Nhà nước kích cầu bằng cách nào

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang trình các cơ quan chức năng chương trình khôi phục kinh tế, trong đó có đề xuất về gói phục hồi kinh tế. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn Thủ tướng, quy mô gói phục hồi kinh tế không ít hơn nửa triệu tỷ đồng - mức tổng đầu tư công hằng năm. Một số chuyên gia khác thậm chí cho biết quy mô có thể tới 800.000 tỷ đồng [tức 35 tỷ USD]. Dù là con số nào, trong điều kiện ngân sách eo hẹp hiện nay, huy động vốn từ đâu là bài toán thách thức với Chính phủ.

Kinh nghiệm các nước khi thiết kế các gói phục hồi kinh tế là dựa chủ yếu vào chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Với Việt Nam, dư địa chính sách tài khóa đang được đánh giá là "dư dả" hơn so với tiền tệ.

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, cho rằng, vẫn có thể dùng được công cụ chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp.

Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, quy mô nợ công năm 2021 ước khoảng 43,6% GDP, thấp hơn nhiều ngưỡng cảnh báo [55% GDP]. Quy mô dự trữ ngoại hối đạt gần 100 tỷ USD. Trong khi đó, lãi suất cho vay trong nước và quốc tế đang ở mức thấp, nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế khá dồi dào.

Việc huy động nguồn lực từ tài khoá có thể khiến thâm hụt ngân sách và nợ công tăng lên, nhưng theo ông Lực, vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam có cơ hội tăng vay nợ trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, hoặc vay quốc tế với lãi suất thấp.

"Các tổ chức quốc tế như IMF, WB hay ADB sẵn sàng cho chúng ta vay với lãi suất thấp, dưới 1%. Trong bối cảnh tỷ giá ổn định, vay nợ nước ngoài thì khá khả thi", ông nói với VnExpress.

Một góc đại lộ Võ Văn Kiệt [TP HCM], tháng 8/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Trước câu hỏi "nguồn lực của Việt Nam có đủ" cho gói chính sách, thậm chí với quy mô tới 800.000 tỷ, ông Nguyễn Đức Kiên trả lời rằng, "nói theo cách nào cũng có thể đủ". Nếu so với trần nợ công, nợ chính phủ, khả năng trả nợ của nền kinh tế, Việt Nam vẫn còn dư địa, nguồn lực để huy động. Nhưng nếu nói đến hiệu quả trả nợ như thế nào, phải quay về bài toán hiệu quả trả nợ từ trực tiếp của dự án công trình đầu tư và khả năng lan tỏa của chính sách.

Ông phân tích, bản chất là nhà nước đầu tư với tính chất không nhằm lợi nhuận, để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, nên đặt vấn đề theo hướng, phần hoàn vốn phải lấy từ lợi ích mà các doanh nghiệp khác được hưởng lợi từ dự án Chính phủ.

Lấy ví dụ một dự án PPP một tuyến đường cao tốc, ông Kiên cho biết, nếu chỉ trông chờ hoàn vốn từ thu phí con đường, nhà nước sẽ phải mất 15-20 năm. Nhưng nếu đặt vấn đề đây là dự án hỗ trợ, nhà nước cùng đầu tư, khi giao thông thuận tiện, tiền thuế sẽ tăng lên nhờ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hưởng lợi. Nhà nước có thể trích một phần thuế từ đó bù vào vốn bỏ ra ban đầu.

"Như vậy sau khi hết chu kỳ đầu tư dự án PPP, chúng ta vừa có con đường, vừa giúp cho doanh nghiệp, vừa thu hồi được vốn để tái đầu tư chỗ khác", ông nói.

