Có nên đọc nhiều sách không

Bài viết Xã hội mất thói quen đọc sách, hành vi vô văn hóa tăng dần có nhiều chia sẻ, rất nhiều người chỉ trích. Đọc bình luận thì tôi thấy đa phần mọi người cho rằng tác giả phiến diện và quy chụp khi nói người ít đọc sách thì hành vi vô văn hóa tăng dần.

Thực tế, người ta nói, những người thành công đều chăm đọc sách, có phần chưa đúng lắm.

Tôi có quen nhiều bạn chăm đọc và đọc sách đến quên cả làm việc, phần nhiều những người này lại không trở thành những cá nhân nổi trội trong cuộc sống, bởi vì họ dành thời gian trong những góc nào đó để đọc và ngẫm nghĩ nhiều hơn là tập trung vào sự ưu tú cho sự nghiệp cá nhân.

Rất nhiều người trong số đó bị lúng túng và bất lực trong những lúc cuộc sống khó khăn, hoặc gặp tai ương bất ngờ. Bởi những gì họ đọc được không thể đổi ngay thành cơm ăn cho gia đình, học phí cho con cái hay thuốc chữa bệnh cho bố mẹ già... Phần khác, hầu như họ đều rất cô đơn.

>> Làm quản lý, tôi vẫn chăm chỉ đọc sách

Nhưng điều mà những cuốn sách làm được cho họ, là tâm hồn không bao giờ nhạt nhẽo, và họ luôn nhìn nhận cuộc sống ở góc độ rất vị tha... Vị tha là một thứ rất khó học.

Bởi con người ta ai cũng yêu mình hơn, và muốn được phần còn lại của thế giới ngưỡng mộ, nên thường dễ tha thứ cho mình và quyết liệt kết tội người khác. Để chứng minh mình đúng, và để chứng minh mình nổi trội hơn.

Những ẩu đả, mâu thuẫn, những hành vi xấu tăng dần, có sự tiếp tay mạnh mẽ của mạng xã hội, dần trở thành kênh nội dung chi phối suy nghĩ và lối sống của một nhóm người không nhỏ.

Những người có bộ lọc kém và sức đề kháng yếu, thường bị lung lạc. Không phải không đọc nhiều sách thì trở thành kẻ xấu. Nhưng nếu đọc sách nhiều, ít nhất, chúng ta cũng phân biệt được những phân tầng giá trị trong một xã hội, trong một giai cấp, hay đơn thuần là nhận chân được những giá trị cốt lõi mà mình đang theo đuổi hàng ngày là cái gì và nên ứng xử với chính mình như thế nào...

>> 'Chí Phèo ăn vạ, chị Dậu vùng lên' có còn phù hợp

Có người cho rằng, rất nhiều kẻ lưu manh và trở thành tội phạm khi trong đầu cất cả ngàn cuốn sách. Điều này không sai. Nhưng nếu làm một con số thống kê, thì số lượng tội phạm này không đáng kể so với số lượng tội phạm sinh ra từ sự dốt nát và tăm tối.

Và, bạn sẽ nói, tại sao quan chức nhiều người đã học hành mà vẫn tiếp tay cho tội phạm, sửa điểm cho con, tham nhũng, hại nước hại dân?

Tất nhiên, có một vài người trở thành quan chức bằng những cách khác nhau và chưa chắc trong đầu họ đã chứa một cuốn sách nào.

Và cũng không thiếu những người đang làm việc như một trí thức bàn giấy, nhưng trong đầu họ không có trang sách nào. Nhưng tôi luôn chắc chắn, số những con người đó là thiểu số, không đại diện cho cả xã hội này.

Quay trở lại câu chuyện người thành công đọc sách có nhiều không, và người đọc sách nhiều có dễ thành công không? Chắc chắn người đọc sách nhiều không phải là những người có khả năng kiếm tiền siêu việt và trở thành tỷ phú nhờ đọc sách.

>> Môn Văn cũ kỹ khiến nhiều người thấy sách trăm trang là nhức đầu

Nhưng, thành công của mỗi người là do cách chúng ta đặt ra mục tiêu và hoàn thành nó. Và, thành công hay thất bại, chỉ là những khái niệm tương đối mà những nhóm người trong từng thời đại đặt ra và trói buộc mình vào.

Nhưng những người kiếm được nhiều tiền mà không đọc sách thì rất nhiều. Với cá nhân tôi, có những trải nghiệm rất buồn cười, khi là một người viết sách, và cụ thể là viết truyện ngắn. Người ta khen tôi viết tiểu thuyết hay hoặc đọc thơ tôi rất thích.

Những lời khen ấy làm tôi thấy sượng sùng cho chính mình và các doanh nhân thành đạt ấy. Bởi vì họ đang cố tô vẽ sự đẹp đẽ về những thứ không có trong sự thật bằng sự nông cạn của họ về sách vở.

Tôi thường nghĩ, những người như thế, thì di sản ngoài tiền ra, họ cũng chẳng có gì để lại cho những đứa con. Và những đứa trẻ được sinh ra trong thừa mứa vật chất ấy sẽ thành những con người như thế nào, nếu như không phải là những đứa trẻ trọng vật chất hơn, thích bề ngoài hơn, ham hưởng thụ hơn?

>>Tôi đặt máy ghi âm để tranh luận với chính mình về quyển sách đang đọc

Và sự vị tha, như nói ở trên, là những trải nghiệm khó khăn mà chúng ta thường phải trả giá bằng rất nhiều bài học sai lầm, mới thấm thía được. Điều đúc kết trong những cuốn sách, giúp hành trình đó ngắn hơn, ít đau đớn hơn, nhưng không mấy người đủ thời gian và kiên trì lĩnh hội...

Tất nhiên, sách tôi viết là dạng sách truyện, đọc để giải trí, không biết cũng chẳng chết ai. Nhưng đọc sách tuyệt đối không phải là để giải trí. Người thành công và đứng ở đỉnh cao trong những lĩnh vực chuyên môn sâu nào đó, chắc chắn họ là những người buộc phải đọc rất nhiều. Và để điều hành một doanh nghiệp khổng lồ, thì sách sẽ giúp các doanh nhân lấp đầy những khoảng trống mà trường Harvard không dạy họ.

Năm 20 tuổi, tôi hăm hở vào đời và nghĩ cứ liều mạng thì sẽ có nhiều cơ hội, trưởng thành rồi đời sẽ tha thứ hết cho ta.

Giờ 40 tuổi mới nhận ra, mình nông cạn và thiếu hụt tứ bề, không có thời gian cắp sách tới trường thì chỉ còn đường đọc thêm để mà hiểu. Hiểu để làm việc, để sống. Hiểu người khác. Và hiểu chính mình...

>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trangÝ kiếntại đây.

Nhà vănDương Bình Nguyên

Xã hội mất thói quen đọc sách, hành vi vô văn hóa tăng dần

'Thay vì tổ chức thi dạy giỏi, hãy bắt buộc giáo viên đọc sách thường xuyên'

Chủ Đề