Theo em vì sao khi ở lầu Ngưng Bích Kiều nhớ người yêu trước nhớ cha mẹ

Print

Kiều ở lầu Ngưng Bích

TÌM HIỂU CHUNG

Tác giả

Nguyễn Du

Vị trí đoạn trích

Đoạn trích nằm trong phần 2"Gia biến và lưu lạc", từ câu 1033 - 1054.

Bố cục

Đoạn trích chia làm 3 phần

  • Phần 1 [6 câu thơ đầu]: Cảnh ngộ và tâm trạng của Kiều
  • Phần 2 [8 câu thơ tiếp]: Nỗi nhớ Kim Trọng và nhớ cha mẹ của Kiều
  • Phần 3 [8 câu cuối]: Bức tranh tâm trạng nội tâm của Kiều


NỘI DUNG


1. Cảnh ngộ và tâm trạng của Kiều [sáu câu đầu]

  • Cảnh được nhìn qua con mắt Kiều, con mắt của một người đang bị giam cầm trong cảnh cô đơn, lẻ loi.

  • Với Kiều, lầu Ngưng Bích là nơi khóa xuân", là nơi giam giữ tuổi thanh xuân, tuổi trẻ, tự do của Kiều, đồng thời, trói buộc những ước ao, khát khao của một tâm hồn trẻ tuổi.

  • Trước mắt Kiều, cảnh vật hiện ra rõ nét:

- Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung: Kiều đang ở trên lầu cao, nhìn ra xa là núi, cảm thấy như trăng đang ở gần

- Nhìn ra bốn phía xung quanh chỉ thấy bát ngát, mênh mông với cát vàng, cồn nọ, bụi hồng, dặm kia

Qua đó, ta có thể thấy không gian mở ra ở tất cả các chiều: cao, xa, rộng, dài,... tất cả đều mênh mông, hoang vắng, bao la, vô tận, tạo vật trong không gian đẹp nhưng rời rạc, vô hồn. Giữa không gian ấy, Kiều càng trở nên nhỏ bé, cô đơn, trơ trọi.

  • Tâm trạng ở đây được khắc họa trực tiếp trong hai câu thơ: Bẽ bàng mây sớm đèn khuya/ Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

- Cụm từ "mây sớm đèn khuya" gợi thời gian tuần hoàn, khép kín.

- Xấu hổ, tủi thân, xót xa cho số phậnlà tâm trạng thường trực từ sớm đến khuya, ngày qua ngày, càng bẽ bàng hơn, đau đớn hơn khi nỗi niềm này không có ai để chia sẻ, chỉ có mây, có ngọn đèn bầu bạn.

-Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng: Nửa thương cho cha mẹ, thương nhớ người yêu, nửa đau đớn, xót xa cho cảnh ngộ chính mình và cảnh vật xung quanh như khơi lên nỗi buồn da diết. Đó là tâm trạng đau đớn, giằng xé, lo sợ trong sự cô đơn tuyệt đối.

2. Nỗi nhớ Kim Trọng và nhớ cha mẹ của Kiều [tám câu thơ tiếp]

* Kiều nhớ Kim Trọng, nhớ người yêu trước khi nhớ tới cha mẹ, điều này hoàn toàn hợp với tâm trạng và hoàn cảnh của Kiều. Vì Kiều đã bán mình chuộc cha và em, điều đó phần nào đã đền đáp chữ hiếu với cha mẹ, làm tròn bổn phận làm con nhưng với Kim Trọng, Kiều đang dang dở chữ tình. Kiều đang tự thấy mình làm dang dở lời thề nguyện, hẹn ước với chàng Kim. Hơn nữa, đến tận lúc này, Kim Trọng vẫn chưa biết tình cảm của Kiều. Đó là nỗi lo canh cánh,tâm trạng nặng nề thường trực trong lòng Kiều.

2.1. Bốn câu thơ đầu: Tâm trạng, tình cảm của Kiều dành cho Kim Trọng

  • Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

- Tưởng: nhớ, hình dung ra trước mắt khung cảnh thề nguyền của mình với Kim Trọng đồng thời cũng là tưởng tượng Kim Trọng đang ở phương xa trông ngóng.

=> Kiều nhớ thương Kim Trọng, nhớ lời thề nguyền hẹn ước của tình yêu mà giờ đây nàng không thể làm tròn được nữa.

