Ai là người phát minh ra tiền trên thế giới

Thời xa xưa người dân từng trao đổi trực tiếp “hàng hóa lấy hàng hóa” để có được thứ họ mong muốn, sau đó, họ sớm nghĩ ra một phương thức giao dịch ổn định và hiệu quả hơn. Tiền ra đời từ đó.

Trong thời cổ đại, người dân không mua hay bán bằng tiền. Thay vào đó, họ trao đổi các đồ vật hoặc sản phẩm cho người khác để nhận lại những gì họ muốn hoặc cần. Việc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ nói trên được gọi là đổi chác [barter]. Nhưng sự phát triển của xã hội đòi hỏi phải có một phương thức giao dịch ổn định và hiệu quả hơn. Nhiều nền văn hóa trên thế giới cuối cùng đã phát triển việc sử dụng tiền kim loại – loại tiền có giá trị phụ thuộc vào giá trị của vật liệu làm ra nó.

Những đồng tiền xu thưở sơ khai

Những đồng tiền xu đầu tiên được sản xuất từ đồng và sau đó là sắt, bởi vì các vật liệu này khá cứng nên có thể dùng để chế tạo vũ khí. Tiền xu rất thuận tiện, do người sử dụng có thể đếm chúng thay vì phải cân khối lượng. Tiền xu là một phương tiện trao đổi đáng tin cậy và hiệu quả. Nó đã thúc đẩy đáng kể sự mua bán hàng hóa trong thế giới cổ đại.

Loại tiền xu đầu tiên được sử dụng tại vùng Lưỡng Hà vào khoảng năm 3.000 trước Công nguyên và nó được gọi là “siglos” hoặc “shekel”. Shekel là một đơn vị tiền và đơn vị khối lượng cổ xưa dùng để xác định khối lượng của lúa mạch hoặc khối lượng tương đương giữa các vật liệu, chẳng hạn như đồng thiếc và đồng nguyên chất.

Tiền đóng vai trò quan trọng trong hình thành và phát triển kinh tế

Vai trò quan trọng của tiền trong xã hội dân sự thậm chí đã được đề cập trong bộ luật Hammurabi, do vị vua thứ sáu của vương quốc Babylon ban hành năm 1760 trước Công nguyên. Người Babylon và những cư dân sống trong các thành bang lân cận [thành phố tự trị, độc lập và có chủ quyền như một quốc gia] sau đó đã phát triển hệ thống kinh tế sớm nhất với đặc điểm gần giống ngày nay, chẳng hạn như các điều khoản về nợ, hợp đồng pháp lý, luật pháp liên quan đến hoạt động kinh doanh và tài sản tư nhân.

Năm 700 trước Công nguyên, Pheidon – vua của thành bang Hy Lạp cổ đại Argos – là người cai trị đầu tiên đã chính thức thiết lập tiêu chuẩn về khối lượng và tiền bạc. Ông cho đúc tiền xu bằng kim loại quý bạc thay vì sắt trong đền thờ nữ thần trí tuệ và chiến tranh Athena tại Aegina. Mặt trước của những đồng tiền xu là hình ảnh một con rùa biển. Loại tiền này đã được chấp nhận và sử dụng rộng rãi như một phương tiện trao đổi quốc tế cho đến lúc xảy ra cuộc Chiến tranh Peloponnesian, khi đồng drachma của người dân Athen thay thế chúng.

Theo nhà sử học Herodotus, những đồng tiền xu vàng đầu tiên được đúc tại vương quốc Lydia ở Tiểu Á [một bán đảo của châu Á thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay] dưới thời vua Croesus vào khoảng năm 700 trước Công nguyên. Nhưng mãi đến năm 390 trước Công nguyên thì vua Philip II của vương quốc Macedonia mới cho lưu hành các đồng xu vàng đầu tiên. Tiền xu của người Lydia có hình ảnh một con sư tử ở phía trên.

Tiền giấy: Những tờ giấy có giá trị

Tiền giấy hoặc giấy bạc lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 600 đến năm 1455, chủ yếu lưu hành trong thời nhà Tống. Những tờ giấy bạc gọi là Jiaozi đã được sử dụng từ thế kỷ 7 sau Công nguyên.

Những tờ giấy bạc Jiaozi

Tại châu Âu, giấy bạc ngân hàng [banknote] đầu tiên được ngân hàng Stockholms Banco ở Thụy Điển phát hành năm 1661. Giấy bạc ngân hàng là hình thức của tiền, do một ngân hàng phát hành, về bản chất là bằng chứng chứng minh rằng ngân hàng nợ người có giấy bạc một lượng tiền đúng bằng giá trị ghi trên giấy bạc. Giấy bạc ngân hàng được sử dụng song hành cùng với tiền xu nhưng nó đã không hoạt động tốt và phải ngừng lại, bởi vì các ngân hàng thiếu tiền xu để trả tiền cho các tờ giấy bạc ngân hàng. Trong thập niên 1690, Khu Thuộc Địa Vịnh Massachusetts tại Mỹ in tiền giấy và ở đây việc sử dụng tiền giấy trở nên phổ biến hơn.

