Tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt Nam là gì

Skip to content

Trang chủ Tin tức Thờ cúng tổ tiên giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống của gia đình, dân tộc

Hay còn gọi là đạo ông bà, đạo thờ tổ tiên, cũng gọi là tục thờ cúng tổ tiên thể hiện truyền thống uống nước, nhớ nguồn, hiếu kính cha mẹ, ông bà. Đây là truyền thống có từ lâu đời ở Việt Nam. Không chỉ có tộc người Kinh mà nhiều tộc người thiểu số khác ở Việt Nam cũng có tục này. Trong các gia đình người Việt và một số tộc người thiểu số khác, đều có bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng được bài trí ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Bàn thờ luôn được giữ gìn sạch sẽ, tinh khiết. Đây là chỗ để tiến hành các hoạt động cầu cúng, lễ bái tưởng nhớ tổ tiên. Rất khó có thể tìm thấy một văn bản thành văn nào nói về nguồn gốc, sự hình thành, phát triển của thờ cúng tổ tiên.

Khái niệm thờ cúng tổ tiên chỉ sự tôn kính và cầu mong sự phù trợ của con cháu đang sống dành cho tổ tiên là người có quan hệ huyết thống với họ nhưng đã qua đời. Hành vi thể hiện sự tôn kính và cầu mong ấy biểu hiện ở sự ghi nhận công lao và đạo đức, tưởng nhớ, đánh thức sự quan tâm, dâng lễ và cầu khấn.

Thờ cúng tổ tiên thường có một số đặc điểm chung. Trước tiên tổ tiên dù đã chết được tin và mường tượng rằng vẫn tồn tại ở một dạng thức nào đó và có quyền năng can thiệp đến cuộc sống hiện tại của con cháu đang sống. Thứ hai, sự ảnh hưởng có thể là ban phúc hoặc giáng họa. Trong khi ban phúc là phù hộ cho con cháu có sức khỏe dồi dào và gặp thuận lợi trên mọi hoạt động sống, thì giáng họa thường là hành vi trừng phạt cho sự bất tôn kính hoặc tưởng nhớ không đúng cách, biểu hiện ở việc con cháu phải gánh chịu bệnh tật hoặc gặp chuyện không may. Thứ ba, dù có quan hệ gần gũi với con cháu đang sống, tổ tiên được tin là có cuộc sống độc lập ở cõi riêng. Tổ tiên cũng được tin là có thể đầu thai trở lại gia đình trong các thế hệ tiếp theo. Thứ tư, không gian cho thờ cúng tổ tiên thường được thiết kế ở trong cùng không gian sinh sống riêng tư của gia đình con cháu. Không gian ấy cũng có thể được thiết kế chung nơi không gian sinh hoạt của một cộng đồng. Sau cùng, tổ tiên còn có thể hiểu theo nghĩa rộng là người khai sinh ra cả một nòi giống. Đại đa số người Việt Nam, đặc biệt người dân tộc Kinh vốn chiếm trên 80% dân số, tin vào một tổ tiên chung là Vua Hùng đồng thời thờ cúng tổ tiên của dòng họ và của gia đình mình.

Toan Ánh trong Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam cho rằng qua việc thờ cúng tổ tiên, tại Việt Nam, người khuất và người còn sống luôn luôn như có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ thần linh. Người Việt quan niệm vong hồn gia tiên luôn ở gần mình, thông qua các hoạt động cầu cúng, lễ bái người sống và người chết có thể liên lạc với nhau.

Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục gọi thờ cúng tổ tiên là phụng sự tổ tiên. Ông viết: xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là nghĩa vụ của người. Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính cũng một tả khá kỹ về những yếu tố cấu thành của thờ cúng tổ tiên như nơi thờ tự [cơ sở thờ tự tức là nhà thờ hay từ đường], đồ thờ, bài trí của bàn thờ, gia phả, ruộng kỵ, nghi thức hay quy định về tế thủy tổ, cúng vái gia tiên. Nhà thờ [từ đường] là nơi thờ thủy tộc của một dòng họ [ví dụ Nguyễn tộc, Trần tộc, v.v..]. Trong nhà thờ thường có một thần chủ để thờ mãi mãi, không đổi gọi là “Bách thế bất diêu chi chủ”. Đối với những gia đình giàu có, có thể có 4 thần chủ để thờ Cao, Tằng, Tổ, Khảo. Thần chủ thường làm bằng gỗ Táo với ý nghĩa gỗ Táo sống được nghìn năm. Ngoài thần chủ, ban thờ tổ tiên trong nhà thờ họ thường có bộ đèn nến, lư hương, bình hoa, mâm quỳ, hộp trầu, đài nước, v.v.. Bên cạnh đó, vật dụng trang trí trong nhà thờ họ là hoành phi, câu đối, các bức đại tự, v.v… nội dung ghi nhớ, tán tụng công đức của tổ tiên. Tùy từng mức độ giàu có của các gia đình mà đồ dùng là đồ làm bằng thiếc, hay sơn son thếp vàng thếp bạc. Thông thường, mỗi nhà thờ họ đều có cuốn gia phả ghi chép theo thứ tự trước sau, họ tên, chức tước, ngày sinh ngày mất của tổ tông và những thành viên trong dòng họ. Ngoài ra, mỗi nhà thờ họ lại có ruộng kỵ. Ruộng kỵ là hương hỏa của tổ tông để lại hoặc do cả dòng họ chung nhau tậu để làm của chung, lấy hóa lợi để lo việc tế tự. Tuy nhiên, không phải dòng họ hay nhà thờ họ nào cũng có ruộng kỵ. Đối với những dòng họ không có ruộng kỵ, khi cúng tế thì các thành viên trong dòng họ cùng đóng góp để lo việc chung. Về các ngày lễ cúng tổ tiên tại nhà thờ bao gồm: lễ cúng ngày húy nhật ông Thủy tổ [giỗ tổ], lễ hợp tế tháng chạp, lễ cúng các tuần tiết, cúng ngày Tết, lễ cúng nhân các dịp hiếu hỉ, v.v.. Ngoài ra, khi có bất cứ vấn đề gì trong gia đình, dòng họ cần cầu xin hay thông báo với tổ thiên người ta lại tiến hành các nghi thức thờ cúng.

