Cách tập phục hồi chức năng cho người tai biến

Bệnh tai biến mạch máu não, thường được gọi là tai biến, là một bệnh rất phổ biến trong cộng đồng hiện nay. Không chỉ xảy ra ở người cao tuổi, số lượng người trẻ bị tai biến đang ngày càng gia tăng. Những di chứng mà tai biến để lại ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh như yếu liệt nửa người hay toàn thân, méo miệng, nói ngọng, nói lắp, mất trí nhớ, suy giảm khả năng nhận thức, thị giác, đại tiểu tiện không tự chủKhả năng hồi phục của người bệnh sau tai biến phụ thuộc chủ yếu vào thời gian cấp cứu kịp thời và sự kiên trì thực hiện phục hồi chức năng [PHCN] đúng thời điểm và đúng phương pháp.

Tầm quan trọng của PHCN sau tai biến?

Phục hồi chức năng sau tai biến giúp người bệnh:

+ Khôi phục khả năng vận động, khả năng nói.

+ Độc lập tối đa trong sinh hoạt hằng ngày, từ đó giảm cảm giác mặc cảm, tự ti cho người bệnh.

+ Phòng ngừa viêm phổi bệnh viện, teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp, loét tì đè do nằm lâu, giúp giảm thời gian và chi phí nằm viện.

Khi nào thì người bệnh có thể bắt đầu tập PHCN?

Sau khi đã điều trị qua giai đoạn cấp tính chuyển sang giai đoạn ổn định, người bệnh tai biến nên bắt đầu phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Lưu ý rằng khoảng thời gian từ 1 đến 6 tháng sau tai biến là khoảng thời gian khả năng người bệnh phục hồi tốt nhất.

Tập phục hồi chức năng kéo dài bao lâu?

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân tai biến là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên trì của cả người bệnh và gia đình. Khả năng và thời gian hồi phục ở từng người bệnh là khác nhau và ở mỗi giai đoạn, người bệnh sẽ có các kỹ thuật tập phù hợp với tình trạng cụ thể của người bệnh trong giai đoạn đó.

Sau PHCN, người bệnh có trở lại như trước kia được không?

Phần lớn người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân và tham gia một phần các hoạt động trong gia đình. Khoảng 30% bệnh nhân có thể đi làm trở lại, với công việc được điều chỉnh phù hợp.

Người bệnh có thể tập phục hồi chức năng ở đâu?

Lúc nằm viện: Người bệnh có thể tập PHCN tại khoa PHCN của bệnh viện

Lúc xuất viện:

+ Người bệnh có thể đến điều trị như một bệnh nhân ngoại trú ở khoa PHCN của bệnh viện.

+ Đến điều trị tại các trung tâm Phục hồi chức năng của địa phương.

+ Tập tại nhà với sự hướng dẫn của kỹ thuật viên và sự hỗ trợ của gia đình, các tổ chức xã hội.

Những lưu ý cho người bệnh và gia đình trong quá trình PHCN:

Thay đổi lối sống và thói quen ăn uống để ngăn ngừa tái phát:

+Không hút thuốc lá.

+Ăn uống điều độ, hạn chế ăn mặn và không ăn nhiều tinh bột và mỡ động vật.

+ Sống lạc quan, tránh căng thẳng.

Tiếp tục điều trị các bệnh có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây tai biến như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu

Thay đổi thiết kế tại nhà và môi trường xung quanh để tạo một môi trường an toàn cho người bệnh và tạo điều kiên cho người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân một cách độc lập.

Khi tập các bài tập tại nhà cần chú ý quan sát sắc thái của người bệnh. Khi họ toát mồ hôi và tỏ ra mệt mỏi, cộng tác viên PHCN hoặc người nhà cần cho họ nghỉ ngơi ngay.

Vị trí đặt giường của người bệnh trong phòng: kê giường sao cho phía thân bị liệt hướng ra giữa phòng để người bệnh vận động phần thân liệt nhiều hơn, không sử dụng bên lành bù trừ hoặc thay thế cho bên bị liệt.

Hầu hết những người bị tai biến đều trở nên trầm cảm và lo âu về bệnh tật. Lúc này, gia đình nên ở cạnh bên khuyến khích, động viên người bệnh, thường xuyên cùng họ tập luyện sẽ mang lại kết quả tốt sau quá trình PHCN.

Người bị tai biến cần bắt đầu phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Quá trình này cần rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn, phối hợp đồng nhất của cả người bệnh, gia đình và cộng đồng mới có thể mang lại kết quả hồi phục tốt nhất cho người bệnh.

Để đăng ký lịch khám và tư vấn, vui lòng gọi:

[0274]3 681 681, nhấn phím 2

Bài viết liên quan

Vai trò của chụp nhũ ảnh trong tầm soát ung thư vú...
Tại sao phải kiểm tra sức khỏe răng miệng khi dự đ...
Gói sinh tại Bệnh viện Quốc tế Becamex
Bệnh trĩ

Video liên quan

Chủ Đề