Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tiếp nhận phương pháp sang tác hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Trần Đình Sử

1.Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được coi là phương pháp sáng tác của nền văn học mới, xã hội chủ nghĩa có tầm vóc thế giới. Cùng với phong trào cách mạng vô sản trên thế giới từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, ở phương Tây và Nga đã xuất hiện một trào lưu văn học mới. Từ văn học xã hội chủ nghĩa Đức đến văn học công xã Paris cuối thế kỉ XIX, từ M. Gorki Maiakovski ở nước Nga đến G. Amadu, P. Neruda, A. Carpentier ở châu Mĩ, rồi các nhà văn H. Barbuss, L. Aragon,  Pháp, A. Zegers, J. Becher, B. Brecht, Đức, V. Bronievski Ba Lan, Andercen-Nekce, Dan Mạch, Ch. Smirnenski. Bulgaria, N. Hitmed, Thổ  Nhĩ Kì, K. Koldowell, Anh, J. Reed, Mĩ, J. Fucik, B. Nezbal, S. Neumann, Tiệp, Ja. Fusadzi, Nhật, G. Lukacs, Hung…Danh sách các nhà văn có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa còn có thể kéo dài thêm nữa, chứng tỏ đó là một trào lưu văn học rộng lớn[1].

Nhưng phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa thì hình thành trước hết ở nước Nga. Trong không khí cách mạng vô sản  thắng lợi xu hướng văn học vô sản lên cao. Các nhà lí luận Mác xít Nga, như Lunacharski, các nhà lí luận của phái văn hóa vô sản, các nhà văn cánh tả, nhà văn M. Gorki, A. Fadeev… là những người đấu tranh cho phương pháp mới. Các nhà lí luận của phái văn hóa vô sản muốn vứt bỏ hết nghệ thuật quá khứ để xây dựng một nghệ thuật vô sản mới. A. Voronski dựa vào tư tưởng Lenin, đề xuất chủ nghĩa tả thực mới, tức là chủ nghĩa hiện thực kế thừa di sản quá khứ, dựa vào nhu cầu của cuộc sống mới và tư tưởng giai cấp vô sản mà sáng tạo. Nhưng nhu cầu lí tưởng hóa rất cao. Trong sách Nguyên lí mĩ học thực chứng viết năm 1903 và tái bản nguyên xi năm 1923, A. Lunacharrski kêu gọi văn học miêu tả những bức tranh tương lai rạng ngời hạnh phúc và sự hoàn thiện. Ông cũng nói, “những ai không biết sống trong tương lai, trong sáng tạo, không khát khao thì hãy tránh xa nơi bây giờ tuy chỉ là đống gạch vụn, nhưng chẳng bao lâu người ta sẽ dựng xây một lâu đài nguy nga hung vĩ”, thể hiện xu hướng xây dựng một nền nghệ thuật miêu tả cái sẽ có, cần phải có, chứ không phải cái hiện có. Lunacharski cũng là người đầu tiên đề cao tác phẩm Người Mẹ, kịch Những kẻ thù của M. Gorki. Trước tình hình nhiều nhóm phái văn học văn hóa trái chiều, từ năm 1922 Troski đã nêu ý tưởng thành lập hội nhà văn toàn Nga để đưa các nhà văn vào tổ chức[2]. Năm 1932 Đảng Cộng sản Nga ra nghị quyết “Về việc cải tổ các tổ chức văn học nghệ thuật. Stalin biết Gorki la người duy nhất có thể thuyết phục, thống nhất các nhóm phái. Ông cũng muốn thống nhất các nhà văn khác nhau trong một phương pháp thống nhất. Ông đã mời Gorki đang ở Ý về Nga, thuyết phục nhà văn làm chủ tịch Hội, người dẫn đường cho chính sách văn nghệ của lãnh tụ. Tháng 5 năm đó, trên báo Văn học, đăng bài báo của Ivan Gronski, người thân cận của Stalin, trưởng ban trù bị tổ chức hội nhà văn Liên xô[3], lần đầu tiên đem hai chữ “xã hội chủ nghĩa” và “chủ nghĩa hiện thực” gắn kết lại với nhau. Sau đó không lâu, vào ngày 25 – 10 năm đó Stalin trong cuộc gặp với các nhà văn nổi tiếng tại căn hộ của Gorki[4] ở Matscova đã khẳng định khẩu hiệu “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” và gọi các nhà văn là những “kỉ sư tâm hồn”, mong muốn họ làm người cha tinh thần của nhân dân.  Nội dung của phương pháp như chúng ta thường biết sau này : “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là sự miêu tả hiện thưc một cách chân thật, cụ thể, lịch sử trong sự phát triển cách mạng của nó” được nêu ra trong bản báo cáo của A. Zhdanov, bí thư BCHTW Đảng cọng sản toàn Nga đọc trước Đại hội lần thứ nhất. Đại hội thành lập Hôi nhà văn Liên Xô tiến hành vào ngày 17 – 8 đến 1- 9 năm 1934 tại Matscova. Ngày khai mạc có mặt đồng chí Stalin, “người bạn lớn của văn học vô sản” với đông đảo nhà văn Liên Xô, các nhà văn quốc tế. Từng đoàn đại biểu của giai cấp công nhân, nông dân tập thể, hồng quân, thiếu nhi quàng khăn đỏ đến chào mừng và yêu cầu nhà văn Liên xô miêu tả cuộc sống, chiến đấu cách mạng của họ, chỉ rõ tương lai xã hội chủ nghĩa tươi sáng. M. Gorki là người đọc báo cáo đầu tiên trong phiên khai mạc. Đó là màn trình diễn đậm chất chính trị của thời đại. Nội dung báo cáo của Zhdanov được đưa vào Điều lệ của Hội nhà văn Liên Xô với tư cách là phương pháp sáng tác và phê bình văn học của nhà văn xô viết.

