Bài văn về vẻ đẹp của con sông đà năm 2024

Nguyễn Tuân miêu tả hình dáng sông Đà nhìn từ trên cao xuống để phát hiện ra vẻ đẹp tòan diện của con sông, thơ mộng, mềm mại và đẹp ngay từ hình dáng. Từ trên cao, tác giả nhìn thấy con sông Đà dài như một sợi dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình. Nó biết mềm mại, uốn lượn qua các dãy núi, triền đồi, các ghềnh thác để làm cho mình trở nên dịu dàng, nữ tính. Sông Đà đâu chỉ lắm thác nhiều ghềnh đầy hiểm nguy cho người lái đò mà còn đậm nét thơ mộng, trữ tình: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Một câu văn với nghệ thuật kết cấu trùng điệp và cách so sánh liên tưởng gần gũi, sông Đà đã hiện lên như một cô thiếu nữ của mảnh đất Tây Bắc đẹp e lệ, dịu dàng. Cô gái ấy có mái tóc tuôn dài, mềm mại. Mái tóc ấy lại được ẩm hiện trong mây trời của Tây Bắc, của khói sương mờ ảo khi người dân đốt nương làm rẫy vào mùa xuân với những chùm hoa ban với sắc trắng, sắc tím và màu đỏ tươi của hoa gạo tháng ba – phảng phất vị Đường thi. Nếu nhìn và cảm nhận, con sông hiện lên hiền hòa và dịu dàng như một cô gái đang e lệ với mái tóc dài buông xõa, trên mái tóc đen óng ả ấy cài điểm những bông hoa ban, hoa gạo sặc sỡ sắc màu, và cô thẹn thùng che mặt bằng một tấm khăn voan mỏng manh màu trắng khi bước những bước chân ngập ngừng, e ấp về nhà chồng. Còn gì đẹp, thơ mộng và trữ tình hơn khi ví dòng sông Đà với hình ảnh một cô thiếu nữ đang thẹn thùng cất bước chân về nhà chồng. Ngòi bút của Nguyễn không chỉ thể hiện sự tài hoa mà còn là sự tinh tế thông qua sự liên tưởng độc đáo và cách so sánh trùng điệp, một cách so sánh tài hoa, đượm chất phong tình. Hơn nữa, nếu để ý hẳn độc giả bạn đọc sẽ nhận thấy trong thơ ca cổ trung đại, các bậc tao nhân thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho con người. Làm sao quên được hình ảnh:

“Cổ tay em trắng như ngà

Đuôi mắt em sắc như là dao cau

Nụ cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”

Ngược lại, đến với Nguyễn, con người là chuẩn mực để so sánh. Ông kéo thiên nhiên lại gần với con người. Với Nguyễn Tuân, con người là trung tâm của vũ trụ, là một tiểu vũ trụ. Vì vậy, ông nhìn sông Đà như áng tóc của người thiếu nữ.

Màu nước sông Đà

Nước Sông Đà còn thay đổi theo mùa, nó đẹp nhất là mùa xuân và mùa thu: “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu

bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”. Nguyễn tả sắc xanh của nước sông Đà cũng lạ lẫm, màu xanh ngọc bích, sắc xanh trong vắt như pha lê, ngọc thạch mà mắt người có thể nhìn thấu đáy. Để thấy được sắc xanh như màu xanh

của sông Đà là hiếm và khác biệt với nhiều dòng sông khác Nguyễn Tuân đã so sánh màu sắc của nước sông Đà với màu nước của sông Gâm, sông Lô là màu xanh đục lờ lờ canh hến. Sắc nước mùa thu của sông Đà tựu thân nó không thể coi là đẹp nhưng cái đẹp đáng nói ở đây chính bởi sự làm duyên của con sông. Mùa thu nước sông Đà dần thay màu, nó lừ lừ và rồi chín đỏ như mặt người đang tím bầm vì rượu bữa, hoặc của một người đang bất mãn, đang bực bội mỗi độ thu về. Xanh trong, dịu dàng là thế vào mùa xuân mà lại chuyển ngay sang sắc tím đỏ giận dỗi vào mùa thu. Thế mới biết tính khí của con sông kia cũng thất thường lắm, dịu dàng đấy mà giận dỗi được ngay. Không chỉ có tính cách đa dạng mà chúng ta thấy sông Đà hiện lên như một cô gái biết trưng diện, biết điệu đà bởi mỗi mùa cô ấy tự thay tấm áo đã cũ màu, khoác cho mình tấm áo mới, luôn luôn thay đổi, luôn tự làm mới mình để đẹp hơn, hấp dẫn hơn.

Con sông Đà gợi cảm

Con Sông Đà gợi cảm với vẻ đẹp của nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”, làm cho người đi rừng dài ngày bất ngờ gặp lại con sông“vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Với nghệ thuật so

sánh cụ thể Nguyễn đã cho người đọc thấy được tình cảm, cảm xúc của mình đối với con sông của miền tây tổ quốc, không chỉ đơn thuần là cảm xúc của một con người đối với một con sông mà đó là xúc cảm của những “cố nhân” sau bao ngày xa cách. Niềm vui ấy như tiếng cười giòn tan trong ánh nắng của mặt trời bừng chói sau một kì mưa dầm ẩm ướt, hay như một giấc chiêm bao ngọt ngào nhưng ta choàng tỉnh giấc và giờ đây lại được nối lại.

