ của mọi thành công. Tác động tự nó biện hộ cho mọi loại phương tiện, thủ đoạn sử dụng, trong khi nội dung của thông điệp chỉ có vai trò thứ yếu. Marshall McLuhan, một uy tín trong lãnh vực truyền thông học, đã xác định khái niệm thông điệp không thông qua nội dung mà là thông qua tính tác động: thông điệp được xem như đồng nghĩa với tác động. Tóm lại: Trên trường hoạt động này, sự thật chỉ là yếu tố phụ, xuyên tạc để tăng cường tác động mới là nguyên lý mà chiến dịch tuyên truyền cổ động cho chiến tranh ở Iraq của chính quyền Bush là một thí dụ rất điển hình.

Sự đúng sai về nội dung của thông điệp dân tộc ta là một dân tộc anh hùng hoàn toàn thứ yếu, miễn sao những lời tự sùng bái mình làm êm tai, gây được tác động tâm lý vào quảng đại quần chúng thu nhận, và như vậy sứ mệnh của thông điệp được xem là hoàn thành. Đấy là bí quyết của sự thành công của guồng máy tuyên truyền cũng như guồng máy quảng cáo, và đấy cũng là bí quyết của sự hình thành tính cách dân tộc từ những khẩu hiệu chính trị nhất thời mà hôm nay đã nhàm tai chúng ta.

Tháng 11.2007

© 2007 talawas

Video liên quan

Chủ Đề