Nghệ thuật xây dựng hình tượng Rừng xà nu

Nguyễn Trung Thành là nhà văn trưởng thành trong cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông gia nhập quân đội năm 1950, hoạt động chủ yếu và gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên.

Nguyễn Trung Thành hiểu sâu sắc về Tây Nguyên. Sự gắn bó, hiểu biết và lòng yêu mến đối với thiên nhiên và con người Tây Nguyên đã khiến Nguyễn Trung Thành trở thành người đầu tiên và người góp nhiều công sức nhất trong việc đưa văn chương hiện đại tìm đến Tây Nguyên và đem Tây Nguyên về với văn chương hiện đại.

Các tác phẩm của ông mang đậm âm hưởng sử thi và cảm hứng lãng mạn: chất thơ hoà quyện với độ hoành tráng của núi rừng Tây Nguyên, của  những người anh hùng cách mạng bất khuất, kiên trung với quê hương, đất nước.

Tác phẩm chính: Đất nước đứng lên, Rẻo cao, Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, …

2. Tác phẩm

2.1. Hoàn cảnh sáng tác

Mùa hè năm 1965, đế quốc Mĩ bắt đầu đổ quân ào ạt vào miền Nam, các chiến dịch càn quét được tổ chức quy mô và rầm rộ hơn. Trong hoàn cảnh ấy, nhà văn viết Rừng nu như là một biểu tượng cho tinh thần bất khuất kiên cường của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và đồng bào ta nói chung.

  Rừng nu đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ [số 2, 1965], sau đó được tuyển in trong tập truyện và kí “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”

2.2. Nghệ thuật

– Tác phẩm mang đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn. Chất sử thi biểu hiện trong::

  • Chủ đề: cuộc chiến đấu để bảo vệ sự sống của dân làng Xô Man
  • Nhân vật: người anh hùng Tnú của bộ tộc có cuộc đời, số phận bi tráng
  • Khung cảnh thiên nhiên hoành tráng [hình ảnh những cánh rừng xà nu trải dài, hình ảnh người Xô Man ào lên như vũ bảo trong đêm đồng khởi]
  • Giọng kể của cụ Mết trang nghiêm như lời phán truyền khi kể về cuộc đời của Tnú và bài học xương máu của người Xô Man

– Ngôn ngữ truyện giàu âm hưởng, vừa trang nghiêm, vừa hào hùng

2.3. Chủ đề

    Rừng xà nu là câu chuyện về quá trình trưởng thành trong nhận thức cách mạng của một con người, cũng như của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chân lí tất yếu mà họ nhận ra: chỉ có dùng bạo lực cách mạng mới có thể đè bẹp được bạo lực phản cách mạng.

II. HÌNH TƯỢNG CÂY XÀ NU

1. Khái quát chung

– Cây xà nu là loại cây gần gũi, gắn bó với đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Nguyễn Trung Thành có nhiều kỉ niệm sâu sắc với xà nu.

– Cây xà nu là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, là hình tượng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm, góp phần bộc lộ chủ đềnội dung tư tưởng tác phẩm.

2. Bút pháp miêu tả cây xà nu

2.1. Nghệ thuật miêu tả cây xà nu:

– Miêu tả cây xà nu, tác giả kết hợp tả bao quát và cụ thể, phối hợp nhiều giác quan, từ đó hình tượng cây xà nu hiện lên sinh động, chân thực và không kém phần thơ mộng. Hương sắc của  xà nu làm say đắm lòng người. Ở trong rừng xà nu, ta cảm nhận được hương“thơm ngào ngạt” của nhựa xà nu, thứ hương rất riêng mà Nguyễn Trung Thành gọi là “thơm mỡ màng”. Dưới nắng hè, xà nu hiện lên với tất cả vẻ xanh tươi, rực rỡ của“vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra”.

