Những người đàn ông không có đàn bà Review

Siêu thực là gì? Siêu thực là sự diễn tả tiềm thức bằng cách trình bày các vật thể và sự việc như được thấy trong những giấc mơ. Siêu thực là ghi chép tất cả những trạng thái tâm lý luôn luôn chuyển biến trong tiềm thức, không phân biệt thực hay mộng, tỉnh hay điên, đúng hay sai. Siêu thực giải phóng con người khỏi mọi xiềng xích xã hội, thể hiện nội tâm và tư duy tự nhiên.

Có một tác phẩm siêu thực không phải từ một tác giả Mỹ hay phương Tây mà từ một tác giả phương Đông, từng tạo cú huých trong nền văn học hiện đại. Có một bậc thầy siêu thực từng cho ra đời một tác phẩm gây nhức nhói ám ảnh về thực tại xã hội trong nền công nghiệp tiên tiến. Tất cả những điều trên tôi dành để nói về Haruki Murakami và tác phẩm nổi tiếng Men without women – Những người đàn ông không có đàn bà.

Haruki viết nhiều, sáng tác của ông có thể kể đến như Rừng Na Uy, 1Q84, Cuộc săn cừu hoang,…Điểm chung của các tác phẩm là màu sắc siêu thực trong cách viết, khó có thể đoán được thực sự tác giả muốn người đọc hiểu gì, cảm nhận điều gì. Men without women cũng thế - một cuốn tiểu thuyết, 7 câu chuyện nhỏ, dựa trên nền tảng ý tưởng viết về những người đàn ông sống thiếu, hoặc không, hoặc vừa có đàn bà. Tôi không hiểu hết tác phẩm, đó là thú nhận thật lòng. Tuy nhiên theo tôi, người đọc tác phẩm siêu thực đã được tác giả cho quyền cảm tác phẩm của ông theo cách riêng. Tôi nếm được hương vị của sự sống theo chục ngàn góc độ qua từng mẫu chuyện ngắn.

Có câu chuyện kể về sự việc diễn ra trong buổi sáng thức dậy với bộ dạng con người của một người đàn ông. Tôi không rõ nói anh thức dậy với “bộ dạng” con người có đúng không và trước khi “trở thành” con người anh đã là gì trong vũ trụ này, chỉ biết mọi thứ sau khi thức dậy với anh thật xa lạ: anh không có ý niệm về cách đi, đứng, về việc mặc đồ và về cả trạng thái “kì lạ” của bộ phận sinh dục khi anh nhìn thấy phụ nữ nẩy người để chỉnh lại coóc-xê. Anh không biết tất cả điều đó, nhưng lại kì lạ anh biết được anh đang yêu.

Khi nghĩ tới cô gái và nhớ tới dáng đi của cô, sâu trong lồng ngực gã thoáng trở nên ấm áp. Dần dà, gã thấy vui vì mình không phải là cá hay hoa hướng dương. Đi bằng hai chân, mặc quần áo, ăn bằng dao dĩa quả thật rất bất tiện. Thế giới này có quá nhiều thứ cần phải nhớ. Nhưng giả sử gã không biến thành người mà biến thành cá hay hoa hướng dương, chắc chắn gã đã không cảm nhận được hơi ấm kỳ lạ trong tim như thế này. Gã cảm thấy thế.

 

Có câu chuyện nhân vật chính là một phụ nữ từng lén vô nhà cậu bạn chung lớp chỉ để được nằm lên giường cậu, ngửi mùi áo của cậu, lưu lại vài thứ của cô trong hộc tủ cậu và lấy vài thứ từ cậu mang về nhà cô.

Scheherazade cầm chiếc áo lên tầng hai, lại nằm trên giường của cậu ta. Cô vùi mặt vào chiếc áo, tiếp tục ngửi mùi mồ hôi không biết chán. Rồi cô có cảm giác vùng hông mỏi rã rời. Cả cảm giác bầu ngực căng lên nữa. Cô sắp có kinh chăng? Không, không thể có chuyện đó. Vẫn còn quá sớm. Cô đoán có lẽ là do ham muốn. Cô không biết làm thế nào để đối phó với nó, xử lý nó. Nói cách khác, ít nhất là cô chẳng thể làm gì ở một nơi thế này. Bởi cô đang ở trên giường cậu ta, trong phòng của cậu ta.

Có một bác sĩ thẩm mỹ sống cuộc sống tình cảm phóng khoáng với những phụ nữ đang có chồng hoặc có người yêu. Anh đã từng rất hài lòng về nó. Qua lại với nhiều người cùng một lúc, anh thấy việc chấp nhận một người ra đi rồi tiếp nhận một người mới là chuyện quá đỗi bình thường.

