Bài học rút ra từ thầy Nguyễn Ngọc Ký

"Tôi học đại học" là cuốn tự truyện thứ hai của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, sau cuốn Tôi đi học phát hành năm 2008.

Trong cuốn sách mới, người thầy kể lại những năm tháng ông phải rời xa quê hương Hà Nam Ninh [cũ] sơ tán về các tỉnh miền núi. Hai tay bị liệt, mọi việc phải hoàn toàn nhờ vào đôi chân, ông vẫn luôn học tốt.

Cuốn tự truyện này được ông viết suốt 43 năm và hoàn thành gần đây, trong giai đoạn sức khỏe ông không được tốt vì phải chạy thận ba lần mỗi tuần. Dù  thế, bên cạnh việc cố gắng hoàn thành bản thảo tự truyện, Nguyễn Ngọc Ký vẫn không ngừng sáng tác.

Bìa cuốn "Tôi học đại học".

"Tôi học đại học" vừa ra mắt, hiện tại, Nguyễn Ngọc Ký đang bắt tay viết cuốn sách thứ ba: Ngọn lửa không bao giờ tắt. Tác phẩm chứa đựng những câu chuyện về giá trị cuộc sống, được rút ra từ cuộc đời vượt khó của ông. Đơn vị thực hiện cuốn sách cho biết, Ngọn lửa không bao giờ tắt hứa hẹn gây xúc động như tự truyện Cuộc sống không giới hạn của "chàng trai không chân tay" Nick Vujicic.

Đầu năm 2014, cuốn Tôi đi học của Nguyễn Ngọc Ký cũng được phát hành ấn bản mới, cập nhật thêm những thông tin, chi tiết dày dặn hơn để độc giả hiểu về quá trình vượt khó của người thầy giáo "không tay".

Quảng cáo

Vừa qua, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký cùng dịch giả Bích Lan có buổi giao lưu với hơn 300 cán bộ văn hóa thư viện của 64 tỉnh thành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM tổ chức tại Đà Nẵng. Cuộc giao lưu làm nhiều người trong khán phòng không cầm được nước mắt. Trong buổi này, Nguyễn Ngọc Ký ký tặng bằng chân vào cuốn tự truyện trao cho thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký ký tặng vào quyển tự truyện mới nhất của ông.

Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Ông bị liệt đôi tay từ năm bốn tuổi. Bảy tuổi, ông quyết tâm đến trường và dùng chân để viết. Ông hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi. Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Ngữ Văn, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú năm 1992. Ông cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân.

Nguyễn Ngọc Ký được tuổi trẻ cả nước biết đến trong suốt 50 năm qua và là tấm gương sáng qua các bài học trong sách giáo khoa như: Em Ký đi học [sách tập đọc lớp 3 từ 1964-1983], Anh Ký đi học [sách Kể chuyện lớp 4 từ 1983-2000], Bàn chân kỳ diệu [sách Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay].

Cảm nhận của độc giả về tự truyện "Tôi học đại học":

Quảng cáo

Nhà thơ Tố Hoài:

"Đọc Tôi học Đại học của nhà thơ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký mà như ngồi trước anh đây. Bởi lời văn đầy cảm xúc, tưởng như anh đang tâm sự. Sự việc cứ hiển hiện ra rất chân thực rất ân cần. Tôi đã trào nước mắt trước những nghĩa cử chân tình rất đời thường của Nhu, của Hằng, của Hòa, của Trang, của chị Vân, của thầy Diệp Tư, thầy Bùi Ngọc Trác, của giáo sư Hoàng Như Mai, Hoàng Xuân Nhị… thật giản dị mà vô cùng lớn lao, ý nghĩa.

Và như thế, Nguyễn Ngọc Ký đã lớn lên bằng cả sự bao dung tình người không dễ gì có được. Để giờ đây anh đã thành đạt, là tấm gương vượt khó cho những người kém may mắn, cho lớp trẻ noi theo".

Nhà giáo Trần Căng:                                                     

"Mỗi lần đến nhà chơi, bao giờ tôi cũng được Nguyễn Ngọc Ký dành cho thú vui được đọc những trang bản thảo mới tinh anh vừa viết trong tự truyện Tôi học đại học. Mỗi chuyện là mỗi kỷ niệm đẹp về tình đất, tình người, là bài học quý về đạo lý, nhân tình, về ý chí vượt qua nghịch cảnh.

