Vai trò của công nghệ thông tin trong dạy học

Ngày nay với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin mọi việc có thể giải quyết một cách dễ dàng hơn, không ai có thể phủ nhận được những lợi ích của công nghệ thông tin đem lại, nó được sử dụng trong rất nhiều các lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, chính trị và giáo dục Việc sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã và đang đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực giúp cho người dạy và người học tiếp cận với tri thức một cách dễ dàng và sinh động hơn.

Trong thực tế giảng dạy việc sử dụng các phương pháp truyền thống chỉ thiên về giao tiếp một thầy - một trò sẽ dẫn đến một số hạn chế cho người học như lười học, lười suy nghĩ, thụ động tiếp thu kiến thức, ngại giao tiếp, không mạnh dạn và không linh hoạt do đó hiệu quả của việc dạy và học chưa đạt được hiệu quả cao như mong muốn. Vì vậy, sử dụng phần mềm công nghệ thông tin vào dạy học làm phương tiện hỗ trợ một cách hợp lí sẽ đem lại hiệu quả cao hơn vì khi sử dụng phần mềm dạy học, bài giảng sẽ sinh động hơn, sự tương tác hai chiều giữa người dạy và người học được thiết lập, người học được giải phóng khỏi những công việc thủ công vụn vặt, tốn thời gian, dễ nhầm lẫn, nên có điều kiện đi sâu vào bản chất bài học.

Trước đây khi Công nghệ thông tin mới bắt đầu phát triển và đưa vào sử dụng trong giảng dạy, người dạy thường ngại sử dụng công nghệ thông tin vì nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố: người dạy phải thành thạo công nghệ thông tin, mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị bài giảng, để tạo được những hìn hảnh đẹp, sống động trên các Slide đòi hỏi phải mất nhiều thời gian chuẩn bị và đây chính là điều mà người dạy rất ái ngại. Khi sử dụng giáo án điện tử ngoài những kiến thức cơ bản về vi tính, sử dụng thành thạo phần mềm PowerPoint người dạy cần phải có tính sáng tạo, tính thẩm mỹ và sự nhạy bén để tìm kiếm tư liệu phục vụ cho bài dạy.

Tuy nhiên với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và để đáp ứng được nhu cầu học tập của người học trong thời đại 4.0 thì không thể phủ nhận được những lợi ích mà công nghệ thông tin đem lại, đặc biệt trong việc ứng dụng vào dạy và học trong thời đại mới ngày nay. Một số lợi ích thiết thực mà chúng ta có thể nhận thấy rất rõ đó là:

1. Hỗ trợ người thầy trong việc soạn giảng và giảng dạy

Những năm trước đây khi công nghệ thông tin chưa thực sự phát triển và các phương tiện hỗ trợ dạy học chưa nhiều thì việc soạn bài giảng của người dạy chủ yếu theo phương pháp truyền thống là ghi vào sổ, hàng năm khi giảng dạy người dạy đều phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với thực tế, việc làm đó đã chiếm một khoảng thời gian rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay với thời đại công nghệ thông tin đã giúp cho người dạy tiết kiệm thời gian soạn bài giảng hơn rất nhiều, việc chỉnh sửa và đưa thêm vào những kiến thức cần thiết trong bài giảng cũng trở nên dễ dàng hơn, người dạy có thể điều chỉnh bài giảng của mình bất cứ lúc nào mà không sợ việc phải viết lại và chép lại trên giấy.

Ví dụ: Đối với bộ môn Toán, việc soạn giáo án bằng máy vi tính không những đòi hỏi giáo viên hiểu, thực hành tốt phần Microsoft Word mà còn đòi hỏi giáo viên nắm một số phần mềm cơ bản như: PowerPoint, Mathtype, Sketchpad. Phần mềm Mathtype sẽ cung cấp cho giáo viên các kí hiệu góc, phân số, lũy thừa... Còn phần mềm Sketchpad giúp cho giáo viên có thể vẽ các hình trong hình học, vẽ đồ thị hàm số, Hay đối với dân kinh tế trước đây phân tích các hoạt động trong kinh doanh giờ đây trở nên dễ dàng với sự hỗ trợ của các phần mềm chuyên nghiệp như: Stata, SPSS, Eview,

