Ca sĩ mary linh sầu đông là ai?

//kejazzdotcom.files.wordpress.com/2018/09/trung-khoi-final.mp3?_=1 Nhạc: Charles Trenet Lời Anh: Jack Lawrence Lời Việt: Nguyễn Thảo Trình bày: Mary Linh Hòa âm & phối khí: Lê Vũ Phòng thâu & final mix: LeVuMusic Studio Graphics: MarcMarc

KẻJazz:  Để giới thiệu một ca sĩ mà thời đại này người ta gọi là diva, chúng tôi thật phân vân. “Một tên tuổi không cần phải giới thiệu” là sáo ngôn vẫn thường được dùng trên sân khấu. Nghe rất cliché. Và thiếu thân mật với một người thân thiết. Để tỏ lòng mến mộ, tưởng không gì bằng lời nói của một thi sĩ/nhạc sĩ tên tuổi của thời đại này, và cũng là bạn của ca sĩ Mary Linh. KẻJazz xin cảm ơn anh Ngu Yên đã viết bài giới thiệu độc đáo này, và mời các bạn của KẻJazz cùng thưởng thức.

Hát Đến Hơi Thở Cuối Cùng

Về mặt tâm tình, hát là sống với niềm vui. Trong năm ba phút ngắn ngủi của bài hát, người nghệ sĩ thật sự chìm vào thế giới riêng, nơi âm thanh và tâm tư hòa điệu. Niềm vui đó vui một cách riêng, không có gì thay thế. Niềm vui đó dễ dàng nhưng không phải dễ thực hiện. Tôi không có ý nói đến ca sĩ, vì ca hát có nhiều mục đích khác nhau và thể hiện nhiều trình độ cao thấp. Tôi muốn nói đến những người có tâm hồn nghệ sĩ chân thật tìm được niềm vui say sưa trong tiếng hát, dù hát chuyên nghiệp hoặc hát tặng cho nhau hoặc hát một mình. Một trong những người tôi biết, hát suốt thăng trầm hơn 50 năm, hát với tình nhân âm nhạc, đó là ca sĩ Mary Linh.

Năm 1963, tháng 12, Mary Linh đến với khán giả lần đầu tiên lúc 17 tuổi. Lứa tuổi mà bất kỳ một thiếu nữ nào cũng có lời vô thanh mời gọi riêng tư mà một vài chàng trai nào đó bỗng dưng nghe được. Vô số chàng trai, vô số trung niên, nghe được tiếng mời gọi “có hình dạng” của cô ca sĩ trẻ. Tại sao “có hình dạng”? Trong thập niên 1960, những ca sĩ nổi tiếng như Kim Tước,Thái Thanh, Mai Hương… và thế hệ tiếp theo như Thanh Thúy, Trúc Mai… hầu hết đều ẩn núp hấp dẫn qua chiếc áo dài lôi cuốn một cách bí mật. Nhất là nét đẹp sầu muộn của Thanh Thúy đang chiếm ngự giấc mơ Sài Gòn về đêm. Ca sĩ Bích Chiêu, người thành danh “vệ nữ bốc lửa”đã rời sân khấu đến Paris. Sài gòn thuở đó êm đềm và tương tư. Mary Linh mang sóng đến với váy đầm, quần ôm, với mái tóc dài che nửa khuôn mặt, trong những điệu nhạc trẻ, kích động và đốt lại ngọn lửa sắp tàn của Bích Chiêu. “Có hình dạng” vì nhan sắc và thân hình của Mary Linh gần gũi lời thơ của thi sĩ Nobel 1971, Pablo Neruda. “… Your waist and your breast / the doubled purple / of your nipples / the sockets of your eyes / that have just flown away / your wide fruit mouth /…” […Chao ôi, eo vú thần kỳ / Rung rinh hạt núm lâm ly hạt hồng / Thâu hồn đôi mắt mơ mòng / Đôi môi nét rộng ngọt lòng hương hoa…] Đây cũng là lý do vì sao tên gọi Mary Linh ra đời. Cô tên thật là Thục Nữ. Bố của cô là nhà văn, nhà xuất bản Phạm Văn Tươi đã đặt tên cho cô nhưng không ngờ cô bé sơ sinh khi khôn lớn không phù hợp với nội dung “yểu điệu thục nữ quân tử hảo cầu,” mà từ thục nữ trở thành mỹ nữ, với những đường cong Châu Mỹ La Tinh, với nét sắc sảo của Tây ban Nha, Sài gòn thuở đó là một nhan sắc lạ. Cùng thời, bên trời Tây, Marilyn Monroe đang là một nhan sắc lừng lẫy trên màn ảnh Hollywood, với những đường cong nghiêng ngả trái tim. Hai đường cong đồng dạng gặp gỡ nhau, khiến cho nghệ sĩ lão thành họ Vũ đã không ngần ngại đề nghị Thục Nữ đổi tên trở thành Mary Linh.

Nỗi Lòng, Sầu Đông, Tiếng Mưa Rơi… là những ca khúc Mary Linh được giới thưởng ngoạn thưởng thức. Và Linh đã mang theo khi rời bỏ Sài Gòn sang Pháp năm 1981. Xứ lạ, xa nhà, Mary Linh bắt đầu hát những tình ca mà hầu hết người Việt lưu xứ đều thương cảm với muôn trùng kỷ niệm. Rồi những ca khúc mới của nhạc sĩ Lam Phương sáng tác quanh Paris đến với người Việt tha hương, một lần nữa, nổi bật bởi tiếng hát Mary Linh, nhạc phẩm, Say, Cho Em Quên Tuổi Ngọc

Qua diện gia đình bảo lãnh, Mary Linh đến Hoa Kỳ năm 1987 và định cư tại Houston, Texas. Người Việt Houston nghe Mary Linh từ vũ trường Ritz. Khách đến khách đi nghe Mary Linh ở các phòng trà và vũ trường tại Houston trong 30 năm qua. Khách về khách nhớ Mary Linh hát đêm thứ bảy ở sân khấu Jasmine trên đường Bellaire. Và gần nhất, mới nhất, là ca khúc La Mer mà Nguyễn Thảo dịch lời Việt: Trùng Dương và Lê Vũ hòa âm, phối khí do Mary Linh trình bày trên sóng mạng KẻJazz.

La Mer [Biển] là ca khúc do Charles Trenet sáng tác và ca sĩ Roland Gerbeau thâu đĩa năm 1945. Nhưng đến 1946, khi chính Trenet trình diễn, ca khúc này nổi bật, trở thành một trong số bản nhạc cơ sở truyền thống cho nhạc Jazz. La Mer chuyển sang tiếng Anh là Beyond the Sea, bởi Jack Lawrence “phóng tác”. Có nội dung và khí hậu khác với bản gốc. La Mer mang bầu không khí tản mạn, bơ vơ, một bãi biển phong cảnh trữ tình, gợi nhớ, một câu chuyện yêu đương không có nhân vật rõ ràng, mơ hồ trong tâm tưởng bồi hồi một hình bóng năm xưa. Với câu kết A bercé mon coeur pour la vie: Rung động tim tôi suốt một đời.

