Vai trò của Kho bạc Nhà nước trong nền kinh tế

Vai trò của Kho bạc Nhà nước trong nền kinh tế
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Nhiệm vụ huy động vốn sẽ khá nặng nề, đòi hỏi KBNN phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm - Ảnh: VGP
Ngày 24/12, KBNN tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Lãnh đạo KBNN cho biết năm 2021, tuy phải đối diện với nhiều tác động của đại dịch COVID-19 nhưng toàn hệ thống KBNN vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tính đến hết ngày 15/12/2021, lũy kế thu ngân sách Nhà nước trong cân đối đạt 1.438,89 nghìn tỷ đồng, bằng 107,11% so với dự toán năm 2021 được giao. Trong số đó, thu ngân sách Trung ương đạt 101,13% so với dự toán năm; thu ngân sách địa phương đạt 114,44% so với dự toán năm.

Trong năm 2021, tính đến ngày 15/12, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đối với các khoản chi thường xuyên đạt 883,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1% dự toán; chi đầu tư đạt 302,2 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán. Thông qua kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán với số tiền 22,6 tỷ đồng.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên KBNN cung cấp 100% thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỉ lệ 100%; số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách Nhà nước phát sinh hằng tháng đạt trên 99%.

Đánh giá về công tác năm 2021 của hệ thống KBNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, năm qua, KBNN đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành cơ bản xuất sắc tất cả các nhiệm vụ chính trị đặt ra. 

Đối với công tác chi ngân sách Nhà nước, trong năm qua, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải đáp ứng nhu cầu chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, KBNN đã đồng hành với các cơ quan tài chính, ngành lao động, thương binh và xã hội nhanh chóng giải quyết các chính sách, chế độ cho người dân, giải quyết khó khăn cho người lao động.

Hệ thống KBNN đã góp phần vào thành công chung của ngành tài chính. Về điều hành ngân quỹ Nhà nước, KBNN đã bảo đảm công tác chi ngân sách ngày càng chủ động; luôn thực hiện tốt vai trò là cơ quan kiểm soát thanh toán, các giao dịch thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm giải ngân vốn kịp thời cho các dự án.

KBNN đã bảo đảm minh bạch trong quy trình, hồ sơ thanh toán, rút ngắn thời gian thanh toán nhằm đẩy nhanh tiến độ thanh toán vốn đầu tư, đồng thời có các báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư công định kỳ, đột xuất. Trên cơ sở đó, các số liệu tình hình giải ngân, các khó khăn, vướng mắc, các giải pháp, kiến nghị đã được Bộ Tài chính báo cáo cụ thể, làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo điều hành kịp thời nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ cũng tương đối thành công với kì hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn và số lượng phát hành nhiều hơn.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, năm 2022, nhiệm vụ đặt ra với ngành tài chính nói chung và KBNN nói riêng là rất nặng nề. Trước hết, trong công tác huy động vốn, năm 2022, dự đoán bội chi sẽ tiếp tục tăng và hiện tại, Chính phủ đang trình Bộ Chính trị để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường đầu năm chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế.

Nhiệm vụ huy động vốn sẽ là khá nặng nề, đòi hỏi KBNN phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm. Cùng với đó, công tác kiểm soát vốn đầu tư cũng cần tiếp tục tăng cường trong năm tới vì sẽ có những dự án mới trong gói phục hồi kinh tế.

Về cải cách hành chính, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu KBNN cần thực hiện đẩy mạnh cơ chế chính sách, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường kiểm soát rủi ro để bảo đảm thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng. Do từ ngày 1/1/2022, một số cơ chế, chính sách mới quy định về quản lý thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công bắt đầu có hiệu lực, vì vậy, đề nghị KBNN chủ động xây dựng chương trình tập huấn các quy định mới tới các kho bạc cơ sở.

“Ngoài ra, hiện nay, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, vậy nên KBNN Trung ương cần đôn đốc các kho bạc địa phương chủ động, tích cực, kịp thời phối hợp với các chủ đầu tư thực hiện ngay việc kiểm soát thanh toán vốn cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng lưu ý.

