Tao hóa là gì

1. Khi nghe hát bài "Con chỉ là Tạo Vật" của nhạc sĩ Phanxicô, tôi rất xúc động vì những lời đơn sơ mộc mạc nhưng lại tràn đầy cảm xúc chân thành:
"Vì trước mặt Chúa, Thái sơn cũng mọn hèn,
giòng sông cả mấy sâu có là mấy đâu.
Giữa đời tay không nhỏ bé, biết tìm chi dâng tiến Ngài..."
Thế nhưng, khi nghe lại câu mở đầu của bài hát này: "Lạy Chúa con chỉ là Tạo Vật...", tôi bỗng giật mình, tự hỏi: Có điều gì nhầm lẫn chăng ? Tại sao lại nói : "Con chỉ là Tạo Vật", không phải Chúa mới là Tạo Vật sao ? Vậy Tạo Vật có nghĩa là gì ?

2. Tạo Vật có nghĩa là gì ?
2.1. Tạo : Có các chữ Hán này: 造, 皂, 艁, 皁,唣, 唕 trong từ Tạo Vật, tạo là chữ 造 này. Chữ này có bộ xước辶[nghĩa là đi] và chữ cáo 告 [nghĩa gốc là tựu, tức là làm việc có thành công. Lại nữa, chữ cáo có nghĩa là báo cho biết, mình làm việc thành công mới nên báo]. Chữ này có nhiều nghĩa : đt.[1] Làm cho từ không ra có và tồn tại ; [2] Chế tác; [3] Kiến lập ; [4] Phát minh ; [5] Sinh ra ; [6] Làm ra ; [7] Hư cấu ; [8] Đi về phía trước ; [9] Đến ; [10] Bồi dưỡng ; [11] Thành tựu ; dt. [12] Tạo Hoá, nói tắt. [13] Niên đại ; [14] Tên tế tự ; [15] Giờ, ngày, tháng, năm sinh của một người theo bói toán gọi là tạo ; [16] Thăm dò nghiên cứu ; [17] Thời đại ; [18] Hai bên [nguyên cáo và bị cáo] tố tụng ; [19] Số lần thu hoạch nông nghiệp ; [20] Họ Tạo ; [21] may mắn ; [22] Nhà bếp ; [23] Tên tước hiệu ; [24] Chức đứng đầu và cai quản một bản ở vùng dân tộc Thái, trước Cách Mạng Tháng Tám. pht. [25] Vội vã ; [26] Bắt đầu.
2.2 Vật : Có các chữ Hán này : 物, 勿, 沕, trong từ Tạo Vật, vật là chữ 物. Chữ này có nghĩa : dt. [1] Các loài sinh ở trong trời đất đều gọi là vật cả ; [2] Cái có hình khối, tồn tại trong không gian, có thể nhận biết được, vd. Vật báu ; [3] Hoàn cảnh hay sự việc bền ngoài ; [4] Người hay hoàn cảnh bên ngoài ; [5] Nội dung ; [6] Màu sắc ; đt. [7] Tìm tòi.
2.3 Tạo Vật : Thử tra từ này trong nhiều từ điển tiếng Việt và Hán Việt, chúng tôi thấy tất cả đều giải nghĩa chữ Tạo Vật là Tạo Hoá, Trời. Đặc biệt, chỉ có TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT [của Viện Ngôn Ngữ Học, nxb Đà Nẵng, 2004] ghi là: [1] [cũ] như Tạo Hoá. [2] Những vật tồn tại trong thiên nhiên nói chung, coi là do Tạo Hoá tạo ra.
Về phía Công Giáo, các từ điển hoặc từ vựng triết học và thần học, thường dịch các từ như sau:
- Création [P], creation [A]: Sáng tạo, tạo thành
- Créateur [P], Creator [A]: Tạo Hoá, Hoá Công.
- Créature [P], creature [A]: Thụ tạo.
Riêng TỪ ĐIỂN THẦN HỌC TÍN LÝ ANH VIỆT [của Cha Vũ Kim Chính, SJ & ntg, xuất bản tại Đài Loan, 1995] có ghi:
- Creator: Chúa Tạo Vật, Đấng Tạo Hoá, Đấng sáng tạo.
- Creature: Thụ tạo vật, vật được tạo dựng, tạo vật, kẻ được tạo dựng.
Đặc biệt, TỪ ĐIỂN VÀ DANH TỪ TRIẾT HỌC [của Đức Ông Trần Văn Hiến Minh, Tủ sách Ra Khơi, Sài gòn, 1966] ghi chi tiết hơn:
Création: Sáng tạo, tạo thành
- Sáng tạo [création]: [1] Nghĩa chuyên môn: làm cho từ không mà có. [2] Nghĩa loại suy: chỉ tác động chế tạo của con người.
- Tạo thành [création] Nch. Sáng tạo.
Créateur: Tạo Hoá, Hóa công.
- Tạo Hoá [Créateur]: Nch. Sáng tạo, Đấng sáng tạo trời đất muôn vật.
- Hoá công [Créateur]: Nch. Tạo Hoá, Đấng đã tạo thành vũ trụ, chỉ nhờ vào quyền vạn năng của mình chứ không nhờ vật nào khác.
Créature: Thụ tạo.
- Tạo vật [créature]: Danh từ này có người dùng để chỉ vật được Thượng Đế sáng tạo. Nhưng để rõ hơn, người ta dùng chữ thụ tạo. Xch này. Có người lại hiểu là tạo nên vật, tức là Đấng Tạo Hoá. Thiết nghĩ chỉ nên dùng hai chữ Tạo Hoá [Créateur] và thụ tạo [créature].
- Thụ tạo [créature]: Những vật hay người được Thượng đế sáng tạo nên, nghĩa là được làm cho có từ hư vô.
Như vậy, từ lâu đã có người dùng chữ Tạo Vật "để chỉ vật được Thượng Đế sáng tạo" và "có người lại hiểu là tạo nên vật, tức là Đấng Tạo Hoá". Vậy phải nghĩ thế nào?

