Thự xin lỗi hại đến nguoi tổng hợp đammỹ hoàn

TTO - Ai cũng có một thần tượng để noi theo và học hỏi. Không phải chỉ có lứa tuổi học trò hay tuổi mới lớn mới tìm cho mình một thần tượng. Nếu trong cuộc sống, bạn không có chuẩn mực nào để hướng theo, thì tôi nghĩ chẳng thể đạt được ước mơ của mình.

Ngày nhỏ, bạn nhìn những ngưới lớn hơn trong cách họ cư xử và thể hiện mình để bắt chước theo vì tự thấy muốn làm giống họ. Lớn hơn một chút, bạn hiểu biết hơn thì muốn tìm cho mình một hình mẫu để noi gương. Hình mẫu đó có thể là một người bạn cùng lớp học giỏi, hát hay, cũng có thể là một trong những thầy cô giáo của bạn.

Xa hơn chút nữa, trên đường đời gập ghềnh bạn lại thấy có nhiều gương sáng trong cuộc sống mà bạn ngưỡng mộ và muốn noi theo. Thần tuợng của giới trẻ ngày nay có thể là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh... Với những người khác đang phải đối mặt với nhiều chật vật lo toan, hoặc ai đó có ý chí vươn lên trong cuộc sống thì thần tượng của họ sẽ là một người gần gũi như cha, mẹ, những người xung quanh, xa hơn nữa sẽ là những tấm gương vượt lên số phận, hoặc những bậc vĩ nhân.

Vậy thì thần tượng tại sao lại không nên? Mỗi người trong cuộc sống đều có mục đích và lý tưởng riêng của mình, vậy cũng nên có một thần tuợng để noi theo và vươn tới.

Không phủ nhận có những người thái quá theo đuổi thần tượng và bắt chước thần tượng như hiện tượng đang xảy ra lúc gần đây. Tuy nhiên đó chỉ là một hiện tượng cá biệt, không phổ biến.

Cá nhân tôi, tôi ủng hộ việc nên có một thần tượng của riêng mình, tất nhiên theo mặt tích cực của từ này.

Nguyễn Thu Hà

* Chúng ta cần những mẫu hình thật...

Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ và thuận theo mơ ước. Mỗi người trong chúng ta, những khi gặp phải một biến cố hay trở ngại về tinh thần, thường lấy một hình mẫu nào đó để soi ngắm, nhìn vào để lấy động lực đi lên. Điều mà trước đó, mỗi người đã biết lựa chọn cho mình một khuôn mẫu được xem như là lý tưởng để bản thân phấn đấu và có đôi lúc biến mình thành “bản sao” của cái lý tưởng đó - tôi tạm gọi ấy là: thần tượng!

Tự tìm cho mình một khuôn mẫu được coi như là lý tưởng ở mỗi người để học tập, cố gắng và làm mục tiêu phấn đấu - điều này không có gì là sai trái, thậm chí còn đáng được hoan nghênh nữa là khác. Bởi lẽ, cuộc sống vốn phức tạp và không dễ dàng tí nào, lại càng không có một khuôn mẫu nhất định để nhìn nhận, soi rọi.

Cậu bạn một thời của tôi vì quá nể tài và khâm phục nhà toán học Pitago lừng danh đã không ngần ngại săn lùng tìm đọc cho bằng được tất cả những cuốn sách của ông, miệt mài nghiên cứu và ngày càng say mê đến quên ăn quên ngủ. Từ đó, cậu ta quyết đi theo toán học và hạ quyết tâm trở thành nhà toán học đại tài như Pitago.

Giờ đây, hễ có dịp ngồi lại với nhau, cậu bạn tôi cứ tuôn ra một tràng không biết chán về tất tần tật những công thức, giai thoại liên quan đến thần tượng cuồng si của mình - như một động lực, mục tiêu cao cả cần hướng tới.

Nhưng giá như thần tượng cứ mãi là thần tượng!?

Tôi nhớ hồi còn học phổ thông, có cô bạn mê mẩn đến chết mê chết mệt một vị thi sĩ nọ... chỉ thông qua những vần thơ bóng mượt, ướt át kể về những cuộc tình đầy lãng mạn. Thế là bao nhiêu trí tưởng tượng phong phú được huy động tối đa công suất… “khắc họa” chân dung thần tượng. Cho đến một ngày có dịp được gặp vị tác giả của những vần thơ ấy, cô bạn của tôi mới tá hỏa kêu trời khi tận mắt nhìn rõ “dung nhan” của người trong mộng: Một ông lão đã đến tuổi lục tuần, tóc bạc râu dài “nặn” ra những vần thơ thấm đẫm yêu đương và hương hoa!

Thế đấy, thần tượng - có nên hay không?! Đến đây, thiết nghĩ không cần phải tranh luận nhiều. Vấn đề ở chỗ: thần tượng là ai? Ai được thần tượng? Thần tượng như thế nào và ra làm sao mới là điều đáng bàn cãi.

Ngày nay, hầu hết các bạn trẻ đều lấy hình mẫu bóng nhoáng bên ngoài, cách ăn mặc…chẳng giống ai của cô người mẫu này hay chàng ca sĩ nọ làm thần tượng đến mức cuồng si. Rồi hễ từ cách ăn mặc, đi lại, nói năng… cố gắng cho giống y đúc thần tượng của mình, vô tình trở thành “bản sao” của người khác, đánh mất bản thân và cái tôi làm nên phong cách ở mỗi người.

