Bị hóc xương gà phải làm sao

11:00 AM 19/04/2016
Một trường hợp ở người trưởng thành bị hóc xương gà tại 1/3 trên thực quản, đến viện giai đoạn muộn, đã có biến chứng gây thủng thực quản và áp xe thực quản. Tuy nhiên, ngay từ khi bệnh nhân đến Bệnh viện TƯQĐ 108 đã được chẩn đoán nhanh, điều trị đúng, tích cực và bước đầu đã ngăn chặn biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Phạm Văn B. 41 tuổi, Nam, vào viện 16h, ngày 06/04/2016.
Bệnh sử: 18 giờ, ngày 02/04/2016, Anh Phạm Văn B sau khi ăn cơm tối với thịt gà, không may nuốt phải xương gà. Sau khi mắc dị vật, bệnh nhân thấy đau vùng ngực, đặc biệt vùng dưới hầu họng, cảm giác khó nuốt, có lúc khó thở. Với mong muốn để cố gắng đẩy dị vật xuống dạ dày, bệnh nhân tiếp tục ăn. Tuy nhiên, càng ăn càng thấy đau vùng ngực và cảm giác nuốt khó. Bệnh nhân rất lo lắng, nhưng không muốn đi khám bệnh và hy vọng dị vật sẽ trôi xuống dạ dày. Đến ngày thứ 4 [06/04/2016], bệnh nhân thấy đau ngực nhiều hơn, khó nuốt hơn, không dám ăn vì khi nuốt sẽ đau vùng ngực, kèm theo cảm giác gai sốt Bệnh nhân đã đến khám phòng khám tư tại huyện Đông An [Hà Nội], kết quả soi dạ dày tá tràng đã phát hiện thấy dị vật [mảnh xương gà] tại 1/3 trên thực quản [cách cung răng 20cm]. Do không có các dụng cụ chuyên dụng, nên bệnh nhân đã được chuyển đến điều trị nội trú tại Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện TƯQĐ 108. Kết quả chụp X-quang lồng ngực: Dị vật tại thực quản 1/3 trên. Kết quả chụp CT lồng ngực [320 lát]: Hình ảnh dị vật 1/3 trên thực quản, đã gây thủng thực quản và tạo ổ áp xe bên ngoài thực quản, nhưng chưa vào trung thất, không có tràn khí dưới da. Bệnh nhân đã được hội chẩn các chuyên khoa và thống nhất: phải điều trị sớm qua nội soi, nếu có biến chứng nặng cần điều trị ngoại khoa.
15h ngày 07/04/2016, bệnh nhân đã được nội soi dạ dày tá trang, kết quả cụ thể như sau: Đoạn cách cung răng 18cm có mảnh xương gà đâm xuyên ngang qua hai thành thực quản, có nhiều dịch mủ chảy ra quanh mảnh xương, niêm mạc xung quanh phù nề, xung huyết. Tiến hành gắp dị vật ra ngoài là mảnh xương gà, dẹt, rất sắc, kích thước: 1,3 x 0,8cm. Sau thủ thuật, bệnh nhân nhịn ăn 48-72h, truyền dịch, kháng sinh và theo dõi chặt chẽ phòng các biến chứng thứ phát. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và nguy cơ về biến chứng sẽ bị hạn chế.

Lời khuyên, dự phòng và cách điều trị dị vật tiêu hóa.

1. Trong khi ăn, cần phải nhai kỹ và tránh nuốt các xương gà, dù xương gà là xương nhỏ.
2. Khi có dấu hiệu khó nuốt cần phải đến bệnh viện ngay để điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra như: áp xe, dò vào trung thất, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi
3. Cần phải làm xét nghiệm đầy đủ và phối hợp nhiều chuyên ngành để cùng nhau hợp tác điều trị cho bệnh nhân: nhanh, hiệu quả và an toàn.

Sau đây là một số hình ảnh nội soi và chụp cắt lớp vi tính ở bệnh nhân này

Mảnh xương gà cắm vào 2 thành thực quản


Niêm mạc thực quản phù nề nơi di vật cắm thành thực quản

Lỗ dò thực quản và mảnh xương gà lấy ra
[Thực hiện nội soi: TS Nguyễn Lâm Tùng, BS Trịnh Xuân Hùng và cs: 07/04/2016]

PGS.TS. Vũ Văn Khiên
Chủ nhiệm Khoa Nội soi chẩn đoán

Video liên quan

Chủ Đề