Trong một bản dự thảo cuối tháng 10 về chương trình phục hồi kinh tế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng thừa nhận, việc huy động tổng thể các nguồn lực [tài chính, phi tài chính...] có thể khiến nợ công tăng lên. Song bù lại, tăng trưởng kinh tế 5 năm tới dự báo đạt khoảng 6,4-6,8% một năm, cao hơn khoảng một điểm % so với kịch bản không thực hiện và đạt mục tiêu đề ra [6,5-7% một năm]. GDP Việt Nam năm 2020, sau khi đánh giá lại, theo Tổng cục Thống kê, đạt khoảng 343 tỷ USD [khoảng hơn 7,8 triệu tỷ đồng].

Tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng nặng sau 2 năm Covid-19. Click tại đây để xem đầy đủ. Đồ họa: Tiến Thành

Với chính sách tiền tệ dư địa còn lại không nhiều, dù mặt bằng lãi suất thấp vẫn có thể giúp các nhà hoạch định chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Dù vậy vẫn có thể thiết kế gói hỗ trợ lãi suất từ chính tài khoá.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tuần trước cho biết, cơ quan này tham mưu với Thủ tướng gói hỗ trợ cấp bù lãi suất để cho doanh nghiệp, dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm vay lãi suất 2-3% một năm. Việc này theo ông sẽ kích cầu nền kinh tế rất nhanh, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Năm 2009 cũng từng có một gói cấp bù lãi suất để kích cầu kinh tế với quy mô khoảng 17.000 tỷ đồng, cho vay các dự án, công trình đầu tư với lãi suất 4% một năm. Ở thời điểm đó, do cách làm phức tạp, phát sinh chi phí, trùng lặp đối tượng... nên để lại một số hệ luỵ như tín dụng tăng nhanh, lạm phát cao và khâu quyết toán kéo dài.

Bình luận về gói hỗ trợ lãi suất lần này, ông Cấn Văn Lực lưu ý 5 điều kiện để không "đi vào vết xe đổ" của gói năm 2009.

Trước tiên, là cần có cơ chế cho phép cho vay với cả doanh nghiệp không thể chứng minh khả năng tài chính [có thể do bị thua lỗ] nhưng có triển vọng phục hồi và có thể thiếu tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, tiền hỗ trợ từ ngân sách phải xác định rõ lấy từ nguồn nào. Thời hạn hỗ trợ nên tối đa là một năm vì ngân sách cũng có hạn.

Chuyên gia cũng đề nghị lần này hỗ trợ lãi suất phải có trọng tâm, trọng điểm và hướng tới một số đối tượng, địa bàn chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19. Ngoài ra, điều kiện "chốt" là việc kiểm toán sau khi kết thúc gói hỗ trợ cần chấp nhận mức độ sai sót nhất định và chỉ nên kiểm toán đại diện mẫu thay vì yêu cầu kiểm toán tất cả các khoản vay như năm 2009.

Nguồn tiền khác từng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề cập là huy động tiền nhàn rỗi trong dân thông qua phát hành công trái ngoại tệ. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ phát hành thêm trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, để thúc đẩy quá trình tăng trưởng, sau đó quay vòng vốn đảm bảo cho kinh tế phát triển.

"Gói kích cầu năm 2022-2023 có thể làm tăng bội chi, nhưng đến năm 2024 thì giảm bội chi. Mức bội chi 5 năm vẫn đạt chỉ tiêu được giao", Bộ trưởng Phớc giải thích khi thảo luận ở tổ cùng các đại biểu Quốc hội ngày 29/10.

Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần rất cân nhắc việc phát hành công trái ngoại tệ. Ông phân tích, công trái nếu lãi suất thấp và thời gian dài sẽ khó thu hút người dân, khi các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản, chứng khoán... tăng tốt. Chưa kể, phát hành công trái ngoại tệ có thể gây áp lực lên tỷ giá, vĩ mô. Nguồn lực đồng ngoại tệ [USD] trong dân hiện phần nhiều đã được chuyển hoá vào kinh doanh, các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, chứ không còn găm giữ nhiều như hồi năm 2013-2014.