Trong khi Beyond the Sea với không khí ấm áp hơn, thực tế hơn. Có người yêu chờ đợi trên bãi biển ở một nơi nào đó, nhưng xa xôi lạc lõng giữa trùng khơi, người rong ruổi đi tìm, ước mơ con tim sẽ dẫn đến bờ tình yêu, để được hạnh phúc bên nhau và sẽ không bao giờ bị trùng dương ngăn cách. Ca khúc này ấn tượng nhất là từ ngữ “beyond”. “Ở bên kia” thế giới là cõi chết. Ở bên kia đàn ông là đàn bà. Hẹn em ở bên kia tình yêu, là hẹn gặp nơi tình yêu có thật vì tình yêu bên này hầu hết là giả mạo, vô tình hay cố ý. Ở bên kia biển là nơi đâu? Beyond the sea là chốn nào? Mỗi người trong chúng ta đều đã từng lẻ loi giữa biển đời, ước mơ thuyền tình sẽ đến một nơi có vòng tay âu yếm đợi chờ. Vòng tay nâng niu vuốt ve, không phải vòng tay ôm chặt đeo cứng. Ở bên kia biển là vượt qua vầng trăng [beyond the moon], xa hơn ngôi sao [beyond a star], là một nơi, có lẽ, không bao giờ đến, chỉ đến trong chiêm bao? Các bạn không tin? Thử nghĩ lại người cùng đứng với mình trên bãi biển mà chuyến thuyền tình đã đưa ta ghé vào. Vòng tay họ ra sao?

Cùng một lý do này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh đã sáng tác ca khúc Nỗi Lòng. Ca khúc mà Mary Linh được nhiều người thưởng thức. “Yêu ai, yêu cả một đời…” Mary Linh yêu ai? Yêu nhiều người, mỗi người một giai đoạn định mệnh, nhưng yêu cả một đời, chỉ có âm nhạc. Một lần ngồi với nhau, bên ly rượu cuối tuần, sau sân căn nhà nhỏ có nét buồn buồn của buổi chiều tàn nắng, tôi hỏi Linh về ước mơ. Người ca sĩ thả mắt đuổi theo tia nắng lộng lẫy cuối ngày, tia nắng từng dõi bước theo người 70 năm. “Ước mơ của Linh là được hát cho đến hơi thở cuối cùng.”

Mời tia nắng ngày mai trở lại nghe tiếng hát “Trùng Khơi”.

Ngu Yên. Tháng 9, 2018. Houston.

Trùng Khơi Trùng khơi đại dương xa tắp Bờ xa ai đang chờ mong Người anh yêu vẫn một mình lặng ngóng Gió đưa bao cánh buồm về ngang chốn này Trùng khơi đại dương lấp lánh Người yêu vẫn luôn đợi anh Nhìn chim giang cánh mà lòng thầm ước Ước mơ theo chim bay về nơi có em Dù xa tựa muôn tinh tú Gần hơn bóng trăng đầu ngày Tình anh cần chi suy tư Dắt đưa anh lại gần em Trùng khơi đại dương ta đến Gặp nhau, hôn nhau trìu mến Lòng ta hạnh phúc dạt dào ngàn sóng Cắm neo không bao giờ rời xa bến yêu Beyond the Sea Somewhere beyond the sea Somewhere waitin' for me My lover stands on golden sands And watches the ships that go sailin' Somewhere beyond the sea She's there watchin' for me If I could fly like birds on high Then straight to her arms, I'd go sailin' It's far beyond a star It's near beyond the moon I know beyond a doubt My heart will lead me there soon We'll meet beyond the shore We'll kiss just as before Happy we'll be beyond the sea And never again I'll go sailin'

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn các ca khúc “Vọng Ngày Xanh”, “Có Nhớ Đêm Nào”, “Sầu Đông” của Nhạc sĩ Khánh Băng.

Nhạc sĩ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, sinh năm 1935 tại Thắng Tam, Vũng Tàu. Nghệ danh Khánh Băng được ông ghép từ tên của hai cô bạn học từ thời tiểu học, một người là Khanh, một người là Băng, ông thêm dấu “sắc” vào chữ Khanh thành Khánh Băng. Ông là tác giả của ba bài hát nổi tiếng qua nhiều thế hệ “Vọng ngày xanh”, “Sầu Đông”, và “Có Nhớ Đêm Nào”.

Năm 1949, NS Khánh Băng lên Sài Gòn học trung học ở trường Huỳnh Khương Ninh, Đa Kao. Cùng vài người bạn như kịch sĩ Vân Hùng, Tùng Lâm… Ông lập ban nhạc, thường xuyên tập dượt, và chơi miễn phí cho các đám cưới thời bấy giờ.

Nhạc sĩ Khánh Băng khởi đầu sự nghiệp ca nhạc vào năm 1954, được sự hướng dẫn và giúp đỡ của nhạc sĩ Võ Đức Thu, với cây đàn mandoline ông thi đậu vào làm nhạc công ở Đài Phát Thanh Sài Gòn thời ấy. Sau đó, ông được Tùng Lâm tiến cử với nghệ sĩ Trần Văn Trạch, ông chơi đàn ở đoàn Sầm Giang và ở Đài Phát Thanh Pháp Á. Nhạc sĩ Khánh Băng được xem là người Việt Nam đầu tiên sử dụng đàn guitar điện trên sân khấu thập niên 1960.

Nhạc sĩ Kháng Băng viết nhạc rất sớm, từ những năm học tiểu học, bản thân ông cũng không nhớ bản nhạc đầu tay của mình. Bài hát đầu tiên của ông được phát thanh là “Nụ Cười Thơ Ngây”, do ca sĩ Minh Trang và ca sĩ Anh Ngọc song ca trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 15 tháng 3, 1955. Ông thật sự thành danh với bài “Vọng Ngày Xanh” viết năm 1956. Bài hát này đã được nhà văn nữ nổi tiếng người Pháp, Françoise Sagan, viết lời Pháp và nhờ vậy, ông được Hội Tác Quyền Thế Giới mời gia nhập. “Vọng Ngày Xanh” được nhiều ca sĩ như Minh Trang, Lệ Thu, Hùng Cường, và danh ca Thái Thanh trình bày, trong đó thành công hơn cả là danh ca Thái Thanh.

Nhạc sĩ Khánh Băng viết rất nhiều ca khúc có tiết tấu nhanh, sôi động, thường được gọi là thể loại Nhạc Kích Động. Những bài hát như: “Sầu Đông”, “Có Nhớ Đêm Nào”, “Tiếng Mưa Rơi”… do ông sáng tác vào khoảng năm 1962 được coi là những bài Nhạc Trẻ đầu tiên ở Việt Nam. Bài “Sầu Đông” còn được ông viết thêm lời tiếng Pháp và có thêm lời tiếng Anh do một người khác viết.

Cũng trong thời gian này [1961-1962] ông cùng nhạc sĩ trống lừng danh Phùng Trọng thành lập ban nhạc “Khánh Băng – Phùng Trọng” và ban nhạc này của ông và nhạc sĩ Phùng Trọng từng tung hoành lẫy lừng suốt thập niên 60 với dòng Nhạc Trẻ.

Danh ca Bạch Yến và NS Khánh Băng trên trang đầu bài nhạc “Sầu Đông” của ông.

Ông cũng viết nhiều ca khúc trữ tình với các bút danh Anh Minh, Nhật Hà… Trong khoảng thời gian từ 1991 đến 1996, trước khi bị mù do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, ông vẫn còn sáng tác được hơn 100 bài, trong đó có những bài hát phổ biến như: “Trên Nhịp Cầu Tre”, “Chờ Người”, “Chiều Đồng Quê”… mang phong cách Nam Bộ. Về số lượng ca khúc đã viết, theo lời ông: “500 thì quá ít mà 1.000 lại hơi nhiều”.

Nhạc sĩ Khánh Băng mất ngày 9 tháng 2, 2005 tại nhà riêng ở đường Chu Văn An, Sài Gòn. Ông được an táng ở quê nhà Vũng Tàu.

Dưới đây mình có các bài:

– 10 năm Nhạc Sĩ Khánh Băng đi, sầu đông nào vẫn chưa tan – Phần 1 và Phần 2 – Chiều nay gió đông về – 45 phút tâm tình cùng với Nhạc Sĩ Phùng Trọng, đời sống giờ ra sao?

