Nghệ thuật chớp thời cơ trong cách mạng Tháng 8

Cách mạng Tháng Tám là sự kiện lịch sử trọng đại, trang sử vàng chói lọi của dân tộc [Ảnh TL Internet]

Các thế lực thù địch, phản động thường có những lập luận cho rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng “ăn may”, do diễn ra đúng vào thời điểm có một khoảng trống quyền lực ở Đông Dương nói chung và ở nước ta nói riêng. Để đập tan luận điệu xuyên tạc này, trước hết chúng ta cần hiểu rõ: “Thế nào là ăn may”; có thể hiểu đơn giản đó là sự trông chờ mà không có một sự cố gắng, nỗ lực, không có sự chuẩn bị và hành động cụ thể nào để chủ động đạt tới mục đích của mình. Tuy nhiên, xét lại toàn bộ tiến trình lịch sử, chúng ta phải thấy rằng, để có được thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị chu đáo, với các bước tập dượt quan trọng và nhiều lần chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

Mặc dù Cách mạng Tháng Tám diễn ra với những điều kiện thuận lợi, có thể nói là thời cơ, nhưng điều đó chỉ góp phần cho sự thành công của cuộc cách mạng, không phải là yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định ở đây chính là sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ chí Minh, đã biết tạo ra thời cơ và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật nắm và giành thời cơ; kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan thuận lợi để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng.

Có thể nói, để chớp được thời cơ trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã có một quá trình chuẩn bị về mọi mặt và dự đoán thời cơ rất khoa học.Ngay trong Hội nghị Trung ương lần thứ 8, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tại Pắc Pó, Cao Bằng, nghị quyết đã dự báo một cách chính xác cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và hệ lụy của nó: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó cách mạng nhiều nước sẽ thành công…”. Đó là một khả năng xuất hiện thời cơ đến với nhiều nước, trong đó có nước ta. Sự phân tích chính xác, khoa học mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù đã tạo thế chủ động cho ta khi xuất hiện tình thế. Ngày 09/3/1945, nổ ra cuộc đảo chính Nhật - Pháp, Đảng ta không bất ngờ mà ngược lại, đã chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược, sách lược sát đúng với tình hình.

Ngay trong đêm Nhật - Pháp bắn nhau, ngày 12/3/1945, Hội nghị Thường vụ mở rộng đã họp và đề ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Trong bản Chỉ thị đó đã dự báo thời cơ của nhân dân ta vùng dậy đấu tranh, đó là: “Quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật và Nhật đầu hàng quân Đồng minh”. Đúng như dự báo của Chỉ thị, sau khi Hồng quân Liên Xô tiêu diệt một triệu quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc và Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống hai thành phố lớn nhất của Nhật. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng các lực lượng Đồng minh vô điều kiện. Như vậy, thời cơ xuất hiện như khả năng mà Đảng ta đã dự báo.

Như đã nói, thời cơ chỉ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, thời cơ chỉ xuất hiện trong vòng 24 giờ. Còn trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, thời cơ chỉ tồn tại trong vòng 20 ngày, từ khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh [14/8/1945], đến khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật [05/9/1945]. Nếu đứng lên giành chính quyền trước ngày 15/8/1945 hay sau ngày 05/9/1945 thì khả năng giành thắng lợi là rất ít. Vì trước ngày 15/8, quân Nhật còn rất mạnh, ý chí chiến đấu chưa bị đè bẹp. Còn sau ngày 05/9, khi đó trên đất nước ta sẽ xuất hiện rất nhiều lực lượng bất lợi cho cách mạng như: Quân Tưởng ở miền Bắc, quân Anh ở miền Nam và nhiều lực lượng phản động khác. Chính vì thế, muốn giành thắng lợi chỉ có thể phát động Tổng khởi nghĩa trong khoảng thời gian từ ngày 15/8/1945 đến trước ngày 05/9/1945. Mặt khác, ta nhất định phải giành thắng lợi trước khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật để khi đó ta với tư cách là nước chủ nhà đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, khẳng định với các nước trên thế giới rằng nước Việt Nam DCCH đã giành được chính quyền từ tay Nhật, khai sinh nước VNDCCH [02/9/1945].

