Cách cầu nguyện Tin Lành

CẦU NGUYỆN LÀ CHÌA KHÓA DẪN ĐẾN CHIẾN THẮNG

Mác 14:26-42

Câu khóa 14:36 Ngài rằng: A-ba lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén nầy khỏi con; nhưng không theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn.

Những bài học sách Tin Lành theo Mác cho chúng ta thấy Chúa Giê-xu là Đấng Chiến thắng, Ngài chiến thắng trên mọi hoàn cảnh, chiến thắng mọi sự bắt bớ, chiến thắng các nhà lãnh đạo tôn giáo, chiến thắng tội lỗi, vượt qua bóng tối. chiến thắng sự chết. Chúa Jêsus, Đấng chiến thắng cái ác bằng điều thiện, chiến thắng sự hận thù bằng tình yêu và sự hy sinh. Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu bởi đức tin, chúng ta tin rằng chúng ta cũng có được chiến thắng như vậy trong đời sống.

Nhưng trên thực tế, việc chiến thắng được sự lười biếng thuộc linh trong đời sống chúng ta cũng đã thấy khó rồi. Việc chúng ta dành thời gian đọc kinh thánh thay vì lướt facebook, và xem Youtube đã thấy rất khó rồi. Và chúng ta tuyệt vọng vì sự yếu đuối và nhu nhược của mình. Nhưng có một giải pháp. Như chủ đề của bài học ngày hôm nay cầu nguyện là chìa khóa để chiến thắng.

Nhưng cầu nguyện như thế nào? Chúng ta thường cầu nguyện với Đức Chúa Trời: hãy cho con cái này, hãy cho con cái kia, hay là những lời cầu nguyện thuộc linh hơn chẳng hạn, hãy giúp con có đức tin. Nhưng cách cầu nguyện nào dẫn chúng ta đến chiến thắng thực sự? Hôm nay chúng ta cùng học về cầu nguyện qua tấm gương cầu nguyện của Chúa Giê-su trong Vườn Ghết-sê-ma-nê.

I. Sự bất lực và yếu đuối của bạn bè [27-31]

Cùng xem câu 26: Khi đã hát thơ thánh rồi, Chúa và môn đồ đi ra đặng lên núi Ô-li-ve. Các môn đồ đã cùng nhau dự lễ vượt qua, ăn bánh và uống chén rất vui vẻ, họ vui mừng hát thánh ca và sau đó leo lên núi Ô-li-ve. Chúng ta biết rằng Chúa Giê-su thích cầu nguyện trên ngọn núi này, nhưng lần này Chúa lên đây cầu nguyện không phải do thói quen hay sở thích nữa. Nhưng bây giờ Chúa Giê-su lên núi Ô-li-ve là nơi mà Ngài biết Ngài sẽ bị bắt, qua đó để thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời chết trên thập tự giá vì tội lỗi của con người. Thật lạ lùng nhưng CHÚA JESUS sẵn sàng cho mọi việc. Ngài sẵn sàng đón nhận sự chống đối, không hiểu, thái độ hận thù từ phía những người Do-thái bảo thủ, sự phản bội của một trong những người thân cận nhất của Ngài, sự khổ nạn nhục hình trên thập tự giá, Nhưng có lẽ điều làm Ngài đau đớn nhất là sự phá sản của tình bạn hữu. Bạn bè cần nhất khi người ta rơi vào khó khăn hoạn nạn. Chính trong thời khắc như vậy bạn bè đã bỏ rơi Chúa một mình. CHÚA JESUS đã đi qua tất cả những đau đớn tận cùng của thể xác và tâm hồn, và Ngài đã vượt qua được. Vì biết rõ ý muốn Chúa Cha, và để vâng phục Đức Chúa Cha, Ngài đã kiên cường bất khuất, chịu đựng tất cả những cú đánh của cuộc đời, Ngài vẫn giữ sự bình tĩnh cả khi ở phía sau là những sự thất vọng tràn trề, còn phía trước là những đau khổ. Chúng ta thấy hình ảnh của một Đấng chiến thắng dũng cảm đi đến đích vì Ngài tin chắc vào chiến thắng của Ngài.