Anh Minh


NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA KHO BẠC NHÀ NƯỚC QUẢNG BÌNH

1. Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt và hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước.

2. Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

3. Hướng dẫn, kiểm tra các Kho bạc Nhà nước ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp huyện) thực hiện các hoạt động nghiệp vụ theo chế độ quy định.

4. Quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính nhà nước theo quy định của pháp luật:

a) Tập trung và phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước; tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách nhà nước các khoản tiền do các tổ chức và cá nhân nộp tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; thực hiện điều tiết các khoản thu cho các cấp ngân sách theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Quản lý các tài sản quốc gia quý hiếm theo quyết định của cấp có thẩm quyền; quản lý tiền, tài sản, ấn chỉ đặc biệt, các loại chứng chỉ có giá của Nhà nước và của các đơn vị, cá nhân gửi tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

5. Thực hiện giao dịch thu, chi tiền mặt; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn kho, quỹ tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

6. Tổ chức thực hiện công tác kế toán ngân sách nhà nước:

a) Hạch toán kế toán về thu, chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính do Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh quản lý, các khoản vay nợ, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và các hoạt động nghiệp vụ kho bạc tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh theo quy định của pháp luật;

b) Báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện nhiệm vụ tổng kế toán nhà nước theo quy định của pháp luật:

a) Tiếp nhận thông tin báo cáo tài chính của các đơn vị thuộc khu vực kế toán nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức tổng hợp thông tin tài chính nhà nước trên địa bàn về tình hình tài sản nhà nước; nguồn lực và nghĩa vụ của Nhà nước; tình hình hoạt động, kết quả thu, chi ngân sách nhà nước; vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và các tài sản, nguồn lực, nghĩa vụ khác của Nhà nước;

c) Lập báo cáo tài chính nhà nước của chính quyền địa phương, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện công tác thống kê về thu, chi ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính do Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh quản lý, các khoản vay nợ, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định; xác nhận số liệu thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

Tổng hợp, đối chiếu tình hình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ phát sinh tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

9. Quản lý ngân quỹ nhà nước tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh theo chế độ quy định:

a) Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản và thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản đối với các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh;

b) Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ngân hàng thương mại trên cùng địa bàn theo chế độ quy định để thực hiện các nghiệp vụ thu, chi, thanh toán của Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức thanh toán, đối chiếu, quyết toán thanh toán liên kho bạc theo quy định của pháp luật.

10. Tổ chức thực hiện việc phát hành và thanh toán trái phiếu Chính phủ tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

11. Thực hiện thanh tra chuyên ngành; kiểm tra hoạt động Kho bạc Nhà nước trên địa bàn; thực hiện công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước.

12. Tổ chức quản lý và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; quản trị cơ sở dữ liệu và các ứng dụng hợp nhất của Bộ Tài chính đặt tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

13. Quản lý bộ máy, biên chế, công chức: thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, thi đua khen thưởng, bổ nhiệm, quy hoạch, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng công chức và hợp đồng lao động thuộc phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh theo quy định của pháp luật, phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước.

14. Quản lý và thực hiện công tác hành chính, quản trị, tài vụ, xây dựng cơ bản nội bộ theo quy định của Kho bạc Nhà nước, của Bộ Tài chính và của pháp luật.

15. Tổ chức thực hiện chương trình hiện đại hóa hoạt động Kho bạc Nhà nước; cải cách hành chính theo mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, công khai hóa thủ tục, cải tiến quy trình nghiệp vụ và cung cấp thông tin để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

16. Tổ chức và quản lý các điểm giao dịch thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

17. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước giao.

18. Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có quyền:

a) Trích tài khoản tiền gửi của tổ chức, cá nhân để nộp ngân sách nhà nước hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác để thu cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Được từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không đúng, không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

c) Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Quyết định số 1399/QĐ-BTC ngày 15/7/2015