Không biết tiếng Trung có học ngành ngôn ngữ Trung được không

Giao tiếp lưu loát tiếng Trung có cần đi học chuyên ngành ngôn ngữ Trung?

Tùng Nguyên
Chủ nhật, 05/12/2021 - 07:06

[Dân trí] - Theo các nhà giáo dục, giỏi ngoại ngữ không chỉ là giao tiếp tốt mà còn phải biết những kiến thức văn hóa - xã hội, đất nước con người và vốn từ chuyên ngành phục vụ công việc.

Việc làm đa dạng

Chỉ cần vào google gõ từ khóa "Tuyển dụng nhân sự tiếng Trung", chúng ta có thể nhận được khoảng 110 triệu kết quả tìm kiếm trả về trong vòng 1,03 giây. Điều này cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động am hiểu tiếng Trung hiện nay rất lớn.

Theo số liệu năm 2020, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam [sau Mỹ]. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2020. Quan hệ kinh tế - du lịch giữa nhân dân hai nước rất lớn nên nhu cầu giao tiếp, phiên dịch tiếng Trung tại Việt Nam rất cao.

Trả lời một học sinh lớp 12 hỏi về nhu cầu nhân sự học ngành ngôn ngữ Trung Quốc, đại diện trường Cao đẳng Công nghệ & Quản trị Sonadezi cho công nhân, tại địa bàn trường đóng trụ sở [tỉnh Đồng Nai] có rất nhiều doanh nghiệp, nhà máy do người Trung Quốc đầu tư nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự phiên dịch tiếng Trung rất lớn, tạo lợi thế cho đầu ra của sinh viên ngành này.

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự phiên dịch tiếng Trung rất lớn nên ngành Ngôn ngữ Trung thu hút nhiều sinh viên theo học [Ảnh minh họa: HUTECH].

Trên các sàn giao dịch điện tử phổ biến hiện nay, số lượng gian hàng phân phối các sản phẩm gia dụng có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng rất lớn. Các nhà máy ở Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp hàng chủ yếu cho các chủ shop thương mại điện tử, nhiều chủ shop thành công là nhờ am hiểu tiếng Trung, chủ động nhập các đơn hàng tốt về để phân phối.

Theo thạc sĩ Huỳnh Thị Bảo Trinh - Trưởng khoa Ngoại ngữ Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, ngành Ngôn ngữ Trung là ngành học có cơ hội xin việc dễ dàng trong những năm gần đây, khi giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển.

Ngoài công việc biên dịch, phiên dịch trong các tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp làm việc với đối tác Trung Quốc thì người học ngành này còn có thể làm rất nhiều công việc khác theo chuyên môn ngành học. Cụ thể, có sinh viên thích mảng kinh tế sẽ học tiếng Trung thương mại, có bạn thích khám phá sẽ học tiếng Trung du lịch...

Người học ngành này còn có thể phát triển theo các hướng chuyên môn sâu như làm chuyên viên marketing, tổ chức sự kiện, giao dịch thương mại, hướng dẫn viên du lịch, quản lý nhà hàng, khách sạn quốc tế, dạy tiếng Trung...

Chỉ giỏi giao tiếp là chưa đủ

Trao đổi tại một chương trình hướng nghiệp tại Đồng Nai, em Trúc Ngân cho biết mình là người Việt gốc Hoa nên rất giỏi giao tiếp tiếng Trung. Em đặt vấn đề: "Đã giao tiếp tốt thì em có cần học ngành ngôn ngữ Trung Quốc không?".

Theo cô Nguyễn Thị Phương Thảo [Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu], học một ngoại ngữ không chỉ là học nghe, nói, đọc, viết; không phải giỏi giao tiếp tiếng nước đó rồi là không đi học cao đẳng, đại học ngoại ngữ nữa. Tại trường Cao Đẳng - Đại học, các em còn được học những từ ngữ chuyên ngành thương mại, giảng dạy, phiên dịch...

Bởi khi đi làm thực tế, nhân sự phiên dịch không chỉ biết giao tiếp mà còn phải rành các từ ngữ, kiến thức chuyên ngành liên quan đến công việc cụ thể của mình. Như làm giao dịch thương mại thì phải am hiểu các ngôn ngữ kinh tế và giao thương, làm hướng dẫn viên du lịch phải am hiểu văn hóa - thắng cảnh ở nước đó, làm giáo viên dạy tiếng Trung phải có kỹ năng sư phạm...

Thạc sĩ Huỳnh Thị Bảo Trinh cho biết, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung tại các trường cao đẳng được trang bị những kiến thức ngữ pháp về tiếng Trung gồm Hán tự và khẩu ngữ; các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết bằng tiếng Trung trong giao tiếp; tiếng Trung chuyên ngành thương mại, du lịch, khách sạn, văn phòng...

Ngoài ra, sinh viên còn được hướng dẫn các kỹ năng giao tiếp; kỹ năng xử lý tình huống; kỹ năng biên dịch, phiên dịch; kỹ năng làm việc nhóm, thu thập thông tin, thuyết trình phân tích tình huống, xử lý tình huống phát sinh trong công việc và cuộc sống...

Theo cô Nguyễn Thị Phương Thảo, học ngoại ngữ thì giỏi giao tiếp là chưa đủ, vì nghe - nói - đọc - viết chỉ là kỹ năng cơ bản để giao tiếp, các kiến thức và vốn từ chuyên ngành mới là quan trọng để thể hiện bản thân trong công việc cụ thể.

Tố chất cần thiết để học ngành ngôn ngữ Trung Quốc [Ảnh: Tùng Nguyên].

Tùng Nguyên

ĐANG ĐƯỢC QUAN TÂM

Pacific Elevator VietNam đồng hành cùng giá trị vượt trội

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT lấy ý kiến để mở cửa trường học trở lại

Thứ trưởng Bộ Công an: "Còn rất nhiều đối tượng liên quan đến vụ Việt Á"

Bình Định: Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đào tạo miễn phí cho sinh viên Lào

Đề nghị xử nghiêm việc "thổi giá" bất động sản, bán "chui" cổ phiếu

Chuyện kỳ lạ về cô gái có khả năng nhận diện khuôn mặt siêu phàm

Dược Khải Hà - mang cả chữ "tâm" và chữ "tài" trong từng sản phẩm

Bức thư bị nghi làm Omicron xâm nhập Bắc Kinh giữa thời điểm xuân vận

Video liên quan

Chủ Đề