Tôi không gọi những đam mê này là “thần tượng hóa”, mà là những đam mê nhất thời bởi suy cho cùng nó chỉ chạy theo xu hướng chung hoặc phút cuồng trong chốc lát... “ngẫu hứng của cao trào”. Và rồi, cũng sẽ “nhanh chóng bị dập tắt”, lụi tàn trong khoảnh khắc mà thôi. Bởi thần tượng là hình ảnh đẹp, đầy đặn và viên mãn không thay đổi trong mỗi người!

Đỗ Thu Lan, TP Huế

* Thần tượng là cần thiết!

Theo tôi, việc chúng ta sống có thần tượng hóa một ai đó hay không là không quan trọng mà quan trọng là "thần tượng" đó có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân trong cuộc sống của mỗi người.

Tôi có một người bạn thân tên Thanh, cuộc đời Thanh cho đến lúc này là cả một chuỗi ngày bi đát. Nhưng nếu như trong lòng Thanh bao năm qua không mang theo hình ảnh của một người, thì có lẽ cô đã gục ngã trước sự nghiệt ngã của số phận.

Mẹ mang bệnh nặng, ốm đau liên miên khi mấy chị em Thanh còn là những đứa trẻ, bố không chịu nổi cảnh nghèo túng đã chạy theo một người đàn bà khác. Nước mắt cũng như thân xác mẹ khô héo dần. Rồi mẹ cũng bỏ cả bốn chị em ra đi khi Thanh vừa vào năm nhất khoa tin, trường đại học sư phạm Huế.

Thế là, người chị cả phải nghỉ học, nai lưng ra làm mẹ nuôi ba đứa em ăn học. Cứ thế, một đứa, hai đứa, rồi ba đứa đều theo nhau vào đại học hết. Gánh nặng trên lưng chị chất đầy. Mỗi khi nhắc đến người chị này, mắt Thanh lúc nào cũng ngân ngấn nước.

Người chị trở thành "thần tượng" sống trong mắt Thanh và cũng chính là động lực thúc đẩy Thanh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời. Thanh thường hay tâm sự với tôi: "Trong mắt mình chị là người tuyệt vời nhất, mình học được rất nhiều từ sự hy sinh thầm lặng vì gia đình của chị và mình sẽ cố gắng hết mình vì sự hy sinh đó...".

Trong cuộc sống, không phải ai cũng lấy diễn viên, ca sĩ hay những người nổi tiếng làm "thần tượng". Mà đôi khi, "thần tượng" của chúng ta lại là những con người rất bình thường, rất gần gũi, và chính họ trở thành chỗ dựa tinh thần vững chãi giúp chúng ta đứng vững trước sóng gió cuộc đời.

Nguyễn Quốc Nam [Báo chí k29, ĐHKH Huế]

* Thần tượng của tôi là Edison

Tôi là một người hướng nội, tôn trọng và vun đắp cho những truyền thống gia đình. Tôi dạy và làm gương cho các con cái yêu thương bố mẹ và quí trọng ông bà. Tuy nhiên tôi vẫn chọn cho mình một thần tượng từ nhỏ. Nhà tôi tuy chật nhưng vẫn treo hình thần tượng và không ngại giải thích cho ai thắc mắc.

Thần tượng của tôi, Edison - một nhà bác học vĩ đại người Mỹ. Tôi bị lôi cuốn từ số lượng phát minh và những hiệu quả mà nó mang lại. Sống hết mình cho công việc, giản dị, không ngại khó khăn là những đức tính rất cần cho mỗi con người và cho xã hội. Tôi đã chọn cho mình thần tượng là Edison khi mới học lớp 5, và bây giờ tôi đã 36 tuổi.

Mặc dù cuộc sống có lúc rất khó khăn nhưng tôi lấy tấm gương của thần tượng để vượt qua và đã đạt được nhiều thành công trong công việc. Nên chọn cho mình một thần tượng để tự tin bước đi trên con đường đời của mình.

Võ Sông Thu

Sự kiện "cuồng mộ" thần tượng Lưu Đức Hoa của cô gái trẻ Trung Quốc - Dương Lệ Quyên, dẫn đến cái chết của cha cô, như giọt nước làm tràn ly.

Đó có phải chỉ là "chuyện hoang đường ở xứ người"? Nhiều bậc phụ huynh, nhiều bạn trẻ giật mình, hiện tượng cuồng nhiệt và cuồng mộ thần tượng thực sự đã và đang chi phối đời sống của một bộ phận tuổi teen chúng ta. Cần những cái nhìn và định hướng như thế nào trước vấn đề nhạy cảm này?

Tuổi teen, nên hay không nên chọn cho mình một thần tượng? Thần tượng - có phải là một việc...vô bổ và mang lại những hệ quả xấu không lường trước? Thần tượng như thế nào là đúng đắn?

Chúng tôi rất mong đón nhận những ý kiến chia sẻ của các bạn cho diễn đàn: Thần tượng - nên hay không? Ý kiến tham gia diễn đàn xin vui lòng gõ font tiếng Việt có dấu, gửi về tto@tuoitre.com.vn.

Chủ Đề