Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Biofloc

Thứ ba, 30/11/2021 - 14:52 PM

Ngày 30/11, tại Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Hải Phòng phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết dự án "Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc".

Hội thảo được kết nối trực tuyến với TTKN Quốc gia và 5 tỉnh, thành tham gia dự án. Ảnh: Đinh Mười.

Hội thảo được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hoá, Trung tâm Khuyến nông  Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, Trung tâm Khuyến nông Nam Định.

Theo Trung tâm Khuyến nông [TTKN] Hải Phòng, dự án được triển khai từ tháng 3 đến tháng 12/2021 với 5 mô hình tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Thanh Hóa.

Tổng diện tích triển khai dự án là 5,883 ha, trung bình từ 1- 1,5ha/mô hình, trong giai đoạn 1 mật độ nuôi thử nghiệm là 1.200 con/m2, tỷ lệ sống đạt ≥ 90%, thời gian nuôi 20-25 ngày, còn giai đoạn 2, mmật độ 120 con/m2, tỷ lệ sống đạt ≥ 75%, năng suất ≥ 18 tấn/ha, thời gian nuôi 65-80 ngày.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc đạt lợi nhuận bình quân 1.229.525.000 đồng/ha, so với các hộ nuôi theo hình thức truyền thống không áp dụng công nghệ biofloc hoặc nuôi 2 giai đoạn đạt 754.223.000 đồng/ha cao hơn 63%.

Cụ thể, tại Quảng Ninh, tổng diện tích nuôi theo mô hình là 1,11ha, đạt năng suất 18,67 tấn/ha, tỷ lệ sống trung bình đạt 80%, cỡ thu hoạch đạt 18gr/con, lãi sau khi trừ chi phí đạt hơn 1,3 tỷ đồng/ha.

Tại Hải Phòng, quy mô nuôi theo mô hình là 1,4ha, thời gian nuôi là 95 ngày, tỷ lệ sống đạt 75,4%, năng suất đạt 23,46 tấn/ha, thu lợi nhuận 1,523 tỷ đồng/ha.

Tại Nam Định, tổng diện tích nuôi theo mô hình là 1,11ha, thời gian nuôi là 88 ngày, năng suất đạt 20,15 tấn/ha, lợi nhuận đạt 682 triệu đồng/ha.

Tại Thái Bình, tổng diện tích nuôi là theo mô hình là 1,11ha, thời gian nuôi là 104 ngày,  năng suất đạt 21.6 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt 1,4 tỷ đồng/ha, cao hơn so với nuôi tôm ngoài mô hình 19%.

Tại Thanh Hóa, mô hình được triển khai tại 1,11ha, thời gian nuôi là 113 ngày, năng suất đạt 20,72 tấn/ha, lợi nhuận đạt 1,6 tỷ đồng/ha.

Mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm triển khai năm thứ 3 đã giúp người nuôi thay đổi tư duy, tích cực ứng dụng công nghệ mới để phát triển bền vững.

Người dân đã nhận thức được những lợi ích thiết thực đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm và tăng tỉ lệ sống, tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Hiệu quả đạt được cao hơn và khả năng nhân rộng của mô hình rất lớn.

Qua kết quả kiểm tra hàng tháng của các cán bộ kỹ thuật cho thấy tốc độ sinh trưởng ở giai đoạn 1 nhanh nhất, đặc biệt đối với các hộ ương trong nhà bạt, kiểm soát rất tốt các yếu tố môi trường, duy trì mật độ Biofloc tốt, tôm đạt cỡ 700 - 1000 con/kg, tỉ lệ sống 90 - 92%.

Trong đó, giai đoạn tháng nuôi thứ 3 tốc độ sinh trưởng có chậm hơn do thời tiết nắng nóng xen mưa lớn làm hệ thống biofloc biến động, các hộ dân tích cực khôi phục hệ thống floc và ổn định môi trường giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt.

Mặt khác do kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, dịch bệnh, mô hình đã tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Toàn cảnh Hội thảo sáng 30/11. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Vũ Văn Tin, hộ nuôi tôm ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng cho biết: Trước đây gia đình tôi theo phương pháp truyền thống, chúng tôi không quản lý được môi trường, dịch bệnh nên hệ số thức ăn cao, tôm sinh trưởng chậm và tỷ lệ sống đạt thấp.

