Dịch vụ công tác xã hội là gì

Privacy & Cookies

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

1. Dịch vụ là gì?

Trong cuộc sống ngày nay chúng ta biết đến rất nhiều hoạt động trao đổi được gọi chung là dịch vụ và ngược lại dịch vụ bao gồm rất nhiều các loại hình hoạt động và nghiệp vụ trao đổi trong các lĩnh vực và ở cấp độ khác nhau. Đã có nhiều khái niệm, định nghĩa về dịch vụ nhưng để có hình dung về dịch vụ trong chuyên đề này, chúng tôi tham khảo một số khái niệm dịch vụ cơ bản.

Theo Từ điển Tiếng Việt: Dịch vụ là công việc phục vụ trực tiếp cho những nhu cầu nhất định của số đông, có tổ chức và được trả công [Từ điển Tiếng Việt, 2004, NXB Đà Nẵng, tr256]

Định nghĩa về dịch vụ trong kinh tế học được hiểu là những thứ tương tự như hàng hoá nhưng phi vật chất [Từ điển Wikipedia]. Theo quan điểm kinh tế học, bản chất của dịch vụ là sự cung ứng để đáp ứng nhu cầu như: dịch vụ du lịch, thời trang, chăm sóc sức khoẻvà mang lại lợi nhuận.

Philip Kotler định nghĩa dịch vụ: Dịch vụ là một hoạt động hay lợi ích cung ứng nhằm để trao đổi, chủ yếu là vô hình và không dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu. Việc thực hiện dịch vụ có thể gắn liền hoặc không gắn liền với sản phẩm vật chất.

Tóm lại, có nhiều khái niệm về dịch vụ được phát biểu dưới những góc độ khác nhau nhưng tựu chung thì:

Dịch vụ là hoạt động có chủ đích nhằm đáp ứng nhu cầu nào đó của con người. Đặc điểm của dịch vụ là không tồn tại ở dạng sản phẩm cụ thể [hữu hình] như hàng hoá nhưng nó phục vụ trực tiếp nhu cầu nhất định của xã hội.

2. Dịch vụ xã hội là gì?

Trong bối cảnh của nghiên cứu này, phạm trù dịch vụ xã hội được đặt trong mối liên hệ với chức năng bảo đảm an sinh và phát triển xã hội của ngành LĐTBXH, do đó để hiểu khái niệm dịch vụ xã hội, chúng ta cần làm rõ mối liên hệ với khái niệm quan trọng là chính sách xã hội. Vậy chính sách xã hội là gì? Và mối quan hệ của chính sách xã hội với dịch vụ xã hội như thế nào?

* Khái niệm về chính sách xã hội

Chính sách xã hội là sự cụ thể hoá, thể chế hoá các đường lối, chủ trương để giải quyết những vấn đề xã hội dựa trên những tư tưởng, quan điểm phù hợp với bản chất xã hội-chính trị phản ánh lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng xã hội nói chung và của từng nhóm xã hội nói riêng nhằm tác động trực tiếp vào con người và điều chỉnh các quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, hướng tới mục đích cao nhất là thoả mãn những nhu cầu ngày càng tăng về đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân. [Bùi Đình Thanh, Xã hội học và Chính sách xã hội, NXB KHXH, Hà Nội, 2004, tr 290]

Như vậy, mục đích củachính sách xã hội có điểm giống nhau với dịch vụ là đáp ứng nhu cầu của con người trong các xã hội cụ thể và chính sách là sự thể chế hoá các đường lối, chủ trương của nhà nước [vĩ mô].

Một số quan điểm cho rằng dịch vụ xã hội là những hình thức cụ thể hoá của các chính sách xã hội. Nên hiểu khái niệm dịch vụ xã hội như là những phương thức nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế mà nhà nước và các tổ chức chính phủ và phi chính phủ [NGO] thực hiện và cung cấp [social networks].

* Dịch vụ xã hội cơ bản

Trước hết, để hiểu rõ hơn về các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, chúng tôi đưa ra các quan điểm của các nhà khoa học về nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống.

Theo quan niệm của Mác: Nhu cầu là đòi hỏi khách quan của mỗi con người trong những điều kiện nhất định, đảm bảo cho sự sống và phát triển của mình

Theo quan điểm A.Maslow chia nhu cầu thành 5 loại:

Nhu cầu vật chất [sinh lý]: thức ăn, không khí, nước uống

Nhu cầu an toàn [bảo vệ]: nhà ở, việc làm, sức khoẻ

Nhu cầu giao tiếp xã hội : Tình thương yêu, được hoà nhập

Nhu cầu được tôn trọng: Được chấp nhận có một vị trí trong một nhóm người

Nhu cầu tự khẳng định mình: Nhu cầu hoàn thiện, được thể hiện khả năng và tiềm lực của mình.

