Nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được xây dựng ở đầu

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, theo dòng người hành hương, chúng tôi đang có mặt ở quê hương của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Đồng bào, đồng chí nhớ Anh Người con của làng quê nghèo chợ Sãi Xác xơ mấy túp lều tranh Nóng bỏng cát đồi Triệu - Hải Bữa cháo, bữa rau đùm bọc nhau lá rách, lá lành

Lòng vẫn đậm “tình thương và lẽ phải”

                                  [Nhớ về Anh - Tố Hữu]

Hậu Kiên là một làng quê nông nghiệp ở phía hữu ngạn dòng sông Thạch Hãn, chỉ cách Thành cổ - thị xã Quảng Trị khoảng 3km về phía đông Bắc. Trải qua 437 năm hình thành và phát triển, làng Hậu Kiên bền bỉ, kiên cường đấu tranh chống chọi với thiên tai, địch họa để xây dựng quê hương và giữ gìn những truyền thống tết đẹp. Từ phong trào Cần Vương [1885 ] đến phong trào Duy Tân, từ cuộc đấu tranh chống thuế ở Trung kỳ [1908] đến cao trào chống Pháp trong những năm 1925 - 1929 đều có sự tham gia của dân làng Hậu Kiên. Từ khi Đảng ra đời, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Hậu Kiên, dân làng rất phấn khởi đoàn kết tổ chức sinh hoạt chính trị, tham gia đấu tranh chống sưu thuế, đòi tự do dân chủ. Đặc biệt trong hai ngày 25 và 26-2-1937, cả chợ Sãi, cả làng Hậu Kiên và nhiều nơi khác đã cùng đồng chí Lê Quẩn xuống đường trong phong trào ‘Thảo dân nguyện” tiếp kiến Gô-đa. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Hậu Kiên là địa bàn ở trong lòng địch, nơi có nhà thương chánh của Pháp, sát quận Triệu Phong, thị xã Quảng Trị là sào huyệt của Mỹ – ngụy. Địch đã dùng nhiều thủ đoạn càn quét, đàn áp, thanh lọc rất tàn bạo nhằm tạo địa bàn trắng cách ly quần chúng với cách mạng. Một số cơ sở cách mạng bị vỡ, nhiều người bị địch bắt giam, tra tấn và bắn giết rất dã man. Tuy vậy phong trào cách mạng ở Hậu Kiên vẫn không bị sút giảm, dân vẫn kiên trung đồng lòng đi theo cách mạng, che giấu cán bộ và là một trong những địa bàn điểm chốt thép cho quân ta đánh chiếm thị xã Quảng Trị, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Làng Hậu Kiên vinh dự đã góp nhiều sức người, sức của cho Tổ quốc: 4 bà mẹ VNAH, 22 liệt sĩ, 18 thương bệnh binh. Đặc biệt làng rất tự hào đã sản sinh, đùm bọc và nuôi dưỡng người con vinh quang của dân tộc: Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Nhà trưng bày lưu niệm và nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại làng Hậu Kiên - xã Triệu Thành - Triệu Phong - Quảng Trị. Ảnh: MAI HIÊN

Đồng chí Lê Duẩn [tên thật là Lê Văn Nhuận] sinh ngày 7-4-1907. Năm 1928 tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. 1930 vào Đảng CSVN, Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ. Bị Pháp bắt giam qua các nhà tù Hà Nội, Sơn La, 1936 ra tù trở lại hoạt động cách mạng, 1937 Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, 1939 là Thường vụ Trung ương Đảng, 1940 bị bắt và đày đi Côn Đảo, sau cách mạng tháng 8-1945 về hoạt động ở Nam bộ, Bí thư Xứ ủy rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, 1957 ra Hà Nội, từ 1960 - 1986 là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quê nội của đồng chí Lê Duẩn ở làng Bích La, xã Triệu Đông. Đến đời cụ Lê Hiệp - thân sinh đồng chí Lê Duẩn - chuyển về sinh sống ở làng Hậu Kiên này. Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi nhà ở của đồng chí đã bị kẻ thù đốt cháy nhiều lần, sau giải phóng chỉ còn lại nền đất cũ. Năm 1976, Đảng bộ và nhân dân huyện Triệu Hải [cũ] đã xây dựng lại ngôi nhà trên nền đất trước đây. Ngôi nhà có kết cấu 3 gian 2 chái, mái lợp tranh, vách gỗ. Bên trong nhà còn phục chế lại các đồ dùng như giường nằm, sập, bàn, tủ thờ... Cuối năm 1977, UBND huyện đã cho lợp ngói nhà thay mái tranh để tránh sự tác động của mưa bão và hỏa hoạn. Năm 1995 Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã tu sửa lại các phần hư hại, bảo quản ngôi nhà, xây dựng nhà trưng bày một số ảnh tư liệu, hiện vật liên quan đến gia đình và bản thân đồng chí Lê Duẩn. Khuôn viên khu nhà rộng khoảng 2.000m2 được trồng hàng rào bằng chè tàu cắt tỉa thẳng tắp, trong vườn trồng nhiều loại cây ăn trái và cây cảnh. Năm 1997 đoạn bờ sông phía trước nhà lưu niệm [dài hơn 1km] đã được kè bằng hệ thống trụ bê tông và tấm đan đúc bằng thép trộn xi măng, cát, sạn để chống xói lở. Ngày 11-12-2001 UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 3074 / QĐ-UB về việc phê duyệt dự án đầu tư tôn tạo khu di tích nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với tổng kinh phí ban đầu là 5.380 triệu đồng. Quy hoạch lần này được mở rộng khuôn viên lên 4.423m2. Dự án bao gồm các khu chức năng quan trọng như: Khu tưởng niệm ở phía nam được đặt tượng chân dung đồng chí Lê Duẩn, là nơi dâng hương, đặt vòng hoa, bức trướng của các đoàn viếng thăm, tạo ra được không gian, thời gian phù hợp cho mọi người thắp hương tưởng niệm, nhất là vào các ngày lễ lớn. Ở giữa là khu nhà trưng bày lưu niệm hai tầng với tổng diện tích sử dụng là 800m2 [chưa kể hiện vật trưng bày ở các mặt tường] là một không gian trưng bày rộng rãi đã tái hiện được thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư qua các hình ảnh, hiện vật quý giá. Phía bắc là khu nhà lưu niệm, tức là ngôi nhà cũ trước đây đã bảo đảm được tính bảo tồn nguyên trạng của di tích làm nơi thờ cúng tổ tiên của gia đình đồng chí Lê Duẩn. Ngoài ra còn có khu xây dựng cơ sở hạ tầng như khuôn viên, đường đi nội bộ, bãi đậu xe, quầy bán hàng lưu niệm... Đã tạo nên một tổng thể hài hòa, sống động và tôn nghiêm. Toàn bộ khu di tích quay mặt về hướng Tây, phía trước là dòng sông Thạch Hãn.

