Chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học môn ngữ văn

Đổi mới phương pháp dạy học đã và đang là một vấn đề cấp thiết của ngành Giáo dục những năm trở lại đây, đặc biệt đối với với bộ môn Ngữ văn ở trường THPT. Dạy học văn không chỉ đơn giản là truyền thụ tri thức mà còn hình thành tình yêu môn học, yêu tiếng mẹ đẻ, tự hào về truyền thống văn học của dân tộc… Muốn được như vậy, người thầy phải biết áp dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học mới vào trong từng tiết học, tránh cách dạy nghiêng về lí thuyết khô khan xa rời thực tế. Ý thức được tầm quan trọng của việc thay đổi phương pháp, kĩ thuật giảng dạy, trong những năm học vừa qua, việc dạy học môn Ngữ văn tại trường THPT Lý Thường Kiệt đã có nhiều thay đổi thông qua việc áp dụng một số phương pháp dạy học hiện đại, đặc biệt trong năm học 2021- 2022 và đang được áp dụng trong năm học 2022 - 2023, đạt được nhiều hiệu quả tích cực.

Mùa thu Bắc bộ trong cảm nhận của Quỳnh Anh, lớp 10B, trường THPT Lý Thường Kiệt

Tăng cường sử dụng phương pháp trực quan hóa

Tăng cường tính trực quan được coi là một trong số những biện pháp hàng đầu, dễ áp dụng, không đòi hỏi cao về điều kiện cơ sở vật chất và đạt được hiệu quả trong dạy và học Ngữ văn. Ở phương pháp này, giáo viên giúp học sinh nhận thức, hiểu rõ hơn những giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm qua các đoạn phim, ảnh về văn học, các danh lam, thắng cảnh đất nước được nhắc đến trong tác phẩm. Các hình ảnh trực quan đó không những giúp các em hiểu sâu sắc thêm tác phẩm, mà còn tạo hứng thú học tập cho các em, làm cho giờ văn trở nên sinh động, có tác dụng tốt trong việc cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng cảm thụ đồng thời giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giúp các em hoàn thiện nhân cách.

Ý thức được tầm quan trọng của việc tăng cường tính trực quan trong dạy học ngữ văn, các thầy, cô giáo bộ môn Ngữ văn trường THPT Lý Thường Kiệt thường xuyên áp dụng phương pháp này trong giảng dạy và đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Ở nhiều tiết học văn tại trường THPT Lý Thường Kiệt, trực quan hóa không chỉ dừng lại ở việc tái hiện bài học qua phim ảnh, video mà còn được thể hiện qua việc sử dụng các hình thức diễn xương của văn bản, cho học sinh làm hoạt cảnh, vẽ tranh, nhập vai để tái hiện lại văn bản, đọc diễn cảm [ngâm thơ, đọc hịch, thể hiện ngôn ngữ kịch...].

Phương pháp giải quyết vấn đề 

Dạy học giải quyết vấn đề [Phương pháp kích thích tư duy, giải quyết vấn đề] là con đường quan trọng để phát huy tính tích cực của học sinh, là một trong những vấn đề giáo viên cần phải làm để đổi mới phương pháp giảng dạy. Ở phương pháp này, giáo viên đặt ra cho học sinh tình huống có vấn đề, yêu cầu học sinh tìm phương pháp giải quyết. Từ đó vận dụng cách giải quyết vấn đề vào trong những tình huống khác nhau trong học tập và trong cuộc sống.     

  Ví dụ, khi dạy văn bản: Chí Phèo của tác giả Nam Cao [Ngữ văn 11 - tập 1], Ở hoạt động hình thành kiến thức, khi tìm hiểu về bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo. Để học sinh thấy được bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người và cách lựa chọn cái chết của Chí Phèo, giáo viên đặt ra tình huống yêu cầu học sinh giải quyết: Trong xã hội thời kì đó, ngoài nhân vật Chí Phèo còn rất nhiều người bất hạnh như vậy. Ngoài cách lựa chọn cái chết như Chí Pheò em còn cách lựa chọn nào khác không? Hãy kể ra cách lựa chọn của em trong hoàn cảnh đó?. Thông qua việc đưa học sinh vào những tình huống “có vấn đề” cần giải quyết, giáo viên tạo cơ hội phát huy năng lực tư duy, óc sáng tạo, năng lực giao tiếp của các em. Từ đó, các phẩm chất như chăm chỉ, trách nhiệm, trung thực cũng sẽ được hình thành cho học sinh.

Trò chơi mô phỏng chương trình truyền hình được học sinh yêu thích

Phương pháp trò chơi sư phạm: Chơi mà học

Theo các thầy cô giáo dạy bộ môn Ngữ văn của trường THPT Lý Thường Kiệt, nhằm phát huy phẩm chất và năng lực, tạo hứng thú học tập cho học sinh học môn Ngữ văn, các thầy cô luôn cố gắng là người đồng hành, dẫn dắt, định hướng học sinh trong quá trình học; giúp các em mạnh dạn, chủ động tiếp cận phương pháp học tập mới nhằm phát huy phẩm chất, năng lực. Một trong những cách làm khá hiệu quả là tổ chuyên môn tổ chức các sân chơi văn học. 

Phương pháp dạy học tích cực thông qua trò chơi sư phạm là phương pháp giáo viên thông qua việc tổ chức các trò chơi liên quan đến nội dung bài học, có tác dụng phát huy tính tích cực nhận thức, gây hứng thú học tập cho học sinh. Qua trò chơi, học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, đồng thời hình thành tính tự giác, chủ động của học sinh. Ở phương pháp này, giáo viên cần rất cẩn trọng trong việc lựa chọn đơn vị kiến thức và thời điểm áp dụng để thực hiện trò chơi cho hiệu quả. 