Ngay từ đầu phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được ghi trong Điều lệ của Hội là cương lĩnh sáng tác của nhà văn xô viết do Đảng chỉ đạo[5] . Nó kề thừa truyền thống chủ nghĩa hiện thực – miêu tả hiện thực một cách chân thật, cụ thể lịch sử. Với truyền thống này, nó chống chủ nghĩa lãng man, chủ nghãi tượng trưng, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa vị lai…Nhưng đồng thơi.nó khác chủ nghĩa hiện thực truyền thống ở khuynh hướng xã hội chủ nghĩa: miêu tả hiện thực trong tiến trình phát triển cách mạng của nó, mà tiến trình ấy đang đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, sự miêu tả ấy phải kết hợp với việc giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho nhân dân. Văn học phải thực hiện nhiệm vụ giáo dục quần chúng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị. Với nhiệm vụ này nó chống lai các sáng tác tự do chủ nghĩa, không gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Để thực hiện nhiệm vụ này nhà văn phải có tính đảng, chịu sự lãnh đạo của Đảng. Các nhà văn đảng viên, các cán bộ đảng nằm trong ban lãnh đạo của Hội.

Cương lĩnh này trước hết là đề xuất từ yêu cầu tư tưởng của Đảng, chứ không phải đúc kết từ thực tế sáng tác đa dạng. Do đó nó nhanh chóng biến thành các quy phạm văn học [canon], trở thành các tiêu chuẩn để đánh giá, phê bình các tác phẩm văn học không phù hợp. Liền sau Đại hội đã có bài báo nhắc nhở rằng : “Nhà văn của chúng ta có một thị hiếu nhất định. Chúng ta muốn một chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa,  ở đây không có chủ nghĩa tự nhiên, không có những huyền bí tù mù, không có những trò chơi của chủ nghĩa hình thức.”[6] Mối quan hệ giữa văn học và phương pháp luôn luôn là căng thẳng. Đòi hỏi thường xuyên có cuộc “đấu tranh vì phương pháp”, “cho phương pháp”. Bởi vì phương pháp đòi hỏi phải “mĩ học hóa các nhu cầu xã hội”. Các chất vấn về phương pháp sáng tác  rất nhiều. Ngay trước đại hội Viện văn học, phân viện Leningrad xuất bản cuốn Những vấn đề về phương pháp [L., 1934], Các tranh luận gay gắt tiếp tục trong những năm 30 [về ngôn ngữ và về hình thức]; những năm 50 tiếp tục với các vấn đề về thuyết vô xung đột,  vấn đề điển hình,  vấn đề nhân vật chính diện, nhiều lần tranh luận về tính đảng, về cương lĩnh của văn học, về sự mĩ học hóa ý thức hệ.  Đến những năm 60, tranh luận về việc có phương pháp lãng mạn trong văn học Xô viết hay không; tức là lãng mạn xã hội chủ nghĩa hiểu như một phương pháp sáng tác. Thực tế văn học Xô viết trong hàng chục thập niên phát triển đều không đặt vừa vào cái giường Procruss của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Những năm 30 đã xuất hiện những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như của M. Gorki, A. Fadeev, V. Maiakovski, F. Gladkov, L. Leonov, V. Kataev, M. Shaginhian, A. Makarenko, M. Sholokhov, V. Vishnevski, N.Pogodin…Bên cạnh đó từ những năm 30 đến những năm 50 có hàng loạt tác phẩm đi ra ngoài khuôn khổ chật hẹp đó như sáng tác của B. Pasternak, B. Pilnhiak, A. Platonov, E. Zamiatin, M. Zoshenko, M. Tsvetaeva…Sau khi Stalin mất năm 1953 xuất hiện tiểu  thuyết Không phải chỉ bằng bánh mì của V, Dudintzev, Bác sĩ Zhivago của B. Pasternak, tiểu thuyết Chức năng mới của A. Bek, phim Bài ca người lính, Khi đàn sếu bay qua, Người thứ 41. Sang những năm 70 số tác phẩm đi ra ngoài khuôn khổ của phương pháp CNHTXHCN càng nhiều. Đó là khuynh hướng “văn xuôi nông thôn” phơi bày bộ mặt hoàng tàn, người dân bị áp bức, nghèo khổ, dòng văn chiến tranh giải cấu trúc chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa lạc quan nhà nước. Đến những năm 80 xuất hiện các sáng tác có khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa như Và một ngày dài hơn thế kỉ của Ch. Aitmatov,