Và dịch vụ xã hội được Liên hợp quốc định nghĩa như sau: Dịch vụ xã hội cơ bản là các hoạt động dịch vụ cung cấp những nhu cầu cho các đối tượng nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống [UN Africa Spending Less on Basic Social Services].

Như vậy:

Dịch vụ xã hội cơ bản là hệ thống cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người và được xã hội thừa nhận.

Dịch vụ xã hội cơ bản được chia thành 4 loại chính

Dịch vụ đáp ứng những nhu cầu vật chất cơ bản: Việc ăn uống, vệ sinh, chăm sóc, nhà ở.mọi đối tượng yếu thế là trẻ em, người tàn tật mất khả năng lao động đều phải được đáp ứng nhu cầu này để phát triển về thể lực.

Dịch vụ y tế: Bao gồm các hình thức khám chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng về thể chất cũng như tinh thần cho các đối tượng.

Dịch vụ giáo dục: Trườnghọc, các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng sống, các hình thức giáo dục hoà nhập, hội nhập và chuyên biệt

Dịch vụ về giải trí, tham gia và thông tin: Đây là loại hình dịch vụ xã hội rất quan trọng đối với các đối tượng thuộc nhóm đối tượng công tác xã hội, hoạt động giải trí như văn nghệ, thể thao, nâng cao sự tự tin, đẩy mạnh hoà nhập tốt hơn với cộng đồng, nâng cao sự hiểu biết, kiến thức cho đối tượng

* Dịch vụ công cộng

Dịch vụ do khu vực công cộng tạo ra được gọi là dịch vụ công cộng. Khu vực công cộng giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và có tính chất rất đa dạng phản ánh thông qua các chức năng mà nó thực hiện. Đó là chức năng công cộng của Nhà nước [các bộ ngành], chức năng công cộng về lãnh thổ [UBND tỉnh, huyện, xã], chức năng công về y tế-sức khỏe, các doanh nghiệp và tổ chức công cộng. Các doanh nghiệp và tổ chức này cũng gồm nhiều loại hình khác nhau: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp tư nhân hoạt động dưới sự bảo trợ và kiểm soát của các tổ chức công cộng [trường học], các tổ chức bảo vệ xã hội [cảnh sát, an ninh].

Dịch vụ công cộng là một bộ phận của khu vực công cộng, liên quan đến các hoạt động mà mục đích là cung cấp cho mọi công dân các loại dịch vụ phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, không hề có sự phân biệt đối xử nào giữa các công dân được hưởng hoặc có thể hưởng những dịch vụ đó. Nói cách khác, dịch vụ công là tập hợp những dịch vụ cung cấp nhằm bảo đảm cho người sử dụng/công dân trong khung cảnh phát triển của sự đoàn kết xã hội và mang tính phổ cập/phổ thông. Chính vì lý do này nên dịch vụ công cộng có thể chuyển giao cho khu vực tư nhân đảm nhận.

Vì tầm quan trọng và tính đa dạng của dịch vụ công cộng mà được thừa nhận: việc phân biệt giữa khu vực công cộng và dịch vụ công cộng chỉ mang tính tương đối tùy thuộc vào mức độ can thiệp của chính quyền và tính xã hội của dịch vụ.

3. Khái niệm dịch vụ xã hội

Nếu như dịch vụ là một khái niệm đơn lẻ thì dịch vụ xã hội lại là một khái niệm kép. Thuật ngữ xã hội trong khái niệm này có thể được hiểu theo hai nghĩa.

Thứ nhất là tính mục tiêu, nghĩa là dịch vụ hướng tới phát triển xã hội [theo nghĩa này thì bất kỳ dịch vụ nào đóng góp vào mục tiêu phát triển xã hội đều được coi là dịch vụ xã hội].

Thứ hai là về chuẩn mực hay tính xã hội, nghĩa là dịch vụ để bảo đảm các giá trị, chuẩn mực xã hội. Theo nghĩa này thì dịch vụ xã hội cung cấp những hỗ trợ cho các thành viên trong xã hội được [i] chủ động phòng ngừa khả năng xảy ra rủi ro để dẫn đến không bảo đảm giá trị và chuẩn mực xã hội; [ii] chủ động tiếp cận hạn chế ảnh hưởng của rủi ro dẫn đến không bảo đảm giá trị và chuẩn mực xã hội; [iii] khắc phục rủi ro và hòa nhập cộng đồng/xã hội trên cơ sở các giá trị, chuẩn mực xã hội.

