Thực trạng nhà ở xã hội hiện nay

Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp

[ĐCSVN] – Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định pháp luật với thực tiễn để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này.

Toạ đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp”, điểm cầu chính tại trụ sở Bộ Xây dựng [Ảnh chụp màn hình]

Sáng 19/11, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Toạ đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức đã diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tọa đàm nhằm góp phần đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Gần 2 năm qua, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại, gây tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Thực tế, tại các khu công nghiệp cũng đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Khi dịch COVID-19 bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều mối lo do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo… Bên cạnh đó, có khu công nghiệp đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng không đạt tỷ lệ lấp đầy, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và hết sức băn khoăn.

Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định pháp luật với thực tiễn để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này.

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản [Bộ Xây dựng], việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chung nhận định rằng, trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân nói riêng rất lớn nhưng không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến loại hình này do: Giới hạn về lợi nhuận dự án; Giới hạn về đối tượng khách hàng; So với các dự án nhà ở thương mại cần thêm một số thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội: phê duyệt giá, danh sách khách hàng,… Trong dự án nhà ở xã hội bắt buộc phải bố trí một phần diện tích nhà cho thuê nên cũng phần nào làm giảm sự hấp dẫn của phân khúc này…

Một số đề xuất nêu tại Tọa đàm đã đề cập, trong đó nhấn mạnh tới việc cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Đáng chú ý, ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang gợi ý, cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án [hồ sơ kèm theo danh sách dự kiến hợp đồng lao động với công nhân] để cho công nhân mình thuê ở; công nhân lao động trong khu công nghiệp khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nhiệp sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh [doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp phải được Ban Quản lý các Khu công nghiệp xác nhận]; đối với nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp ở thì doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án khi đáp ứng điều kiện năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tham luận trình bày tại Tọa đàm [Ảnh chụp màn hình]

Về phía Sở Xây dựng Hải Dương, ông Tăng Bá Bay, Phó Giám đốc Sở đã đề nghị nên xem xét, sửa đổi theo hướng khi lập quy hoạch khu công nghiệp, tính toán dự báo số lượng công nhân tại khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở [từ 50-60% số lượng công nhân], từ đó bố trí đủ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở cho công nhân [đảm bảo yêu cầu đồng bộ bao gồm khu nhà ở và các thiết chế văn hóa kèm theo]. Ưu tiên xây dựng nhà trọ cho thuê phụ thuộc vào phong tục tập quán, độ tuổi. Gắn trách nhiệm bắt buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp có trách nhiệm phải đầu tư khu nhà ở công nhân và được xem khu nhà ở cho công nhân tương tự như hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp mà chủ đầu tư thực hiện.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường [Bộ Xây dựng] nhấn mạnh, cần phải đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu bởi công nhân là lực lượng sản xuất chính, nòng cốt đối với nền kinh tế. Vì vậy, công tác chăm lo cho đời sống công nhân, cũng như xây dựng nhà ở an sinh xã hội là cực kỳ quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà còn đối với cả xã hội.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2 [đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020]; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2. Trong đó: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6.700.000 m2.

Trong 09 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành 15 dự án với 3.858 căn, 192.900 m2. Được cấp phép đầu tư mới 6 tháng đầu năm 2021, 7 dự án với 3.341 căn, 167.050 m2. Đối với việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, tổng hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và báo cáo của các địa phương thì mục tiêu đến năm 2020 cả nước dành khoảng 600ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp. Báo cáo của các địa phương còn chỉ rõ, đến nay, cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha [trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350 ha]. Như vậy việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân KCN cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội, đến thời điểm hiện nay, đã được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở [Ngân hàng CSXH tự huy động thêm 2.163 tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo quy định]. Theo báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong cả giai đoạn 2020 – 2025 mới chỉ có khoảng 2.270 lượt khách hàng là người lao động được vay vốn theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, với dư nợ khoảng 794 tỷ đồng. [Nguồn: Báo Xây dựng]

Lê Anh

Video liên quan

Chủ Đề