Các cuộc chia tay với những người bạn gái diễn ra gần như định kì…Tokai đón nhận các thông báo đó một cách bình thản, kèm theo một nụ cười phảng phất buồn. Tiếc lắm nhưng biết làm sao. Cơ chế kết hôn, dù chẳng hề hợp với anh thì vẫn là thứ thiêng liêng. Cần phải được tôn trọng.

Anh sống trong ngưỡng an toàn như vậy cho đến một ngày, anh yêu thật lòng một cô gái:

Giả sử người phụ nữ đó vứt bỏ bác sĩ vì lý do “Em không thể bỏ chồng và con nên muốn chấm dứt mối quan hệ với anh” thì có lẽ bác sĩ vẫn chịu được. Bác sĩ thật lòng yêu cô ấy nên sẽ suy sụp lắm nhưng chắc chắn không đến mức tự dồn mình đến cái chết như thế..Nhưng sự xuất hiện của người đàn ông thứ ba và việc bản thân bị lợi dụng một cách ngoạn mục như vậy đã giáng cho bác sĩ một đòn mạnh.

Thế là anh chết, tự bỏ đói mà chết. Mọi thứ trong truyện có phần kì quặc, lạ lẫm nhưng nghĩ kĩ thì rất dễ hiểu vì chúng hợp lí, chúng logic. Và mọi thứ đều diễn ra trong sự bình yên thanh thản đến lạ thường.

 Một chút về nét đặc sắc trong cách viết của Men without women. Tác phẩm được viết theo lối mở, ngôn ngữ cô đọng sắc nét, nhiều tầng lớp nghĩa. Nội dung chính không chỉ nói về những người đàn ông mà còn mang nhiều triết lí ẩn ý được truyền tải một cách tự nhiên, không có ý đồ cụ thể. Tác phẩm là sự gợi mở, trong đó có gợi mở cảm xúc, là sự tích góp thu nhặt những góc nhỏ của thực tại. Men without women mang một nét ám ảnh tác động mạnh thường thấy trong các tác phẩm siêu thực mà ở đây là sự ám ảnh mang bản sắc Haruki. Chúng ta rất khó lí giải sự ám ảnh đó là do đâu và nhờ đâu. 


Hai câu chuyện, một để lại trong tôi nhiều suy ngẫm, một làm tôi khó hiểu, đến giờ vẫn chưa thấu…

Drive my car

Kafuku làm nghề diễn viên, vợ anh cũng là diễn viên. Hai vợ chồng gặp nhau nhờ nghề diễn nhưng khác nhau về cái tạm gọi là thứ bậc trong giới nghệ sĩ. “Hai người đã có một cuộc hôn nhân êm đềm, viên mãn” cho đến khi đứa con gái chết tại phòng chăm sóc trẻ của bệnh viện vào đêm thứ ba của cuộc đời. Từ lúc đó, không biết có phải chính vì nguyên nhân con chết, vợ anh phát sinh quan hệ ngoài hôn nhân với nhiều bạn diễn khác. Tệ hơn, anh biết điều đó, không phải do vợ thú nhận mà là anh tự biết. Khó hiểu là ở chỗ, biết vợ ngoại tình nhưng anh và vợ vẫn bình thường trong cuộc sống thường ngày, vẫn trò chuyện say sưa, thành thật, luôn cố gắng để hiểu nhau và vẫn làm tình quyết liệt trên giường. Chuyện như vậy kéo dài 10 năm, anh không hỏi vợ vợ anh cũng không nói, cho đến lúc chị ta nằm quằn quại trên giường bệnh, nhìn thương quá anh lại giấu tịt câu hỏi ấy đi. Sau khi vợ chết, anh lại làm bạn với người từng là tình nhân của vợ, mục đích chính là tìm hiểu nguyên nhân tại sao vợ anh lại phải quan hệ với những người đàn ông khác, những người đó đã cho vợ anh thứ gì mà anh không thể. Anh bạn kia không có gì hơn anh cả, anh tự thấy như vậy. Cuối cùng câu trả lời vẫn là điều bí ẩn. Có lúc anh nhập tâm vào vai diễn đến mức đứng trước ranh giới giữa thực và không thực, anh xém trở thành bạn thân của anh bạn kia thật. Anh gọi đó là diễn. Đến lúc Kafuku thấy cần, anh có thể tự dứt khỏi vai.