Và trên đường đi lên núi Ô-li-ve, Chúa Giê-su bắt đầu phán với các môn đồ. Chúng ta xem câu 27-28 Hết thảy các ngươi sẽ gặp dịp vấp phạm; vì có chép rằng: Ta sẽ đánh kẻ chăn chiên, thì bầy chiên sẽ tan lạc, Nhưng khi ta sống lại rồi, ta sẽ đi đến xứ Ga-li-lê trước các ngươi. Chúa Giê-su cảnh báo trước cho các môn đồ về sự vấp ngã của họ, rằng họ sẽ bỏ Ngài ngay khi họ cảm thấy nguy hiểm cho mình. Nhưng đồng thời Chúa Giê-xu cũng nói rằng sau khi Ngài phục sinh, Chúa vẫn sẽ đợi họ ở Ga-li-lê. Mặc dù họ vấp phạm, phản bội nhưng Chúa không bỏ họ, Ngài không phán xét họ nhưng vẫn chờ đợi họ quay trở lại. Ngài gieo trong lòng họ niềm tin vào tình yêu của Ngài, nói rằng Ngài sẽ gặp họ sau khi Ngài phục sinh. Khi họ nhận ra rằng Chúa Giê-xu đã biết trước mọi sự, nhưng Chúa vẫn chờ đợi họ, họ hiểu Chúa sẽ không bao giờ bỏ họ, Ngài luôn chờ đợi họ quay về và ăn năn, điều đó làm họ dễ dàng trở lại với Ngài hơn. Chúa Giê-xu biết rõ sự yếu đuối của chúng ta hơn chính chúng ta, nhưng vẫn ban cho chúng ta lời hứa của Ngài và giữ Lời ấy cho đến cuối cùng. Đây là ân điển của Đức Chúa Trời.

Chúng ta xem câu 29Phi-e-rơ thưa rằng: Dầu mọi người vấp phạm vì cớ thầy, nhưng tôi chẳng hề làm vậy. Không thể theo Chúa Giêsu bằng nổ lực, bằng sự cố gắng, bằng cảm xúc của con người được. Điển hình như Phi-e-rơ sau khi nghe Chúa Jesus phán về các môn đồ ông đáp với Chúa Jesus Dầu mọi người vấp phạm vì cớ thầy, nhưng tôi chẳng hề làm vậy. Nói cách khác ông đang phủ nhận những lời của Chúa Jesus: Chúa Jesus ơi, Ngài là Đấng khôn ngoan, Ngài biết mọi sự nhưng trong trường hợp này về tôi có vẻ như thầy đã sai. Phi-e-rơ nói rõ với Chúa Giê-su rằng điều này chắc chắn không phải về ông, rằng ông hoàn toàn không giống 11 môn đệ yếu đuối kia, nhưng hết lòng tận tụy và trung thành, đến nỗi ông sẵn sàng chết với Chúa Giê-su.

Nhưng sự tự tin thái quá đó đã dẫn đến điều gì?

Chưa đầy 12 giờ sau, Phi-e-rơ và các môn đồ rời bỏ Chúa Giê-su, và khi đối mặt với nguy cơ thực sự, ông đã quên hết lời khẳng định chắc nịch trước đó với Chúa Jesus. Điều này cho chúng ta thấy rõ rằng dựa vào sức riêng, dựa vào nỗ lực bản thân hay nói cách khác ảo tưởng về bản thân là sẽ dễ dàng dẫn đến vấp ngã.