– Lâm Hào: Ông “Vua” chế tạo guitar điện

Cùng với 5 clips tổng hợp các ca khúc “Vọng Ngày Xanh”, “Có Nhớ Đêm Nào”, “Sầu Đông” do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng và 1 clip độc tấu piano tác phẩm bất hủ “Vọng Ngày Xanh” để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Đặc biệt trong phạm vi bài này mình giới thiệu đến các bạn ông Lâm Hào: Ông “Vua” chế tạo guitar điện đầu tiên của Việt Nam, người đã cùng nhạc sĩ Khánh Băng tiên phong đưa đàn guitar điện lên biểu diễn trên sân khấu Việt Nam lần đầu vào năm 1962.

Mời các bạn.

Túy Phượng

[Theo Wikipedia]

Ảnh trái: Trần Quốc Bảo chụp Khánh Băng năm 1995, ảnh phải là ban nhạc Thời Đại với 4 nhạc sĩ Dương Quang Định, Dương Quang Lê Minh, Khánh Băng, Phùng Trọng.. chụp khoảng năm 1962-1963.

10 năm Nhạc Sĩ Khánh Băng đi, sầu đông nào vẫn chưa tan – phần 1

[Trần Quốc Bảo]

Mùa Xuân, ngày Tết.. người Việt Nam nào cũng mong chờ tin vui đến với nhà mình. Nhưng với giới nhạc sĩ quê nhà trước 1975, cái Tết 2005 là một nỗi buồn không nhỏ khi nhận được tin Khánh Băng, tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như Vọng ngày xanh, Tiếng mưa rơi, Sầu đông, Có nhớ đêm nào, Nếu một ngày, Người lính chung tình, Vườn tao ngộ, Chiều hoang, Đôi ngã chia ly.. đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào đúng ngày mùng 1 Tết âm lịch Ất Dậu 2005, tức ngày 9 tháng 2 dương lịch, hưởng thọ 70 tuổi. Khánh Băng tên thật Phạm Văn Minh, sinh ngày 25 tháng 12 năm 1935 tại Thắng Tam, thị xã Vũng Tầu. Nghệ danh của Ông ghép từ tên 2 cô bạn thân, một tên Khanh, một tên Băng, thêm dấu sắc tên đầu, từ đó có tên Khánh Băng.

Mất đúng ngày đầu năm, gia đình nhạc sĩ Khánh Băng phải để lui một, hai ngày sau mới thông báo đến thân nhân và bằng hữu xa gần. Người biết tin buồn này đầu tiên ở Mỹ là nhạc sĩ Quốc Dũng, lúc đó Anh vẫn còn đang du lịch tại Hoa Kỳ. Quốc Dũng sau đó đã báo tin ngay đến người viết cùng Thanh Mai, Nguyễn Đức Cường, Nhật Ngân, Phương Hồng Quế.. Lập tức,TQB đã liên lạc ngày với 2 ca sĩ Thanh Thúy [Sacramento], Diễm Hương.. Sau đó hai nghệ sĩ này và người viết đã cùng với Quốc Dũng, Nhật Ngân, Nguyễn Đức Cường, Thanh Mai, Phương Hồng Quế.. gửi ngay một số tiền đến gia đình Khánh Băng để phụ phần ma chay tang lễ.

Giữa người viết và Khánh Băng kỷ niệm khá nhiều với biết bao nhiêu buổi ăn trò chuyện từ năm 1993 cho đến 2003.. Suốt mười năm ấy biết bao nhiêu tình.. Thật vậy! Những buổi trưa hè tại Giòng Suối Xanh, một nhà hàng nhỏ bên bờ sông Thanh Đa, hoặc tại quán 38 Đồn Đất do chị ruột ca sĩ Duy Thanh làm chủ. Mỗi lần tụ tập đông đảo nhạc sĩ Saigon cũ như vậy, cả nhóm phải kéo hết lên lầu để tự do tâm sự.. Tiếng cười, tiếng nói.. của những mái đầu giờ đây đã bạc mà trái tim âm nhạc hình như vẫn còn luôn xanh mãi. Nhưng hình ảnh làm tôi vương vấn, đó là lần TQB tổ chức buổi hội ngộ 75 gia đình nhạc sĩ quê nhà tại khách sạn Hương Việt, hình ảnh của 3 nhạc sĩ Khánh Băng, Đỗ Thu, Nguyễn Hữu Thiết.. đôi mắt tinh anh ngày nào của 3 người giờ đây đã mù lòa ngồi bên nhau cùng nhắc bao kỷ niệm vui buồn một thuở.. Đôi mắt họ lúc đó chẳng còn thấy được gì ngoài những nẻo đường ký ức với những khuôn mặt bạn bè người đi, kẻ ở.

Hàng đứng từ trái sang phải: Nhạc sĩ Đỗ Quang [con trai NS Viết Chung], MC Thanh Hải, ca sĩ Trúc Mai, TQB và hàng ngồi: Thịnh, NS Khánh Băng và NS Tòng Sơn chụp ngày 15 tháng 6 năm 2000.
Nhạc sĩ Khánh Băng và Nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt.
Từ trái sang phải: Trần Quốc Bảo, Nguyễn Vũ [Bài Thánh Ca Buồn], Hà Phương [Em Về Miệt Thứ], Khánh Băng [Sầu Đông] chụp tại Khách sạn Hương Việt tháng 2 năm 1996.
Ảnh NS Khánh Băng do TQB chụp khoảng năm 1996.

10 năm Nhạc Sĩ Khánh Băng đi, sầu đông nào vẫn chưa tan – phần 2

[Trần Quốc Bảo]

Trong những lần trò chuyện cả đêm, Khánh Băng kể người viết nghe nhiều giai thoại lý thú về cuộc đời Ông.. Có nhiều việc đồng nghiệp, người đọc đã biết, nhưng cũng có những mẫu chuyện Ông chưa hề tiết lộ. Mời bạn đọc nghe chuyện lòng của nhạc sĩ Khánh Băng qua những lần Ông tâm sự khoảng năm 1995…

“Từ thuở nhỏ tôi đã yêu thích âm nhạc nên tự luyện đàn Mandolin. Đã từng hợp tác với anh Đoàn Kỳ Quận dàn dựng, tập luyện và trình diễn với các em học sinh trong những buổi cắm trại và những buổi lễ bãi trường. Từ năm 1948, lúc 14 tuổi, tôi đã tập sáng tác. Sau khi hoàn thành bản nhạc nào, tôi liền gửi lên Saigon cho anh Võ Đức Thu. Tôi quen anh Võ Đức Thu qua sự giới thiệu của người bạn tôi và cũng là em của anh Võ Đức Thu là Võ Đức Hảo. Sau khi sửa chữa những chỗ sai sót, anh Võ Đức Thu còn ghi chú thêm những luật lệ về sáng tác. Sau đó, Ông mới gửi trả về Vũng Tầu cho tôi bằng những bao thư có dán tem sẵn. Nói về mặt sáng tác, đây là lối học hàm thụ mà tôi đã được Ông Võ Đức Thu chỉ dẫn và khuyến khích rất nhiều.

Sau mùa Hè năm 1949, tôi phải lên Saigon học trường Huỳnh Khương Ninh [Đa Kao] vì lúc đó ở Vũng Tầu không có bậc Trung học. Năm 1954, vì có sự khuyến khích của bạn bè, tôi tham dự trong cuộc tuyển lựa Tài Tử ở Saigon tổ chức tại rạp Nam Việt. Sau đó tôi được tuyển chọn làm nhạc công ở Đài phát thanh Saigon với cây đàn Mandolin. Vì tôi sáng tác rất nhiều nên không thể nhớ được bản nhạc nào là bản nhạc đầu tiên.. nhưng có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, đó là chiều ngày thứ ba 15 tháng 3 năm 1955 trong chương trình thường trực của Đài phát thanh Saigon, nhạc phẩm đầu tiên của tôi được trình diễn, đó là bài Nụ Cười Thơ Ngây với hai giọng hát Minh Trang và Anh Ngọc. Vì nhận thấy với cây đàn Mandolin không thể phát huy tối đa bằng cây đàn guitar nên tôi bắt đầu tập khổ luyện thêm đàn guitar từ năm 1953-1954 theo phương pháp methos Caroly.