Mặt khác, do tình hình thời tiết thay đổi, môi trường, nguồn nước vùng nuôi ngày càng ô nhiễm nên dịch bệnh thường diễn biến phức tạp, khó kiểm soát khiến hiệu quả kinh tế giảm, thu nhập bấp bênh.

Nay, được thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc, những khó khăn vướng mắc trước đây dần được khắc phục, thời gian nuôi và chi phí đều giảm, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.

“Gia đình tôi nuôi theo mô hình từ năm 2020 với diện tích 4.000m2, thời gian nuôi rút ngắn xuông còn 89-90 ngày, tôm đạt cỡ 48-50 con/1 kg, tỷ lệ sống đạt trên 70%, lãi ròng từ 500-600 triệu đồng/2 vụ”, ông Tin chia sẻ.

“Dự án giúp người dân thay đổi tư duy nhận thức về việc tiếp cận các công nghệ cao trong nuôi tôm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giảm hệ số thức ăn, giảm chi phí sản xuất và tăng tỷ lệ sống, gối vụ được nhiều vụ, một năm có thể nuôi được 4 đợt [truyền thống chỉ 2 đợt]. Mặt khác, sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích nuôi”, Thạc sĩ Đặng Thị Thanh – Trưởng phòng Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết.

Nông dân yên tâm sản xuất

Quá trình thực hiện dự án, một số đơn vị như Trung tâm khuyến nông Hải Phòng, Quảng Ninh đã đưa chỉ tiêu cam kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tham gia dự án là một điều kiện bắt buộc đối với đơn vị cung cấp con giống, vật tư.

Doanh nghiệp vừa cung cấp vật tư đầu vào để mở rộng thị trường, vừa giúp người nuôi tiêu thụ sản phẩm với giá cả phù hợp theo thị trường. Như vậy, cả hai bên đều có những lợi ích thiết thực.

Người dân thu lãi lớn khi nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc. Ảnh: CTV.

Kết quả thực tế cho thấy, các đơn vị tiêu thụ sản phẩm đã thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng liên kết. Công ty TNHH Khoa Thành thu mua tại Hải Phòng 30,5 tấn, tại Nam Định  20,159 tấn.

Tại Thanh Hóa Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Thanh Hóa 20,72 tấn, tại Quảng Ninh Công ty TNHH Khoa Thành đã liên kết với Công ty TNHH kỹ nghệ nông nghiệp Quảng Ninh đã thu mua 18,488 tấn.

Tại Thái Bình, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Hồng Tiến đã thu mua 21,648 tấn, việc kí cam kết giúp người dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng bị tư thương ép giá, cuối vụ nuôi, các hộ dân chuẩn bị thu hoạch báo với đơn vị thu mua để sắp xếp lịch phù hợp.

Việc liên kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi, giá cả cũng phụ thuộc thị trường tuy nhiên không bị ép giá, sau 3 năm triển khai dự án, việc liên kết, giới thiệu các công ty, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm giúp các hộ nuôi yên tâm sản xuất.

Song song với việc được hướng dẫn chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật mới, tiến bộ, được hưởng lợi từ sự gia tăng sản xuất do áp dụng tiến bộ kỹ thuật, người nuôi còn được hưởng lợi từ sự hỗ trợ không thu hồi về giống, vật tư, hộ dân có vốn để quay vòng sản xuất.

Mặt khác, tạo sự liên kết theo chuỗi từ khâu cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất đến đầu ra cho sản phẩm thông qua kí kết hợp đồng, mô hình được phát triển bền vững và nhân rộng trên các địa bàn khác. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập nhờ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá bán.

Ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết, các đơn vị cung cấp giống và vật tư tham gia dự thầu có điều khoản là phải tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân với giá cả không được thấp hơn thị trường.

Bên cạnh đó, TTKN sẽ kết nối một số thương lái có uy tín, có tiềm lực để thực hiện hợp đồng nguyên tắc 3 bên giữa TTKN, chủ hộ, bên mua, thống nhất trong khung giá phù hợp.

Qua đó, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm, người sản xuất yên tâm, cam kết thực hiện các hợp đồng, các quy trình kỹ thuật như đã ký kết với TTKN và các đối tác liên kết tiêu thụ sản phẩm.