Sau một thời gian dài phát triển, tiền đã xuất hiện với hình thức tiền đại diện [representative money]. Điều này xảy ra bởi vì các thương gia và ngân hàng buôn bán vàng, bạc, bắt đầu phát hành giấy biên nhận cho người gửi, có thể quy đổi thành giá trị tiền mặt. Cuối cùng những hóa đơn được chấp nhận rộng rãi như một phương tiện thanh toán và bắt đầu được sử dụng như tiền. Hệ thống tiền tệ nói trên – nơi mà các phương tiện trao đổi là giấy có thể chuyển đổi thành một lượng vàng cố định, được định trước – thay thế việc sử dụng tiền xu vàng ở châu Âu giữa thế kỷ 17 và 19.

Đồng tiền hiện đại của thế kỷ 20

Vào đầu thế kỷ 20, gần như tất cả các quốc gia đều áp dụng hệ thống này, giấy chứng nhận được phát hành và có một lượng vàng xác định trước để chuộc lại.

Sau cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và Hội nghị Bretton Woods, hầu hết các quốc gia đã thông qua tiền pháp định [fiat money], có giá trị xác định theo đồng đô la Mỹ [USD]. Đến lượt mình, đồng đồng đô la Mỹ được xác định bằng lượng vàng dự trữ. Năm 1971, Chính phủ Mỹ đã chấm dứt chuyển đổi đồng đô la thành vàng ở một tỷ giá cố định, khiến nhiều quốc gia khác bắt chước theo và phần lớn số tiền trên toàn thế giới ngừng được đảm bảo bởi dự trữ vàng.

Tiền [money] là tài sản được chấp nhận rộng rãi làm phương tiện trung gian trong quá trình trao đổi hàng hóa, dịch vụ và các tài sản hiện vật khác được định giá bằng tiền và trao đổi nhau thông qua việc sử dụng tiền làm ước số chung, nghĩa là mọi thứ [hiện có, nhưng không có nhu cầu], được đổi ra tiền, sau đó mới được đổi sang thứ khác chứ không trao đổi trực tiếp như hình thức trao đổi hiện vật.

Việc sử dụng tiền làm phương tiện thanh toán cho phép nền kinh tế sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên môn hóa trong sản xuất, giảm bớt thời gian và nỗ lực mà người bán và người mua phải sử dụng để tiến hành trao đổi với nhau [tức giảm thời gian và chi phí giao dịch].

Các chức năng quan trọng khác của tiền là phương tiện cất giữ giá trị hay sức mua - tức tiền có thể giữ trong một thời gian và sử dụng để thanh toán các khoản mua hàng tương lai - và đơn vị tính toán, tức tiền được sử dụng để tính toán và ghi chép giá trị của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một thời kỳ, chẳng hạn GDP.

[Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân]

Nguồn gốc và lịch sử của tiền

Ngày nay, chúng ta sử dụng cả tiền xu và tiền giấy, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Trước khi những đồng tiền kim loại và tiền giấy có mặt, con người đã sử dụng nhiều thứ khác thường để mua thứ họ cần.

Chẳng hạn, ở một nơi nọ trên thế giới, người ta sử dụng răng cá mập như là tiền. Ở nhiều nơi khác, tiền có thể là những chiếc lông chim sặc sỡ và những chiếc vỏ sò quý hiếm. Có nơi người ta còn dùng cọng lông cứng trên đuôi voi để làm tiền. Lông chim là loại tiền nhẹ nhất từ trước đến nay. Chúng được sử dụng trên đảo Santa Cruz. Đá là loại tiền nặng nhất từ trước đền giờ. Chúng được sử dụng trên đảo Yap ở Thái Bình Dương. Có hòn nặng trên 500 cân Anh [1 cân Anh = 0,4536 kg].

Loại tiền nhỏ nhất từ trước đến nay được phát hiện ở Hy Lạp. Tiền được làm bằng kim loại, nhưng có kích thước nhỏ hơn hạt táo. Không ai biết chính xác người ta bắt đầu sử dụng tiền dưới những hình thức đồng tiền kim loại từ khi nào. Các nhà khảo cổ đã phát hiện những đồng tiền kim loại có từ năm 600 trước công nguyên, vì thế ta biết chúng đã được lưu hành trong suốt một thời gian dài. Lúc đầu người ta sử dụng những kim loại quý như vàng và bạc để tạo tiền xu. Họ in hình người hoặc [con] thú trên mỗi đồng tiền để xác định giá trị của nó. Trong những năm 1200, người Trung Quốc đúc những đồng tiền bằng sắt.

Những đồng tiền này giá trị chẳng là bao, cho nên người dân phải sử dụng một số lượng lớn khi mua hàng. Do đó rất bất tiện khi phải mang một số lượng lớn những đồng tiền sắt nặng nề nên chính phủ đã cho in những giấy biên nhận. Người ta mang các biên nhận này đến ngân hàng để đổi ra tiền xu. Đây là ví dụ đầu tiên ta có được về việc phát hành và sử dụng tiền giấy.