Trước thực tế đó giới lí luận quan phương, một mặt lên án, chỉ trích, quy kết các sáng tác [như đối với Đudintsev, Pasterrnak, Sogenittsyn[7]], mặt khác tìm cách nới rộng khung lí thuyết của CNHTXHCN để nó có thể bao quát các hiện tượng nghệ thuật khác nhau, nhằm duy trì phương pháp. Năm 1959, sau Đại hội nhà văn xô viết lần thứ 2 đã gạch bỏ yêu cầu kết hợp với nhiệm vụ giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu miêu tả chân thực lịch sử, cụ thể. Năm 1966 đề xuất phân biệt chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với văn học xô viết, với nghĩa văn học xô viết có thể bao gồm các sáng tác không phải hiện thực xã hội chủ nghĩa [G. N. Pospelov, M. B. Khrapchenco]. Sang năm 1971 đề xuất chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là hệ thống mở [D. Markov]. Nhưng đã mở rộng thành hệ thống văn học mở thì thực tế phương pháp sáng tác không còn là phương pháp nữa. Đến năm 1980 chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa coi như tiêu vong đối với sáng tác. Hầu như không có sách viết về nó nữa[8]. Cùng với đó là sự phát triển sáng tác hậu hiện đại. Văn học Xô viết qua các giai đoạn vẫn có thành tựu xuất sắc, nhưng số phận của lí thuyết phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thì ngày càng bị teo lại, hoặc được nới rộng ra để duy trì, nhưng không thể có sức sống[9]. Nhiều ý kiến cho rằng  chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã chết từ từ, bắt đầu từ những năm 60, những chết hẳn từ năm 70 trong sáng tác. Nó được nói đến chỉ nhờ vào giới lí luận quan phương, còn từ năm 1980 giới lí luận quan phương hầu hết đều im lặng không nói gì thêm nữa. Thực tế không ai nhắc đến. Năm 1982 Anatoli Bocharov viết cuốn Cuộc tìm tòi vô tận, trình bày những tìm tòi văn học xô viết mà không một lần nhắc đến “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa[10].

2.Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc.