“Qúa trình thực hiện dự án, các nhóm hộ, có hội thảo trao đổi giữa các tỉnh, để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng các mối quan hệ trong sản xuất, liên kết tiêu thụ từ trong kỹ thuật, đến tiêu thụ. Mặt khác, nông dân được hướng dẫn xây dựng các video, chia sẻ những thông tin về mô hình cũng như sản phẩm của mô hình sản xuất tôm để quảng bá trên các trang mạng xã hội, giúp người dân làm quen và sau đó là chủ động trong việc Maketing sản phẩm của mình làm ra”, ông Nguyễn Ngọc Đam – GĐ TTKN Hải Phòng cho biết.

Biofloc đã trở thành công nghệ phổ biến trong các trại nuôi tôm thẻ chân trắng -  Litopenaeus vannamei. Kỹ thuật Biofloc cơ bản được phát triển bởi tiến sĩ Yoram Avnimelech ở Israel và được áp dụng ở qui mô thương mại lần đầu tiên bởi công ty Belize Aquaculture ở Belize. Nó cũng đã được ứng dụng thành công trong trại nuôi tôm ở Indonesia và Úc. Sự kết hợp kỹ thuật thu hoạch từng phần [thu tỉa] và biofloc đã được nghiên cứu tại miền bắc Sumatra, Indonesia.  

CÔNG NGHỆ BIOFLOC
 

Biofloc được định nghĩa như là “hạt lớn” [macroaggregates] bao gồm các loài tảo khuê, tảo có kích thước lớn, những hạt phân, khung xương của các sinh vật [chẳng hạn như các mảnh vỏ tôm và các loài giáp xác nhỏ], phần còn lại của các sinh vật chết, vi sinh vật và động vật không xương sống. Hàm lượng protein của vi sinh vật trong phức hợp này có thể cao hơn hàm lượng protein trong thức ăn.  

Yêu cầu cơ bản cho hoạt động của hệ thống biofloc bao gồm: mật độ nuôi cao 130 – 150 PL10/m2 và sục khí mạnh với khoảng 28 – 32 hp/ha với cánh quạt được lắp đặt đúng vị trí trong ao nuôi. Ao phải được làm bằng bê - tông hoặc phủ bạt HDPE [high density polyethylene] cả bờ lẫn đáy ao, bổ sung ngũ cốc và mật đường vào trong môi trường nước nuôi. Hệ thống biofloc cho sản lượng tôm bình quân khoảng 20 – 25 tấn/ha/vụ. Sản lượng tối đa đạt gần 50 tấn/ha trong các ao quy mô nhỏ ở Indonesia. 

  Một yếu tố quan trọng trong hệ thống này là kiểm soát các hạt biofloc trong suốt quá trình nuôi. Trong hệ thống raceway, các chất thải rắn được loại bỏ ra khỏi hệ thống. Trong các ao nuôi lớn, hệ thống quạt phải được đặt đúng vị trí để tập trung chất thải rắn vào giữa ao, sau đó được hút hoặc siphon ra khỏi ao. Các hạt biofloc lơ lửng được duy trì ở mức thấp nhất 15 ml/ L trong suốt quá trình nuôi. Tỉ lệ C:N được kiểm soát và giữ ở mức trên 15:1 bằng cách điều chỉnh lượng mật đường, hạt ngũ cốc và thức ăn được đưa vào trong ao.  

LỢI ÍCH THƯƠNG MẠI

  Lợi ích thương mại trong công nghệ biofloc gồm 3 yếu tố: biofloc cho năng suất cao, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp [FCR], và môi trường nuôi bền vững. Hơn thế nữa, với những rủi ro về dịch bệnh do virus và sự gia tăng chi phí năng lượng trong các hệ thống nuôi truyền thống, công nghệ biofloc dường như là một lời giải đáp cho việc sản xuất bền vững với chí phí thấp hơn.  

Công nghệ này không chỉ được áp dụng trong các trang trại nuôi tôm thương phẩm, mà còn được ứng dụng trong hệ thống raceway siêu thâm canh với sản lượng hơn 9 kg tôm/ m3. Hệ thống raceway đã được ứng dụng cho việc ương nuôi và chọn lọc các dòng tôm bố mẹ. Hiện nay, nhiều nghiên cứu ở các trường đại học lớn và các công ty tư nhân đang sử dụng biofloc như là một nguồn protein trong thức ăn tôm và cá.

