Ngôn ngữ thứ 2 của việt nam là gì

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam dù khả thi nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn và cần phải có lộ trình cụ thể.

Tiếng Anh được đánh giá là ngoại ngữ quan trọng trong quá trình hội nhập.

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” diễn ra ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất này tuy nhiên cho rằng để thành công phải có lộ trình cụ thể.

Khả thi dù còn nhiều khó khăn

Đồng tình với quan điểm đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 và cho rằng khả thi khi thực hiện điều này, PGS.TS Nguyễn Thám [Giảng viên cao cấp Đại học Sư phạm Huế] liên hệ với đất nước Singapore, khi Lý Quang Diệu đưa Tiếng Anh về đất nước này cũng gặp trở ngại nhưng cuối cùng đã thành công. Nhất là trong quá thời kì hội nhập như hiện nay thì Tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Theo ông Thám, khi thực hiện điều này tất nhiên sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là khâu chuẩn bị cho quá trình giảng dạy. Mặc dù hiện nay từ lớp 3 học sinh đã được học Tiếng Anh nhưng việc dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự ổn. Đúng ra phải học để sử dụng nhưng học sinh Việt Nam nhiều người vẫn chỉ có tâm lý học để thi do đó hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, việc học Tiếng Anh đối với các thành phố lớn và phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có thể dễ dàng hơn nhưng ở những địa phương khó khăn thì việc học tập cũng sẽ gặp nhiều cản trở.

Cần lộ trình cụ thể thì đề xuất đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai mới khả thi. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

“Chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhưng dần dần chúng ta sẽ làm được, có thể thực hiện lộ trình ở nơi này trước nơi kia sau” – ông Thám nói.

Theo ông Thám, Việt Nam trong thời kì hội nhập như hiện nay cũng nên đưa Tiếng Anh vào tuy nhiên cần có lộ trình và những bước chuẩn bị cụ thể thì mới có thể thành công.

Giáo viên môn khác cũng phải biết Tiếng Anh

Nói về đề xuất này, GS. TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để có tư duy toàn cầu khi sống trong môi trường toàn cầu thì Tiếng Anh là một trong những điều kiện phải có. Tuy nhiên theo GS.TS Phạm Tất Dong, không nên nói Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai mà chỉ nên nói là ngoại ngữ nên ưu tiên chiếm tỉ trọng lớn trong chương trình đào tạo phổ thông cũng như đại học.

Thêm vào đó, ông Dong cho biết đã đưa ra mục tiêu thì phải thực hiện và đã quyết tâm thực hiện phải thay đổi việc học ngoại ngữ, xem hiện nay rào cản của việc học ngoại ngữ là gì, đó là những rào cản về giáo viên, phương tiện, rào cản về cách tổ chức, phương pháp… hay rào cản gì khác cũng nên đưa ra để tháo gỡ.

“Trước tiên chúng ta phải có đủ giáo viên để đảm bảo học sinh được học đúng số giờ và có đủ giáo viên trình độ để dạy. Thứ hai là các giáo viên môn khác cũng phải biết Tiếng Anh, điều này sẽ giúp ích cho giáo viên Tiếng Anh rất nhiều. Chẳng hạn khi dạy Vật lý về các định luật, quy luật, quá trình… nếu giáo viên vừa dạy Tiếng Việt vừa đưa thêm những từ Tiếng Anh vào thì tự nhiên học sinh sẽ học thêm được những từ mới Tiếng Anh, ngoài những tiết Tiếng Anh chính thức. Phải nhúng vào môi trường Tiếng Anh thì học sinh mới học được nhanh, hiểu được nhanh” – GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Ông Dong cũng cho rằng, để việc này thành công thì đó cũng là cả quá trình dài. Nếu định hình thành mục tiêu chiến lược thì phải dám đầu tư vào nó.

Nhiều chuyên gia đúc kết rằng để công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc đào tạo học sinh. Một trong những điều kiện tiên quyết là xây dựng được cộng đồng người sử dụng tiếng Anh thành thạo rộng khắp trên cả nước.