Mô hình phục dựng cuộc họp lần thứ 3 của Tỉnh ủy Tân An vào cuối tháng 9-1945 chuẩn bị kháng chiến khi thực dân Pháp quay trở lại [Ảnh: Sông Măng]

Công cuộc đổi mới ở nước ta từ năm 1986 đến nay được triển khai trong bối cảnh chứa đựng cả thời cơ, thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Những thời cơ, thuận lợi lớn đã được Đảng và nhân dân nhận thức đầy đủ, kịp thời. Đó là: Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ yếu của thế giới ngày nay; cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nền kinh tế tri thức, quá trình toàn cầu hóa đang tạo điều kiện chưa từng có cho các quốc gia xích lại gần nhau, tăng cường hội nhập, phát huy lợi thế; xu hướng dân chủ hóa đời sống xã hội, đời sống quốc tế đang tạo hành lang rộng mở cho các chủ thể, các quốc gia khẳng định vai trò, vị trí của mình… Bên cạnh đó, nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ đang cản trở con đường phát triển của các quốc gia, dân tộc: An ninh thế giới bị đe dọa nghiêm trọng bởi các nhân tố truyền thống và phi truyền thống [bạo loạn, xung đột, khủng bố, chiến tranh, tội phạm tài chính - tiền tệ, tội phạm công nghệ cao, thảm họa môi trường,…]; các thế lực phản động tăng cường chiến lược diễn biến hòa bình chống phá chủ nghĩa xã hội và nhiều chính sách khác cản trở độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước trên thế giới,…

Những thời cơ và nguy cơ nêu trên, tự nó, chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng. Chúng trở thành thuận lợi và khó khăn thực tế hay không, điều đó phụ thuộc vào nhân tố chủ quan, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc, đầy đủ về thời cơ và nguy cơ, Đảng, Nhà nước đã chủ động xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời và tổ chức thực hiện hiệu quả; đã tranh thủ tốt các thời cơ, thuận lợi và ứng phó phù hợp trước các nguy cơ, thách thức, biến nguy cơ thành thời cơ, đẩy lùi nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể: Các chính sách mở rộng giao lưu hợp tác, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài để Việt Nam hòa nhập nhưng không hòa tan, vừa tận dụng ngoại lực, vừa phát huy nội lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; hay gần đây nhất là việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình đã được dự luận quốc tế đánh giá cao,... góp phần nâng cao thế và lực của nước ta trên trường quốc tế, tạo tiền đề quý báu cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong từng thành tựu của công cuộc đổi mới và trong mỗi bước phát triển của đất nước ta hôm nay đều khởi nguồn từ những bài học kinh nghiệm quý báu đúc kết từ các thời kỳ cách mạng trước đây. Trong đó, bài học kinh nghiệm nắm bắt và chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 luôn luôn có giá trị lâu bền và ý nghĩa thời đại sâu sắc./.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An - Ðinh Ngọc Lâm

[PLO]- Bài học nhận biết và chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay.

Yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn tới thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 là nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cần ứng dụng bài học này như thế nào với tình hình trong nước và thế giới hiện nay? PGS-TS Trần Nam Tiến, giảng viên Khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này.

PGS-TS Trần Nam Tiến nhận định: “Nhận thức và tận dụng thời cơ một cách nhạy bén là phẩm chất rất quan trọng của đội ngũ lãnh đạo cách mạng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thành công của Cách mạng Tháng Tám”.

Chớp thời cơ là nghệ thuật

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về nghệ thuật nhận biết và chớp thời cơ trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945?

+ PGS-TS Trần Nam Tiến: Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận thức rõ: Thời cơ là sự kết hợp hàng loạt nhân tố chủ quan và khách quan đã đến độ chín muồi. Thời cơ không tự đến, một phần là do ta chuẩn bị, thúc đẩy. Trước những thất bại trên chiến trường Thái Bình Dương, đêm 9-3-1945, quân Nhật đảo chính thực dân Pháp độc chiếm toàn Đông Dương. Tuy nhiên, quân Nhật ở châu Á bị lực lượng Đồng minh, đặc biệt có sự tham chiến của Liên Xô đánh bại liên tiếp trên nhiều mặt trận. Với thất bại không thể tránh khỏi, chính phủ Nhật đã chuẩn bị đầu hàng quân Đồng minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới của Mỹ trong chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ diễn ra tại Mỹ
vào tháng 5-2022. Ảnh: TTX

Những gì đã diễn ra trong Tháng Tám lịch sử đó không nằm ngoài dự báo và sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh. Vào tháng 10-1944, trong thư gửi đồng bào toàn quốc, Người nói: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”.