Trong 1 Cô-rinh-tô 10:12 Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã. Trong trường hợp này Phi-e-rơ nghĩ rằng ông đang đứng rất vững đang ở thời kỳ đỉnh cao của đức tin. Nhưng sự thật đó là kiêu ngạo thuộc linh.Chữ tưởng được sử dụng để nói lên sự thật rằng ông không hề đứng,chỉ là ông tự nghĩ về chính mình mà thôi. Đây cũng là lời Chúa nhắc nhở chúng ta, nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình tin Chúa lâu năm, học kinh thánh đều đặn, nghĩ rằng mình biết nhiều lời Chúa, làm nhiều công việc trong Hội thánh và nghĩ rằng với nổ lực của bản thân mình sẽ không bị vấp ngã. Đó là kiêu ngạo thuộc linh, với suy nghĩ đó chúng ta đã vấp ngã rồi.

Chúa Giê-su biết rõ sự yếu đuối của chúng ta hơn chúng ta biết chính mình, đó là lý do tại sao Chúa Giê-su phán với Phi-e-rơ trong câu 30 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay, cũng trong đêm nay, trước khi gà gáy hai lượt, ngươi sẽ chối ta ba lần. Chúa nói điều này không phải để xúc phạm Phi-e-rơ hay làm bẽ mặt ông, nhưng đây là lời Chúa dành cho ông, để khi sự vấp phạm xảy đến ông nhớ lời của Chúa Giê-xu, để ông có thể quay trở lại và ăn năn.

Khi một người đối mặt với sự cám dỗ của Sa-tan, người đó không thể dùng sức của mình vượt qua được. Sa-tan biết quá rõ tội lỗi và điểm yếu của chúng ta. Nó chỉ tấn công cám dỗ chúng ta thông qua những điểm yếu, Bởi vậy chúng ta phải nhận biết với nổ lực của bản thân chúng ta không thể chiến thắng được cám dỗ. Phải nhận biết mình là một tội nhân yếu đuối, và phải luôn ghi nhớ điều này, chỉ khi đó chúng ta mới trông cậy Chúa và cầu nguyện thật nhiều trước những cám dỗ và khó khăn. Nếu chúng ta làm được điều này, Chúa sẽ ban cho chiến thắng. Chúa muốn chúng ta nương tựa, trông cậy vào Ngài và tìm thấy nơi Ngài mọi sự hỗ trợ, sức mạnh để vượt qua khó khăn. Amen

II. Xin ý Cha được nên [32-42]

Chúng ta xem câu 32-34 Kế đó, đi đến một nơi kia, gọi là Ghết-sê-ma-nê, Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ rằng: Các ngươi hãy ngồi đây, đợi ta cầu nguyện.33Ngài bèn đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi, thì Ngài khởi sự kinh hãi và sầu não.34Ngài phán cùng ba người rằng: Linh-hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức.

Chúa Giê-xu đã trở thành một tấm gương hoàn toàn trông cậy nơi Đức Chúa Trời, mặc dù Chúa Giê-xu đã sẵn sàng cho con đường thập tự giá, nhưng Ngài vẫn luôn luôn cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Đây là một tấm gương cho thấy chúng ta phải trông cậy vào Đức Chúa Trời.

Vào lúc đó, Ngài khởi sự kinh hãi và sầu não nghĩa là Chúa Giê-su bắt đầu cảm nhận toàn bộ gánh nặng tội lỗi, và những tội lỗi khủng khiếp của loài người đang chất lên trên Ngài. Chúa Giê-su phải gánh lấy những nỗi buồn, phiền muộn của chúng ta, bởi vì đây là điều mà Ngài cần phải thực hiện trên đất. Tội lỗi không tự mất đi, mà Chúa Jesus đã gánh thay cho cho loài người, để qua đó nhiều người sẽ tìm thấy sự cứu rỗi bằng cách tiếp nhận sự chết của Ngài vì tội lỗi của chúng ta. Trong những lúc khó khăn và đau khổ đó, Chúa Giêsu đã đi cầu nguyện. Ngài cầu nguyện vào thời điểm quan trọng nhất. Nhiều người không cầu nguyện, coi việc cầu nguyện là lãng phí thời gian. Nhưng Chúa Giê-su xem sự cầu nguyện là vũ khí quan trọng nhất trong cuộc chiến thuộc linh và là công cụ quan trọng nhất để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời. Cầu nguyện là nguồn sức mạnh chính cho Ngài. Amen.