Một nguồn lực khác ngoài tài khoá, tiền tệ là dư địa từ nguồn lực phi tài chính mà theo các chuyên gia, nếu huy động tốt sẽ đóng góp không nhỏ. Cách để huy động nguồn lực này là cải cách mạnh mẽ thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là tháo gỡ vướng mắc để các dự án đầu tư đang bị chậm tiến độ được giải toả.

Ông Lực ví dụ, hơn 2.000 dự án bất động sản đang chậm triển khai, nếu tháo gỡ được nút thắt để số này tiếp tục thực hiện, Nhà nước sẽ thu được nguồn lực từ cho thuê đất, còn doanh nghiệp có việc làm cho lao động, người dân có thu nhập...

Cùng quan điểm, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam Lê Duy Bình cho rằng ngoài việc vay thêm nợ, vẫn còn nhiều nguồn lực có thể tính toán. Ông Bình nhắc tới vốn đầu tư công hiện giải ngân rất chậm, và nếu giải ngân hết sẽ là nguồn vốn mồi cho đầu tư xã hội, kích thích tăng trưởng, tạo sự lan toả kích cầu sản xuất, tiêu dùng.

Trong các động lực tăng trưởng giai đoạn tới là kinh tế ổn định, dịch chuyển chuỗi cung ứng, lãi suất thấp, đầu tư công..., ông lưu ý "sự phụ thuộc cực lớn" vào chính sách kích cầu, đầu tư công vào hạ tầng của Chính phủ. Cùng đó là sự hỗ trợ để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển bứt tốc nhanh, mạnh và bền vững.

"Tận dụng hết những dư địa đang có thì mới tính tới khơi thông nguồn lực khác hoặc đi vay để phục hồi kinh tế. Một đồng tiền chi ra từ ngân sách Nhà nước để kích cầu phải được sử dụng hiệu quả, nếu không sẽ để lại gánh nặng lớn về nợ sau này", ông Bình nói.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp hồi sức sau dịch, nhà chức trách có thể tận dụng nguồn tiền từ khoản tiết kiệm chi thường xuyên, hay khoản tăng thu, tiết kiệm chi từ ngân sách trung ương [nếu có] và tính toán sử dụng một phần các quỹ đầu tư ngoài ngân sách, như quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bảo vệ môi trường...

"Thể chế, thủ tục hành chính còn rất nhiều dư địa cải cách. Khơi thông, sử dụng những nguồn lực này sẽ tránh được lãng phí, người dân được lợi, nhà nước có khả năng thu được thuế", ông Cấn Văn Lực bình luận.

Giải pháp kích cầu kinh tế của các nước Đông Nam Á

Ảnh minh hoạ. Nguồn: doanhnghiepvietnam.com.vn

[ĐCSVN] - Kích cầu là biện pháp đẩy mạnh chi tiêu ròng của chính phủ [hay còn gọi là tiêu dùng công cộng] để kích thích tăng trưởng kinh tế. Biện pháp kích cầu có thể là giảm thuế hoặc tăng chi tiêu hoặc cả hai. Mục tiêu chính của các gói kích cầu là làm tăng tổng cầu trong nền kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Các gói giải pháp cứu trợ và ngăn chặn suy giảm kinh tế của các nước Đông Nam Á mang một số đặc điểm là: Thứ nhất, gói kích cầu kinh tế được thiết kế tùy theo đặc điểm nền kinh tế mỗi nước; Thứ hai, tùy theo hoàn cảnh mỗi nước, gói kích cầu có thể chỉ bao gồm các công cụ chính sách tài khóa hoặc cả công cụ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; Thứ ba, giải pháp kích cầu có thể chia thành bốn nhóm chính sau: 1] Kích cầu tiêu dùng; 2] Kích cầu đầu tư; 3] Kích cầu qua đầu tư công; 4] Nhóm biện pháp hỗ trợ khác.