Drive my car, tên truyện, có liên quan đến một nhân vật nữ thứ hai – cô gái Misaki - người được Oba giới thiệu cho Kafuku để lái xe thay anh. Misaki có trình lái xe khác hẳn các cô gái khác, “mọi thao tác đều rất êm ái, không bị giật cục”, cô cũng có cách quan tâm lạ khiến người ta cảm thấy dễ chịu, “gã thích kiểu lái xe êm và chắc tay của cô, thích việc cô không nói năng vô bổ lẫn việc không thể hiện cảm xúc ra ngoài”. Kafuku đã không mở mui chiếc xe từ ngày vợ mất, nhưng nay mui được mở, lòng anh cũng được mở với cô gái lạ. Anh kể cô nghe chuyện anh và vợ, không phải anh thích cô mà vì một lí do nào đó thật khó diễn tả, chỉ là cô tạo cho anh cảm giác có thể nói cho ai đó nghe câu chuyện của mình. Anh có một cách nói rất hay về nghể diễn:

Đắm mình dưới ánh đèn, đọc lời thoại có sẵn. Nhận tràng pháo tay, hạ màn. Thoát khỏi bản thân, rồi lại trở về với bản thân. Nhưng khi quay lại thì không còn chính xác là nơi cũ nữa.

Tôi cho rằng nhận định đó không chỉ đúng với nghề diễn mà còn đúng cho nhiều người đang sống với nhiều biểu hiện con người, dù là họ cố tình muốn vậy hay bị bắt buộc phải vậy. Nhìn ở một phương diện nào đó, sẽ thật tuyệt vời nếu có thể thoát ra khỏi con người thật, hóa thân vào một vai khác, rồi kết thúc vai diễn mình lại quay về là chính mình. Trong khoảnh khắc được hóa thân, người ta như quên đi thực tại, sống một cuộc sống khác không phải vĩnh viễn mà là một khoảnh khắc thôi, nếu là vĩnh viễn thì không còn gì thú vị nữa rồi.

 Kino

Sau khi phát hiện vợ đang trần truồng nằm trên người đồng nghiệp rất thân của mình ở công ty giày thể thao, Kino xin nghỉ việc và tiếp quản quán ba của bà bác ở cuối con hẻm phía sau Bảo tàng Mỹ thuật Nezu. Tiếp sau đó là những chuyện kì lạ. Một ông khách tên Kamita thường xuyên lui tới quán Kino [đầu nhẵn thín, gọi bia và whiskey, lặng lẽ đọc sách, trả bằng tiền mặt rồi ra về là tất cả những đặc điểm nhận dạng của hắn], người này đã giúp Kino dẹp vụ ẩu đả của hai ông khách bạo ngược, tên anh ta được ghép từ chữ Thần với chữ Điền. Được một thời gian, quán Kino xuất hiện ba con rắn dưới sân cây liễu trong cùng một ngày [theo lời bà bác, rắn là một sinh vật lưỡng nghĩa, “con to nhất, thông minh nhất còn biết giấu quả tim ở chỗ khác để không bao giờ bị giết”] , con mèo yêu thích hay tới quán cũng bỏ đi không về, Kamita đã khuyên Kino “đi xa và liên tục di chuyển trong khả năng có thể” và nhớ gửi bưu thiếp về mỗi thứ Hai, Chủ Nhật hàng tuần. Kamita giải thích là, quán Kino bị “thiếu”, không phải Kino làm điều gì đó không đúng đắn mà vì Kino đã không làm điều đúng đắn nên mới xảy ra chuyện lớn, phần vì gã đã mất cảnh giác, “quán bar này là nơi dễ chịu, không chỉ riêng với tôi mà chắc chắn còn với ai đó nữa”. Một điều khó hiểu là, trước đó Kino có quan hệ thể xác với một cô gái bị bạo hành có đầy vết sẹo do tàn thuốc trên người, cô hay đi với một tay để râu dê nhưng trong một đêm mưa lất phất cô đi một mình mang theo “ánh mắt kiên quyết không có chỗ thoái lui”, “rõ ràng cô mong mỏi được ngủ với một người đàn ông – trên thực tế là Kino”. Sau đó hai người làm tình “hệt như hai con thú bị bỏ đói, dưới ánh đẻn sáng trưng, không nói không rằng, hai người ngấu nghiến không biết bao lần xác thịt bấy lâu thèm khát”. Và cũng sau đêm hôm đó, không có lần thứ hai trong đêm mưa lất phất cô gái một mình tìm đến gặp Kino. Nghe theo lời Kamita, Kino lang thang từ nơi này qua nơi khác, đi liên tục và cứ đến thứ Hai, Chủ Nhật lại gửi bưu thiếp về cho bà bác. Một hôm, gã tỉnh dậy lúc hai giờ mười lăm phút và nghe tiếng ai đó gõ cửa, “ai đó đang gõ cửa ấy biết rõ âm thanh sẽ đến được tai Kino”, “Kino biết ai gõ cửa. Tiếng gõ đang chờ gã ra khỏi giường, mở cửa từ bên trong”, “cánh cửa phải được mở từ bên trong, bằng chính tay Kino”.