Khi một người tự đề cao bản thân, thì người đó tự mình làm mọi việc, bởi vậy sẽ không nhìn thấy ý nghĩa của việc cầu nguyện, nhưng Kinh Thánh nói trong Châm ngôn 16:18 sự kiêu ngạo đi trước bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã hoặc Châm ngôn 28:26 kẻ nào tin cậy nơi lòng mình là kẻ ngu muội. Khi tự làm mọi việc theo cảm xúc và khôn ngoan toan tính của bản thân đôi khi đạt được kết quả tốt, khi đó càng sinh ra kiêu ngạo, ảo tưởng về bản thân. Nhưng chúng ta biết thường khi trèo cao sẽ ngã đau. Ngược lại khi chúng ta ở dưới thấp, chúng ta nhận biết được sự yếu đuối, sự hạn chế của bản thân, khi gặp những khó khăn những nan đề thì chúng ta mới luôn cầu nguyện và trông cậy Chúa. Nếu chúng ta nhận biết mình trong ánh sáng của Đức Chúa Trời, nhìn thấy mình trước lời Chúa, thì chúng ta thực sự thấy cần phải cầu nguyện. Đây chính là vấn đề mà chúng ta thấy trong Phi-e-rơ, ông không nhìn thấy chính mình, không nhận biết sự yếu đuối của mình, bởi vậy Phi-e-rơ ảo tưởng về bản thân. Chúng ta biết rằng mặc dù Chúa Giê-xu là hoàn hảo tuyệt đối, nhưng Ngài vẫn luôn luôn cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xem câu 34 Ngài phán cùng ba người rằng: Linh-hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức. Vào thời điểm đó Chúa Giê-su cần sự chia sẻ hỗ trợ, Ngài yêu cầu các môn đồ cầu nguyện cho Ngài. Cũng vậy, chúng ta học cách chia sẻ nhau về chủ đề cầu nguyện, cầu thay cho nhau trong những khó khăn và yếu đuối. Lịch sử cứu rỗi không cần anh hùng, mà chỉ cần sự cầu thay và giúp đỡ lẫn nhau.

Sau khi dặn các môn đệ rồi, Chúa Giê-su đi đến nơi khác để cầu nguyện riêng. Chúng ta hãy xem Chúa Giê-su cầu nguyện như thế nào?

Chúng ta xem câu 35-36: Rồi Ngài đi một đỗi xa hơn, sấp mình xuống đất mà cầu nguyện rằng: nếu có thể được, xin giờ nầy qua khỏi mình. 36 Ngài rằng: A-ba lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén nầy khỏi con; nhưng không theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn. Ở thời điểm này Chúa Jesus vẫn là một con người có đầy đủ cảm xúc ý chí mong muốn của con người, bởi vậy Chúa Giê-su trải qua xung đột nội tâm gay gắt. Là một người đàn ông mới 33 tuổi còn rất trẻ, Chúa Giê-su không muốn chết, không có ai muốn chết vào những năm tháng tốt nhất của cuộc đời. Ngài còn có quá nhiều việc chưa làm, quả là cả thế giới đang chờ đợi sự cứu rỗi cơ mà. Ngài biết quá rõ thập tự giá là gì, váy nghĩ về nó đã có thể làm cho bất kể ai co rúm lại vì kinh khiếp. Nhưng Ngài biết rằng đây là cách duy nhất để cứu tội nhân. Bởi vậy Chúa đến với sự cầu nguyện, vì Ngài biết cầu nguyện cách duy nhất để giải quyết xung đột nội tâm này.