3. Phải nghĩ thế nào ?
Ngày nay, có rất nhiều người [không chỉ riêng trong giới Công Giáo, mà còn trong các tôn giáo khác, và cả ngoài xã hội nữa] sử dụng từ "Tạo Vật" theo nghĩa là thụ tạo [créature], tức là "vật được tạo ra". Sai lầm cách phổ biến này có lẽ là do quan niệm: Trong cấu trúc từ ghép Hán Việt, thông thường thành tố chính đứng sau thành tố phụ, ví dụ như: ẩn số [số được giấu kín], di sản [tài sản được người chết để lại], hồng y [y phục màu hồng], phế phẩm [sản phẩm bị bỏ đi], tuyển thủ [đấu thủ được tuyển chọn]... Cứ theo quy luật tạo từ này, ta có các từ mang thành tố "vật": cống vật [vật được đem đi dâng biếu], di vật [vật được để lại sau khi chết], huý vật [vật bị kiêng, bị cấm], phế vật [vật bị bỏ đi], tặng vật [vật để tặng, vật được tặng] và... tạo vật [vật được tạo ra]. Như vậy, "tạo vật" là từ ghép bất đẳng lập, gồm có "vật" là thành tố chính và "tạo" là thành tố phụ.
Thực ra, từ xưa "Tạo Vật" đã có nghĩa là Đấng Tạo Vật, Đấng Tạo Hoá, Đấng Sáng Tạo như có thể thấy qua những di thảo của Nguyễn Trường Tộ, chẳng hạn: "Tạo Vật ban phúc cho con người... Tạo Vật sinh ra muôn vật để cho con người sử dụng mà không tiếc một thứ gì... Tạo Vật sinh ra loài người đều do cùng một nguồn gốc như nhau cả... Tạo Vật sinh ra đất đai là cốt để cho cả loài người hưởng dụng chứ không phải để cho một người chiếm lấy làm của riêng.... Tạo Vật là Đấng nhân ái công bằng, coi mọi người như con... Loài người là con của Tạo Vật... Tạo Vật khi chưa sinh ra người đã sinh ra muôn vật trong thiên hạ trước để làm nguồn của cải... Tạo Vật yêu người nên thầm dạy những việc cấp thiết trước, việc chưa cấp thiết thì dạy sau... Không có cái gì là không do Tạo Vật bày ra... Những cái mà Tạo Vật bày ra đó đều khiến vua nắm quyền để mở mang sắp đặt...Vua đã thay quyền Tạo Vật để chăn dân, làm lợi cho dân.. Tạo Vật đã cho nước ta một địa lợi tốt để mà làm... Tạo Vật quý trọng sự sống vô cùng, đã cho ta địa lợi tốt...ắt sẽ giúp ta thịnh vượng... Tạo Vật đã sắp đặt như vậy sao ta không biết liệu cách tạm thời lưu thông với họ... Tạo Vật là cha mẹ của tất cả các nước, thì không nỡ để một đứa con nào đến phải chịu khốn khó..."[Di thảo số 5: "KẾ HOẠCH LÀM CHO DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH"] hoặc qua những quan niệm "Tạo Vật đố tài, Tạo Vật đố hồng nhan"... của cổ nhân. Vì vậy, hai quyển từ điển lớn nhất của Trung Quốc đều xác định rõ: "Tạo Vật. Vị sáng tạo vạn vật giả, chỉ thiên dã" [Nghĩa là: Tạo Vật. [Tức là] Đấng sáng tạo ra muôn vật, chỉ trời vậy]. "Tạo Vật. Dữ Tạo Hoá đồng. Vị thiên dã" [Nghĩa là: Tạo Vật. Đồng nghĩa với Tạo Hoá. Gọi [= chỉ] trời vậy"].
Để hiểu cho đúng, chúng ta cần lưu ý: Trong Hán ngữ, đặc điểm của từ vựng cổ đại [đại đa số là đơn âm tiết] là khi trở thành từ Hán ngữ hiện đại [thường là song âm tiết, cũng có một số ít từ đa âm tiết] nó được gắn thêm một âm tiết khác vào trước hoặc sau nhưng ý nghĩa vẫn không đổi, ví dụ: sư 師 lão sư 老師 [thầy giáo]; học 學 học tập 學習 [học]; mỹ 美mỹ lệ 美麗 [đẹp]; thạch 石 thạch đầu 石頭 [đá]; nữ 女 nữ nhi 女兒 [con gái]; nguy 危 nguy hiểm 危險 [nguy hiểm]; nguyệt 月 nguyệt lượng 月亮 [mặt trăng]; trác 桌 trác tử 桌子 [cái bàn]; tư 思 tư khảo 思考 [suy nghĩ]... Vì vậy, theo chúng tôi: "Tạo" là từ Hán ngữ cổ đại đơn âm tiết, tự nó có nghĩa là "Tạo Hoá" [danh từ] rồi. Sau người ta mới ghép thành những từ như: [Đấng] Sáng Tạo, Tác Tạo, Tạo Hoá, Tạo Thành, Tạo Vật... tất cả đều có chung nghĩa là Trời vậy, vì "Người xưa cho rằng vạn vật là do Trời dựng nên, nên gọi Trời là Tạo Vật" , cũng vậy, trong tiếng Việt, người ta ghép thành những từ như: con tạo, ông tạo, thợ tạo...