Từ những năm 20 cùng vơi khẩu hiệu văn học vị nhân sinh tư tưởng về chủ nghĩa hiện thực đã được phổ biến rộng rãi. Lỗ Tấn đã nói đến điển hình hóa trong sáng tác. Năm 1928, Tiền Hạnh Thôn, nhà lí thuyết của Thái Dương xã công bố bài báo nổi tiếng : Thời đại của AQ đã qua rồi, cho rằng sáng tác của Lỗ Tấn đã lỗi thời, nhân vật của ông đều là người của thời đại cũ, phải có một phương pháp mới, và ông đề xướng “Tân tả thực chủ nghĩa” với nội hàm xã hội chủ nghĩa. Kế sau đó Chu Dương đã  giới thiệu phương pháp này vào năm 1930. Trong bài nói chuyện Tại tọa đàm văn nghệ Diên An Mao Trạch Đông 1942 cũng yêu cầu sáng tác không thể bê nguyên xi đời sống vào tác phẩm , mà phải điển hình hóa, lí tưởng hóa, tức là cũng đề cập đến chue nghĩa hiện hực mới. Tuy vậy, người Trung Quốc nghĩ rằng họ đang làm cách mạng dân chủ, phản đế phản phong, chưa xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho nên  chỉ nên gọi là chủ nghĩa hiện thực vô sản hay chủ hiện thực cách mạng. Năm 1952 Phùng Tuyết Phong mới đề nghị chuyển cách gọi chủ nghĩa hiện thực vô sản sang chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa[11]. Năm đó Chu Dương cho đăng trên tạp chí Ngọn cờ của Liên Xô bài viết nhan đề Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa – con đường đi tới của văn học Trung Quốc. Đại hội văn nghệ toàn quốc Trung Quốc tháng 9 – 10 năm 1953 đã quy định :”chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là chuẩn tắc cao nhất của sáng tác và phê bình của chúng ta.”Đến năm 1956, sau vụ lên án Stalin ở Liên Xô, tư tưởng văn nghệ Trung Quốc có ảnh hưởng lớn. Tần Triệu Dương viết bài Chủ nghĩa hiện thực – con đường bao la, phê phán những hẹp hòi nhầm lẫn của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, chống các biểu hiện giả tạo, giáo điều, đề cao tính chân thực. Đặc biệt ông cho rằng đã chủ trương miêu tả chân thực lịch sử cụ thể rồi thì không thể kết hợp giáo dục tư tưởng được, vì như thế sẽ giả tạo, giảm bớt chân thực để giáo dục. Ông cũng chỉ trích việc biến văn học thành tuyên truyền cho chính trị. Các nhà lí luận khác như Chu Bột, Tòng Duy Hi, Lưu Thiệu Đường hưởng ứng, phê phán các bất cập về lí thuyết của CNHTXHCN như về phương pháp, nó không khác gì CNHT trong quá khứ, nếu lấy yếu tố chủ nghĩa xã hội trong CNHTXHCN là  trung tâm thì thực tế yếu tố CNHT sẽ bị lấn át, làm suy yếu; cho rằng CNHTXHCN có khuynh hướng phản hiện thực. Tất nhiên các nhà văn này đã bị phê phán và xử lí tàn bạo. Đến năm 1958 cả nước Trung Quốc có phong trào đại nhảy vọt, nhà văn Trung Quốc cũng đại nhảy vọt. Năm đó tháng 3 – 1958 ra mắt tạp chi Thi san có đăng chùm bài thơ và từ của Mao Trạch Đông, Mao nói, hiện thực quá thì sẽ ít chất thơ, nên có kết hợp chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. Thế là Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Chu Dương đề xướng phương pháp sáng tác kết hợp chủ nghĩa hiện thực cách mạng và chủ nghĩa lãng mạn cách mạng, gọi tắt là phương pháp “hai kết hợp”. Phương pháp hai kết hợp thay thế chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.  Nói là hai kết hợp nhưng chủ yếu là chủ nghĩa lãng mạn cách mạng. Người ta thấy vấn đề lãng mạn đã được M. Gorki nhấn mạnh hồi nào, thể hiện sự thống nhất của hiện thực và lí tưởng. Tuy nhiên phương pháp hai kết hợp bị hoài nghi. Bởi vì sự thống nhất hiện thực và lí tưởng, chủ quan và khách quan phương pháp sáng tác nào, tác phẩm ưu tú nào cũng có, không thể đặc trưng cho “hai kết hợp”. Quách Mạt Nhược nói: Văn học là sự phản ánh hiện thực dó đó bản chất nó là chủ nghĩa hiện thực; nhưng đồng thời văn học phản ánh bằng hình tượng, đòi hỏi tưởng tượng, tư duy hình tượng, khoa trương, khuếch đại, cho nên là lãng mạn chủ nghĩa”, lập luận rất lung tung, tùy tiện. “Hai kết hợp” là một mớ lí thuyết phiến diện, tùy tiện, ngẫu hứng, không có giá trị lí thuyết, song nó thúc đẩy sáng tác theo hướng tô hồng hiện thực. Đến năm 1964 Thiệu Thuyên Lân, phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc đề xuất khẩu hiệu “Sâu sắc hóa chủ nghĩa hiện thực” [hiện thực chủ nghĩa thâm hóa].  Xuất phát từ chỗ nhận thấy sáng tác theo hướng hai kết hợp đem đến những sáng tác  phù phiếm, hời hợt, ông yêu cầu quan tâm không chỉ đề tài sáng tác, mà phải quan tâm khâu xây dựng nhân vật, chủ ý phản ánh các mâu thuẫn trong nội bộ đời sống của nhân dân. Từ thực tiễn sáng tác , vị dụ tác phẩm Sáng nghiệp sử của Liễu Thanh, xây dựng nhân vật anh hùng mới là Lương Sinh Bảo, tiêu biểu cho lớp thanh niên mới, xã hội chủ nghĩa. Nhưng  nhân vật hấp dẫn hơn là ông Ba Lương, bố của Lương Sinh Bảo, một người bảo thủ, nhưng giàu kinh nghiệm sản xuất, tư tưởng của ông phản ánh toàn bộ mâu thuẫn của đời sống. Từ đó ông đề xuất việc văn học phải quan tâm nhiều hơn tới các “nhân vật trung gian”. Theo ông, trong đời sống, nhân vật thật anh hùng và nhân vật thật xấu xa, phản động đều thuộc số ít, còn loại nhân vật trung gian thì nhiều, trong loại này lại tập trung đủ các mâu thuẫn của xã hội, vì thế nên quan tâm khắc họa chúng. Nghiêm Gia Viêm cũng hưởng ứng. Thiệu Thuyên Lân bị quy kết chống lại phương hướng xã hội chủ nghĩa, chủ trương xét lại, theo sáng tác tư sản, ông bị phê phán và bị tù rồi chết thảm trong ngục năm 1971. Đến thời kì cách mạng văn hóa, phương pháp sang tác biến tướng. Các nhà lãnh đạo chủ trương văn học viết các anh hùng vô sản, khái quát theo hướng cao cả, to lớn, toàn diện, thể hiện trong các vở kịch “mẫu”, do Giang Thanh dàn dựng. Bất kể tác phẩm nào không đạt tiêu chí “cao, đại, toàn” thì đều không được công bố, kết quả là bóp nghẹt văn học.  Đến thời kì mới, với các trào lưu văn học vết thương, phong trào tầm căn văn hóa, tân tả thực, viết cá nhân, viết theo lối dân gian… trên thực tế các phương pháp hiện thục xã hội chủ nghĩa, “hai kết hợp’, chủ nghĩa hiện thực cách mạng đã biến mất, không còn tồn tại. Đồng thời văn học Trung Quốc chịu ảnh hưởng  của chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại đã mở sang trang mới. Như vậy phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, hai kết hợp, đều là sản phẩm của chính trị, dội từ trên xuống, chìm nổi cùng cuộc đấu tranh chính trị và cuối cùng kết thúc, nhường chỗ cho các nhà văn sáng tác quyết định. Nó tồn tại khoảng từ 1930 đến 1980, trong vòng 50 năm. Đó là số phận của phương pháp HTXHCN ở Trung Quốc.