Nhiều khi chúng ta cầu nguyện xin Chúa ban cho một điều gì đó một cách nhiệt thành, và chúng ta kiên trì cầu nguyện cho đến khi đạt được điều mình muốn. Tất nhiên kiên trì cầu nguyện là tốt. Nhưng lời Chúa hôm nay dạy chúng ta một cách cầu nguyện khác nữa, cầu nguyện đẹp lòng Chúa và theo ý muốn của Chúa.

Có 3 điều làm đẹp lòng Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện của CHÚA JESUS.

Thứ nhất A-ba lạy Cha! Trong tiếng Aramit a-ba có nghĩa là Cha yêu dấu. CHính ý nghĩa này là thái độ và mối liên hệ của CHÚA JESUS với Đức Chúa Trời. CHÚA JESUS đầu phục và thực hiện ý chỉ của một Đức Chúa Trời là Cha A-ba. Ngài biết Cha yêu thương Ngài và không bao giờ muốn điều xấu ác xảy ra với Ngài. Thông thường, khi mọi người gặp khó khăn, nan đề bệnh tật, hay công ăn việc làm sẽ phàn nàn về Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời ở đâu? Nếu có Chúa, thì tại sao Ngài lại cho phép những điều cay đắng này xảy ra với tôi. Nhưng Chúa Giê-su, khi đứng trước những khó khăn Ngài gọi Đức Chúa Trời là Cha! Vì vậy, khi cầu nguyện, chúng ta phải biết rằng Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta, là Đấng gần gũi nhất với chúng ta. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể chịu đựng được mọi thứ. Khi chúng ta gặp khó khăn và đau khổ, Ngài ở đó với chúng ta. Amen

Thứ hai, mọi việc Cha làm được cả. Nếu Đức Chúa Trời không có quyền năng, thì việc cầu nguyện cũng chẳng ích gì. Nhưng Chúa Giê-su tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, rằng Đức Chúa Trời làm được mọi sự

Thứ ba, xin Cha cất chén nầy khỏi con. Đây là nguyên tắc của sự trung thực. Chúng ta phải thành thật nói với Chúa bản chất sự yếu đuối của chúng ta. Chúa Giê-su thực sự khó chấp nhận cây thập tự giá nặng nề như vậy, Ngài không muốn gánh chịu tội lỗi của thế gian. Chúa đã không giấu diếm điều đó, Ngài dâng trình điều đó với Chúa trong lời cầu nguyện.

Trong Phi-líp 4: 6-7 Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. 7 Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Nếu chúng ta mở lòng dâng trình những mong muốn, những sự yếu đuối của chúng ta với Đức Chúa Trời, và tiếp nhận ý muốn của Ngài, sẵn sàng chấp nhận một câu trả lời dù khác với mong muốn của chúng ta, thì sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ đến, ban cho chúng ta sức mạnh để làm theo ý muốn của Chúa.

Và đỉnh cao của lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu là nhưng không theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn. Đây là phần quan trọng nhất của lời cầu nguyện. Đây là cuộc đấu tranh của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su muốn đặt thánh ý của Đức Chúa Trời lên trên ý muốn của con người. Thông thường, lời cầu nguyện của chúng ta chỉ nằm trong khuôn khổ xin ban cho con và xin Chúa ban phước, Chúa ơi con muốn điều này xin Chúa làm thành, Lời cầu nguyện như vậy tất nhiên không có gì sai cả, nhưng cần phải hiểu trọng tâm của sự cầu nguyện không phải để xin xỏ, không phải để giải quyết những vấn đề của chúng ta. Nhưng cầu nguyện là giao tiếp với Đức Chúa Trời. Trong lời cầu nguyện, chúng ta không chỉ nói những gì chúng ta muốn, nhưng điều quan trọng hơn là lắng nghe những gì Chúa muốn trên đời sống của chúng ta. Bởi Chúa biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta, vì ý muốn của Chúa là tốt nhất cho chúng ta.