Trong chuyên đề nghiên cứu này, quan niệm về dịch vụ xã hội [social services] được hiểu theo nghĩa là thứ hai tức là các dịch vụ để bảo đảm các giá trị, chuẩn mực có tính xã hội. Từ cách tiếp cận đó, khái niệm dịch vụ được phát biểu như sau:

Dịch vụ xã hội là hoạt động cung cấp, đáp ứng nhu cầu cho các cá nhân, nhóm người nhất định nhằm bảo đảm các giá trị và chuẩn mực xã hội.

Quan niệm này cũng tương đồng với khái niệm về dịch vụ xã hội trong tài liệu good practices in social services delivery in SEE theo đó: dịch vụ xã hội là các sáng kiến, can thiệp nhằm vào các nhu cầu và vấn đề của hầu hết nhóm đối tượng dễ tổn thương, bao gồm cả việc ngăn chặn bạo lực, nghèo đói, tan vỡ gia đình, tàn tật [tinh thần và thể chất] và tuổi già. Những ví dụ cụ thể về dịch vụ xã hội là: phục hồi chức năng, nhà dịch vụ trợ giúp, nhà chăm sóc và nuôi dưỡng, dịch vụ thức ăn, chăm sóc ban ngày, và các hình thức khác được thực hiện bởi những người làm công tác xã hội và/hoặc các chuyên gia liên quan.

Bên cạnh cách hiểu trên, một cách hiểu khác nhìn từ vai trò của người cung cấp dịch vụ và đối tượng/khách hàng cho rằng: dịch vụ xã hội là các dịch vụ do nhà nước, tập thể cung cấp cho thành viên xã hội. Tuy nhiên cách hiểu này ít nhiều máy móc, thiếu tính bao quát và cũng không phổ biến.

Một khái niệm thống nhất về dịch vụ xã hội cho người yếu thế là rất cần thiết và đó cũng là cơ sở để thiết kế hệ thống dịch vụ xã hội cho các nhóm đối tượng này. Dựa vào những lý giải về dịch vụ, chính sách xã hội, dịch vụ xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản nêu trên, khái niệm dịch vụ xã hội cho người yếu thế được hiểu là:

Dịch vụ xã hội cho nhóm yếu thế là các hoạt động có chủ đích của con người nhằm phòng ngừa-hạn chế và khắc phục rủi ro, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cơ bản và thúc đẩy khả năng hoà nhập cộng đồng, xã hội cho nhóm đối tượng yếu thế

Chức năng của dịch vụ xã hội:

Dịch vụ xã hội cung cấp và hỗ trợ thông qua các dịch vụ đặc thù giúp các công dân trong xã hội có thể xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn bằng sự độc lập về kinh tế, sự khẳng định quyền con người được hòa nhập và tham gia vào thị trường lao động cũng như các hoạt động cộng đồng, xã hội.

Các dịch vụ xã hội phổ biến là:

1. Tạo điều kiện cho những người thuộc nhóm thu nhập thấp có việc làm và tham gia vào các hoạt động sản xuất tạo thu nhập có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu và duy trì được sự độc lập về tài chính;

2. Các dịch vụ xã hội giúp cho các đối tượng yếu thế trở nên bình đẳng và có thể đóng góp và hoà nhập cao nhất đối với gia đình, cộng đồng và xã hội;

3. Thúc đẩy tính trách nhiệm và mối quan hệ gắn kết giữa gia đình và các thành viên và bảo đảm gia đình thành chỗ dựa an toàn nhất cho các đối tượng yếu thế;

4. Trẻ em thuộc những gia đình không có khả năng chăm sóc có thể nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng, xã hội;

5. Cung cấp các dịch vụ về nhà ở với tiêu chuẩn đáp ứng được điều kiện tối thiểu về chất lượng cuộc sống;

6. Giúp người tàn tật có khả năng sống độc lập hơn và tham gia một cách tích cực trong các hoạt động kinh tế cũng như hoạt động cộng đồng;

7. Thúc đẩy việc chăm sóc sức khoẻ và gắn kết các chủ thể với các nguồn lực;

8. Tạo ra các dịch vụ tham vấn và trị liệu tâm lý cho các đối tượng;

9. Giúp các đối tượng tiếp cận với các kênh thông tin và và tạo cơ hội lựa chọn tốt hơn;

10. Giúp các đối tượng tiếp cận dễ dàng hơn với các hoạt động hoà giải, biện hộ các vấn đề xã hội.

[vsfo.molisa.gov.vn]

Video liên quan

Chủ Đề