Ngày nay, hầu hết các nước đều sử dụng cả tiền xu lẫn tiền giấy. Ở Mỹ, các loại tiền giấy đều có cùng kích cỡ và màu sắc như nhau. Chẳng hạn, tờ một đô la có cùng kích cỡ và màu sắc y như tờ một trăm đô la. Ở nhiều quốc gia khác, tiền giấy được in dưới nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau như tiền giấy hiện đang được lưu hành ở Việt Nam. Tờ có kích thước nhỏ hơn thì có giá trị thấp hơn. Việc này tạo điều kiện cho chúng ta chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể xác định được giá trị của chúng. Tất cả những sự kiện này khiến lịch sử tiền tệ trở thành một công cuộc nghiên cứu lý thú.

Người Trung Quốc sáng chế ra tiền giấy vào cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX Công nguyên. Ban đầu người ta gọi là phi tiền [tiền bay] vì nó nhẹ đẽn nỗi gió có thể thổi bay khỏi tay. Tờ bạc đầu tiên, đúng hơn là một tờ "hối phiếu" trả ngay chứ không phải thực sự là tiền. Thương nhân có thể ký thác tiền của mình tại kinh đô rồi nhận một chứng chỉ viết trên giấy đem đi đổi lấy tiền ở các tỉnh. Triều đình đã nhanh chóng nắm lấy công việc kinh doanh tiền tệ vốn do tư nhân đảm nhiệm này ngay từ năm 812.

Khi ấy, tiền thuế và các khoản thu khác đã được chuyển từ các địa phương về kinh đô theo phương thức này. Các "hối phiếu" vẫn được sử dụng nhưng nay do các quan chức của triều đình phát hành tại kinh đô và có thể mang về các địa phương đổi lấy hàng hoá như muối, chè,...

Tiền giấy thực sự dùng làm phương tiện trao đổi và được bảo đảm bằng một khoản tiền ký thác hình như ra đời vào khoảng đầu thế kỷ thứ X tại tỉnh Tứ Xuyên miền Nam, kết quả của một sáng kiến tư nhân đem đến đầu thế kỷ XI triều đình đã cho phép 16 cơ sở kinh doanh tư nhân, tức "ngân hàng" phát hành hối phiếu. Nhưng đến năm 1023, triều đình đã giành lấy hoạt động tư doanh này và thành lập một công sở phát hành tiền giấy với nhiều loại giá trị khác nhau và được bảo đảm bằng những khoản tiền ký thác. Tiền giấy do ngân hàng đó phát hành có ghi rõ nó chỉ có giá trị trong 3 năm, kèm theo ngày phát hành và ngày thu hồi. Năm 1107, tiền giấy được in bằng nhiều bản khắc gỗ với ít nhất là 6 màu.

Tiền giấy do triều đình phát hành đã chiếm một tỉ lệ rất lớn trong quỹ tiền tệ. Năm 1126 đã có 70 triệu "điếu" [một "điếu" bằng một nghìn đồng tiền] đã được chính thức phát hành, phần lớn không có khoản tiền ký thác nào bảo đảm, do đó đã sinh ra nạn lạm phát khá trầm trọng.

Một vấn đề khác nhanh chóng nảy sinh là vấn đề về tiền giả. Vì ai cũng có thể dùng giấy để in tiền nên nhà cầm quyền phải tìm cách làm cho quá trình sản xuất tiền giấy thật phức tạp, sao cho kẻ khác khó làm giả đúng y hệt.

Một số biện pháp kỹ thuật tinh vi bí mật đã nhanh chóng được áp dụng trong việc làm tiền giấy như dùng nhiều màu, có những hình vẽ cực kỳ phức tạp và trộn sợi vào trong giấy. Vật liệu cơ bản làm cả tơ vào nữa. Có thể đem những tờ bạc bị dây bẩn hoặc nhầu nát đổi lấy tờ mới nhưng phải trả thêm một số tiền nhỏ về chi phí in tờ bạc.

Khi người Mông Cổ thống trị Trung Quốc, họ phát hành một loại tiền giấy gọi là ti tệ [tiền lụa]. Vật ký thác để đảm bảo giá trị loại tiền này không phải là kim loại quý mà là những kiện lụa. Năm 1294, tiền lụa Trung Quốc được tiêu dùng ở tận những nơi xa xôi như Ba Tư. Năm 1965, các nhà khảo cổ học đã tìm ra được tại đó hai tờ "tiền lụa".

Về sau, dưới triều Minh vai trò của tiền giấy bị hạ thấp. Nhà Minh phát hành vào năm 1375 một loại giấy bạc mới gọi là "Đại Minh thông bảo". Trong một thời gian dài tới 200 năm, loại giấy bạc này chỉ được phát hành ở mỗi giá trị và được coi là tiền lưu hành hợp pháp. Điều đó tất nhiên gây nhiều khó khăn cho các hoạt động thương mại, mặc dù vẫn có tiền đồng lưu hành và dùng làm loại tiền nhỏ sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng do lạm phát, loại tiền "thông bảo" này mất dần giá trị, sau đó được thay thế loại tiền đúc bằng bạc.

H.T [Theo Nền văn minh thế giới]

Video liên quan

Chủ Đề