Cụ thể, với nhóm kích cầu tiêu dùng. Để kích cầu tiêu dùng, chính phủ hỗ trợ trực tiếp tiền cho dân để tăng sức mua hoặc chuyển tiền cho doanh nghiệp, ngân hàng… Các nước đang phát triển có điều kiện kinh tế eo hẹp không thể áp dụng cách thức này do tiềm lực còn hạn chế. Vì vậy phải dùng hình thức khác như bù lãi suất, cho vay không lãi, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế…

Thái Lan thực hiện chính sách kích cầu hai giai đoạn với toàn bộ số tiền bơm vào nền kinh tế và kích cầu chủ yếu từ tài khoản vay nước ngoài. Giai đoạn một [tháng 12/2008], kế hoạch cứu trợ gồm 3,35 tỉ USD, nhắm vào các mục tiêu: phát tiền mặt cho người nghèo; giảm thuế cho người có thu nhập; tăng số học sinh được miễn học phí; trợ giá tiền điện, nước và vé tàu xe đi lại cho dân, trợ cầp một ngân phiếu có giá trị 58 USD cho người dân có thu nhập dưới 430 USD/tháng 9. Giai đoạn hai, bắt đầu từ tháng 3 năm 2009 Thái Lan khuyến khích người dân tiêu dùng bằng cách trợ cấp 2000 Baht/tháng cho viên chức nhà nước có thu nhập dưới 15.000 Baht/tháng [khoảng 7,5 triệu đồng]. Khoảng 9 triệu người đã nhận được khoản trợ cấp kích cầu tiêu dùng này. Nhờ chính sách kích cầu nhanh chóng mà người dân Thái Lan không hốt hoảng, đảm bảo tiêu dùng nội địa, giảm thiểu tác động của suy giảm kinh tế tới tốc độ tăng trưởng.

Malaysia chi 27,9 tỉ Ringgit [2009] để hỗ trợ người dân trong tiêu dùng một số hàng hóa như xăng, diesel, gas dùng để nấu ăn, lúa mỳ, bánh mỳ, bột mỳ, đường, gạo, sách vở học sinh, học bổng, đào tạo, y tế, phúc lợi xã hội và lệ phí giao thông…

Singapore đưa ra gói kích thích kinh tế 13,8 tỉ USD [2009] trong đó có chương trình tín dụng việc làm bằng cách hỗ trợ tiền mặt đối với các chủ sử dụng lao động để giúp họ trang trải một phần chi phí lương và tránh sa thải lao động; giảm 20% thuế thu nhập cá nhân đến hạn, đối với lao động khó khăn trợ cấp thêm 300-500 SGD/người/tháng…

Indonesia thông qua gói kích thích kinh tế 73.300 tỉ rupiah [tháng 2/2009]10; trong đó dành 90 nghìn tỉ rupiah [7,5 tỉ USD] cho các Bộ, ngành; khoảng 300 nghìn tỉ rupiah để đẩy mạnh tiêu dùng hàng nội địa; Các cơ quan nhà nước bắt buộc phải tiêu dùng hàng nội địa trong các hoạt động thông thường như quần áo, giày dép đồng phục. Không như các quốc gia ASEAN khác, hầu hết các doanh nghiệp Inđônêsia đều phải trợ giúp khoản đóng thuế thu nhập của nhân công, và đây được coi là gánh nặng của các doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ trợ cấp 6.500 tỉ rupiah để đền bù vào khoản thuế thu nhập của người lao động mà các doanh nghiệp vẫn thường phải trả thay. Nhờ đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, đẩy mạnh chi tiêu kích thích tiêu dùng nội địa.