Việc Quốc hội Việt Nam chưa thông qua đề xuất coi tiếng Anh như 'ngôn ngữ thứ hai' đã gây ra nhiều tranh cãi trên các trang mạng xã hội.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng tiếng Anh, nếu không có "vị thế" chính thức, có thể bị tiếng Trung "lấn át".

Cùng lúc, cũng không ít ý kiến tin rằng thiếu định nghĩa rõ ràng thế nào là "ngôn ngữ thứ hai" - ngôn ngữ cho bộ máy hành chính, tòa án, hay chỉ cho giáo dục, khoa học - thì ra luật không thôi cũng chẳng thay đổi gì.

Đài Loan mới đây tuyên bố muốn đưa tiếng Anh thành "ngôn ngữ chính thức" nhưng việc chuẩn bị giáo dục song ngữ đã bắt đầu từ 2002 mà đến nay vẫn còn nhiều khó khăn.

Tuy vậy, đa số các ý kiến trên mạng xã hội Việt Nam đều cho là hệ thống giảng dạy Anh văn ở Việt Nam có vấn đề và phàn nàn về tình trạng quan chức kém tiếng Anh.

Cũng có các nhóm xã hội tự tình cách cải thiện tình trạng này, và ra các sáng kiến giúp học sinh vùng nông thôn tiếp cận tiếng Anh.

Ông Nguyễn Quang Thạch, nhà vận động 'Sách hóa nông thôn' hiện đang có dự án như vậy ở một số vùng nông thôn Việt Nam.

Ông nêu lời kêu gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi phương pháp dạy tiếng Anh ở Việt Nam, loại các giáo viên yếu kém, đọc sai, dạy sai.

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 19/06/2019, đầu tiên ông cho biết phản ứng của ông khi nghe tin Quốc hội Việt Nam không chấp nhận tiếng Anh là 'ngôn ngữ thứ hai':

Ông Nguyễn Quang Thạch: Trước tiên phải hiểu ngôn ngữ thứ hai là gì. Theo tôi, đó là một ngôn ngữ được học bởi một người sau ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong đời sống, giáo dục, thương mại, chính trị. Theo số liệu thống kê về ngôn ngữ và phương ngữ trên thế giới [Ethnologue: Languages of the World] thì tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở 101 quốc gia trên thế giới và là ngoại ngữ có số lượng người học lớn nhất với hơn 1,5 tỉ người.

Đây là số liệu năm 2015, hiện tại chắc chắn con số này đã được tăng lên đáng kể. Số liệu này thể hiện phần nào vai trò và vị thế của tiếng Anh trên thế giới, nó đã và đang trở thành ngôn ngữ toàn cầu

Xoay quanh việc Quốc hội không chấp nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, có nhiều ý kiến trái chiều và tranh cãi về mặt văn hóa, chính trị và địa vị pháp lý của ngôn ngữ trong xã hội. Cá nhân tôi không đồng tình với quyết định của Quốc hội. Tôi tin chắc rằng Quốc hội sẽ bàn và chấp thuận vào kỳ họp tới.

Theo tôi, điều quan trọng cần làm ở giai đoạn này là nâng cao nhận thức toàn dân về tầm quan trọng của tiếng Anh trong tiến trình hội nhập quốc tế, coi việc học tiếng anh là yêu cầu bức thiết và phải được ưu tiên trong giáo dục ở gia đình và nhà trường. Theo đó, cả chính quyền và dân sự sẽ cùng nhau tìm kiếm các giải pháp để tiếng Anh thực sự là công cụ truyền tải tri thức toàn cầu đến với hàng chục triệu học sinh, sinh viên, cơ quan công quyền.

Hàng ngày, xem và nghe các các thông tin trên Diễn đàn kinh tế Thế giới, Teach Insider, NPR, BBC, tôi thấy rõ sự tụt hậu của Việt Nam trong mọi lĩnh vực so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Nguồn hình ảnh, Portland Press Herald

Chụp lại hình ảnh,

Vấn đề của Việt Nam là đa số học sinh các vùng nghèo không có điều kiện học tiếng Anh hoặc thậm chí tiếp xúc với giáo viên nước ngoài. Hình chụp Laura Higgins [phải] nói tiếng Anh với người nhập cư gốc Việt tại Portland, Hoa Kỳ.

