Điểm tới hạn trong dụ lịch là gì

Sức chứa du lịch yếu tố quan trọng phát triển du lịch

Cập nhật: Thứ năm, 22/01/2015 14:37:46
Lượt xem: 25.139

Ngày nay, cùng với xu thế phát triển nhanh trên mọi lĩnh vực của thời đại, nhu cầu giao lưu, đi lại của du khách dưới nhiều mục đích, hình thức và mức độ chi trả khác nhau ngày càng tăng và trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội.

Nắm bắt xu hướng đầy triển vọng trên, các nhà quản lý điểm đến, các hãng lữ hành cũng như các nhà cung cấp dịch vụ du lịch đã nỗ lực đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hoặc xây mới các điểm tham quan, các cơ sở dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú với chất lượng tốt nhất, nhằm mục tiêu thu hút được nhiều khách hàng để mang lại lợi nhuận tối đa cho hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, nhiều dự án đầu tư du lịch được triển khai khả quan, song cũng có không ít trường hợp kém hiệu quả và thậm chí không mang lại thành công với nhiều lý do khác nhau, bao gồm cả chủ quan lẫn khách quan. Trong số đó, vấn đề về sức chứa du lịch cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hệ quả trên. Yếu tố này gắn chặt với khái niệm không gian du lịch và đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong việc tạo cơ sở ban đầu giúp xây dựng các tiêu chí, chỉ số kỹ thuật cần thiết liên quan mỗi khi tiến hành quy hoạch, thiết kế các dự án du lịch. Khi những chỉ số trên được tính toán một cách kỹ lưỡng, các công năng của dự án và các cơ sở dịch vụ sẽ đảm bảo được phát huy tối đa; toàn bộ hệ thống cung cấp dịch vụ sẽ được vận hành đồng bộ, hợp lý, mang lại hiệu suất cao. Hơn thế nữa, việc xác định rõ khả năng sức chứa cũng giúp các nhà quản lý điểm du lịch và các nhà điều hành cơ sở cung cấp dịch vụ quản trị hiệu quả và duy trì sự cân bằng giữa nguồn cung và cầu về dịch vụ, hàng hóa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Từ đó tránh được tình trạng quá tải dẫn tới sự suy giảm chất lượng dịch vụ, dư thừa hoặc thiếu hụt về các nguồn lực cần huy động, sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng, môi trường tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Như vậy, có thể thấy sức chứa trong hoạt động du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, nó quyết định tính hiệu quả cũng như hiệu suất của hoạt động đầu tư và kinh doanh của bất cứ thực thể kinh tế nào. Thông qua chỉ số chuẩn về sức chứa, các nhà quản lý và điều hành cơ sở dịch vụ có thể lập kế hoạch khả thi, hướng tới tiết kiệm tối đa những chi phí không đáng có, điều hòa được mọi nguồn lực cần thiết, góp phần đáng kể vào việc củng cố và phát triển thương hiệu một cách bền vững.

Cũng giống như bất cứ ngành kinh tế hay khoa học nào khác, xét về bản chất, khái niệm về sức chứa hay khả năng chịu tải của một vật thể được xác định, hoặc cụ thể hơn ở đây là một điểm đến du lịch hay cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng đều có chung những đặc điểm cơ bản. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành du lịch, nên nội dung về sức chứa được hiểu một cách khái quát như sau: Sức chứa du lịch là khả năng đáp ứng một cách hiệu quả nhất nhu cầu tối đa của một lượng khách tham quan nhất định, trong giới hạn nguồn tài nguyên và dịch vụ cho phép tại nơi khách đến. Nó được quyết định bởi ba yếu tố chính đó là: lượng nguồn tài nguyên sẵn có, số lượng khách tham quan và lượng tài nguyên và dịch vụ mà mỗi cá nhân đó sử dụng. Ý nghĩa và tác động của sức chứa trong du lịch được thể hiện thông qua biểu đồ dưới đây:

Phân tích biểu đồ trên, chúng ta có thể thấy, khi lượng khách bắt đầu tăng từ điểm A trong khoảng AB, lượng doanh thu của điểm đến hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch cũng bắt đầu tăng theo tỷ lệ thuận cho tới khi đạt điểm cực đại tại điểm B. Như vậy, điểm B là giới hạn sức chứa và tại điểm này doanh thu đạt cao nhất. Theo nguyên lý trên, sự tăng giảm của lượng khách sẽ tỷ lệ nghịch với mức độ tăng giảm của doanh thu khi lượng khách bắt đầu vượt điểm B là giới hạn sức chứa. Khi lượng khách tăng tới điểm C, vượt điểm giới hạn sức chứa điểm B, doanh thu của điểm du lịch hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ cũng bắt đầu giảm xuống và cứ như vậy, nếu lượng khách tăng tới điểm D, nghĩa là doanh số sẽ bằng không. Để minh họa rõ thêm tính thực tế của biểu đồ trên, hãy cùng tìm hiểu một ví dụ về tác động của sức chứa đối với sự phát triển của một điểm đến du lịch, lấy đó làm cơ sở liên hệ sự ảnh hưởng của yếu tố sức chứa đối với hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch liên quan khác ở quy mô và phạm vi hoạt động nhỏ hơn, như: nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch văn hóa, lịch sử, hay khu vui chơi giải trí. Như thực tế cho thấy, bất cứ một điểm đến du lịch là một quốc gia hay một địa phương/thành phố, hoặc một điểm du lịch cụ thể, đều nằm trong một giới hạn nhất định về không gian địa lý, hành chính. Bên trong không gian đó chứa đựng nguồn tài nguyên nhất định cả tự nhiên và nhân tạo, đó là những sản phẩm cốt lõi tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến du lịch. Đồng thời, trong điểm du lịch này cũng tồn tại nhiều yếu tố sản phẩm quan trọng khác, bổ trợ cho hoạt động du lịch, như: nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, các nhà hàng, lưu trú, cửa hiệu và các dịch vụ liên quan. Một xu hướng thực tế tương đối phổ biến là, các nhà quản lý điểm đến thường chỉ tập trung quan tâm và kỳ vọng nhiều tới việc làm thế nào để thu hút được càng nhiều khách tới du lịch càng tốt, chứ chưa tập trung vào chất lượng của du khách; đồng thời còn xem nhẹ hoặc thậm chí hầu như không quan tâm tới yếu tố sức chứa của điểm đến du lịch. Điều này đồng nghĩa với việc họ chưa xác định được khả năng thực tế của điểm đến cả về khía cạnh không gian, thời gian, tính hợp lý trong việc quy hoạch các khu dịch vụ chức năng, bố trí nguồn nhân lực phù hợp và năng lực cung cấp dịch vụ, hàng hóa cũng như tập quán tiêu dùng của khách du lịch, để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của một lượng khách du lịch nhất định tới thăm quan vào một thời điểm nhất định. Với cách tiếp cận như trên, đã khiến các nhà quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát và điều tiết lượng khách tới cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ của điểm đến du lịch, nhất là vào những mùa cao điểm du lịch. Khi lượng khách tới tham quan vượt quá sức chứa của điểm đến du lịch, một khối lượng lớn về hàng hóa, dịch vụ sẽ được tiêu thụ, trong khi lượng tài nguyên và nguồn nhân lực hạn chế, sẽ dẫn tới sự quá tải về mọi mặt và không thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng, doanh thu suy giảm. Đặc biệt nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng quá tải này sẽ triệt tiêu động lực của khách du lịch tới tham quan, cũng như quay trở lại, và hình ảnh thương hiệu điểm đến sẽ ngày một mờ nhạt đi.