Năm 1955, tôi gia nhập ban Sầm Giang của anh Trần Văn Trạch và ban kịch Dân Nam của Anh Lân và chị Túy Hoa với sự giới thiệu của Tùng Lâm. Từ năm 1955-1959 tôi thường xuất hiện trên các sân khấu Đại Nhạc Hội và phụ diễn ca nhạc với tiết mục độc tấu guitar thùng. Năm 1960 tôi chuyển qua guitar điện và biểu diễn hàng đêm tại các phòng trà ca nhạc do tôi làm chủ trong khu giải trường Thị Nghè.

Năm 1962, nhờ sự giới thiệu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với hãng dĩa Sóng Nhạc, dĩa nhạc đầu tiên của tôi ra đời với những ca khúc do tôi sáng tác như Sầu đông, Có nhớ đêm nào, Lưu luyến, Đêm cô đơn.. Thành phần ban nhạc lúc bấy giờ gồm có Khánh Băng, Phùng Trọng, Dương Quang Định và Dương Quang Lê Minh. Vào năm 1964, ban nhạc của tôi là ban nhạc trình diễn trước tiên trong dịp lễ khai trương của Đài Truyền Hình VN. Năm 1966, ban nhạc của tôi với thành phần Khánh Băng, Phùng Trọng, Nguyễn Ánh 9, Duy Khiêm cùng với 2 nữ ca sĩ Mary Linh và Phước Vân được trao tặng Huy Chương Vàng do Hội ký giả tổ chức tạp rạp Quốc Thanh.

Ảnh ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng từ trái sang phải: Khánh Băng [guitar] – Duy Khiêm [bass], Phùng Trọng [trống], Nguyễn Ánh 9 [Piano] chụp khoảng năm 1966-1967.

Năm 1967 vì là ban nhạc thường trực của Đài Truyền Hình nên ban nhạc tôi có sự thay đổi: Khánh Băng, Phùng Trọng, Nguyễn Thành [saxo, Tenor], Thôi Phước [trumpet], Sầm Sơn [guitar bass]. Từ tháng 3 năm 1973, tôi sang lại nhà hàng kiêm vũ trường Hawaii lầu 4 số 6 đường Bùi Viện để tự khai thác biểu diễn hàng đêm cho đến ngày 20 tháng 3 năm 1975 thì bị đình chỉ hoạt động vì tình hình an ninh chung.

Cuối năm 1991, tôi bắt đầu sáng tác trở lại cho đến nay [LTS – khoảng năm 1995] đã được 156 bài. Trong số này, có nhiều bài đã được phổ biến tại thị trường Việt Nam khoảng 70 bài và một số ít ở thị trường hải ngoại. Hơn 50 năm phục vụ văn nghệ trong lĩnh vực sáng tác, tôi không nhớ chính xác là mình đã viết bao nhiêu bài, “nói 500 thì quá ít, mà 1000 lại hơi nhiều”.

Năm 1967, tôi được mời vào Hội S.C.A.C.E.M Paris với 2 nhạc phẩm Johnny Mon Amour tức Sầu Đông và Vọng Ngày Xanh với lời Pháp của nữ văn sĩ Francoise Sagan viết lời Pháp. Từ năm 1966-1970, ban nhạc của tôi trình diễn trong hầu hết các Club Mỹ tại Saigon, căn cứ Long Bình, phi trường Biên Hòa, căn cứ Long Thành, căn cứ Phú Lợi”…

Những lời tâm sự của Ông với tôi ngày đó đến nay cũng đã 20 năm rồi. Khánh Băng là một nhạc sĩ tài hoa, đức độ từ lúc bước chân vào làng âm nhạc. Mười mấy năm sau cùng, đôi mắt Anh bị mù lòa, đi đâu cũng phải có người chở. Mộng ước cuối đời của Khánh Băng là được sang Hoa Kỳ thăm thân nhân và bằng hữu, nhưng vì hoàn cảnh tài chánh cũng như thủ tục giấy tờ quá chậm chạp rắc rối, thành thử niềm mơ ước đó mãi mãi chẳng bao giờ đạt được.

Trước hai tháng Ông từ trần, Ông tổ chức sinh nhật mình ngày 25 tháng 12 năm 2004 ngay tiệm Phở của Giao Linh với sự tham dự của nhiều bạn bè thân như Châu Kỳ, Mặc Thế Nhân, Quốc Dũng, Hoàng Trang, Đài Phương Trang, Trang Mỹ Dung, Tú Trinh, Lan Ngọc, Hồng Vân, Đào Hoa Nữ.. ngay tối hôm đó, Ông bị té cầu thang và gẫy tay.

Một nén nhang xin được thắp lên tưởng niệm nhớ về Ông, cũng như nhớ về những ca khúc của Khánh Băng, còn có những biệt hiệu khác như Anh Minh, Nhật Hà.. Mười năm đã qua, mỗi khi cơn gió lạnh cuối Đông thổi sầu về, lại nhớ đến sinh nhật 25 tháng 12 của người.. Ôi 10 năm khuất bóng Khánh Băng, sầu đông nào sao vẫn chưa tan…

Ban nhạc Khánh Băng với Lê Duyên, Khánh Băng, Phùng Trọng, Duy Mỹ.
Ảnh chụp tháng 7 năm 1957 tại rạp Thống Nhất với Nguyễn Long, Lê Duyên [mandolin], Ngọc Minh Hà, Khánh Băng, Huỳnh Hoa [Saxo]. Hình này do con trai NS Ngọc Minh Hà tặng TQB hồi tháng 2 năm 1996.
NS Khánh Băng với ban nhạc The Dew Drop Band.

[Trích bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Việt Tide phát hành ngày thứ sáu 6 tháng 2 năm 2015]

Ban kích động nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe.

Chiều nay gió đông về

[Hà Đình Nguyên – đăng trên báo Thanh Niên năm 2002]

Trước mặt tôi là một ông già 67 tuổi. Dù chưa bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hi” nhưng đôi mắt của ông gần như đã mù lòa. Mọi việc, dù nhỏ nhặt bình thường nhất cũng cần có người thân giúp đỡ. Con người ấy đã một thời thành danh trong làng âm nhạc ở Sài Gòn những năm trước 1975. Giờ đây ông quẩn quanh trong nhà, với nỗi niềm “lực bất tòng tâm” như lời một bài hát của chính ông – nhạc sĩ khánh Băng: “Chiều nay gió đông về…”.

Sinh năm 1935 tại Thắng Tam [Vũng Tàu], ngay từ thời còn học tiểu học cậu bé Phạm Văn Minh đã khiến cho bạn bè “lác mắt” bởi ngón đàn mandolin. Cậu cũng luôn là người “đầu têu”, dàn dựng những chương trình văn nghệ học đường. Cậu học trò Minh cũng bắt đầu sáng tác nhạc trong thời gian này. Bản nhạc nào tâm đắc, cậu gửi lên Sài Gòn cho nhạc sĩ Võ Ðức Thu [anh ruột của người bạn thân tên Võ Ðức Thảo]. Nhạc sĩ Thu xem, sửa chữa những chỗ sai sót bằng bút đỏ rồi gởi trả về Vũng Tàu như một kiểu học hàm thụ – nhờ thế mà khả năng, kiến thức về nhạc lý, sáng tác của Khánh Băng được củng cố và tiến bộ rất nhiều.

* Ðó là thời thơ ấu. Thực ra ông chính thức bước vào lĩnh vực ca nhạc từ lúc nào ?