Năm 2017, Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về 'việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4', đây là sách lược đúng đắn. Vậy Chính phủ làm gì để nâng cao năng lực của học sinh, sinh viên khi lượng tri thức đầu vào của chúng ta không cập nhật được lượng tri thức khổng lồ của các nước phát triển?

Theo tôi, chúng ta có hai cách song hành.

Thứ nhất là đào tạo đội ngũ chuyên môn giỏi tiếng Anh, Đức, Nhật…thuộc các lĩnh vực khác nhau để chuyển ngữ cập nhật kiến thức đến với hàng chục triệu học sinh và sinh viên.

Thứ hai là nâng tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai và thiết kế hệ thống phổ biến tri thức bằng tiếng Anh từ mầm non đến trường đại học với lộ trình bài bản, thì số người Việt có khả năng cập nhật tri thức toàn cầu bằng tiếng Anh sẽ tăng lên nhanh chóng trong vòng 10 năm tới.

BBC News Tiếng Việt: Có ý kiến nói để ra luật thì cần chuẩn bị kỹ các bước pháp lý, giáo dục chứ không thể 'duy ý chí' ra luật nói tiếng Anh là 'ngôn ngữ thứ hai' ở Việt Nam rồi mong đợi trình độ tiếng Anh cả nước sẽ lên, ông nghĩ sao?

Theo tôi, việc các nhà thiết kế giáo dục đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai là một cấu phần của Luật giáo dục sửa đổi, đã thể hiện một tư duy đột phá. Như tôi nêu trên, khi nâng tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai thì nhận thức xã hội về tiếng Anh sẽ tăng lên. Tiêu chuẩn quốc tế về dạy tiếng Anh được áp dụng, chẳng hạn giáo viên dạy tiểu học, trung học cơ sở phải đạt 6-8 điểm IELTS. Khi đó, nhiều giải pháp thúc đẩy học tiếng Anh ra đời. Học sinh, sinh viên, công chức sẽ tìm mọi cách để cải thiện tiếng Anh, tìm kiếm tri thức bằng tiếng Anh.

BBC News Tiếng Việt:Bản thân ông đang cố gắng đưa sách đọc, và tiếng Anh tới nông thôn Việt Nam, vậy khó khăn, thách thức mà ông gặp phải là gì?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Về việc nhân rộng hệ thống tủ sách, sau 12 năm áp dụng thực địa, vận động chính sách từ cấp cơ sở lên bộ ngành, rồi từ chuyến đi bộ Hà Nội-Sài Gòn của tôi, thì chính quyền lẫn dân sự đã thay đổi tích cực. Sách không bị từ chối và xem nhẹ như trước đây. Các nhóm làm tủ sách được chào đón ở các trường học, chính quyền địa phương nhiều nơi đã nhân rộng hàng ngàn đến chục ngàn tủ sách theo mô hình chúng tôi thiết kế.

Nay, một thành viên của Chương trình Sách hóa Nông thôn, bạn Vũ Thị Thu Hà luôn được cán bộ ở cấp bộ, cấp sở, phòng và cấp trường học rủ rê và đề nghị hỗ trợ sách chứ không phải kêu khóc để sách được nhận như ở đảo Lý Sơn cách đây mấy năm hay phải đưa sách về Hà Nội vì bị chính quyền một xã thuộc khu vực Tây Bắc từ chối.

Về việc phổ biến tiếng Anh ở nông thôn, qua Chương trình tiếng Anh cho nông thôn, tôi thấy nhu cầu muốn cải thiện tiếng Anh của học sinh nông thôn ngày càng lớn.

Bức xúc về chất lượng dạy tiếng Anh ngày càng dâng cao vì hầu hết học sinh yếu kém tiếng Anh sau nhiều năm tốn nhiều giấy mực và tiền học thêm. Về mặt chính quyền, lãnh đạo một phòng giáo dục ở Thái Bình đã đề nghị tôi giúp học sinh trên toàn huyện cải thiện tiếng Anh.