– Tác giả miêu tả cây xà nu trong sự so sánh, đối chiếu thường xuyên với con người. Các hình thức nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hùng vĩ, khoáng đạt của thiên nhiên, đồng thời gợi nhiều suy tưởng về con người.

– Giọng văn đầy biểu cảm với những cụm từ lặp đi lặp lại “cây”, “những cây” khiến đoạn văn miêu tả cây xà nu có dáng dấp như một bài thơ trữ tình.

2.2 Bút pháp tả thực:

– Cây xà nu có mặt khắp núi rừng Tây Nguyên, sống thủy chung, gắn bó với nguời dân Xô Man qua nhiều thế hệ. Xà nu là người bạn gắn bó trong cuộc sống thường ngày và cùng họ chia sẻ những sự kiện quan trọng. Khói xà nu “xông bảng nứa đen kịt” để anh Quyết làm phương tiện dạy Mai và Tnú học chữ. Lửa xà nu hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của người Xô Man, tỏa sáng trong đêm đón Tnú về thăm làng. Đuốc xà nu soi sáng đường rừng đêm, sáng rực cả làng trong đêm khởi nghĩa. Hình ảnh xà nu luôn hiện diện trong nếp nghĩ và tình cảm của người dân Xô Man. Họ yêu quý và tự hào “không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”.

– Trong tác phẩm, xà nu và những biến thể của nó được nhắc đến hơn 20 lần, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Điều này góp phần tạo dựng bối cảnh hùng vĩ, hoang sơ, đậm màu sắc Tây Nguyên.

2.2. Bút pháp tượng trưng:

Chọn hình tượng cây xà nu, nhà văn muốn xây dựng một biểu tượng nghệ thuật về Tây Nguyên. Với thủ pháp miêu tả “ứng chiếu” cây xà nu và dân làng Xô Man, tác giả đã làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

2.2.1. Số phận đau thương

– Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đã dựng lên một sự sống trong tư thế đối mặt với cái chết, một sự sinh tồn đang đứng trước mối đe dọa diệt vong. Rừng xà nu bị bắn phá ác liệt “chúng bắn ngày, bắn đêm, xế chiều, đứng bóng và xẩm tối”, không theo quy luật nào, bất kể thời gian, không gian. Xà nu là nạn nhân trực tiếp của bom đạn Mĩ.

– Rừng xà nu bị tàn phá nặng nề được thể hiện bằng thủ pháp miêu tả viễn cảnh và cận cảnh. Nhìn từ xa, “hàng vạn cây không cây nào không bị thương”, đau thương bao trùm cả khu rừng mênh mông. Nhìn gần, ta thấy ở những cây xà nu trưởng thành “nhựa ứa ra đọng tụ laị bầm đen, đặc quyện lại thành từng cục máu lớn”. Còn ở những cây xà nu con thì“vết thương cứ loét mãi ra, năm mười hôm sau thì cây chết”. Nỗi đau thương, mất mát in đậm trên từng thân thể xà nu.

-> Hình ảnh cây xà nu luôn luôn được tác giả đặt trong sự đối chiếu với con người, gợi ra những liên tưởng về đời sống và số phận con người trong chiến tranh. Vết thương trên thân cây xà nu gợi liên tưởng đến những ngón tay bị mất một đốt trên đôi bàn tay Tnú. Những cây xà nu bị chết khiến ta nhớ lại những cái chết đau thương anh Xút, bà Nhan, Mai, con của Tnú và Mai.

=> Cánh rừng xà nu là biểu tượng của đau thương, phản ánh những đau thương của các dân tộc Tây Nguyên nói riêng và nhân dân miền Nam nói chung.

2.2.2. Phẩm chất:

Nguyễn Trung Thành đã dựng lên một sự sống trong tư thế đối mặt với cái chết, một sự sinh tồn đang đứng trước mối đe dọa diệt vong để khắc họa nổi bật sức sống kì diệu của cây xà nu, khẳng định sự sống luôn mạnh hơn cái chết.