– Tôi có được chút tiếng tâm kể từ lúc lên Sài Gòn học trung học ở Trường Huỳnh Khương Ninh – Ða kao [năm 1949]. Ở khu vực Tân Ðịnh này, chúng tôi thành lập một nhóm thanh thiếu niên yêu thích văn nghệ, trong đó có Vân Hùng, Tùng Lâm… thường xuyên tập dượt với nhau để chỉ… đi phục vụ đám cưới miễn phí. Vậy mà vui lắm! Tôi chuyên biểu diễn mandolin. Cũng nhờ cây đàn 8 dây này mà năm 1954 tôi thi đậu vào… làm nhạc công trong Ðài Phát thanh Sài Gòn. Sau đó chính Tùng Lâm tiến cử tôi với nhạc sĩ Trần Văn Trạch, ông này cho tôi được chơi đàn ở đoàn Sầm Giang của ông và giới thiệu tôi vào đàn ở Ðài Pháp – Á. Khánh Băng khởi nghiệp từ đó…

* Với cây đàn mandolin ?

– Mới đầu là vậy nhưng một thời gian sau tôi thấy cây đàn mandolin khó có chỗ để dụng vô, tôi bèn quay sang cây đàn guitar. Tự học. Phải mất hơn 2 năm khổ luyện. Có thể nói, tôi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng cây guitar điện trên sân khấu.

* Trong lĩnh vực sáng tác, đến nay ông đã có bao nhiêu tác phẩm? Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản nhạc nào?

– Khó nhớ hết những bản nhạc tôi đã sáng tác. 500 thì… quá ít, 1.000 lại hơi nhiều. Tôi sáng tác từ thời còn… mặc quần cộc nên cũng chẳng nhớ nhạc phẩm đầu tay là bài nào. Có điều tôi không bao giờ quên là vào ngày thứ ba 15.3.1955 Ðài phát thanh Sài Gòn lần đầu tiên phát bài hát của tôi, bài Nụ cười thơ ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca. Còn thành danh nhờ bài Vọng ngày xanh [1956]. Bài hát này được Hội S.C.A.C.E.A.M [Hội Tác quyền quốc tế] có trụ sở tại Paris mời gia nhập hội với lời Pháp do nữ văn sĩ Francoise Sagan viết cộng với bài Sầu đông do tôi tự viết lời Pháp, tựa là Johnny Mon amour [1967].

* Thời đó, người ta gọi thể loại nhạc mà ông sáng tác là “kích động nhạc”. Ông giải thích cụm từ này như thế nào?

– Thật ra chẳng có gì ghê gớm cả! Chẳng qua là một cách gọi để chỉ các bản nhạc có tiết tấu nhanh, sôi động [như nhạc trẻ bây giờ]. Trước tôi đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác thể hóa này, như Lê Yên [Ngựa phi đường xa], Y Vân [Sài Gòn đẹp lắm]… Tuy nhiên những bài hát Sầu đông, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi… do tôi sáng tác vào khoảng năm 1962 vẫn được coi là những bài nhạc trẻ đầu liên ở Việt Nam. Mà tôi đâu chỉ viết nhạc kích động, tôi cũng viết nhạc trữ tình dưới các bút danh khác như: Anh Minh, Nhật Hà… Từ năm 1991 đến năm 1996, trước khi mắt bị mờ tôi vẫn còn sáng tác được hơn 100 bài, trong đó có những bài khá phổ biến như Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê… mang phong cách nhạc đồng quê Nam Bộ.

* Ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng nổi tiếng trước đây không lẽ chỉ có… hai người?

– Ồ không, đông chứ! Nhưng chỉ lấy tên hai người trụ cột là Khánh Băng [guitar], Phùng Trọng [trống]. Ngoài ra còn có Nguyễn Thành [saxo ténor], Sầm Sơn [guitar bass], Thu Phước [trompette]. Ban nhạc được thành lập đầu thập niên 60. Ðây cũng là ban nhạc đầu tiên xuất hiện trên truyền hình. Năm 1966 ban nhạc được HCV do khán giả bình chọn là Ban nhạc chơi hay nhất trong cuộc thi do Hội Ký giả Sài Gòn tổ chức. Anh Phùng Trọng hiện còn sống ở TP Hồ Chí Minh.

* Quả là một thời lừng lẫy. Chắc chuyện tình cảm của ông thời đó cũng… lẫy lững không kém. Ông có thể tiết lộ chút ít về cô Khanh và cô Băng mà ông đã “mượn” tên ?

– Lẫy lừng gì, rối rắm thì có. Không phải là mình tham lam gì, chỉ vì… cầm lòng không đậu [cười]. Còn hai cô Khanh và Băng, chỉ là những ấn tượng đẹp đầu đời. Thuở ấy chúng tôi còn… tí xíu! Cô Băng giờ cũng đang… dưỡng lão ở Vũng Tàu, cô Khanh thì biệt tích từ lâu. Mới đó mà “mùa đông” đã về với chúng tôi rồi.

Ban nhạc Thời Đại. Ảnh: DiemXuaCafe.

45 phút tâm tình cùng với Nhạc Sĩ Phùng Trọng, đời sống giờ ra sao?

[Trần Quốc Bảo]

Phùng Trọng tên thật là Bùi Hữu Trí sinh ngày 4 tháng 4 năm 1936 cùng năm với Duy Khánh, Hùng Cường. Ông là một tay trống lẫy lừng tại Saigon những năm đầu thập niên 60. Đó là khoảng thời gian Phùng Trọng đi lính bên ngành Công Binh, gặp Khánh Băng trong cùng đơn vị, cả hai lập ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng, sáng làm việc trong văn phòng, tối ra ngoài cùng biểu diễn ở Olympia, Văn Cảnh, phòng trà Khánh Ly.. và nhất là các Club Mỹ. Tiếng trống Phùng Trọng, tiếng guitar Khánh Băng, tiếng bass Duy Khiêm, tiếng mandolin Lê Duyên, có nhiều lúc cùng với tiếng dương cầm Nguyễn Ánh 9, tiếng harmonica Tòng Sơn phối hợp với các giọng ca Kiều Loan, Ngọc Mỹ, Mary Linh, Kiều Oanh, Ngọc Vân, Hoàng Hạc, Duy Mỹ.. đã tạo thành một sắc thái rất đặc biệt của ban Khánh Băng – Phùng Trọng những đêm Sàigòn hoa mộng cũ.

Những ngày huy hoàng đó của tay trống Phùng Trọng giờ đây đã xa xôi. Ánh nắng chiều héo hắt đã phủ xuống ngập đầy trên cuộc đời người nhạc công tài hoa từ nhiều năm qua giữa một Saigon cũng đã quá nhiều những thay đổi.

“Nhưng năm tháng vô tình và lòng người cũng vô tình, rồi mộng úa thay mầu xanh…”

Người viết sau khi tìm kiếm số điện thoại của Phùng Trọng nhiều lần không được, cuối cùng phải gọi về Saigon nhờ nữ ca sĩ Giao Linh thân chinh đến tận nhà Ông ở tuốt Bình Tân.. Đến nhà có lúc khóa cửa, chị đợi mãi phải quay về. Một hôm đi diễn, Giao Linh gặp Tòng Sơn, người nhạc sĩ harmonica cho biết: “Hôm bữa đi ngoài đường, gặp Phùng Trọng đi bán vé số dạo. Cầm lòng không đậu, Anh đi hát có bao nhiêu nhiều tiền, móc túi ra gửi hết”. Nhờ vậy, Tòng Sơn mới lấy được số điện thoại P.T ngay hôm đó.

Khi Giao Linh gọi sang cho số phone, chị nói: “Tìm hoài mới có đó Bảo, ghi xuống kỹ nha.. [090]9665411”. Sau đó, tôi điện thoại anh nhiều lần nhưng không thấy ai bắt máy. Giao Linh một lần nữa, phải đến tận nhà, nói có nhiều người xa gần muốn tìm anh để giúp đỡ. Sau đó, tôi gọi tiếp thì được nghe tiếng Phùng Trọng quen thuộc cất trên đầu giây nói. Tôi mừng quá, nói lớn:

– “Trời ơi, anh đi đâu mà tụi em tìm mãi thời gian qua.. Đến nhà không thấy. Điện thoại không bắt..”

