Nhiệm vụ của hiệu trưởng trường đại học


TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG TRƯỜNG
 

a] Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hàng năm của trường đại học; b] Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; c] Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; d] Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật; đ] Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; e] Quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường đại học; chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hàng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường đại học; g] Quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; quyết định chính sách tiền lương, thưởng, quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý trường đại học theo kết quả, hiệu quả công việc và vấn đề khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; h] Giám sát việc thực hiện quyết định của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng trường đại học; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học; báo cáo hàng năm trước hội nghị toàn thể của trường đại học về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng trường; i] Tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định của hội đồng trường; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng trường; chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong trường đại học;

k] Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRƯỜNG


 

          Chủ tịch Hội đồng trường có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng trường; sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của trường đại học để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng trường, nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; Chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

[Điều 16, Luật 34/2018/QH14]

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HIỆU TRƯỞNG


 

a] Là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học; b] Tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của Hội đồng trường; c] Trình văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng trường, sau khi tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ sở giáo dục đại học; ban hành quy định khác của cơ sở giáo dục đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; d] Đề xuất Hội đồng trường xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường; thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý khác của cơ sở giáo dục đại học, quyết định dự án đầu tư theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; đ] Hàng năm, báo cáo trước Hội đồng trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học và Ban giám hiệu, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện công khai, minh bạch thông tin; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao; e] Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Hội đồng trường và các bên liên quan; chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức có liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

[Điều 20, Luật 34/2018/QH14]


 

Bộ Nội vụ vừa có công văn trả lời Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến một số nội dung để xác định ai là người đứng đầu trường đại học công lập; việc xác định thẩm quyền xử lý kỷ luật trong trường đại học công lập và của bộ trưởng đối với cá nhân trong trường đại học công lập trực thuộc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến một số nội dung để xác định ai là người đứng đầu trường đại học công lập. [Ảnh minh họa]

Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định chung về khái niệm thế nào là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người đứng đầu là ai phải căn cứ vào quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau để xác định.

Đối với lĩnh vực quản lý đội ngũ viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thì Luật Viên chức 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức [Luật số 52/2019], Nghị định 115/2020 có quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Hiệu trưởng là người đứng đầu

Quan điểm Bộ Nội vụ như sau, về người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học [Luật số 34/2018/QH14] và Nghị định 99/2019/NĐ-CP không quy định địa vị pháp lý và chỉ rõ ai là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập giữa chủ tịch hội đồng và hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học công lập.

Theo đó, việc xác định người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập phải được căn cứ theo quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy và các văn bản pháp luật có liên quan quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Từ những căn cứ pháp lý nêu trên và trên cơ sở quy định của Luật số 34, Bộ Nội vụ cho rằng hiệu trưởng sẽ là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học; là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của hội đồng trường, hội đồng đại học [người thực hiện việc ký quyết định tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc; người chịu chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong điều hành hoạt động đơn vị, trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo…].

Thứ hai, hiệu trưởng là thành viên đương nhiên trong hội đồng trường [không phải là thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học].

Vì sao chủ tịch hội đồng trường không là người đứng đầu?

Thứ ba, còn nếu chủ tịch hội đồng trường là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ không phù hợp, vì những lý do sau:

Một là, hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín; trong đó có thể thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch hội đồng trường, nếu trúng cử mới chuyển thành viên chức cơ hữu của trường đại học công lập.

Hai là, hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; quyết định của hội đồng trường được thể hiện bằng hình thức nghị quyết. Như vậy, hoạt động của hội đồng trường theo cơ chế tập thể, không phải theo nguyên tắc thủ trưởng lãnh đạo.

Ba là, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch hội đồng trường chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường.

Bốn là, Luật 34 không có điều khoản nào quy định chủ tịch hội đồng trường là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; là người đại diện theo pháp luật, là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học; là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản…./.

Video liên quan

Chủ Đề