 

ỨNG DỤNG

  Hiện nay, không có số liệu về số lượng trang trại nuôi tôm đang sử dụng công nghệ biofloc, nhưng có một vài ví dụ điển hình như công ty Belize Aquaculture và P.T. Central Pertiwi Bahari ở Indonesia. Sự thành công hay thất bại khi áp dụng công nghệ này chủ yếu phụ thuộc vào mức độ hiểu biết các khái niệm cơ bản về Biofloc trong việc ứng dụng nuôi thương phẩm. Belize Aquaculture là trang trại nuôi thương phẩm đầu tiên thành công trong việc sử dụng công nghệ biofloc. Vào thời điểm đó, sản lượng nuôi tôm của trang trại đạt 13.5 tấn/ ha. Công nghệ biofloc ở Belize được áp dụng đầu tiên ở Indonesia tại C.P. Indonesia [hiện giờ đổi tên là P.T. Central Pertiwi Bahari, C.P. Indonesia], đạt sản lượng trên 20 tấn/ha trong ao có diện tích 0.5 ha. Trong nghiên cứu thử nghiệm đạt 50 tấn/ha.   Công nghệ này kết hợp với thu tỉa được lặp lại ở Medan, Indonesia cho kết quả tốt hơn. Trong giai đoạn 2008 – 2009, công nghệ biofloc được ứng dụng thành công ở Java và Bali. Tại Indonesia, các biện pháp an toàn sinh học được áp dụng nghiêm ngặt cùng với việc áp dụng công  nghệ này.   Hầu hết những người nuôi tôm ở Indonesia rất quan tâm đến công nghệ biofloc, nhưng có một vài e ngại do một số dự án áp dụng công nghệ này bị thất bại vì sự am hiểu về công nghệ này còn hạn chế, chẳng hạn như số lượng và vị trí cánh quạt được lắp đặt đúng trong ao nuôi đóng vai trò rất quan trọng.   Mục đích chính của quạt nước là giữ cho các hạt biofloc lơ lửng trong môi trường nước. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sục khí thông thường, nhưng không có cơ chế tập trung chất thải rắn để loại bỏ chúng ra khỏi ao, sinh khối biofloc lơ lửng dày đặc có thể dẫn đến chất lượng nước trong ao bị suy giảm. Thậm chí, hậu quả là phải thu sớm nếu vụ nuôi bị thất bại.  

Hình 1 - Sản lượng tôm ở các trại nuôi tôm khác nhau đang ứng dụng công nghệ biofloc

Chú thích:

  Shrimp Production: Sản lượng tôm. Commercial Output: Sản lượng thương mại. Maximum Record: Kỷ lục tối đa.  

Bảng 1 - Kết quả nuôi ứng dụng Biofloc của các trại nuôi tôm ở Bali [Trang trại Karang Asem và Singaraja]

Chú thích:

  Pond size: Kích cỡ ao. Stocking density: Mật độ thả. Days of culture: Số ngày nuôi. Survival: Tỉ lệ sống. Average body weight: Trọng lượng tôm trung bình. Feed-conversion ratio: Hệ số chuyển đổi thức ăn. Harvest/Pond: Sản lượng thu hoạch/ao. Harvest/ha: Sản lượng thu hoạch/ha.  

THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

  Lợi thế của công nghệ biofloc là an toàn sinh học cao. Cho đến nay, bệnh đốm trắng [WSSV] không còn đáng lo ngại trong hệ thống nuôi này. Năng suất và sản lượng cao hơn từ 5 – 10% so với hệ thống nuôi thông thường, không thay nước trong quá trình nuôi. Tôm tăng trưởng nhanh và tương ứng với hệ số chuyển đổi thức ăn [FCR] khoảng 1.0 – 1.3. Chi phí sản xuất có thể thấp hơn 15 – 20%.   Khó khăn của nuôi tôm theo công nghệ biofloc là cần nguồn năng lượng lớn để vận hành hệ thống sục khí. Việc mất điện trong khoảng thời gian 1 giờ cũng có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng. Các ao nuôi theo công nghệ này phải được lót bạt hoặc làm bằng xi-măng. Công nghệ càng tiên tiến càng đòi hỏi nhu cầu  huấn luyện kỹ thuật cho kỹ thuật viên cao hơn.  

Tác giả: Tiến sĩ NYAN TAW – Tổng Giám Đốc, Cố vấn kỹ thuật của Công ty Blue Archipelago BHD – Malaysia

 

Nguồn: Global Aquaculture Advocate – Tháng 5-6/2010

 

Lược dịch : KS Huỳnh Thị Bích Thinh – Công ty Vinhthinhbiostadt

Video liên quan

Chủ Đề