– “Bây giờ khổ quá Ông ơi, tui phải đi bán vé số mỗi ngày. Không có nhà cửa ráo trọi. Ở nhà mướn, đầu tháng thiếu tiền, nó khóa cửa đuổi ra ngoài đường. Chừng nào có tiền thì mới cho vô…”

Tiếng Phùng Trọng thật buồn xa vắng, pha lẫn một chút gì đó trách phận bùi ngùi. Tôi nói:

– “Anh ở Sàigòn mà sao không ai biết.. Ngay cả Anh Vinh Sử còn nói với TQB là Ông Phùng Trọng mất lâu rồi mà..”.

– “Tui nghèo quá không có tiền. Mắc cở, tui không dám đi kiếm anh em, thằng nào thân lắm thì mới đi kiếm. Mình có tên có tuổi hồi đó, bây giờ khổ quá, thì thôi..

Và chính bởi lòng tự trọng, Ông chẳng đi tìm ai hết, ngoại trừ hai người bạn mà Phùng Trọng nghĩ là thương Ông nhất, đó là hai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Lê Duyên.

– “Ai là người nhạc sĩ thân thiết mà anh còn gặp?”

– “Nguyễn Ánh 9 đó.. Tui nghèo quá, thỉnh thoảng nhờ nó giúp đỡ Ông ơi.. Còn nữa.. Biết Lê Duyên không?”

– “Dạ biết.. Anh Lê Duyên chơi mandolin hay lắm..”

– “Lê Duyên bây giờ ở Phú Nhuận gần nhà Phạm Duy cũ đó..”

Nói chuyện với Phùng Trọng bây giờ, câu gì cũng dễ làm cho Ông tủi thân, ngoại trừ khi nhắc về quá khứ Sàigòn và những người bạn cũ.. Phùng Trọng khoe:

– “Ông Tuấn Khanh có gọi về thăm tui..”.

– “Vâng, tác giả Hoa Soan Bên Thềm Cũ đã gọi xin em số phone của anh. Ổng ấy bận với nhà hàng mà có lòng quá”.

Ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng một thuở lẫy lừng. Từ trái: Lê Duyên [mandolin], Khánh Băng [guitar], Phùng Trọng [trống], Duy Mỹ [hát].

Phùng Trọng hỏi thăm về Kiều Loan, Ngọc Mỹ, Mary Linh.. Khi hỏi ông còn nhớ bài hát gì mà ban Khánh Băng – Phùng Trọng ngày xưa thường trình diễn với mấy ca sĩ đó.. Người nhạc sĩ nói ngay bài hát của Kiều Loan:

– “Bài gì đó.. quên tên rồi..”. Ngần ngừ vài giây, Phùng Trọng đọc chậm vài lời trong bài hát.. “Câu gì đó.. Uhmm.. Be sure to wear some flowers in your hair.. Aaa! Đó là ca khúc San Francisco, còn Ngọc Mỹ có bài I Left My Heart In San Francisco cũng dữ lắm”.

Sau biến cố 1975, tất cả sinh hoạt vũ trường, phòng trà gần như tắt hẳn. Thời gian đầu, Phùng Trọng phải theo những đoàn hát cải lương sinh sống, trong đó có đoàn Thanh Nga, rồi sau đó lần lượt là những đoàn kịch Bông Hồng, Kim Cương.. Người nhạc sĩ trống hồi tưởng lại:

– “Đến chừng họ cho mở dancing, tui về làm Nam Đô, Vĩnh Lợi, rồi mấy phòng trà nho nhỏ ở Gia Định. Có cả Đệ Nhất Khách Sạn chung với Trần Trịnh.. À! Nghe nói Anh Trịnh chết rồi phải không?”

– “Dạ, Anh Trần Trịnh mất hồi tháng 11 năm 2012. Rồi sao nữa anh?

– “Thì, đến khi 65 tuổi là nghỉ luôn..”

– “Sao lại nghỉ vậy anh. Buồn chết?”

– “Chủ chê mình già quá, không ai mướn mình nữa hết.. Mà nè..”

Giọng Phùng Trọng chợt đổi tông lên cao, giọng có vẻ reo vui:

“A.. Bảo ơi, cho tui gửi lời thăm Phương Hồng Quế nhe..”.

Ông khoe Phương Hồng Quế biết đứa con trai lớn của mình.

– “Thằng đó chết mấy năm nay rồi. Nó tên Trung, từng chơi bass cho nhà hàng của Phương Hồng Quế. Nó sinh năm 1960. Chết lúc 50 tuổi.

– “Ngoài Trung ra, anh còn đứa con nào nữa không?”

– “Thì còn thằng hiện giờ nè. Nó tên Bùi Hữu Trai, 18 tuổi”.

– “Tên gì anh?? Trai?”

Ông cười to và nói:

– “Tui tên Bùi Hữu Trí. Tụi Mỹ lúc đó cứ gọi tui là Trai.. cho nên tui đặt tên thằng nhỏ này tên Trai luôn..Bây giờ ở chung với tui”.

– “Nó con bà nào.. Con bà trước hả?”

– “Con bà hiện giờ nè..”

– “Còn ai đặt tên cho anh là Phùng Trọng?”

– “Hồi đó làm báo tui để tên Bùi Hữu Trí. Bà chị nói: Trong lớp, ai cũng biết tên mày là Bùi Hữu Trí.. để tao lấy một cái tên khác cho mày.. Thế là Bà đặt cái tên Phùng Trung Trọng.. Mấy người quảng cáo trên báo nói tên dài quá.. thế là để Phùng Trọng luôn từ ngày đó”.

Nhạc sĩ Phùng Trọng dù nghèo nhưng vẫn chấp nhận đi làm bằng chính mồ hôi nước mắt của mình ngày ngày trên đường phố.

Gần 45 phút trò chuyện, tiếng cười của Phùng Trọng bắt đầu nghe rộn ràng hơn trên đầu giây nói. Kỷ niệm như giòng sông nhỏ, lặng lẽ ra đi, và hôm nay, lặng lẽ trở về.. Giờ đây ở Cali, đồng hồ điểm 4 giờ sáng, và ở Saigon, có lẽ đã 7g chiều. Giờ đây trên đường phố giữa tám nẻo thị thành, có ai biết được rằng, giữa lúc thành phố lên đèn, đang có một người bán vé số cố mau trở về nhà. Buổi cơm chiều nay với người vợ và đứa con trai nhỏ sẽ là buổi ăn rộn ràng nhất cuộc đời Ông từ sau 75 đến giờ.. Một buổi ăn vô cùng hạnh phúc.. vì thời gian cứ trôi, cứ trôi.. nhưng lòng người đã chẳng vô tình như Ông từng nghĩ.

[Trích bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Việt Tide phát hành ngày 4 tháng 4 năm 2014]

Ông Lâm Hào thời trẻ. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Lâm Hào: Ông “vua” chế tạo guitar điện

[Như Hà – September 30, 2013]

[Trong giới nhạc công của Sài Gòn ngày xưa, nhạc sỹ Khánh Băng được cho là người đầu tiên đem cây ghita điện lên sâu khấu vào thuở nhạc rock-n-roll Âu Mỹ mới xâp nhập vào Việt Nam đầu những năm 1960. Lang thang trên internet, DongNhacXua.com may mắn tìm được một bài viết của tác giả Như Hà đăng trên Thể Thao & Văn Hóa ngày 28/01/2012 nói về Lâm Hào, người Việt Nam đầu tiên chế tạo thành công cây guitar điện mà Khánh Băng và nhiều nhạc công ngày trước đã từng dùng.]

