Làm sao để ghê gớm hơn

Bài viết trước, tôi đã chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân tôi và một vài người bạn khi chúng ta quá hiền và luôn phải chịu thiệt thòi, không dám đứng lên tự bảo vệ mình và đấu tranh cho những gì mà chúng ta xứng đáng.

Link bài viết trước tại đây: HIỀN LÀNH QUÁ THÌ LUÔN CHỊU THIỆT?

Đối với nhiều người [trong đó có tôi], bản chất của họ vốn đã hiền, không muốn tranh chấp. Đi siêu thị xếp hàng bị người khác chen lên, vào nhà hàng đến lượt mình ngồi vào bàn có người nhảy vào tranh mất bàn, tôi biết rất nhiều người có xu hướng in lặng hoặc mặc kệ hoặc nhún vai kiểu thôi thì nhường cho người ta mình cũng đâu có vội chờ thêm chút nữa chả chết ai.

Đọc những lời tâm sự từ cô gái trẻ này này tôi cảm thấy chạnh lòng //www.coocxe.com/hien-lanh-o-xa-hoi-nay-lieu-co-phai-la-mot-dieu-tot

Những cô gái này chuyện nhỏ cũng bỏ qua, chuyện lớn cũng bỏ qua, rõ ràng là cũng có chứng kiến riêng của mình đấy nhưng không dám nói lên, hoặc không biết cách nói thế nào để cho người khác phải nghe.

Ai cũng nói ghê gớm một chút cũng tốt, chứ đừng có quá hiền lành nhưng chẳng ai dạy phải ghê gớm lên như nào.

Vì vậy, bài viết này tôi sẽ viết về cách để giúp chúng ta bớt hiền đi bằng cách phải tự thiết lập ra ranh giới của mìnhyêu cầu người khác phải tôn trọng những ranh giới đó.

1. Thiết lập ranh giới là gì?

Cùng một sự việc: hẹn cafe/ đi chơi/ đi xem film với một người bạn và người đó lúc nào cũng đến muộn, bạn phải đợi chờ hết lần này đến lần khác.

Có người cảm thấy bình thường, thậm chí còn tự đưa ra lời bào chữa cho người bạn đó ôi dào tính của cậu ấy là như thế rồi. Và chấp nhận việc phải chờ đợi. [Không đặt ra ranh giới trong việc chờ đợi]

Nhưng có những người thì không, họ chấp nhận một hai lần, nhưng đến lần thứ ba, họ sẽ không chấp nhận việc mình phải ngồi đợi, không chấp nhận việc người khác không tôn trọng thời gian của mình. [Thiết lập ranh giới rõ ràng, chờ đợi 1-2 lần thì ok chứ không có lần thứ 3]

Tương tự với tất cả các khía cạnh khác của cuộc sống, bạn luôn luôn phải thiết lập ra ranh giới của mình, và nếu người khác vượt ra khỏi ranh giới, bạn sẽ tự khắc biết cách yêu cầu người khác phải điều chỉnh hành vi và thái độ.

Điều nguy hiểm là khi bạn không có ranh giới nào, thì tất nhiên người khác sẽ mặc sức đối xử với bạn ra sao thì ra, vì họ biết là đằng nào thì bạn cũng sẽ chịu đựng hết thôi mà.

Hãy thiết lập ra ranh giới của mình và yêu cầu người khác phải tôn trọng chúng. Ảnh: Unsplash

2. Ai thiết lập ranh giới này cho bạn?

Những ranh giới này phải là của bạn, do bạn tạo ra dựa trên nhu cầu của bản thân mình, chứ không phải bắt chước người khác.

Ví dụ, trong mối quan hệ với gia đình. Tôi có một vài nguyên tắc cá nhân như sau: Bố mẹ có thể góp ý chuyện nhỏ [kiểu như việc ăn uống, sinh hoạt, làm việc nhà] nhưng tôi sẽ không để cho bố mẹ quyết định công việc và sự nghiệp của tôi, tôi yêu ai kết hôn với ai, làm đám cưới như nào, mời bao nhiều khách. Tôi thiết lập ra ranh giới đó và yêu cầu bố mẹ tôi [tất nhiên phải nói một cách lịch sự] phải tôn trọng nó và đừng vượt quá ranh giới đó.