Nguồn hình ảnh, Nguyễn Quang Thạch

Chụp lại hình ảnh,

Ông Nguyễn Quang Thạch [đeo kính, đứng] đã có các hoạt động đưa sách về nông thôn ở Việt Nam

Trường học của xã tôi đang nằm vùng để cải thiện tiếng Anh cũng đang tìm mọi cách để cải thiện tiếng Anh của học sinh. Năm học 2019-2020, nhà trường sẽ tăng cường cho học sinh nghe tiếng Anh qua loa phóng thanh của trường trong giờ sinh hoạt đầu giờ.

BBC News Tiếng Việt:Trở lại chuyện 'ngôn ngữ thứ hai', có người muốn tạo phong trào như Bình dân học vụ năm 1945 để phổ biến chữ Quốc ngữ, nhưng lần này là làm cho tiếng Anh. Thế nhưng ở Việt Namhiện đang thiếu giáo viên bản ngữ [Anh, Mỹ, Úc, Canada...], vậy theo ông làm sao biến việc học và dạy tiếng Anh thành phong trào, và học cho đúng, nhất là cho các vùng nghèo ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Tháng 8/2018, tôi chọn Nguyễn Quang Huy, học sinh lớp 7 của trường Tiểu học và THCS xã Sơn Lễ, đã học tiếng Anh 3 năm học nhưng chỉ biết vài từ như "Hello", "Good morning", theo lời Huy. Tôi làm khảo sát thì Huy không viết và đọc được ngày trong tuần, tháng trong năm. Hơn nữa, Huy có trí nhớ không tốt, tôi đưa từ triangle cho cậu ấy, phải mất 4 tiếng đồng hồ đọc theo [khoảng 5.000 lần], Huy mới nhớ được.

Tôi đưa ra phương pháp Làm Vẹt/ parrot học tiếng Anh, nghĩa là sử dụng máy tính cho Huy nghe và nói theo các từ vựng tiếng Anh bản ngữ trong hơn 400 giờ [gấp ít nhất 20 lần thời gian Huy được nghe tiếng Anh ở trường trong 3 năm], cùng với sự hỗ trợ 50 giờ dạy qua mạng của hai bạn người Việt ở Mỹ, và một số kỹ thuật của tôi, tiếng Anh của Huy đã cải thiện rõ rệt sau 10 tháng.

Nay Huy đã đọc thuộc lòng nhiều bài hội thoại trong sách giáo khoa lớp 7. Qua sự tiến bộ của Huy, tôi thấy rằng việc tạo 'Tây' tại trường học nông thôn bằng học cụ máy tính là đơn giản và hiệu quả, rất dễ trở thành phong trào khi phương pháp Làm Vẹt học tiếng Anh được áp dụng ở tất cả trường học trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, chính quyền nên tạo kênh ngoại giao nhân dân bằng khuyến khích mời các bạn 'Tây du lịch' về ở nhà mình để giúp học sinh học tiếng Anh. Đặc biệt, phong trào tình nguyện của sinh viên cần xem hỗ trợ học sinh nông thôn học tiếng Anh và đọc sách là hoạt động chính.

Chúng tôi tiếp tục phổ biến tiếng Anh qua kênh YouTube 'Học cùng Thạch và bè bạn'. Tôi mong rằng hàng chục ngàn người khá tiếng Anh hơn tôi làm tương tự để tiếng Anh "trôi nổi" khắp nơi để ai cũng học được.

Dù Quốc hội chưa thông qua tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, hãy thực hiện mong muốn của mình bằng thay đổi phương pháp dạy tiếng Anh, loại bỏ giáo viên dạy tiếng Anh yếu kém, tuyển dụng giáo viên nói được tiếng Anh với người Anh, Mỹ vào tất cả các trường dạy học. Có như thế thì chúng ta mới tạo được nền tảng, đi từ cơ sở đi lên để tiếng Anh lan rộng ra cả nước chứ không chỉ phổ biến ở khu vực đô thị có mức sống cao hơn cả.

Chủ Đề