Trước năm 1975 tại Sài Gòn, để sở hữu được cây guitar điện chính hãng thì rất khó, vì khó nhập hàng và quá đắt đỏ. Chính lúc ấy Lâm Hào xuất hiện, ông gần như đáp ứng 100% nhu cầu của nhạc công và nhạc sĩ chuyên nghiệp tại đây.

Cây guitar điện [xin gọi nôm na như thế] quan trọng như thế nào với giới chơi nhạc điện tử nói chung và nhạc rock’n’roll nói riêng thì khỏi cần phải bàn nữa, ai cũng biết rồi. Trước năm 1975 tại Sài Gòn, mà cụ thể đầu thập niên 1960, khi nhạc trẻ [cũng xin gọi nôm na như thế] Tây phương du nhập vào Sài Gòn, nhanh chóng được giới trẻ ở đây tiếp nhận, nhưng để sở hữu được cây guitar điện chính hãng thì rất khó, vì khó nhập hàng và quá đắt đỏ. Chính lúc ấy Lâm Hào xuất hiện, ông gần như đáp ứng 100% nhu cầu của nhạc công và nhạc sĩ chuyên nghiệp tại đây, vì đàn do ông chế tạo có chất lượng, nhưng giá thành khá rẻ, chỉ bằng khoảng 1/10, 1/20 giá của đàn nhập. Những đóng góp của Lâm Hào cho việc thịnh hành khái niệm “nhạc trẻ Việt Nam” thật khó phủ nhận, nhưng từ đó đến nay, hơn 50 năm, đây có lẽ là một trong vài bài viết hiếm hoi về ông.

Tay bass Tiến Chỉnh khẳng định thế hệ nhạc công và nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Sài Gòn thập niên 1960, 1970 ai cũng từng sở hữu ít nhất một cây đàn của Lâm Hào, vì đây là nhạc cụ để lập nghiệp. Theo nhạc sĩ Thanh Châu, các đại nhạc hội lớn trước 1975 thường mời ông Lâm Hào sắp đặt âm thanh, mà gần như phần lớn guitar điện trên đó và nhiều nhạc cụ khác như ampli, echo là do chính ông chế tạo. Ông Châu cho biết thêm, sau năm 1975, vì tiếng đàn của Lâm Hào quá hay, độ ngân dài, tiếng chép tinh tế, nên nhiều nhạc sĩ cổ nhạc đã tìm mua đàn cũ về thay cần phím lõm để chơi nhạc vọng cổ, cải lương. Mãi tới thập niên 1990, guitar điện của Lâm Hào mới vắng bóng trên thị trường, vì hết nguồn cung cấp, chứ không phải hết nhu cầu.
“Bối cảnh” của Lâm Hào

Trước năm 1960, có thể nói là chưa có khái niệm nhạc trẻ, dù đã có những thanh niên, thường là giới khá giả, tập họp nhau lại để chơi nhạc cho vui, hoặc để tự chơi cho các party gia đình, vì giai đoạn này, vũ trường đang bị cấm. Sau năm 1960, do sự thắng thế của một loạt các ban nhạc trẻ như The Beatles, The Rolling Stones, The Animals…; và một loạt những phim ca nhạc như Pop Gear, The Young Ones…; và ở Pháp xuất hiện những ban nhạc trẻ, những ca sĩ trẻ như Les Chats Sauvages, Les Chaussettes Noires, Johnny Hallyday, Sylvie Vartan…. Tất cả đều ảnh hưởng đến Sài Gòn, khiến nhiều người bắt chước.

Làn sóng âm nhạc châu Âu thời này, có lẽ lần đầu tiên, đã tác động rất mạnh đến giới trẻ Việt Nam. Trước đây, các nhạc sĩ thường là những người theo nhạc nhà nghề, nhưng giai đoạn này, rất đông thanh thiếu niên, đặc biệt là ở Sài Gòn, gồm những người trẻ đang theo học bậc trung học, thuộc thành phần trung lưu, hoặc con nhà khá giả, đã tự phát lập nên những ban nhạc trẻ. Lúc đầu, chỉ là để vui chơi, nhưng sau đó, một số người trong số họ đã trở thành chuyên nghiệp. Trong số này có những tên tuổi như Elvis Phương, Công Thành, Đức Huy, Tiến Chỉnh, Paolo, Tuấn Ngọc, Billy Shane, Thanh Tùng, Thái Gia, Tùng Giang, Hồng Hải… – đây là giai đoạn trước ngày 1/11/1963.

Nhạc trẻ miền Nam chính thức hoạt động công khai sau ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm [1/11/1963], bởi ngay sau đó, lệnh cấm khiêu vũ và vũ trường bị bãi bỏ. Tướng Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính của chính quyền Sài Gòn lúc đó còn làm chủ tọa một đêm nhạc trẻ quy mô tại khiêu vũ trường Đại Kim Đô vào cuối tháng 11/1963. Đây cũng là đại hội nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn, và Việt Nam. Theo nhạc sĩ Trường Kỳ, thế hệ của Công Thành và ban Les Fanatiques cũng từng tham dự một chương trình đại hội nhạc trẻ quy mô hơn sau đó, được tổ chức tại Trường Taberd vào năm 1965.

Ban Hợp Ca Thời Đại gắn bó lâu dài với đàn Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Chính trong giai đoạn sôi động này, khi mà nhu cầu đàn guitar điện và nhạc cụ điện tử leo thang, trong khi việc nhập khẩu rất hạn chế, lại đắt đỏ, Lâm Hào đã xuất hiện kịp lúc và hiệu quả. Là người Việt gốc Hoa, xuất thân ở Chợ Lớn, người cao to, tính tình dễ thương, sống rất uy tín, có tiệm đàn trên đường Triệu Quang Phục [số 142, theo căn cước của ông]. Thời này, gần như 100% nhạc sĩ, nhạc công và ca sĩ chuyên nghiệp ở Sài Gòn đều phải đến tiệm của Lâm Hào để đặt đàn guitar điện, làm ampli, echo amplifier… Có những năm cao trào, xưởng của ông phải làm việc ngày đêm mới đủ nhu cầu của giới chơi nhạc trẻ từ Huế trở vào.

Có thể kể một ban nhạc tiền phong của nhạc trẻ Việt Nam là Hợp ca Thời Đại của anh em Dương Quang Định, Dương Quang Minh, Châu Nhi và tay trống Phùng Trọng, họ khá gắn bó với nhạc cụ của Lâm Hào. Những tên tuổi nổi tiếng thời bấy giờ [1963-1965] như Văn Trò, Jacques, Đức Huy, Văn Thái, Liêm “râu”, Thúy Ái, Hùng Tàu, Tiến Chỉnh, Nhơn “Bass”, Ngọc Tùng [ban The Black Caps]… cũng thành danh với nhạc cụ Lâm Hào. Sau năm 1965, một số người đã thành nhà nghề, đã đủ tài chính, thì mới bắt đầu mua các nhạc cụ ngoại quốc để sử dụng, lúc này các loại đàn tên tuổi như Hofner, Fender, Gibson, Gretsch… mới hiện diện phổ biến hơn.

Theo nhạc sĩ Trần Thạnh, trước 1975 tại Sài Gòn, chỉ có 3 loại guitar điện nổi tiếng về chất lượng âm thanh, đầu tiên là đàn của Mỹ, thứ đến là đàn Lâm Hào và sau cùng là đàn của Nhật. Lớp của Lý Được, Đạt “Da Vàng”, Linh “xù”… [thế hệ thứ ba, thứ tư của rock’n’roll Việt Nam] cũng không xa lạ với guitar Lâm Hào. Với một thời gian dài cầm đàn, nhạc sĩ Bảo Thạch nói rằng tiếng của cây đàn Lâm Hào có một “hương vị” rất riêng, nghe rất hấp lực, khó diễn tả cụ thể, ai từng chơi đều sẽ cảm được.