4. Kết luận.
Rõ ràng Tạo Vật chỉ có nghĩa là Đấng Tạo Hoá, tức là Thiên Chúa, hoàn toàn không có nghĩa làvạn vật. Để nói về vạn vật được tạo thành [créature] chúng ta nên dùng chữ "thụ tạo" hoặc "vật thụ tạo" mà thôi.
Chia sẻ với Nguyễn Khang, tác giả bài "Con chỉ là tạo vật" đã viết: "Phanxicô có hai giai đoạn viết lách: Từ 1975 đến khoảng 1982 là viết ngẫu hứng [nghĩ sao viết vậy] với cái vốn nhạc lý học được trong nhà Đức Chúa Trời. Từ khoảng 1982 trở đi [1982 bắt đầu theo học Cha Kim Long và Thầy Viết Chung] thì viết có bài bản, có lý luận đôi chút. Bài CCLTV viết năm 1980, thuộc giai đoạn trước, khi ấy mình đang dạy học xa nhà ở Đất Đỏ, một vùng quê cách Bà Rịa 10 km... Sau đó cho in vào tập Nhạc Khúc Thiên Đườngcủa Nguyễn Duy... Sau này, anh Khang ạ, còn có ý kiến cho rằng từ Tạo Vật là để chỉ Thiên Chúa [Creator], còn con người phải gọi là tạo thành mới đúng... Diễn đâm hoảng. Nhưng mà biết sửa sao được nữa. Đúng hay sai thì bài hát đã được phổ biến rồi" [Ns. Phanxicô Nguyễn Đình Diễn, trong Tâm Tư Sao Biển ngày 12/10/04]
Thiết nghĩ, việc "tái bản, có sửa chữa và bổ sung" là việc mà các tác giả vẫn làm và cần làm khi nhận ra điểm sai lầm hoặc thiếu sót trong tác phẩm của mình. "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" [Mt 22,21] trong trường hợp này cũng là góp phần làm trong sáng tiếng Việt vậy.

Lm Huỳnh Trụ
Peter Tâm Thành biên tập
CCS Saigon

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Phương Nghị, TỪ NGUYÊN, Thượng Hải Thương Vụ Ấn Thư Cục, Thượng Hải, 1935.
  • Ban giáo sư Trường Thần Học Bùi Chu, DANH TỪ THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC, Tủ sách Liên Chủng Viện, Bùi Chu, 1952.
  • Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, DExtrême Orient, Sài Gòn, 1957.
  • Cao Thụ Phan, HÌNH ÂM NGHĨA TỔNG HỢP ĐẠI TỰ ĐIỂN, Đài Loan, 1971.
  • Nhiều tác giả, TỪ HẢI [Đài Loan], nxb Trung Hoa, Đài Loan, 1972.
  • Lý Lạc Nghị, TÌM VỀ CỘI NGUỒN CHỮ HÁN, nxb. Thế Giới, Hà Nội, 1997.
  • Gs. Nguyễn Như Ý & ntg, ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. VHTT, Hà Nội, 1999.
  • Lm. Antôn Trần Văn Kiệm, GIÚP ĐỌC NÔM VÀ HÁN VIỆT, nxb. Đà Nẵng, 1999.
  • Gs. Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ & NGỮ VIỆT NAM, Nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000.
  • Viện Ngôn Ngữ Học: Phan Văn Các [chủ biên], TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT, Tp. HCM, 2002.
  • Châu Hà, QUỐC NGỮ HOẠT DỤNG TỪ ĐIỂN, Đài Loan, 2004.
  • Trần Phục Hoa [chủ biên], CỔ ĐẠI HÁN NGỮ TỪ ĐIỂN, Bắc Kinh, Trung Quốc, 2005.
  • Viện Ngôn Ngữ Học: Hoàng Phê [chủ biên], TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Đà Nẵng, 2005.
  • Lê Phương Thanh, TỰ ĐIỂN PHÁP-PHÁP-VIỆT, nxb Văn hoá Thông tin, 2005.

Video liên quan

Chủ Đề