Với nhóm kích cầu đầu tư. Trong kích cầu đầu tư, cần khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, kho cảng, sân bay, đường bộ, điện, xi măng… Bên cạnh đó tập trung đầu tư vào nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo các hình thức khác nhau. Đầu tư vào ngành điện không chỉ theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao BOT [Built-Operation-Transfer] mà cả hình thức Xây dựng - Chuyển giao BT [Built-Transfer]. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án, kể cả bất động sản. Kích cầu đầu tư đúng thì sẽ kích cầu được tiêu dùng. Giảm thuế, giảm lãi suất, doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận nhiều hơn, tiền chi trả cho người lao động sẽ cao hơn. Khi có thu nhập người lao động sẽ chi tiêu nhiều. Mục tiêu kích cầu tiêu dùng sẽ đạt được.

Để kích cầu đầu tư và tiêu dùng có hiệu quả cần chú ý đến những vấn đề chính sau: Một là, tập trung kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt, các dự án góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế. Ưu tiên các dự án có khả năng tạo được thị trường tiêu thụ, các dự án kết hợp phát triển kinh tế - xã hội - môi trường. Hai là, để kích cầu tiêu dùng cần giảm giá hàng tiêu dùng, giảm lãi suất, điều chỉnh tăng lương, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng núi khó khăn, thiên tai, bệnh dịch… Đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.

Với nhóm kích cầu qua đầu tư công. Yếu tố quan trọng để đạt được mức độ tăng trưởng kinh tế khu vực cao và thúc đẩy thương mại nội khối là kết nối tốt hơn về cơ sở hạ tầng trong khu vực như đường giao thông, các bến cảng, sân bay, đường sắt. Malaysia đã đưa ra hai gói kích cầu kinh tế tập trung cho đầu tư công: Lần thứ nhất là 1,9 tỉ USD, trong đó chi cho nâng cấp và sửa chữa tiện nghi công cộng, giao thông nông thôn, cảnh sát và lực lượng vũ trang là 1,5 triệu ringgit; chi 1,4 triệu Ringgit Malaysia [RM] cho nhà ở chi phí xây dựng thấp và mức chi trả trung bình; chi 0,5 triệu RM cho nâng cấp và duy trì các phương tiện giao thông công cộng; chi 0,5 triệu RM thực hiện truy cập Internet băng thông rộng… Lần thứ hai là 16,2 tỉ USD trong đó chi 19 tỉ RM xây dựng năng lượng cho tương lai. Trong dự án cơ sở hạ tầng “Thái Lan vững mạnh 2012” với tổng chi là 42 tỷ USD thì chính phủ Thái Lan dành 73% trong số đó [tương đương 30,6 tỷ USD] chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, truyền thông và năng lượng, 15% [tương đương 6,3 tỷ USD] cải thiện hệ thống cấp nước và thủy lợi nông nghiệp. Indonesia trong gói kích cầu kinh tế 73,3 nghìn tỉ Rupi [2009] cũng chi 12,2 nghìn tỉ Rupi chi nâng cấp cơ sở hạ tầng. Phillipines chi 48% trong 6,5 tỉ USD kích thích kinh tế [2009] cho hạng mục cơ sở hạ tầng bao gồm chi tiêu sửa chữa các tòa nhà chính phủ và chi phí thuê giáo viên, cảnh sát, binh sĩ và các bác sĩ. Những khoản đầu tư này đã cải thiện được đáng kể cơ sở vật chất của ASEAN giúp kết nối tốt khi có cơ sở hạ tầng được nâng cấp.

Với nhóm biện pháp hỗ trợ khác. Bên cạnh biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, các nước ASEAN còn chú trọng các giải pháp xúc tiến xuất khẩu nhằm vực lại ngành sản xuất hướng vào xuất khẩu. Để đẩy mạnh họat động xuất khẩu, Bộ Thương mại Thái Lan đã ưu tiên cho 4 kế hoạch phát triển ngành xuất khẩu. Thứ nhất, đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn của mình đồng thời tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới; Thứ hai, đưa hàng hóa lương thực thực phẩm của Thái Lan đến với toàn cầu. Với kế hoạch này, Thái Lan thúc đẩy phát triển các nhà hàng của mình tại nước ngoài, bằng cách phổ biến nghệ thuật ẩm thực của Thái Lan ra thế giới và thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản; Thứ ba, phát triển các thị trường xuất khẩu mới ở châu Á, Trung Đông, Australia, châu Phi và châu Mỹ La-tinh nhằm thay thế những thị trường có nhu cầu nhập khẩu đang bị thu hẹp như Mỹ, Nhật Bản và EU; Thứ tư, trợ giúp các nhà xuất khẩu khi thiếu các đơn hàng như tổ chức triển lãm, quảng cáo thương hiệu…