Ví dụ khi dạy Ôn tập phần văn học [Ngữ văn 11, tập 1]. Thay vì cách dạy học truyền thống khô khan, nặng lý thuyết, giáo viên tổ chức cho các em tham gia trò chơi mô phỏng lại chương trình truyền hình Đường lên đỉnh Olympia. Thông qua 04 phần chơi: Khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc và về đích, giáo viên đan cài khéo léo các kiến thức, nhiệm vụ gắn liền với bài học giúp các em có hứng thú cao với môn học, đồng thời với các nhiệm vụ yêu cầu hoạt động nhóm, các em cũng phát huy được tính chủ động, tích cực, đoàn kết, tăng cường khả năng hợp tác của học sinh.

Một tiết học áp dụng PPDH hiện đại tại lớp 11A – THPT Lý Thường Kiệt

Gặt hái được những trái ngọt

Với việc mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong cả dạy học và kiểm tra đánh giá đã tạo luồng gió mới và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Vào tháng 9/2021, qua khảo sát ngẫu nhiên 40 học sinh khối lớp 10 trường THPT Lý Thường Kiệt về mức độ yêu thích với môn Ngữ văn thông qua phiếu khảo sát, số học sinh có hứng thú với môn học đạt 18/40 em, chiếm 45%. Sau một năm áp dụng các phương pháp, kĩ thuật hiện đại vào giảng dạy, tại thời điểm khảo sát lần thứ hai, tháng 4/2022, số học sinh có hứng thú với môn học đã tăng lên 28/40 em, đạt 70%. Cùng với đó, chất lượng giảng dạy cũng có nhiều cải thiện, so với chất lượng khảo sát đầu năm, qua một học kì, số học sinh đạt điểm giỏi tăng từ 1,2% lên 5,8%, tỉ lệ học sinh đạt điểm khá tăng từ 13% lên 18,3%, tỉ lệ học sinh đạt điểm yếu kém giảm 21.6 % xuống 13,8%. Những kết quả này bước đầu phản ánh được hiệu quả của việc áp dụng các phương pháp kĩ thuật giảng dạy hiện đại vào dạy học Ngữ văn tại trường THPT Lý Thường Kiệt.

Thầy Ngô Ngọc Chiêu, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: “Thay đổi từ dạy học truyền thống sang dạy học phát triển năng lực là một quá trình dài đòi hỏi tình yêu nghề, sự cố gắng nỗ lực và tinh thần sáng tạo của các thầy cô giáo. Để thực hiện tốt các phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại, giáo viên phải tự giác, tích cực trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của bản thân để thích ứng kịp với thời đại. Ở trường THPT Lý Thường Kiệt, với đặc thù là một trường ven đô, chất lượng đầu vào của học sinh còn thấp, lớp học đông, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, một số phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại do đó không thể áp dụng hoặc khi áp dụng đạt hiệu quả chưa cao. Tuy vậy, các thầy giáo, cô giáo bộ môn Ngữ văn nói riêng và các thầy cô giáo trường THPT Lý Thường Kiệt nói chung vẫn đang từng bước khắc phục khó khăn, không ngừng học tập, trau dồi nâng cao năng lực chuyên môn, tự thay đổi mình qua từng tiết học, rút kinh nghiệm sau các giờ dạy để tìm ra phương pháp dạy tương đối phù hợp với tất cả học sinh của trường, từ đó truyền cảm hứng và đam mê học tập tới các em học sinh.

Một tiết học Văn sáng tạo của học sinh phổ thông

Theo đó, để khắc phục tình trạng học nặng về lý thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện 3 nội dung cơ bản về đổi mới cách dạy học và đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cũng như tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động giảng dạy môn học này ở bậc phổ thông.

Với việc đổi mới dạy và học môn Ngữ văn, các cơ sở giáo dục cần tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện các kỹ năng và cảm thụ thẩm mỹ theo yêu cầu. Quá trình học, giáo viên cần giao yêu cầu, nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh, nêu cụ thể yêu cầu phải hoàn thành, chú trọng kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ học sinh.

Các nhà trường xây dựng kế hoạch bài và tổ chức dạy môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp.

Việc dạy đọc và dạy viết trong môn Ngữ văn có vai trò rất quan trọng, cần được các nhà trường đặc biệt quan tâm để tăng năng lực cảm thụ tác phẩm, qua đó góp phần hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh.

Việc đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe. 

Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, các cơ sở đào tạo tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. 

Ngoài ra, cần khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh; xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm; tôn trọng cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật. 

Nhằm tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học môn Ngữ văn, các Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT cần xem xét, góp ý kế hoạch dạy học môn Ngữ văn của các nhà trường theo hướng dẫn Bộ; theo dõi, giám sát quá trình thực hiện đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá trong môn Ngữ văn; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong dạy học và kiểm tra, đánh giá. 

Thêm nữa, cần tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm chuyên môn đối với môn Ngữ văn dựa trên Nghiên cứu bài học; Tăng cường các hoạt động dự giờ để giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các trường tăng cường hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch dạy học môn Ngữ văn nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. 

Bạn đọc xem Công văn 3175/BGDĐT- GDTrH của Bộ GD&ĐT TẠI ĐÂY

Video liên quan

Chủ Đề