Mở đầu tác phẩm là hình ảnh cánh rừng xà nu tồn tại mạnh mẽ trước sự hủy diệt dã man của kẻ thù “đạn đại bác không giết nổi chúng”.

+ Oằn mình dưới đạn pháo, xà nu vẫn sinh sôi nhanh chóng, “cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Cây con mới nhú đã nhọn hoắt, đầy sức chiến đấu -> Hình ảnh cây xà nu con gợi liên tưởng đến các thế hệ người làng Xô Man nối tiếp nhau giữ gìn truyền thống của làng, kiên cường chiến đấu. Mai ngã xuống giữa tuổi thanh xuân tràn đầy nhựa sống thì Dít đã lớn lên, và nhanh chóng đến không ngờ, trở thành Bí thư chi bộ. Rồi bé Heng cũng đang trưởng thành, tiếp bước đàn anh.

+ Xà nu như người dũng sĩ trong truyền thuyết, “ưỡn tấm ngực lớn che chở cho dân làng”, luôn kiên cường bảo vệ dân làng. “Tấm ngực lớn” của rừng xà nu đồng thời gợi hình ảnh về những con người đang chiến đấu bảo vệ buôn làng. Đó là cụ Mết – hiện thân của tinh thần quật khởi – người đã nuôi ngọn lửa khát vọng tự do, gắn bó với Cách mạng. Đó là Tnú – hiện thân của sự trung thành với Đảng – người đã vượt qua nỗi đau riêng để kiên cường chiến đấu.

Kết thúc tác phẩm vẫn là hình ảnh rừng xà nu kì vĩ.

+ Đau thương, mất mát đã mài sắc thêm tinh thần chiến đấu của cây xà nu “Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê”.

+ Cánh rừng xà nu trải dài bất tận “đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời” -> Rừng xà nu bạt ngàn gợi nhắc đến các thế hệ người dân Xô Man. Người này ngã xuống, người khác đứng lên, nối tiếp nhau tạo thành một đội ngũ trùng trùng điệp điệp, tạo nên sức sống mạnh mẽ, bất diệt.

=> Với thủ pháp nghệ thuật so sánh, đối chiếu và kết cấu vòng tròn khi xây dựng hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã tạo nên sự chuyển hóa, hòa hợp giữa hình tượng thiên nhiên và con người, tạo nên một bản hợp xướng đầy chất thơ hào hùng tráng lệ về sức sống bất diệt và cuộc chiến đấu bất khuất kiên trung của nhân dân Tây Nguyên.

  • Ham ánh sáng, khát vọng tự do

Xà nu là loại cây “ham ánh sáng mặt trời”, yêu tự do. Ngay khi vừa được sinh ra, cây xà nu con đã “phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng”, để được đón nhận luồng ánh sáng ấm áp, được tiếp nhận luồng năng lượng mạnh mẽ từ mặt trời.

-> Cũng như xà nu, người dân Xô Manluôn hướng theo ánh sáng Cách mạng “Đảng còn, núi nước này còn”. Lời của cụ Mết là lòng tin vào lí tưởng cách mạng của người dân Tây Nguyên, nói riêng và của đồng bào miền Nam nói chung.

III. TỔNG KẾT

Hình tượng cây xà nu luôn được miêu tả trong thế tương ứng, song hành với hình tượng các thế hệ cách mạng tiếp nối của làng Xô Man. Đó là một ẩn dụ đầy chất thơ về sức sống mạnh mẽ, bất diệt và tinh thần kiên cường, bất khuất của con người Tây Nguyên trong phong trào đồng khởi. Qua hình tượng cây xà nu, tác phẩm thiết tha hướng về sự sống để ca ngợi sức sống mãnh liệt, bất khuất, kiên cường. Điều đó khiến thiên truyện ngắn thấm đẫm chất nhân văn.

Video liên quan

Chủ Đề