Về Hậu Kiên thăm quê hương đồng chí Lê Duẩn, được đi trên mảnh đất hào hùng, được nhìn thấy những tư liệu, hiện vật, được ôn lại thân thế, sự nghiệp cách mạng của Cố Tổng Bí thư, chúng ta càng hiểu thêm những giá trị nhân văn trong cuộc đời của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ, là nơi tìm về của bạn bè quốc tế, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của cha ông cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: MAI HIÊN

 

Khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn

[ĐCSVN] - Dự án gồm 6 hạng mục với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng thuộc Dự án “Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng trọng điểm tỉnh Quảng Trị”, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024.

Ngày 7/4, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khởi công công trình Bảo tồn, tôn tạo di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư [TBT] Lê Duẩn tại thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, nhân kỷ niệm 115 Ngày sinh TBT Lê Duẩn [7/4/1907 - 7/4/2022].

Công trình do Công ty cổ phần Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan Hà Nội thiết kế, sau khi hoàn thành đảm bảo giữ gìn, tôn trọng nguyên trạng, không làm thay đổi quy mô cũng như công năng, giá trị vốn có.

Theo ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Trị, dự án gồm 6 hạng mục chủ yếu như: nâng cấp, chỉnh trang nhà lưu niệm theo hướng bảo tồn, tôn tạo.

Kết hợp nâng cấp Nhà trưng bày, đồng thời xây mới không gian Tưởng niệm thành một tổ hợp công trình Trưng bày - Tưởng niệm, có bố trí kiến trúc hình chữ “CÔNG”. Kết nối không gian trưng bày và không gian tưởng niệm bằng nhà nối, đồng thời là không gian chuẩn bị cho phần nghi lễ.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị và các đại biểu ấn nút khởi công công trình
[Ảnh: Duy Lợi]

Nhà Tiếp đón - Thư viện, Nhà phục vụ sinh hoạt chung được xây mới để làm nơi đón tiếp, kết hợp phục vụ bạn đọc, Nhân dân, khách tham quan và thân nhân gia đình mỗi lần về thăm viếng, hành lễ. Cổng chính ở phía Nam được tôn tạo theo hình thức truyền thống Trung bộ. Cổng vào nhà lưu niệm ở phía Bắc được tôn tạo theo mô hình hiện có.

Tôn tạo xây mới hệ thống kè, bậc cấp, biển giới thiệu di tích, bia chứng tích, bến sông, cùng với đó là hệ thống hạ tầng đồng bộ như: sân vườn, cảnh quan cây xanh, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, hệ thống thiết bị và các hạng mục phụ trợ khác, đảm bảo an ninh, an toàn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho di tích.

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Khu lưu niệm TBT Lê Duẩn là một di tích lịch sử cấp quốc gia, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng Khu lưu niệm được thực hiện trong thời kỳ đất nước còn gặp nhiều khó khăn nên quy mô đầu tư của dự án giai đoạn 1 chưa tương xứng với tầm vóc, vai trò và công lao to lớn của TBT đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Việc đầu tư nâng cấp, tôn tạo Khu di tích rất cấp bách và là nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Quảng Trị và gia đình của TBT. Đây là một dự án quan trọng, vì vậy sau khi chủ trương đầu tư dự án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh thông qua đã được sự đồng thuận của các Bộ, ngành liên quan.

UBND tỉnh Quảng Trị đã tích cực chỉ đạo chủ đầu tư chuẩn bị kỹ càng các nội dung, tiến hành nghiên cứu, rà soát, lấy ý kiến thêm từ các cơ quan chuyên ngành và gia đình TBT, các cá nhân và địa phương liên quan để hoàn thiện dự án, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các hạng mục trùng tu, tôn tạo phải được triển khai phù hợp với giá trị lịch sử, phong tục, tập quán, truyền thống của gia đình, địa phương, đồng thời đặc biệt chú trọng phát huy và nâng cao giá trị của di tích.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng thường xuyên phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công hoàn thành kế hoạch đã đề ra./.

Anh Tuấn

Video liên quan

Chủ Đề