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học giúp người dạy nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy của mình. Giáo viên giờ đây không chỉ bó buộc trong khối lượng kiến thức hiện có mà còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như tin học và học hỏi các kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong việc thiết kế bài giảng. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn giúp giáo viên có thể chia sẻ bài giảng với đồng nghiệp, cùng nhau thảo luận và nâng cao chất lượng giáo án của mình. Với việc sử dụng bài giảng điện tử sẽ giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian viết nội dung lên bảng, treo bảng phụ, nội dung hiển thị đến đâu, giáo viên giảng đến đó, làm cho thời gian giảng bài nhiều hơn. Bài giảng điện tử được lưu trữ và làm tư liệu để có thể sử dụng chúng lâu dài và cho những bài dạy về sau.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn đem rất nhiều lợi ích như: Các kiểu chữ, màu chữ, hiệu ứng, phông nền có tác dụng trực quan, nhấn mạnh những nội dung cơ bản, trọng tâm, lôi cuốn sự chú ý và khơi gợi hứng thú cho người học. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên rất dễ dàng sử dụng công nghệ thông tin trong trình giảng, dừng lại, trở về trước, đi tới sau,... Giáo viên tiết kiệm được nhiều thời gian thuyết giảng và không quá vất vả khi giới thiệu, miêu tả, thể hiện những nội dung kiến thức mới từ đó học sinh dễ tiếp thu bài học.

2. Hỗ trợ người học trong việc học tập

Đối với người học, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã giúp họ được tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn phương pháp đọc - chép truyền thống. Ngoài ra, sự tương tác giữa người dạy và người học cũng được cải thiện rất nhiều, người học không còn thụ động trong các tiết giảng, không còn chăm chú ghi chép mà các em sẽ có nhiều thời gian được thể hiện quan điểm cũng như chính kiến riêng của mình đối với môn học. Điều này không chỉ giúp người học ngày thêm tự tin mà còn để cho giáo viên hiểu thêm về năng lực, tính cách và mức độ tiếp thu kiến thức của sinh viên, từ đó có những điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp và khoa học.

Bên cạnh đó việc được tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin trong lớp học còn mang đến cho người học những kỹ năng tin học cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây sẽ là nền tảng và sự trợ giúp đắc lực giúp người học trau dồi thêm kĩ năng và sự sáng tạo trong việc soạn các slide cho những buổi thuyết trình trước lớp, đồng thời tăng cường khả năng tìm kiếm thông tin cho bài.

Tuy nhiên, mức độ hứng thú và tiếp thu bài hiệu quả của người học trong những giờ học có ứng dụng công nghệ thông tin còn phụ thuộc vào việc soạn giảng và chất lượng giờ dạy của giáo viên. Nếu bài soạn không sáng tạo, hấp dẫn, không thu hút được người học thì sẽ rất dễ gây nhàm chán và không hứng thú cho người học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phải đảm bảo đặc trưng của từng môn, chuyển tải được các đơn vị kiến thức cơ bản cần thiết, mặt khác cần bảo đảm tính thẩm mỹ, khoa học.

Công nghệ thông tin đã và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các ngành nghề là rất cần thiết nhất là đối với việc dạy và học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học là một công việc lâu dài, khó khăn đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, năng lực của đội ngũ giáo viên. Vì vậy, với khả năng sư phạm vốn có cộng thêm việc thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức tin học, các giảng viên hoàn toàn có thể thiết kế được bài giảng điện tử để thể hiện tốt hơn phương pháp sư phạm, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục trong thời đại ngày nay.

3. Kiến thức đa dạng và thường xuyên được cập nhật

Nếu như trước đây, việc tiếp thu kiến thức được cung cấp từ sách vở và giáo viên thì hiện nay, nguồn kiến thức đa dạng này được cung cấp trực tuyến qua kết nối internet. Người thầy chủ yếu là người truyền thu kiến thức. Điều này đóng một vai trò to lớn trong quá trình đổi mới phương thức giảng dạy trong tình hình mới.

Đổi mới giáo dục hiện nay là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, bằng cách giúp người học phương pháp tiếp cận và cách tự học, cách giải quyết vấn đề. Việc truyền thụ, cung cấp kiến thức, dần dần sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận, giải phóng người thầy khỏi sự thiếu hụt thời gian, để người thầy có thể tập trung giúp người học phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực của người học.

4. Tạo không gian và thời gian học linh động

Công nghệthông tin tạo điều kiện cho người học có thể học tập và tiếp thu kiến thức một cách linh động và thuận tiện. Mọi người có thể tự học ở mọi lúc, mọi nơi, có thể tham gia thảo luận một vấn đề mà mỗi người đang ở cách xa nhau, góp phần tạo ra xa hội học tập mà ở đó, người học có thể học tập suốt đời.

Đổi mới phương pháp dạy - học nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những mục tiêu quan trọng hiện nay của ngành giáo dục. Việc ứng dụng CNTT nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học là một công việc lâu dài, khó khăn đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, năng lực của đội ngũ giáo viên. Nhưng thiết nghĩ rằng, với những lợi ích mà nó đem lại, người dạy và người học cần lưu tâm để chất lượng công việc và học tập ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Phạm Thị Huyền Phạm Văn Tráng

Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau

Video liên quan

Chủ Đề