Trong lời cầu nguyện, Chúa Giê-xu không bàn luận với Đức Chúa Trời cách hành động tốt nhất, nhưng đã mở rộng lòng Ngài và chấp nhận ý muốn của Đức Chúa Trời, chấp nhận thập tự giá. Đó là một cuộc chiến khó khăn. Nhưng Ngài không từ bỏ, Ngài cầu nguyện cho đến khi Ngài chiến thắng.

Trong chặng đường theo Chúa Jesus mỗi người chúng ta cũng có một thập tự giá của riêng mình, mà Chúa đã ban cho mỗi chúng ta. Áp lực học hành, áp lực công việc, gia đình, người thân đau ốm, khó khăn về vật chất, sức khỏe, nhưng trọng tâm của thập tự giá của chúng ta là học Kinh thánh, rao giảng Tin lành cho người khác. Nếu chúng ta chấp nhận cây thập tự này, thì đó chính là một chiến thắng. Mặc dù thập tự giá có vẻ nặng nề và cản trở cuộc sống bình thường, làm chúng ta phải hy sinh thời gian, tiền bạc và đôi khi chúng ta có thể cảm nhận được thiệt thòi. Nhưng nếu cuộc sống mà không có thập tự giá, thì đó là sự trống rỗng, áp lực của tội lỗi, đời sống vô nghĩa, còn thập tự giá đem đến chúng ta sự tha tội, cứu rỗi, làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa trong mắt Đức Chúa Trời, thập tự giá là ân điển của Chúa, là quyền năng cứu rỗi.

Đôi khi người ta nói về Đức Chúa Trời và biết về Đức Chúa Trời, nhưng không đồng nghĩa với việc có mối quan hệ cá nhân với Ngài. Chúa muốn và Ngài kêu gọi chúng ta có mối tương giao với Ngài. Tương giao có nghĩa là có chung suy nghĩ, ý muốn, giá trị chung, chí hướng chung, mục đích chung. Trong sự tương giao với Đức Chúa Trời, đôi khi chúng ta cũng có xung đột, chúng ta muốn ý của mình được thực hiện. Chúng ta muốn tự mình kiểm soát mọi thứ. Muốn tránh thập tự giá, để không phải hy sinh thời gian, phương tiện. Nhưng Đức Chúa Trời biết điều gì tốt nhất cho chúng ta, chính Ngài sẽ làm vì lợi ích của những người Ngài đã chọn. Bạn có muốn mọi thứ trong cuộc sống của bạn đều hướng đến điều tốt đẹp không? Sự cầu nguyện đúng đắn là cầu xin Chúa kiểm soát, và để Chúa làm chủ mọi hoàn cảnh. Cầu nguyện không phải để khuất phục Đức Chúa Trời theo ý muốn và ước muốn của chúng ta. Cầu nguyện là tìm ra ý muốn của Đức Chúa Trời và chiến đấu để vâng phục theo ý muốn đó. Trong sự vâng lời có chiến thắng, có phước hạnh. Amen

Sau khi Chúa Giê-su cầu nguyện lần thứ ba, Ngài lại đến với các môn đồ và nói: Ngài trở lại lần thứ ba, phán cùng môn đồ rằng: Bây giờ các ngươi ngủ và nghỉ ngơi ư! thôi, giờ đã tới rồi; nầy, Con người hầu bị nộp trong tay kẻ có tội. 42 Hãy chờ dậy, đi hè; kìa, đứa phản ta đã đến gần.

Sau khi hết lòng cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu được tiếp thêm sức trong lòng, nhận được sức mạnh từ Đức Chúa Trời, và sẵn sàng vác thập tự giá đến cùng, Ngài bình thản chịu mọi đòn roi, mọi sự sỉ nhục từ người Rô-ma, người Pha-ri-si, và cả sự phản bội, sự thờ ơ của các môn đồ gần gũi với nhất với Ngài đang ngủ ngon, những điều này không thể làm rung chuyển Ngài nữa vì trong lời cầu nguyện, Chúa Giê-su đã chiến thắng khi Ngài chấp nhận ý muốn của Đức Chúa Trời.

Amen

Video liên quan

Chủ Đề