Niềm vui của sự hân hoan và mãn nguyện sau bao nỗi đợi chờ.

Sông Đà với Nguyễn như một “cố nhân”, nhưng khổ nỗi cố nhân này lại “lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy rồi chốc lại bẳn tính, thác lũ, gắt gỏng ngay đấy”. Ấy thế mà khi được gặp lại cố nhân lại trào dâng một cảm giác đằm đằm, ấm ấm. Phải chăng bởi con sông kia quá gợi cảm và quyến rũ. Nét quyến rũ của một “người tình nhân chưa quen biết”.

Cảnh sắc hai bên bờ sông

Sông Đà còn có những khoảng không gian, những cảnh sắc đầy thơ mộng: “Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”. Cái lặng lẽ của thanh bình, yên ả mà có lẽ bất cứ một tâm hồn khó tính nào cũng muốn ở trọ nơi đây.

Có những cảnh hoang vu, hoang sơ đến kì lạ: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Chút hoang dại của lịch sử đất nước thời khai thiên lập địa, chút hồn nhiên của tuổi thơ với bao mơ mộng gửi theo những câu chuyện cổ tích mà mẹ, bà thường hay kể, tất cả lại về đây hội tụ trên bờ sông Đà vừa hoang vu, vừa hồn nhiên, thơ trẻ.

Cảnh sông Đà còn là “những nương ngô nhú lên những lá ngô non đầu mùa, những cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn cỏ gianh đẫm sương đêm”. Một cảnh thơ mộng, tuyệt đẹp trong mùa xuân với sự sống đang cựa mình, sinh sôi. Thực và mộng chảy tràn vào nhau. Trong lúc đang thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và tuyệt đẹp như thế, nhà văn bỗng cảm thấy“thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu”, được đánh thức bởi sự hiện diện của con người. Thiên nhiên tuy đẹp đấy nhưng hoang sơ, “tịnh không một bóng người”, “một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa” mà không có ai chăm sóc, mà dường như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng vắng lặng như thế mà thôi. Từ quá khứ nhà văn trở về với hiện tại và hướng tới tương lai đẹp đẽ. Đất đai ở đây sẽ có con người khai phá, đường xá sẽ được mở, những ngôi làng thị trấn sẽ được mọc lên, khắp nơi đều đầy ắp tiếng cười. Rõ ràng cảnh vật nếu không có con người thì vẫn chỉ là hoang sơ, tẻ nhạt mà thôi! Đang mộng mơ bên cảnh sông Đà, Nguyễn Tuân có mối giao cảm kì lạ với loài vật: “Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi ánh cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Con vật hỏi người hay chính người đang say trong cảnh mộng mà tự hỏi mình. Cảnh sông Đà thơ mộng là thế, có những khoảng lặng diệu kì khiến con người ta rơi vào cảm giác thần tiên để rồi tiếng đập nước của “đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi đuổi mất đàn hươu vụt biến” đánh thức người đang mộng. Nguyễn Tuân đã dùng cái động để tả thật tài tình cái tĩnh lặng kì diệu. Trở về với thực tại, lênh đênh trên dòng nước xanh ngọc đẹp đẽ, phẳng lặng, nhà thơ có sự đồng điệu trong cảm xúc về sông Đà như Tản Đà khi trước: “Dải sông đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết”. Con sông Đà như một sinh vật có linh hồn, dòng nước trôi lững lờ “như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn, như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi”. Con sông trở nên hiền hòa và thơ mộng, nó “trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”. Đó là niềm mong ước của nhà văn nửa muốn gìn giữ những nét nguyên sơ của con sông, nửa muốn cải tạo mà khai phá nó để phục vụ con người – đó phải chăng cũng là lòng yêu nước thầm kín của Nguyễn?

Đà giang hiện lên qua ngòi bút của Nguyễn Tuân thơ mộng, lãng mạn, trữ tình đồng thời vô cùng kiều diễm. Nếu ở đoạn văn trên, Nguyễn Tuân miêu tả con sông Đà hung bạo với những kiến thức nền chủ yếu là quân sự hay võ thuật cùng những câu văn ngắn, nhiều động từ, nhiều thanh trắc thì đến đoạn văn này, Nguyễn Tuân chủ yếu sử dụng kiến thức du lịch, kiến thức lịch sử và kiến thức văn học với câu văn vươn dài ra như nhịp chèo khoan thai của “thuyền tôi trôi trên sông Đà”. Nếu để ý, người yêu văn hẳn sẽ nhận thấy có đến 14 câu văn Nguyễn Tuân kết thúc toàn với thanh bằng để tạo cảm giác mênh mang mềm mại. Người yêu văn có thể dễ dàng chuyển thẳng những đoạn văn Nguyễn Tuân viết về dòng sông Đà ở hạ lưu thành những bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi.

Phong cách Nguyễn Tuân này trước cách mạng ta chỉ bắt gặp ở nhà văn Thạch Lam với lối viết truyện không mâu thuẫn, không kịch tính, không gay cấn, truyện như một bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi. Đến đây, ta lại bắt gặp ở nhà ngôn ngữ tài ba Nguyễn Tuân một phong cách nghệ thuật tương tự.

Chủ Đề