Tác giả Hữu Nghị từng viết trên Tuổi trẻ [14/10/2007] như sau: “Trong âm nhạc, ngay từ đầu thập niên 1960, làn sóng rock‘n’roll [với đại diện là ElvisPresley] và “sự xâm lược của làng nhạc Anh” [đại diện là The Beatles], với thành phần gồm ba guitar điện cộng dàn trống, vừa đàn vừa hát đã “đảo chính” phong cách biểu diễn cũ gồm dàn nhạc kèn trống đệm cho một ca sĩ hát, tạo thành một làn sóng trên khắp thế giới, sang đến cả Sài Gòn. Những năm đầu đó tậu được guitar điện hiệu Đức Thắng, ampli đàn hiệu Lâm Hào đã là ghê gớm rồi…”.

Một số nhạc sĩ và ban nhạc đang chơi nhạc cụ Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Lâm Hào với guitar Fender

Cũng giống như Leo Fender [1909-1991], nhà phát minh và chế tạo guitar điện vĩ đại người Mỹ – nhãn hiệu Fender, Lâm Hào gần như không biết chơi đàn, cả hai vì yêu thích chế tạo nhạc cụ mà làm nên thành tích.
Cây đàn Fender Stratocaster hoàn chỉnh thiết kế và chào hàng năm 1954 tại Mỹ, đến Sài Gòn vào khoảng 1957-1958, tuy đây là mẫu mã ảnh hưởng đến chế tác của Lâm Hào nhiều nhất, nhưng không phải đầu tiên.

“Thủy tổ” của đàn Lâm Hào bắt nguồn cảm hứng từ cây Fender Telecaster, ra đời khoảng 1950 tại Mỹ, theo chân các ban nhạc người Philippines và nghệ sĩ người Pháp đến Sài Gòn trước năm 1954. Theo lời kể của vài nhạc công cùng thời, ở tuổi đôi mươi, Lâm Hào là một thợ điện tự học về điện tử, ông đã bỏ tiền ra mua Fender Telecaster [với giá tương đương một năm lương viên chức] về giải phẫu để nghiên cứu nguyên lý và cấu tạo từng chi tiết. Rất nhanh chóng, chỉ chừng một năm sau là ông đã chế tạo thành công cây guitar điện đầu tiên, mà nền tảng kỹ thuật và âm thanh của nó là cây Fender Telecaster; tất cả thân và cần đàn của Lâm Hào đều do nghệ nhân mộc tên Tiếp [quận 4] đóng.

Nhạc sĩ Trần Thạnh nói rằng cây đàn Lâm Hào tuy là bản sao, nhưng là bản sao có sáng tạo riêng, với nhiều cải tiến, ví dụ như cần đàn ngắn hơn, phím và dây vừa vặn với thể trạng người Việt. Quan trọng nhất là âm thanh có những nét đặc thù, dù chuẩn mực và yêu cầu chung thì vẫn đạt được; đứng trên sân khấu, tiếng đàn của Lâm Hào là một chín một mười với Fender, ăn đứt đàn Nhật và một vài nước khác.

Sau này, khi hàng trăm cây đàn của Lâm Hào đã ra thị trường, thì giới am hiểu nhạc cụ thấy nó là sự pha trộn của Telecaster, Stratocaster, Fender Mustang và những đặc trưng âm thanh riêng, chẳng có ở nhãn hiệu nào. Cũng có vài thông tin chưa xác định được nguồn cho rằng Lâm Hào đã được Mỹ cấp mấy bằng sáng chế và có vài cải tiến, phát kiến của ông đã được Hãng Fender mua để ứng dụng [?].

Có một giai thoại kể rằng, ngay sau khi sang Mỹ định cư, Lâm Hào đã tìm đến Hãng đàn Fender để xin việc, họ chẳng biết kiểm tra tay nghề của ông thế nào, đành để ông làm thử một cây đàn tại chỗ xem sao. Sau khi ông làm xong tại xưởng, với niềm khâm phục, họ đã nhận ông vào làm việc ở bộ phận sản xuất đàn bằng tay và sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, ông gắn bó suốt phần đời còn lại với hãng này, gần như không có chế độ nghỉ hưu. Giai thoại đóng đàn xin việc thế nào người viết chưa xác minh được, nhưng việc Lâm Hào làm trong Hãng Fender thì khá chắc chắn, vì có vài bạn bè và người trong gia đình biết.

[ảnh Ban nhạc Dew Drop với hai nhạc sĩ rock gần như đầu tiên của Việt Nam là Khánh Băng [guitar, trái] và Phùng Trọng [trống] chẳng xa lạ với đàn của Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn]

Lâm Hào hiện thế nào?

4-5 năm nay gia đình không liên lạc được, vì ông đổi số điện thoại. Chỉ biết ông đang sống với vợ kế ở San Jose, vốn là một ca sĩ của đoàn Bông Sen, vẫn còn khỏe mạnh, 1-2 năm trước có về TP.HCM chơi. Vợ lớn của ông tên Hà Ái Cầu, có với ông một gái [tên Lâm Mẫn Huệ, sinh ngày 3/11/1956] và hai trai, họ đang sống ở Los Angeles.

Theo một nhà báo viết mảng âm nhạc tại California, có tin Lâm Hào đã qua đời cách đây vài tháng, nên email và điện thoại đã khóa, nhưng lướt tìm quanh các mạng thông tin thì chẳng có nơi nào đăng tải. 4-5 nhạc sĩ ở Mỹ từng quen Lâm Hào thì phản đối tin này, có người nói ông vẫn khỏe mạnh, thỉnh thoảng vẫn lui tới Hãng Fender để làm vài việc thủ công.

Theo bút tích của Hoàng Hựu Tân đề tặng phía sau các bức ảnh chụp từ năm 1962, thì Lâm Hào còn có tên hiệu là Lâm Nãi Hào. Theo bản sao thẻ căn cước cấp lần hai ngày 17/9/1970 thì Lâm Hào có tên Lâm Lục Đê, sinh năm 1933 tại Chợ Lớn, cha tên Lâm Kinh, mẹ tên Tô Mai. Lúc làm căn cước, ông cao 181cm, nặng 61kg. Nếu Lâm Hào còn sống, nay ông đã bước qua 80 tuổi, theo âm lịch.

Cũng xin kể thêm, ca sĩ Michel Polnareff [sinh 1944] người Pháp, sau khi nổi danh với ca khúc L’Amour Avec Toi [và ca khúc tiếng Anh tương tự: Love Me, Please Love Me]… vào năm 1966 trên truyền hình Pháp đã được mời sang Sài Gòn lưu diễn. Khi lên sân khấu chơi, bị quyến rũ bởi phong thái và tiếng đàn của guitar điện Lâm Hào, ông đã đặt mua 5 cây đem về Pháp chơi và làm sưu tập, nên có lẽ tư gia của ca sĩ này là địa chỉ hiếm hoi để hiện nay ta có thể chiêm ngưỡng đàn Lâm Hào. Nói ra điều này, vì sau khi hỏi rất nhiều nhạc công/sĩ từng chơi đàn Lâm Hào, ngay cả người thích sưu tập đàn, cũng chẳng ai còn giữ một cây, họ chỉ toàn lưu giữ đàn hiệu quốc tế.

oOo

Vọng Ngày Xanh – Danh ca Thái Thanh:

Vọng Ngày Xanh – Ca sĩ Lệ Thu:

Vọng Ngày Xanh – Ca sĩ Hùng Cường:

Vọng Ngày Xanh – Độc tấu Piano:

Sầu Đông – Ca sĩ Nguyễn Hưng:

Sầu Đông – Ca sĩ Nguyên Khang:

Có Nhớ Đêm Nào – Ca sĩ Diễm Liên:

Video liên quan

Chủ Đề