  1. 3. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Việt Nam

Tư tưởng về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được truyền vào Việt Nam khá sớm. Chỉ sau mấy năm được thiết lập ở Nga năm 1934, năm 1936 Hải Triều, Hải Thanh đã sốt sắng nói đến “chủ nghĩa tả chân Xô viết” hay “tả chân xã hội” với tính chất tích cực, lãng mạn, lạc quan trên báo Hồn trẻ. Hải Triều nói đến “chủ nghĩa tả thực xã hội” trên Tao Đàn, năm 1939. Đặng Thai Mai đã nói đến “phương pháp sáng tác cần phải đem nghệ thuật xã hội hiện thực chủ nghĩa mà đánh đổ văn học duy tâm và nghệ thuật lãng mạn” trong Văn học khái luận năm 1944. Năm 1943 trong Đề cương văn hoá Việt Nam đã nêu : “Tranh đấu về tông phái văn nghệ…làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng.” Năm 1948 trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam Trường Chinh khẳng định “trong thời đại chúng ta văn hóa cách mạng là văn hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa”[12]. Đến báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam [1948] thì tên gọi phương pháp mới đầy đủ như sau này được nói đến, khi nêu câu hỏi:  “Chủ nghĩa hiện thưcj xã hội chủ nghĩa là gì?”, “Hiện thực xã hội chủ nghĩa là một phương pháp sáng tác văn học tả những sự thật trong xã hội. Nhưng trong sự thật khách quan, phải làm nổi bật lên những tính cách điển hình trong những trường hợp điển hình. Hơn nữa nó làm cho người ta thấy được cái lẽ chuyển biến tất nhiên của xã hội cái khuynh hướng khách quan của sự vật tiến hóa” [tr. 120]. Ông đặc biệt nhấn mạnh thái độ khách quan của nghệ sĩ, khuynh hướng phải để tự nó toát ra từ tình thế và hành động [tr. 121]. Trong báo cáo đọc tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 năm 1957 đã có mục “Vận dụng phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác và phê bình”  khẳng định đây là phương pháp sáng tác văn nghệ tốt nhất, nhưng vẫn tôn trọng sự lựa chọn của nghệ sĩ. Khi đặt hàng, giao nhiệm vụ cho văn nghệ sĩ, nhiệm vụ chính là biểu hiện cái vĩ đại, anh hùng, những đức tính tốt đẹp đang nảy nở trong con người mới và cuộc sống mới, hướng tới nhiệm vụ giáo dục tư tưởng chính trị của Đảng. Giá trị của tác phẩm thể hiện ở hiệu quả phục vụ của nó. Đảng vẫn mong muốn có nhiều tác phẩm phục vụ kịp thời [tr.  153, 154]. Trong Bài nói chuyện với bạn viết toàn quân [1959] có mục “Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” [tr. 187], Sau khi nêu câu hỏi Chủ nghĩa hiện thực là gì? Ông trả lời: “Hiện thực tức là miêu tả thực tế. Thực tế là đời sống của  của quần chúng”. Đây là phương pháp duy vật của những nhà văn nghệ, đòi hỏi phải quan sát, nghiên cứu sáng tạo điển hình.  CNHTXHCN không mâu thuẫn với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng. Lãng mạn là mơ ước, là tưởng tượng sáng tạo. CNHTXHCN đến trình độ cao thì sẽ nhất trí với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng, nhưng không nhất trí với chủ nghĩa lãng mạn tư sản. [tr. 180]. Có phương pháp rồi còn cần có năng lực biểu hiện. Đến Báo cáo tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba năm 1962 Trường Chinh lại nhắc đến phương pháp sáng tác HTXHCN, với yêu cầu điển hình hóa, miêu tả con người mới, tính đảng cộng sản của nhà văn và của tác phẩm. Các bức thư của BCH Trung ương Đảng CS Việt Nam gửi cho các Đại hội văn nghệ cũng đều nói đến phương pháp sáng tác HTXHCN. Như vậy có thể nói Đảng CS Việt Nam rất coi trọng vấn đề phương pháp sáng tác HTXHCN, coi đó là vấn đề lớn của văn nghệ, không bao giờ quên nhắc nhở cho văn nghệ sĩ. Trong các ý kiến đó nổi lên tư tưởng nhấn mạnh đến sự phản ánh thực tế một cách khách quan, theo tinh thần duy vật biện chứng, thể hiện khuynh hướng tiến hóa của lịch sử, tức là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cụ thể là miêu tả con người mới, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, tính chiến đấu, tinh thần lạc quan cách mạng, coi đây như là một sự đặt hàng của Đảng và nhà nước đối với văn nghệ.