Chiến tranh thế giới thứ hai khi đó bước vào giai đoạn kết thúc. Trước tình hình này, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra bản chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945. Bản chỉ thị nhận định phải phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.

. Ông có thể đánh giá một số dấu mốc lịch sử cho thấy nước ta đã phát huy và ứng dụng thành công bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám?

+ Đến năm 2011, Việt Nam [VN] mới chính thức hội nhập quốc tế, trước đó bước đi đầu tiên là hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là chọn lựa rất thành công. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, VN nhận thức rõ xu hướng của thế giới là hợp tác và phát triển; kinh tế trở thành nhân tố chi phối sự hợp tác.

Giai đoạn sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, đặc biệt ở thập niên đầu tiên, trật tự hai cực tan rã, sự phát triển tập trung vào từng khu vực, quá trình khu vực hóa diễn ra rất mạnh. VN không chỉ nắm bắt mà còn dự báo được xu thế này, nhanh chóng đẩy mạnh hội nhập khu vực. Khu vực cơ bản nhất được VN xác định hội nhập là Đông Nam Á.

Năm 1998, VN trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương [APEC], một khu vực mở, lớn hơn về cấp độ, thể hiện sự tịnh tiến trong hội nhập.

Linh hoạt tận dụng
mọi nguồn lực

Mỹ khi đó đã là cường quốc số 1 thế giới và là đối tác mà lãnh tụ Hồ Chí Minh rất quan tâm, sẵn sàng hợp tác. Ngay từ khi mới ra đi tìm đường cứu nước, Người đã đến Mỹ để tìm hiểu về cách mạng Mỹ.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ngày 18-6-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp hội nghị ở Versailles [Pháp]. Người đã thảo bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới hội nghị và gửi cho phái đoàn Mỹ.

Tháng 10-1944, một máy bay chở trung úy phi công Mỹ tên William Shaw trong khi làm nhiệm vụ trên vùng trời biên giới VN - Trung Quốc bị quân Nhật bắn rơi tại tỉnh Cao Bằng. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã yêu cầu chăm sóc, trao trả viên phi công này cho phái đoàn Mỹ tại Trung Quốc. Sau đó, Người đã có một giai đoạn hợp tác với tình báo Mỹ.

Người luôn nhắc nhở các đồng chí của mình gắn cách mạng VN với cách mạng thế giới, nếu tách rời thì chúng ta sẽ bị cô lập và không bao giờ thành công như mong muốn.

PGS-TS TRẦN NAM TIẾN

Bước sang thế kỷ 21, xu hướng toàn cầu hóa bắt đầu nổi trội. VN tiếp tục đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hướng tới sân chơi lớn là thế giới với mục tiêu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO].

Khi cả thế giới thực hiện cuộc công nghiệp 4.0, VN cũng có những bước đi mạnh mẽ, vừa tiếp thu vừa sáng tạo.

Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đa phương hóa, đa dạng hóa thể hiện rất rõ bản sắc của VN trong quan hệ quốc tế. Việc vận dụng thành công bài học từ Cách mạng Tháng Tám thể hiện ở chỗ VN kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Mỗi bước đi của VN đều gắn với tình hình thế giới, tận dụng sự hỗ trợ của thế giới.

Cân bằng trong quan hệ với các nước lớn

. Theo ông, nghệ thuật chớp thời cơ bên cạnh đó là tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được kế thừa và phát huy thế nào trong thời gian tới?

+ Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thành công trong việc giữ thế cân bằng trong quan hệ với các nước lớn. Tư tưởng của Người là VN không ngả về phe nào, không liên minh với nước nào để mất quan hệ với nước khác.

Con đường độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, trung lập, không chọn bên nào mà chọn chính nghĩa cần tiếp tục phát huy. Cần kiên định với đường lối đối ngoại quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ VN để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Mặt khác, chúng ta cần gắn sự phát triển của mình với thế giới. Cần tiếp tục theo xu hướng phát triển chính gắn với quan sát và nhận thức cục diện thế giới, sự vận động của các nước lớn để tận dụng thời cơ.

. Ông đề cập nhiều về sự dự báo, chiến lược dài hơi nhưng thế giới có những tình huống đột xuất, ngoài dự tính, cần ứng phó nhanh. Có thể nhìn nhận vấn đề này thế nào từ thành công của Cách mạng Tháng Tám?

