Lời khen cho học sinh tiểu học

Tháng vừa rồi, tôi tất bật với việc đi họp phụ huynh cho học sinh Việt Nam ở Singapore. Trao đổi với các giáo viên chủ nhiệm lớp ở 2 hệ thống trường Công lập và trường Quốc tế, tôi nhận ra điểm khác biệt lớn trong cách giáo viên nhận xét về học sinh.

Giáo viên ở trường Quốc tế thường chỉ đưa ra những lời có cánh về học trò. Học sinh nào cũng được đánh giá với những lời khen ngợi kiểu như: tốt giỏi đầy triển vọng. Dù học sinh có mắc lỗi, giáo viên cũng cố gắng chuyển tải thông tin này tới phụ huynh/người bảo lãnh bằng ngôn từ hết sức tích cực kiểu như: Bạn A sẽ đạt được nhiều thành quả tuyệt vời từ sự nhất quán cao hơn trong việc hoàn thành các bài tập về nhà hoặc Bạn A sẽ được hưởng lợi từ việc dành nhiều thời gian hơn để làm các bài tập về nhà. Trong khi thực tế, học sinh A đã không nộp bài tập giáo viên giao, chưa tự giác làm bài tập về nhà và thường xuyên phải để giáo viên nhắc nhở về thời hạn nộp bài.

Kiểu khen ngợi này là con dao 2 lưỡi. Một mặt, những lời khen ngợi tích cực giúp học sinh tránh được suy nghĩ tiêu cực về bản thân và những căng thẳng liên quan đến học tập. Mặt khác, những lời khen tích cực ấy giống như những viên kẹo ngọt ngào hấp dẫn con trẻ, nhiều phụ huynh cũng rất thích thú. Những viên kẹo ngọt này về lâu dài không giúp những đứa trẻ của chúng ta trở nên khỏe mạnh, thậm chí còn khiến chúng mất đi động lực phấn đấu, ý chí vươn lên, giảm năng lực đối mặt với thử thách, dễ dàng bỏ cuộc khi gặp thất bại, bỏ ngoài tai những ý kiến góp ý tiêu cực nhưng bổ ích.

Gặp gỡ các giáo viên dạy ở trường Công lập Singapore, tôi cũng được tiếp đón bằng món kẹo ngọt kèm thêm món rau xanh, thậm chí cả món mướp đắng. Bên cạnh những lời nhận xét tích cực về học sinh, giáo viên trường công lập còn thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm học sinh mắc phải, những điều phụ huynh cần lưu ý để hỗ trợ học sinh học tốt hơn, xây dựng mối quan hệ tốt hơn với thầy cô, bạn bè Một điểm chung trong lời chia sẻ của các giáo viên trường công lập đó là: học sinh cần cố gắng hơn nữa, chăm chỉ hơn nữa, nỗ lực là chìa khóa để đạt được những thành tựu cao hơn. Đây là điều tôi rất thích vì nó giúp học sinh có được tư duy phát triển.

Tuy nhiên, tôi vẫn không rất hài lòng khi nghe 1 giáo viên chủ nhiệm lớp tiểu học nói với tôi rằng, cô sẽ mắng [scold] học sinh mà tôi bảo lãnh vào ngày mai vì tội không thực hiện nhiệm vụ cô giáo giao là phải nhắn cho tôi [người bảo lãnh học sinh] số di động của cô mặc dù cô đã nhắc học sinh này nhiều lần. Nghiêm khắc là tốt, nhưng không nhất thiết phải mắng mỏ, trách móc học trò khiến chúng cảm thấy xấu hổ và suy nghĩ tiêu cực về bản thân kiểu như: Có việc đơn giản như thế mà cũng không làm được!, hoặc: Tại sao mình lúc nào cũng đãng trí thế cơ chứ?

Những lời nói và hành động của giáo viên, phụ huynh, người bảo lãnh có tác động rất lớn đến việc hình thành tư duy cho con trẻ cũng như cách chúng suy nghĩ về bản thân. Cách chúng ta nhận xét về trẻ có thể khiến chúng trở thành những người có tư duy cố định [làm kìm hãm sự phát triển của trẻ] hoặc trở thành người có tư duy phát triển [giúp trẻ phát huy được tiềm năng].

Tôi thường nổi da gà khi nghe phụ huynh hoặc giáo viên khen con mình/học trò của mình là thông minh, giỏi giang, xuất sắc, tài năng. Thay vì khen ngợi năng lực của trẻ, chúng ta nên khen ngợi những NỖ LỰC của chúng. Thay vì đánh giá kết quả đạt được của trẻ, chúng ta nên đánh giá quá trình thực hiện của chúng với những lời khích lệ và lời chỉ dẫn giúp trẻ phát triển. Hãy giúp trẻ hiểu rằng, chúng đang trong quá trình phát triển và chúng ta thực sự quan tâm tới sự phát triển của chúng.

P/S: Ảnh chụp ở trường Dự bị Đại học của Singapore [JC Junior College] dành cho học sinh từ 16 đến 18 tuổi. Mình thích nhất khi đi họp phụ huynh ở trường cấp 2 và Dự bị Đại học vì hay được các phụ huynh khác khen: Có con mười mấy tuổi đầu mà trông vẫn trẻ. Chưa hết, các bác lại còn tha thiết hỏi bí quyết để được trẻ như mình. Chắc hẳn các bác ấy thất vọng tràn trề khi biết rằng con em mới 4 tuổi và tuổi đời em mới có ngoài 30.

Video liên quan

Chủ Đề