Đó là quan điểm chính thống. Thực sự thì chỉ sau năm 1954 việc giới thiệu và nghiên cứu chủ nghĩa HTXHCN mới được triển khai bài bản. Bên cạnh các tác phẩm của học giả Nga như Nguyên lí mĩ học Mác Lenin của Viện hàn lầm khoa học Liên Xô [Hoàng Xuân Nhị dịch, ST, 1963], CNHTXHCN của Kudơnetsov [ST, 1958], các nhà nghiên cứu Việt Nam bắt đầu viết về phương pháp sáng tác này.  Giáo trình của Lê Đình Kỵ Các phương pháp nghệ thuật [GD, 1962] có chương Chủ nghĩa HTXHCN gồm các mục Sự ra đời, các đặc điểm cơ bản như phản ánh hiện thực, điển hình hóa, tính đảng cộng sản, nhân vật tích cực, về văn học xã hội chủ nghĩa gồm con người mới, chủ đề lao động, yếu tố lãng mạn, yếu tố phê phán. Hồng Chương trong sách Phương pháp sang tác trong văn học nghệ thuật [ST, 1962] đã nêu cội nguồn, văn học XHCN ở các nước trên thế giới, văn học XHCN Việt Nam [văn học cách mạng] qua các thời kì, Cơ sở của CNHTXHCN gồm phản ánh luận làm cơ sở, tính đảng cộng sản, sự biểu hiện con người mới, tính dân tộc, sự lãnh đạo của Đảng. Nguyễn Minh trong bài Nắm vứng phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa[13]Nguyễn Văn Hạnh trong bài Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong giáo trình Cơ sở lí luận văn học tập 4, [GD, 1971] về cơ bản cũng vẫn trình bày theo mô hình “kinh điển”. Nội dung về cơ bản giống như các sách của Liên Xô đương thời của S. M. Petrov, Abramovicxh, L. I. Timofeev, đồng thời có kết hợp với việc nghiên cứu một số hiện tượng văn học Việt Nam như Ngục Công  Tum, Nhật kí chìm tàu của Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu, thơ Nhật kí trong tù.. Đúng như nhận định của Phương Lựu, trong giai đoạn từ những năm 60 đến năm 1975 sự tiếp nhận lí thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tương đối hoàn chỉnh[14], tức  là có dầu có đuôi, các sự kiện lịch sử và các ví dụ điển hình lấy từ văn học Liên Xô và bắt đầu vận dụng vào một số tác phẩm  của văn học Việt Nam.