Bên cạnh hoạt động xuất khẩu, Thái Lan thực hiện kích cầu du lịch với chiến dịch có tên “Đem đồng Baht tới Thái Lan” và chiến dịch “Một giá cho tất cả các địa điểm”. Nhờ các biện pháp kích cầu du lịch này mà lượng du khách đến Thái Lan đã tăng lên 14 triệu người [2009] và 15,5 triệu người [2010]. Ngành du lịch Thái Lan vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các kế hoạch xúc tiến du lịch trên khắp thế giới, nhằm quảng bá Thái Lan như là một điểm đến hấp dẫn, với mục tiêu thu hút thêm khách du lịch từ các thị trường Nam Á, Đông Nam Á, Anh và Pháp.

Singapore đã thực hiện một số giải pháp nhằm kích cầu nền kinh tế nhằm mục tiêu: Thứ nhất, giữ việc làm cho người lao động bằng chương trình nâng cao kỹ năng lao động và tín dụng cho doanh nghiệp địa phương; Thứ hai, tăng niềm tin vào hệ thống tài chính bằng chương trình bảo đảm tiền gửi; Thứ ba, tăng cường thực hiện các dự án công [4.7 tỉ đô la Singapore]; Thứ tư, đối với tài khóa, ưu tiên cho chương trình việc làm bằng việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như giảm tiền thuê nhà, giảm thuế. Gói kích cầu của Singapore tập trung đầu tư vào 4 vấn đề: giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, hỗ trợ tài chính và giúp đỡ người khó khăn. Khi khủng hoảng kinh tế gia tăng, chính phủ Singapore vẫn tiếp tục tập trung vào hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích các công ty cử nhân viên đi học nâng cao trình độ. Trong gói kích cầu 20,5 tỉ SGD, Singapore dành một phần để nâng cấp kỹ năng cho người lao động [5,1 tỉ SGD hỗ trợ đào tạo giải quyết việc làm]. Singapore tập trung vào việc đa dạng hóa ngành nghề cho công nhân; khuyến khích doanh nghiệp gửi công nhân đi học nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Người lao động được nâng cao tay nghề, học thêm nghề mới để khi nền kinh tế phục hồi, họ có cơ hội tìm công việc mới tốt hơn.

Tóm lại, nhờ tính hiệu quả và kịp thời của các gói kích cầu đã tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ, giúp ASEAN vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn hơn mong đợi. Năm 2010, tăng trưởng GDP của ASEAN đạt 6,0% [Inđônêsia]; 6,8% [Việt Nam]; 7,2% [Malaysia]; 7,3% [Philippines] và 7,8% [Thái Lan]. Các gói kích cầu kinh tế có tác dụng như chiếc phao cứu sinh làm gia tăng lòng tin của các doanh nghiệp, các ngân hàng và nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào trách nhiệm của chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cũng như tin vào triển vọng thị trường và môi trường đầu tư trong nước. Gói kích cầu trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng với chi phí rẻ hơn, từ đó giảm bớt các chi phí kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ kịp thời của gói kích cầu đã có thêm cơ hội giữ vững và mở rộng sản xuất, từ đó góp phần giảm bớt áp lực thất nghiệp và đảm bảo ổn định xã hội. Bên cạnh đó, gói kích cầu còn trực tiếp góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng và động lực của sự phát triển xã hội cả hiện tại và tương lai.

Video liên quan

Chủ Đề