Thực tế vẫn tồn tại hiện trạng trên, nhưng cũng có không ít các quốc gia điểm đến đã rất thành công trong việc áp dụng nguyên lý quản lý sức chứa vào phát triển du lịch, trong đó Singapore là một ví dụ điển hình. Mặc dù với diện tích nhỏ bé với gần 716,1 km2, với tổng số hơn 5 triệu người sống trên quốc đảo này, trong đó có hơn 3 triệu dân mang quốc tịch Singapore, tài nguyên du lịch tự nhiên không nhiều, chủ yếu là nhân tạo, song Singapore luôn là nước đón được lượng khách quốc tế đến du lịch nhiều nhất trong khu vực. Để đạt được thành công trên, Singapore đã thực thi nhiều biện pháp và giải pháp đồng bộ trong quản lý và phát triển du lịch, trong đó vấn đề quản lý sức chứa du lịch là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu. Ý thức được vấn đề hạn chế diện tích về không gian lãnh thổ, nhằm tăng sức chứa, Singapore đã lấn biển mở rộng diện tích đất đai để xây dựng thêm các công trình, dự án phục vụ mục đích du lịch như điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan; đồng thời mở rộng sân bay, bến đỗ, cầu cảng để đảm bảo đủ công suất phục vụ được số lượng khách du lịch quốc tế ngày càng tăng. Với nguồn nhân lực hạn chế, Singapore đã thực hiện chính sách cho phép các cơ sở dịch vụ được tuyển dụng lao động nước ngoài đủ tiêu chuẩn tay nghề cao vào làm việc để khắc phục thiếu hụt trên. Là quốc gia không có thế mạnh về tài nguyên cũng như ngành sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, Singapore đã thực hiện chính sách nhập khẩu phù hợp từ các quốc gia khác trên thế giới để đáp ứng cả nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như cho khách du lịch. Về mặt thị trường, Singapore tiến hành kết nối tour nhịp nhàng với các nước láng giềng nhằm giãn mật độ tập trung số lượng lớn khách du lịch quốc tế ở nước mình, đặc biệt vào mùa du lịch cao điểm; tiến hành chiến lược dần từng bước thay vì thu hút khách du lịch đại trà bằng tập trung sâu vào khai thác khách du lịch cao cấp. Tiêu dùng thông minh cũng được phổ biến và khuyến khích rộng rãi không những trong dân cư mà cả khách du lịch. Với việc thực thi biện pháp này đã giúp tiết kiệm được nhiều nguồn lực, tránh lãng phí nguồn tài nguyên khan hiếm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đáng kể cho việc duy trì tính bền vững của sức chứa điểm đến.

Tóm lại, qua phân tích trên, có thể khẳng định, quản lý sức chứa là một trong những nội dung quan trọng, cần được nghiên cứu và triển khai đồng bộ với những yếu tố liên quan trong quá trình quy hoạch phát triển du lịch. Đặc biệt, vấn đề này càng có ý nghĩa hơn đối với những quốc gia điểm đến có ngành du lịch ở giai đoạn đầu hay đang trên đà phát triển du lịch. Quản trị tốt vấn đề sức chứa, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các nhà quản lý điểm đến và các cơ sở dịch vụ du lịch từ khâu định hình được hướng phát triển một cách phù hợp ngay từ ban đầu, cho tới việc lập và triển khai hiệu quả quy hoạch, xây dựng, vận hành, quảng bá xúc tiến...; từ đó phát huy được tối đa những lợi ích kinh tế xã hội do hoạt động du lịch mang lại, đồng thời tránh và giảm thiểu các tác động tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Với nguyên lý cơ bản mang tính định hướng trên, vận dụng tốt, chắc chắn sẽ là cơ sở quan trọng để góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển chất lượng, bền vững, có trách nhiệm.

Quang Hưng

Từ khóa: Sức chứa du lịch, mức chi trả, quản lý sức chứa, phát triển bền vững,

Tin khác

  • - Nghị quyết 92 thêm cánh cho du lịch Đà Nẵng
  • - Hướng đi của du lịch địa phương thời kỳ mới
  • - Nghị quyết Du lịch và kỳ vọng từ đầu tàu Hà Nội
  • - Nghị quyết 92: Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp không khói
  • - Nghị quyết 92: Hội tụ sức mạnh tổng hợp cho du lịch
  • - Giải pháp mới - thị trường mới
xem tiếp

Video liên quan

Chủ Đề