Đó là tâm trạng đau xót của một người tự cho mình là phụ bạc.

  • Kiều nói lên trực tiếp nỗi lòng của mình với Kim Trọng, với tình yêu

- Bên trời góc bể bơ vơ: Cảnh ngộ cô đơn, lẻ loi của Kiều

- Tấm son gột rửa bao giờ cho phai: Tấm lòng son sắt thủy chung nhớ thương Kim Trọng mãi không bao giờ có thể nguôi ngoai. Hoặc cũng có thể hiểu tấm lòng son của Kiều bị dập vùi hoen ố, biết bao giờ gột rửa được. Câu thơ là câu hỏi tu từ với giọng điệu là lời khẳng định chắc chắn về tấm lòng Kiều.

=> Dù đang bơ vơ nơi chân trời góc bể nhưng Kiều vẫn giữ một tấm lòng son sắt, thủy chung với tình yêu của mình.

2.2. Bốn câu sau: Tình cảm dành cho cha mẹ

  • Xót [Thương xót, đau xót, xót xa]
  • Kiều thương cha mẹ ngày đêm, khi sáng khi chiều tựa cửa ngóng tin con, trông mong đỡ đần, nhớ đến nàng, mong chờ tin nàng.
  • Kiều xót xa lúc cha mẹ ngày một già yếu, giờ đây vắng bóng nàng không biết ai sẽ thay Kiều chăm sóc cha mẹ. Kiều nghĩ đến phận làm con phải làm vui tuổi già cho cha mẹ, đền đáp chữ hiếu. Đó là điều mà giờ đây, Kiều không thể làm được, phụ công sinh thành, phụ công nuối dạy của cha mẹ thông qua các thành ngữ"quạt nồng ấp lạnh";điển cố "sân Lai", "gốc tử".

Như vậy, có thể thấy rằng với Kiều, việc bán mình chuộc cha và em chưa phải đã đủ để đền đáp công ơn sinh thành cha mẹ. Những tình cảm giờ đây của Kiều càng cho thấy tấm lòng hiếu thảo, tình yêu sâu sắc của Kiều dành cho cha mẹ, gia đình.

3. Tâm trạng thương xót và lo lắng cho chính mình của Kiều [tám câu thơ cuối]

  • Sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình [Tả cảnh, thông qua cảnh gửi gắm tâm trạng, tình cảm. Cảnh được tả bằng ấn tượng, bằng cái nhìn chủ quan chứa đựng tâm trạng người ngắm cảnh]
  • Điệp từ buồn trông lặp lại bốn lần, mở đầu bốn bức tranh cảnh vật cho thấy Kiều nhìn cảnh vật bằng tâm trạng buồn đó là cảm xúc chủ đạo bao trùm lên tám câu cuối:Cảnh nhuốm màu tâm trạng, trong cảnh, Kiều gửi gắm những sắc thái cụ thể của nỗi buồn.
  • Tám câu thơ là bốn bức tranh, mỗi bức tranh là một sắc màu của nỗi buồn:

Bức tranh 1: Cảnh cửa bể chiều hôm

- Thời gian: Chiều hôm: Thời gian khiến cho con người mang cảm giác buồn

- Không gian: Cửa bể: Không gian rộng mênh mông, vô tận

=> Tự không gian, thời gian đó đã mang sắc thái buồn khiến con người cảm thấy bé nhỏ, cô đơn hơn lúc nào hết

- Hình ảnh Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa: Con thuyền thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện đi xa dần xa dần là sự dịch chuyển của cánh buồm cứ thế đi xa mãi, xa mãi rồi mất hút.

+ Con thuyền và cánh buồm là hình ảnh quen thuộc ở biển và ở đây, nó ẩn dụ cho sự xuất hiện của con người.

+ Câu thơ tả cảnh khắc họa bức tranh biển khơi với hình ảnh ẩn dụ cánh buồm thấp thoáng khi ẩn khi hiện rồi xa xa mất hút giữa không gian mênh mông, ở đó là sự chuyển dịch của cánh buồm cùng cái nhìn về khơi xa vời vợi của Kiều hình ảnh thơ hiện lên với câu hỏi tu từ, ở đó là sự trông ngóng, đợi chờ khao khát của Kiều về một ai kia. Phải chăng, trong hình ảnh ấy là nỗi nhớ thương quê nhà, nhớ người thân yêu, khao khát một tình người ấm áp, sự đồng cảm, chia sẻ với cảnh ngộ cô đơn.