Nhưng với người khác, họ lại có những ranh giới khác tôi. Tôi không bàn đến chuyện đúng sai ở đây vì tính đúng sai chỉ là tương đối. Đúng với người này chưa chắc đã đúng với người khác.

Vì vậy, xác định những ranh giới cần dựa vào tính cách, nhu cầu, mong muốn, khả năng, kinh nghiệm sống, văn hoá, môi trường sống, hoàn cảnh gia đình và nhiều yếu tố khác. Mỗi cá nhân khác nhau lại có những ranh giới khác nhau.

Hãy ngồi viết ra 1 list các ranh giới dựa trên nhu cầu của bản thân bạn chứ đừng bắt chước người khác. Ảnh: Unsplash

3. Thiết lập ranh giới với ai?

Những ranh giới này được đặt ra, để chúng ta dựa vào đó mà quyết định xem cách hành xử của người khác với mình như vậy có chấp nhận được không. Nếu họ đang hành xử ở mức mà ta chấp nhận được thì tốt. Còn nếu họ đang đối xử với ta một cách không đúng, vượt quá giới hạn, thì ta phải lên tiếng.

Chúng ta cần có ranh giới cho tất cả mối quan hệ xung quanh ta gồm các nhóm chính sau:

Nhóm 1: Cực kỳ thân thiết

Đây là chồng, vợ, người yêu, chia sẻ với chúng ta cả về mặt tinh thần và thể xác.

Nhóm 2: Thân thiết

Là gia đình, bố mẹ, anh chị em ruột, con cái, hoặc bạn bè mà ta có thể chia sẻ cảm xúc suy nghĩ một cách tin tưởng.

Nhóm 3: Xã giao

Đây là những mối quan hệ dựa trên giá trị cho nhận và trao đổi lợi ích, như sếp với nhân viên, đối tác làm ăn, khách hàng

Nhóm 4: Quen biết

Đây là những người lâu lâu mới gặp một lần, có quen biết nhưng không quá thân, như bạn học cũ, họ hàng, hàng xóm, bạn của bạn của bạn

Nhóm 5: Người lạ

Đây là những người ta không quen biết mà chỉ tình cờ gặp ngoài đường như người lái xe taxi, nhân viên thu ngân/ bán hàng/ bảo vệ, cảnh sát giao thông

4. Thiết lập ranh giới cho những vấn đề gì?

Cơ thể: Ai được phép động chạm vào bạn, mối quan hệ nào thì cần hành xử như nào cho đúng. Ví dụ bạn trai thì được phép ôm hôn bạn, nhưng là nếu đồng nghiệp nam làm vậy mà không được sự đồng ý của bạn thì có nghĩa là anh ta quấy rối tình dục, bạn cần phải lên tiếng.

Cảm xúc, suy nghĩ: Nếu bạn thấy cảm xúc và suy nghĩ của bạn không được người khác chú ý, hãy học cách nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Ví dụ: bố mẹ muốn bạn phải học ngành kế toán trong khi bạn thích truyền thông, hãy tìm hiểu về truyền thông, hãy phân tích cho bố mẹ thấy rõ được con đường tương lai mà bạn vạch ra cho mình khi lựa chọn nó để thuyết phục bố mẹ thay vì từ bỏ nó để đi theo con đường bố mẹ chỉ.

Thời gian: Nếu người khác đang không tôn trọng thời gian của bạn, bạn cần đặt ra ranh giới.

Ví dụ sếp bắt bạn tham dự ngày 3 cuộc hợp mà chẳng cuộc họp nào liên quan và có ích, hãy đề nghị sếp không tham dự để tập trung thời gian cho việc khác quan trọng hơn.

Hay người bạn cao su luôn bắt bạn chờ đợi mỗi khi hẹn cafe, hãy đặt ra một luật vui giữa hai bạn rằng ai đến muộn sẽ phải trả tiền cafe.