Từ sau năm 1976, Việt Nam bắt đầu tiếp nhận những suy nghĩ mới về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, tức là những điều chỉnh hoặc là những kiến nghị nhằm làm cho cái khung lí thuyết cũ phù hợp được với những thay đổi rất to lớn trong sáng tác, mà người Việt Nam lầm tưởng là bản thân lí thuyết có sự phát triển. Lúc này ở Việt Nam đã xuất bản sách của M. B. Khrapchenco Cá tính sáng tạo và sự phát triển của văn học [1978], Văn học, hiện thực, con người [1983]; của B, Suchkov Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực, Ovcharenco bàn về chủ nghĩa lãng mạn trong văn học xô viết… Với sự tác động đó, nhiều nhà lí thuyết Việt Nam cũng bắt đầu nói về chủ nghĩa này một cách mềm dẻo và mới hơn. Hoàng Ngọc Hiến nói đến lí thuyết kí hiệu thông tin trong tiếp cận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa[15] Ông phân biệt tính chân thực loại hình, chỉnh thể và tính chân thực cụ thể cảm tính, dọn đường cho những sáng tác khái quát ước lệ. Nhiều người đề xuất ý tưởng đổi mới hình thức trong phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Xin lưu ý là từ năm 1973 ở Liên Xô đã xuất bản bộ sách bàn về phương diện hình thức của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các nhà lí luận của ta cũng tiếp bước theo. Ví dụ như cho rằng phương pháp này có thể thu nạp các thủ pháp của chủ nghĩa lãng mạn, tượng trưng, hình tượng huyền thoại, thủ pháp ước lệ.[16] [So sánh với các ý kiến của Trường Chinh thời kì đầu là chống chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, đa đa, lập thể, những loại nấm độc trên thân cây gỗ mục]. Đây là lúc ở Liên Xô xuất hiện các tác phẩm của Aitmatov, Vampilov, Bưkov, các sáng tác được in lại của M. Bulgakov, đem lại một diện mạo mới của văn học xô viết, thực tế đó đòi hỏi nới rộng giới hạn của phương pháp.Về nội dung có người đề ra cần coi trọng yếu tố phê phán trong văn học xã hội chủ nghĩa. Hà Xuân Trường  nhận xét: “Thiếu sót lớn của văn nghệ ta là thiếu sự phê phán sắc bén. Không phê phán sắc bén thì không thể làm nổi bật được cái mới không dọn đường cho cái mới nảy nở”[17] Nêu yêu cầu phê phán là đúng, nhưng cách nêu rất cũ, nêu để ca ngợi cái tốt. Điều này cũng giống như có người nói, trong hiện thực xã hội chủ nghĩa cái cần phê phán chỉ là cái tàn dư của xã hội cũ, chứ trong xã hội chủ nghĩa không có cái xấu của nó, không có sự tha hóa. Thực tế cho thấy không xã hội nào lại không có cái xấu của nó, và nghệ thuật cần phát hiện để phê phán. Đó vẫn là những tư duy giáo điều.

Trong khi các nhà lí luận nói về sự phát triển của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì các nhà sang tác từ thực tiễn của mình đã thấy sự chật hẹp của phương pháp. Nó chật hẹp không phải vì chỉ gò bó về hình thức, mà chủ yếu vì các nhiệm vụ tuyên truyền, nhà văn khó viết sự thật. Chú ý trước đây Trường Chinh đã nêu vấn đề nhà văn có quyền viết sự thật, nhưng sự thật theo quan điểm của ai, sự thật có lợi cho ai, không để địch lợi dụng sự thật… Với các ràng buộc như thế nhà văn khó bề khám phá cái sự thật mà mình chiêm nghiệm. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã cảm thấy gò bó sớm nhất, đã có nhu cầu ai điếu cho lối sáng tác minh họa, và ông có lẽ cũng là người sớm nhất từ bỏ phương pháp sấng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa khi viết các tập truyến ngắn như Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành Các tác phẩm này, theo đánh giá của Hà Xuân Trường là chỉ hiện thực xã hội chủ nghĩa một nửa, nghĩa là đầy ưu tư, thiếu chất lạc quan cách mạng, thiếu điển hình, mặc dù vẫn viết về các chiến sĩ , về chiến tranh cách mạng, nhưng đã mở rộng đề tài và chủ đề. Sáng tâc của ông không thể đánh giá được theo tiêu chí chủ nghĩa hiện thục xã hội chủ nghĩa. Đến năm 1986 xuất hiện nhiều sáng tác không theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, tập thơ Một tiếng đờn của Tố Hữu cũng đã không theo chuẩn mực hiện thực xã hội chủ nghĩa…Sau cuộc nói chuyện của Ông Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam đương thời, đề xuất việc cởi trói, Nghị quyết trung ương 5 Đại hội VI của Đảng [1987], cũng không  còn tiếp tục đề xuất phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp tốt nhất nữa, và nói chung, từ đây trong các văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam đều không còn nhắc tới phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa.  Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X [2008] Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đánh giá: “Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định. […] Sự xuất hiện lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách là dấu hiệu mới đáng trân trọng […]Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”[18] Trong tư tưởng của đoạn văn này ta thấy hầu hết các giáo điều, các quy phạm của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trước đây hầu như đã bỏ hết, như điển hình cao độ, chủ nghĩa lãng mạn, tinh thần lạc quan, con người mới…đều không quy định cụ thể. Có thể nói chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của văn học Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó và đã trở thành một hiện tượng của lịch sử văn học. Nó đã kết thúc tồn tại sau 43 năm đề xướng, tính từ Đề  cương văn hoá Việt Nam năm 1943.