Một lần nữa Kino nhận ra chuyến viếng thăm này là thứ gã trông đợi hơn bất cứ thứ gì, đồng thời cũng là thứ gã sợ hơn bất cứ thứ gì. Phải rồi, rốt cuộc, lưỡng nghĩa sẽ là nhận lấy cái hốc ở giữa hai cực…Những lúc cần tổn thương thì mình lại không tổn thương đầy đủ, Kino thừa nhận. Những lúc cần cảm nhận nỗi đau thực sự thì mình lại cố kìm nén cảm giác của con tim. Vì không muốn đón nhận đau đớn, gã tránh đối diện với sự thật, kết quả là cứ mãi mang một tâm hồn trống rỗng, không giá trị. Lũ rắn định chiếm địa điểm ấy để làm nơi cất giấu những quả tim đang đập lạnh lùng.

Thứ ở ngoài kia tiếp tục tìm cách tiếp cận Kino bằng nhiều phương thức, vẫn “cộc, cộc, cộc”. Kino nhớ lại lời Kamita “Kí ức phần nào sẽ có ích”, rồi gã bắt đầu nhớ, gã nhớ cây liễu um tùm đã bảo vệ gã và căn nhà nhỏ ấy, “nghĩ tới cây liễu không đủ, Kino nghĩ tới con mèo cái lông xám mảnh mai, nhớ chuyện nó thích ăn rong biển rán”, “nghĩ tới dáng Kamita chăm chú đọc sách ở quầy bar”, “nghĩ tới vợ cũ mặc chiếc váy liền màu xanh dương còn mới”,...Và Kino bắt đầu nhận ra.

Dù thế nào thì Kino cũng mong nàng sống khỏe mạnh, hạnh phúc tại nơi mới. Mong nàng đừng mang vết thương nào trên người. Nàng đã trực tiếp xin lỗi và gã đã nhận. Gã phải học, không chỉ chuyện phải quên mà cả chuyện tha thứ

Vẫn nhắm mắt, Kino nghĩ tới hơi ấm, tới độ dày mềm mại của làn da ấy. Đó là thứ gã đã lãng quên từ lâu lắm rồi. Phải rồi, mình đang tổn thương, tổn thương sâu sắc. Gã tự nói với mình. Rồi gã khóc. Trong căn phòng tối tăm, tĩnh mịch.

 Trong lúc ấy, mưa vẫn không ngừng lạnh lùng nhuộm ướt thế giới.

Câu chuyện kết thúc ở đó. Phải chăng, Kino đối diện với lũ rắn cũng chính là lúc Kino đối diện với tâm hồn bấy lâu khô héo của mình. “Đừng ngoảnh đi, hãy nhìn thẳng vào tôi, ai đó thì thầm bên tai gã. Vì tôi chính là tâm hồn anh”.

Cuộc sống nói về chiều rộng thì gồm nhiều mảng, nói về chiều sâu thì gồm nhiều lớp và nó cần đuợc cân bằng. Trước đó tôi vẫn đinh ninh mình đã nhìn mọi vật một cách đa chiều, nhưng sau khi đọc Men without women, tôi cảm thấy cách nhìn của mình vẫn còn khá nông, suy xét chưa đủ toàn diện, bản thân còn chưa hiểu nhiều góc khuất trong cuộc sống. Hơn hết thảy, cảm giác bình yên là thứ quý nhất tác phẩm đem lại cho tôi. Chắc hẳn, tôi còn phải đọc thêm vài lần nữa mới hiểu hết giá trị của Men without women. Như tôi đã nói ở trên, hiểu theo cách nào là tùy bạn, cảm theo cách nào là tùy bạn, không cần phải phân định rõ giữa đúng và sai. Bản chất của một tác phẩm siêu thực là vậy, do mỏng manh giữa ranh giới giữa tiềm thức và thực tại nên nó củng mỏng manh trong ranh giới nhìn nhận giá trị của từng người. 

Tác giả: Huỳnh Trang - Bookademy

---

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: //www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV [tiếng Anh hoặc Việt] về: [email protected] 

Video liên quan

Chủ Đề