Không gian riêng tư: Ai cũng cần không gian riêng tư như góc đọc sách riêng, phòng ngủ, phòng làm việc riêng và người khác không nên xâm phạm.

Ví dụ: Tôi một góc nhỏ với một chiếc máy may và một tủ đầy vải vóc kim chỉ và các phụ kiện may mặc. Mặc dù người khác có ý tốt muốn dọn dẹp giúp nhưng vô tình đã làm xáo trộn đồ đạc của tôi. Vì vậy tôi lại phải đề nghị họ không cần lau dọn khu đó.

Đồ đạc, vật dụng và tài sản cá nhân: Đây là vấn đề khá tế nhị, nhất là việc cho bạn vay tiền, mượn sách, mượn đồ, không cho thì ngại mà cho thì thể nào cũng mất.

Đặc biệt là các bạn trẻ thuê nhà ở chung, rất hay xảy ra tình trạng dùng đồ của người khác mà không xin phép. Nên bạn phải rất rõ ràng trong vấn đề này để tránh rạn nứt mối quan hệ về sau.

Văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc: Tôi nghĩ không ai được phép chỉ trích chê bai hay phân biệt đối xử với người khác vì họ có nền văn hoá hay tốn giáo khác mình.

Tôi đã từng đi trên xe bus mà người phụ xe từ chối không thèm trả lời một hành khách da đen.

Tôi cũng từng giận run người khi nghe một người nước ngoài nói rằng người Việt Nam chúng mày toàn lũ manh mún lừa đảo. Nhưng thay vì cúi gằm mặt chấp nhận, tôi đã phải ngồi phân tích một hồi rất tiếc vì mày đã gặp phải chuyện đó nhưng một vài cá nhân riêng lẻ không đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam, thật phiến diện khi nhân xét cả một tổng thể đất nước dựa trên một trải nghiệm như thế.

Ai cũng cần không gian riêng tư mà người khác không được xâm phạm. Ảnh: Unsplash

4. Thiết lập ranh giới ra sao?

Để thiết lập ra ranh giới cho mình, hãy tự hỏi bản thân 3 câu hỏi sau:

Câu hỏi 1: Tôi có những quyền gì ở đây?

Ví dụ nếu bạn đã đã đi làm và độc lập về tài chính, bạn có quyền tự đưa ra quyết định mua cho mình chiếc xe máy gì, nhưng nếu bạn còn đi học, bố mẹ trả tiền cho bạn, thì nghiễm nhiên bạn sẽ phải nghe theo bố mẹ mà không nên đòi hỏi yêu sách.

Hay trong một mối quan hệ với bạn trai, bạn có quyền được ghen khi anh ấy lén lút đi chơi với người khác mà giấu bạn.

Trước khi xuống tay ký vào bất cứ loại hợp đồng [dù là mua bán nhà cửa đất đai hay đơn giản chỉ là đi thuê nhà, lắp truyền hình cáp] cũng phải hiểu rất rõ các quyền lợi của mình để tránh xung đột sau này.

Đi học phải hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của người học sinh và nhà trường, lấy chồng phải hiểu rõ luật gia đình để không bị chồng bạo hành, đi làm phải hiểu luật lao động để không bị công ty đối xử bất công, ra đường phải hiểu luật giao thông để không bị cảnh sát ăn chặn, đứng ra kinh doanh riêng phải hiểu luật doanh nghiệp để không bị các cơ quan hành chính thuế má nhũng nhiễu vô lý.

Câu hỏi 2: Tôi cảm thấy thế nào về việc này?

Hãy lắng nghe bản thân, lắng nghe cảm xúc và lý trí của mình nếu bạn nghĩ có ai đó đang đối xử với bạn không đúng. Đôi lúc linh tính cũng khá chính xác trong một số trường hợp nhất định.

Lắng nghe cả cơ thể mình nữa bạn nhé, nhịp tim, nhịp thở, mạch máu, thân nhiệt Đó cũng là cách để bạn nhận biết khi mình đang không trong trạng thái bình thường.