Lối viết nhẹ nhàng, truyền cảm, không lên gân, không giáo huấn. Càng đọc tôi càng bị lôi cuốn thực sự. Tôi chờ mong cuốn sách phát hành trong nay mai để sớm mua về cho bà xã và các con các cháu cùng được đọc. Sau đó sẽ trang trọng đặt ở giá sách bên cạnh cuốn Thép đã tôi thế đấy, Cuộc sống không giới hạn, và Không gục ngã. Với tôi, cả bốn tác giả đều là thần tượng".                                

Bạch Tiên

   Những tấm gương về vượt khó học tập chưa bao giờ là thiếu trên cả nước. Và câu chuyện về người thầy Nguyễn Ngọc Ký chính là một điểm sáng hy vọng trong những điều tối tăm ấy.

   Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Mọi thứ chỉ thật sự tràn đầy hi vọng khi những năm đầu đời Nguyễn Ngọc Ký là một đứa trẻ khỏe mạnh. Thế nhưng khi lên bốn, một cơn bạo bệnh bất ngờ, đã cướp đi cả hai bàn tay của ông, kết quả là ông bị liệt cả hai tay mãi mãi không cầm được bút nữa và tất nhiên coi như việt học hành sẽ chấm dứt từ đây.

   Sau ngày hôm đó, Nguyễn Ngọc Ký hết sức đau buồn. Thế nhưng nhận ra để thay đổi cuộc sống tồi tệ này không còn cách nào khác là phải học tập. Và sau ngày hôm đó, quyết không đầu hàng số phận Nguyễn Ngọc Ký đã luyện viết bằng bàn chân của chính mình.

   Lúc đầu thầy tâm sự, viết bằng chân là một chuyện rất khó khăn, vất vả nhiều khi tức tưởi vì không cầm vững được cây viết đã muốn buông xuôi tất cả. Dần dần bình tâm lại đã viết được chữ O, Chữ A và sau đó còn vẽ được thước, xoay được compa, làm được lồng chim và những thứ đồ chơi để chơi.

   Sau đó quay trở lại học hành và học rất giỏi. Năm 1962, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu. Năm 1963, khi đang học lớp 7, ông tham dự kỳ thi sinh giỏi Toán toàn quốc và đứng thứ 5, được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu lần thứ hai và cùng đạt được nhiều giải thưởng toán học. Ông xuất sắc tốt nghiệp ngành Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi trở về quê nhà làm thầy giáo. Năm 1994, ông chuyển từ Nam Định vào Thành phố Hồ Chí Minh định cư, làm việc tại Phòng Giáo dục quận Gò Vấp để vừa công tác vừa chữa bệnh.

   Nhân dịp thầy Nguyễn Ngọc Ký ra mắt tự truyện, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi đến thầy lá thư bày tỏ suy nghĩ về cuốn Tâm huyết trao đời. Trong thư có đoạn viết: “Với tâm huyết cháy bỏng, thông qua mỗi câu chuyện kể, Nhà giáo Ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký cũng 'trao đời' những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đúc rút từ chính cuộc đời mình - người thầy dạy học, viết văn bằng chân đầu tiên ở Việt Nam, với tư duy đổi mới về dạy và học, về đào tạo phát triển toàn diện con người. Đó không chỉ là những chắt lọc mang tính chuyên môn mà còn là tâm hồn, tình cảm, nhân cách cao đẹp của một nhà giáo chân chính, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội”.

   Nguyễn Ngọc Ký quả là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền như ông vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau. Noi gương thầy, lớp lớp măng non chúng em quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt thành tích tốt trong học tập, xứng danh cháu ngoan Bác Hồ./.

Văn Nguyên

Nguồn internet:

//vnexpress.net/nha-giao-nguyen-ngoc-ky-ra-mat-tu-truyen-o-tiec-mung-tho-70-3607738.html

//vforum.vn/diendan/showthread.php?132238-Nhung-tam-guong-vuot-kho-trong-hoc-tap-noi-tieng-o-Viet-Nam

//esuhai.com/news/3D8F3/thay-nguyen-ngoc-ky-tam-guong-sang-ngoi-ve-nghi-luc-vuot-len-so-phan.html

//vnexpress.net/thay-nguyen-ngoc-ky-dung-chan-viet-nen-so-phan-2072544.html

Video liên quan

Chủ Đề