+ Những vấn đề như cuộc xung đột ở Ukraine, chuyến đi của bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan là ví dụ cho thấy tình hình thế giới phức tạp với các mối quan hệ chồng chéo, đặc biệt là quan hệ giữa các nước lớn. Một khái niệm cần được nghiên cứu kỹ đó là ứng xử khôn ngoan, khéo léo. VN đã thực hiện nhiều ứng xử quốc tế thành công.

Đó cũng là kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn dĩ bất biến ứng vạn biến, lấy một nguyên tắc có tính chất quan trọng làm nền tảng và thay đổi các yếu tố khác cho phù hợp. Cách ứng xử của VN đối với những vấn đề như trên cho thấy VN trung thành với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

VN hiện nay được các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc mong muốn phát triển quan hệ. Đây có thể xem là thời cơ. Trong những năm qua, các tổng thống Mỹ đều liên tục tăng cường quan hệ với VN. Trong khi đó, Nga cũng muốn giữ quan hệ tốt với VN và coi VN như một đối tác truyền thống, đồng thời cũng là đối tác mới. Trung Quốc cũng muốn giữ quan hệ tốt với VN. Liên minh châu Âu và Nhật đều coi VN là đối tác quan trọng.

Có được điều này là nhờ những yếu tố sau: VN là một trong những nước có vị trí địa chính trị, địa chiến lược rất quan trọng. Mặt khác, sự phát triển của VN tạo ra ảnh hưởng mạnh đối với nhiều nước. Sự phát triển đó thể hiện tính tự lực, tự cường, sự trỗi dậy của một dân tộc có những nét đặc biệt. Điều mà các nước đánh giá cao VN là sự ổn định về chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới đánh giá VN là một điểm đến của hòa bình. Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai ở VN là một bằng chứng sinh động. Tiếng nói của VN ngày càng có trọng lượng. Các nước đang ủng hộ VN gia nhập hàng ngũ cường quốc tầm trung.

Nhờ vậy, VN có rất nhiều cơ hội để phát triển. Và khi các nước lớn cạnh tranh với nhau càng nhiều thì thời cơ cho những nước như VN càng lớn. Nước ta bình tĩnh, khéo léo trước tình hình thế giới phức tạp, kiên trì đường lối ngoại giao hiện nay thì sẽ làm bạn được với tất cả các bên, có nhiều mối quan hệ tốt.

. Xin cám ơn ông.

Cách mạng Tháng Tám qua dư luận nước ngoài

Trong suốt 77 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu, nhà chính trị, quân sự và báo chí trên thế giới đã viết hàng ngàn tác phẩm về cuộc Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam [VN]. Với việc đánh giá khách quan về tầm vóc, ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám đối với VN và thế giới, các tác phẩm này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Nhà sử học người Pháp Alain Ruscio đã có hơn 15 tác phẩm viết về lịch sử VN, các cuộc kháng chiến và Cách mạng Tháng Tám 1945. Ông đánh giá: “Chiến thắng năm 1945 của VN không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính logic trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc VN. Đặc biệt, VN là dân tộc đầu tiên trong các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”.

Mít-tinh tổng khởi nghĩa tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Nhà sử học người Pháp Charles Fournieau thì cho rằng: Cách mạng Tháng Tám ở VN là cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với VN. Đây là cuộc cách mạng thực sự, với sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc VN. Thực tế, cuộc cách mạng của VN đã có tác động lớn trên thế giới, nhất là đối với các nước thuộc địa khi đó. Cách mạng Tháng Tám 1945 đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử VN, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc VN chống lại sự chiếm đóng của ngoại xâm, đồng thời đánh dấu sự chuyển giao sang thời kỳ mới của cách mạng VN. Không những vậy, thành công của Cách mạng Tháng Tám còn có ý nghĩa quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới.

Năm 2021, một số tờ báo uy tín tại Algeria như La Patrie News [Tin Tổ quốc] và Francophonie Actualités [Thời sự Pháp ngữ] đã đăng tải bài viết đánh giá cao Cách mạng Tháng Tám 1945 của VN.

Nội dung các bài viết tập trung nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Đó là chiến thắng có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử của dân tộc VN, cũng như phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên toàn thế giới khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. ĐỒNG TUYẾN

PHẠM CƯỜNG thực hiện

Video liên quan

Chủ Đề