Ví dụ, khi hàng xóm của bạn liên tục hỏi han chuyện chồng con, lương tháng, và những chuyện riêng tư khác của bạn. Bạn cảm thấy sao, có thấy hơi nóng gáy, bực bực trong người không, nếu có, có nghĩa là bạn đang cảm thấy khó chịu vì người hàng xóm đó đang xâm phạm vào đời sống riêng tư của bạn rồi đó.

Câu hỏi 3: Nó có đúng với những giá trị mà tôi ưu tiên?

Cách đây vài năm, có một người quen rủ tôi kinh doanh chung. Cô ấy có mối hàng quen, hàng thật chính hãng không phải hàng giả mà giá vô cùng rẻ, rẻ tới mức chúng tôi chỉ cần bán giá 1/2 đến 2/3 thị trường thôi đã có lãi rồi.

Nhưng hỏi kỹ ra thì tôi biết được nguồn hàng đó có nguồn gốc không chính đáng, nên tôi từ chối do một trong những giá trị mà tôi ưu tiên trong cuộc sống là sự trung thực.

Thông thường mỗi người sẽ có những giá trị cốt lõi [core values] mà họ ưu tiên rất khác nhau trong cuộc sống, không ai giống ai. Có người có 10, nhưng có người chỉ có 3 hoặc 5.

Hãy tìm cho mình những giá trị riêng của bạn. Và nếu cách cư xử của người khác không phù hợp với giá trị của bạn, bạn sẽ biết phải xử lý như nào.

Một số giá trị cốt lõi [core values] mà con người ưu tiên Ảnh: Google Image

5. Thiết lập giới hạn xong rồi sao?

Thiết lập giới hạn xong, biết rõ quyền lợi của mình, biết rõ giá trị bản thân xong, bạn sẽ biết cách giải quyết với những tình huống đó bằng cách:

  • Nói không với những yêu cầu, đề nghị mà bạn cảm thấy không đúng cho bản thân mình
  • Không việc gì phải cảm thấy có lỗi khi bạn không thực hiện yêu cầu vô lý của người khác
  • Thương lượng để đưa ra phương án giải quyết win-win có lợi cho cả mình và người khác

Nếu người khác yêu quý và trân trọng mình, họ sẽ thay đổi hành vi để làm bạn vui vẻ hài lòng, nếu không thì bạn chẳng việc gì phải tiếc mối quan hệ đó.

Một mối quan hệ dù là thân thiết hay không thân thiết, dù là tình cảm gia đình hay đối tác làm ăn, mà một phía luôn cho đi mà không được đáp lại, phía bên kia thì dành hết phần lợi về mình, thì đó là mối quan hệ không bền vững, không lâu dài, không đáng để bạn phải bận tâm quá nhiều.

Hãy học cách bớt hiền và đứng lên tự bảo vệ mình nhé. Ảnh: Unsplash.

Vậy đó, ranh giới cá nhân là một phạm trù vô hình, không giống như tấm bảng không phận sự cấm vào. Thông thường, sẽ không ai biết được ranh giới của chúng ta, chỉ khi chúng ta lên tiếng thì người khác mới biết.

Trong cuộc đời này, đến những người thân yêu nhất [bố mẹ, anh chị em, người yêu, vợ/ chồng] đôi còn không hiểu ta, nhiều khi còn bắt chúng ta làm những điều chúng ta không thích.Hoặc dù có hiểu ta, yêu ta thì họ cũng không đi theo sau mà bảo vệ ta cả đời được.

Vì vậy các cô gái hiền lành nhút nhát của tôi ơi, hãy bớt hiền và học cách tự bảo vệ mình đi! Hãy dũng cảm đứng lên và nói không với những yêu cầu vô lý mà bạn không muốn làm từ cha mẹ, hoặc từ sếp, hay từ những người [bạn] bè một lần trong đời đi nhé.

Link bài viết cùng chủ đề: HIỀN LÀNH QUÁ THÌ LUÔN CHỊU THIỆT?

Video liên quan

Chủ Đề