[1] A. A. Reviakina. Về lịch sử khái niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong sách: Khoa học về văn học trong thế kỉ XX – Lịch sử, phương pháp luận, quá trình văn học, nxb. Viện hàn lâm khoa học Nga, M., 2001.tr. 286.

[2] Theo tư liệu của Lidia Spiridonova, GS. TS ngữ văn thuộc Viện văn học thế giới Imli trong bài báo Stalin và Gorki  cho biết từ năm 20 Đảng CS Nga có các Nghị quyết về báo chí văn nghệ sau: Về phái văn hóa vô sản [1920], Những nhiệm vụ quan trọng nhất của báo chí [1924], Về chính sách của Đảng trong linh vực văn học nghệ thuật [1925], Về việc cải tổ các tổ chức văn học nghệ thuật [1932]

[3] Ngày 15 – 8 – 1933 Gorki được bầu làm chủ tịch thay Gronski.

[4] Nhà số 6, phố Malaia Nikitskaia. Matskva.

[5] Trong các báo chính của M. Gorki,, Bukhrin, Radek, Marshak, Fadeev… không hề nói gì đến chủ nghĩa hiên thực xã hội chủ nghĩa như ý kiến của Zhdanov. Fadeev nói văn học mới cần có yếu tố khẳng định. Gorki nói đề tài văn học xô viết là người lao động, Bukharin nói về tơ ca, ngợi ca thơ  của Psternak…Xem các bài phát biểu của Gorki trước Đại hội nhà vawqn Liên xô lần thứ nhất trong tập M. Gorki bàn về văn học , tập 2, nxb Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 235 – 289; 290 -293. Theo một số hồi ức, nghiên cứu thì M. Gorki tỏ ra tiêu cực trong ý định lãnh đạo các nhà vưn theo một định hướng thống nhất. Ông khẳng định với Stalin, rằng mỗi nhà văn là một cá nhân, và họ viết theo kế hoạch, hứng thú riêng của họ. Xem ý kiến của Gs. Lidia Spridonova trong bài Stalin và Gorki.

[6] Trích theo bài báo của  A. A. Reviakina, Tldd, tr. 288.

[7] Ví dụ đối với tác phẩm Bác sĩ Rivago của Pasternak,  E. Kazakevich cho là phủ nhận cách mạng tháng Mười; B. Polevoi cho là chống xô viết; K. Simonov cho rằng không thể xuất bản ở Liên Xô… Do đó tác giả ìm cách xuất bản ở Italia.

[8] Năm 1983 còn có một cuốn sách: Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa –Những vấn đề bức thiết về lí thuyết và thực tiễn . Tập bài lược thuật và tóm tắt, M., 188 trang.

[9] Phân tích theo tư liệu của A. A. Reviakina, Tldd.

[10] Xin xem: Cuộc tìm tòi vô tận,  Huy Bích lược dịch, nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1988.

[11] Xem Hoàng Mạn Quân. Lịch sử lí luận và phê bình văn học Trung Quốc thế kỉ XX, tập 2, chương 4: Sự diễn hóa và xây dựng phạm trù trong lí luận chủ nghĩa hiện thực, tr. 638.

[12] Trường Chinh [cùng nhiều tác giả] Về văn hóa văn nghệ, nxb Văn học, Hà Nội, 1972, tr. 101.

[13] Trong sách Mấy vấn đề lí luận văn học, nxb KHXH, Hà Nội, 1970.

[14] Phương Lựu. Nhìn lại nửa thế kỉ lí luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam [1936 – 1986], nxb Giáo dục, Hà Nội, 182 trang.

[15] Hoàng Ngọc Hiến. Tiếp cận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa từ lí thuyết phản ánh và lí thuyết thong báo, Tạp chí văn học, số 2 – 1979.

[16] Lê Sơn. Cách mạng tháng Mười và  và sự phát triển của lí luận hiện thực xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Văn học số 5 – 1983; Nguyễn Đức Nam, Đỗ Xuân Hà. Lí luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trên thế giới, Nghiên cứu nghệ thuật, soos4/1980, 2/1981, 5/1981, 3/1982; Phan Trọng Thưởng. Sự thống nhất và đa dạng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trên thế giới trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí văn học, số 5 – 1984; Vũ Đức PHúc. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sang tác của nền văn nghệ chúng ta, trong sách Ra sức phấn đấu đêwr có những thành tựu mới trong văn nghệ, Sự thật, Hà Nội, 1980…

[17] Hà Xuân Trường. Chủ nghĩa hiện thự phê phán và  vai trò phê phán của chủ nghĩa hiện thự xã họi chủ nghĩa, Nghiên cứu nghệ thuật, số 3 – 1977.

[18] Báo Nhân dân ngày 24/6/2008

Video liên quan

Chủ Đề