Bức tranh 2: Cảnh ngọn sóng đổ về bờ

- Khác với bức tranh thứ nhất, cảnh đã được chuyển về gần, rõ ràng, hình ảnh sóng đổ về bờ cuốn theo cánh hoa mong manh, nhỏ bé.

- Hình ảnh hiện lên trong câu hỏi tu từ: Hoa trôi man mác biết là về đâu. Những cánh hoa mỏng manh dập dềnh không biết sẽ trôi dạt về đâu giữa mênh mông biển khơi. Câu hỏi chứa nỗi xót xa, lo lắng cho các cánh hoa, đồng thời là nỗi buồn không gọi thành tên man mác.

- Hình ảnh có sự tương phản gay gắt giữa cái nhỏ bé của cánh hoa với mênh mông của biển, cuồn cuộn của sóng, đó là hình ảnh ẩn dụ cho thân phận của con người, cái đẹp với sóng gió biển trời vô tận. Ở đó là tâm trạng lo lắng, xót xa cho thân phận mình, không biết sẽ phiêu dạt về đâu giữa sóng gió cuộc đời.

Bức tranh 3. Bức tranh chân mây, mặt đất

- Không gian: rộng, dài, cao, xa, mênh mông vô tận.

- Hình ảnh: nội cỏ rầu rầu, từ chân mây đến mặt đất chỉ một màu xanh xanh, sắc màu mang tâm trạng con người.

- Sử dụng nghệ thuật nhân hóa, nội cỏ mang dáng vẻ ủ dột, rầu rĩ, tàn tạ, đó cũng là tâm trạng buồn rầu, nặng nề của Kiều thấm vào cảnh vật. Cảnh vật nhạt nhòa không còn màu sắc, đường nét cụ thể, nhìn đâu cũng chỉ một màu xanh xanh sắc màu của tâm trạng - nỗi buồn chứa đầy vũ trụ.

Bức tranh 4. Bức tranh ghềnh nước

- Khác với ba bức tranh đầu, ở đây đã vang lên âm thanh cùng với sự chuyển động dữ dội của sóng gió biển khơi

- Sử dụng nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh vào âm thanh dữ dội của tiếng sóng cho thấy trời đã tối. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho sóng gió cuộc đời. Ở đó, Kiều dự cảm được rất rõ sóng gió những hiểm nguy cuộc đời đã nổi lên và đang ở rất gần đe dọa đến nàng.

=> Khác với ba bức tranh trên, ở đây không chỉ có nỗi buồn mà còn có cả nỗi lo lắng, sợ hãi.

Tóm lại, tám câu thơ là bốn bức tranh cảnh vật, là những tâm trạng, cảm xúc khác nhau của Kiều. Từ chỗ ngóng trông, thương nhớ quê nhà da diết [bức tranh thứ nhất] đến nỗi lo lắng, xót xa cho thân phận, tương lai [bức tranh thứ hai], từ nỗi buồn tỏa rộng, khoan sâu vũ trụ, thấm vào cảnh vật [bức tranh thứ ba] đến chỗ lo lắng, sợ hãi cùng những dự cảm về sóng gió cuộc đời [bức tranh thứ tư].

Tiểu kết: Tám câu thơ là bức tranh tâm cảnh được khắc họa bằng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình độc đáo, bằng sự đồng cảm, thấu hiểu, sự sẻ chia, nỗi xót xa sâu sắc của Nguyễn Du cho Kiều người phụ nữ tài hoa bị đọa đày [cảm hứng nhân đạo].


NGHỆ THUẬT

  • Miêu tả nội tâm nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại, độc thoại nội tâm và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình
  • Lựa chọn từ ngữ phù hợp với tâm trạng nhân vật.
  • Sử dụng các biện pháp tu từ [ẩn dụ, điệp từ điệp ngữ "buồn trông", câu hỏi tu từ "bao giờ cho phai, những ai đó giờ, biết là về đâu..."].
  • Sử dụng thành ngữ[quạt nồng ấp lạnh],điển tích điển cố [sân lai, gốc tử].
  • Biện pháp nghệ thuật tăng cấp ở bức tranh miêu tả nội tâm của Kiều.

Video liên quan

Chủ Đề