Việc thực hành các nghi lễ thờ cúng tổ tiên do người trưởng họ đảm nhiệm chính cũng như đóng vai trò quyết định các hoạt động thờ cúng cụ thể trong dòng họ sẽ được tiến hành như thế nào. Trong khi thực hành thờ cúng tổ tiên, không thể thiếu được văn khấn. Văn khấn là những quy định tương đối chặt chẽ mang tính khuôn mẫu về cách thức trình bày với tổ tiên trong khi làm lễ. Trước đây, văn khấn thường làm bằng chữ Nho, chữ Nôm, hiện nay đa số dùng chữ quốc ngữ. Cần lưu ý, việc thờ cúng tổ tiên không chỉ là những hoạt động diễn ra tại nhà thờ/từ đường của mỗi dòng họ, hay mỗi bàn thờ của gia đình mà còn diễn ra tại khu mộ phần của gia đình, dòng họ. Trong các dịp thanh minh, Tết âm lịch… con cháu thường ra mộ của ông bà tổ tiên để chăm sóc mộ như sửa sang, dọn dẹp, quét vôi, trồng hoa… và làm lễ. Ngoài ra, khi mộ phần của gia đình, dòng họ bị hư hại, xâm phạm thì gia đình, dòng họ làm lễ tạ mộ.

Trên khắp thế giới, thờ cúng tổ tiên là một dạng thức khá phổ biến bất kể khác biệt về văn hóa, khu vực địa lý hay thể chế chính trị-văn hóa và xã hội. Hoạt động này hiện nay có thể quan sát ở các truyền thống tôn giáo thờ đa thần và ở các khu vực còn duy trì sự tiếp diễn các truyền thống thờ cúng lâu đời như châu Phi, châu Úc, châu Á. So sánh với Trung Quốc chúng ta thấy, Thờ cúng tổ tiên của người Trung Hoa trọng sự đồ sộ, phức tạp, trong khi người Việt Nam chuộng sự thành kính, tinh tế và giản dị. Theo người Việt Nam chỉ cúng giỗ đến 4 đời: kỵ nội [Cao tổ], Cụ nội [Tằng tổ], Ông nội [Tổ], Cha [khảo].

Thờ cúng tổ tiên là một trong những truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời nhất của Việt Nam, có quan điểm cho rằng truyền thống này chưa bao giờ bị đứt đoạn trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm của dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, một phần do điều kiện sống được nâng cao, nhiều dòng họ đang khôi phục lại nhà thờ họ, nhiều dòng họ chưa có nhà thờ họ thì xây dựng mới, do vậy, thờ cúng tổ tiên lại càng được duy trì và phát triển.

Trên phương diện học thuật, đã từng có những thảo luận về việc thờ cúng tôn giáo có phải là một tôn giáo hay không. Có nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm xem thờ cúng tổ tiên như một phong tục, có quan điểm thì cho rằng thờ cúng tôn giáo là một loại hình tôn giáo, cũng có quan điểm cho rằng thờ cúng tổ tiên chỉ là một luật tục như, có quan điểm thì xem đây là một loại hình tín ngưỡng dân gian [Phan Đại Doãn, Nguyễn Đức Lữ, v.v..]. Do có nhiều quan điểm khác nhau như vậy, nên rất khó để có thể kết luận về điều đó. Tuy nhiên, thờ cúng tổ tiên hội tụ những yếu tố căn bản nhất của một tôn giáo đó là niềm tin, các thực hành hay nghi lễ thờ cúng và cộng đồng của những người có chung niềm tin, hay chính là những thành viên trong dòng họ.

Thờ cúng tổ tiên, bên cạnh chức năng, vai trò thỏa mãn nhu cầu tôn kính tổ tiên, thờ phụng tổ tiên còn có nhiều chức năng khác như duy trì, củng cố dòng họ, gắn kết dòng họ, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển về các mặt khác của dòng họ như văn hóa, giáo dục, kinh tế, v.v.. Thờ cúng tổ tiên, như trên đã trình bày, được biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau như gia đình, dòng họ, cộng đồng và cả dân tộc. Ở Việt Nam tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được xem là thờ cúng tổ tiên ở cấp độ quốc gia, dân tộc. Trong những năm qua, nghi thức thờ cúng Vua Hùng trong ngày giỗ Tổ [10-3 âm lịch] đều được tổ chức một cách trang trọng, theo nghi thức quốc gia, có sự tham dự của các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Điều đó càng khẳng định thờ cúng tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, có giá trị giáo dục sâu sắc đến các thế hệ con cháu.

Tài liệu tham khảo

1. Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Quyển thượng, Nxb TP. Hồ Chí Minh

2. Phan Kế Bính [2005], Việt Nam phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Carl Olson[2011], Religious Studies: The Key Concepts, Routledge, New York

4. Kim Định, Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Nguồn sáng xuất bản

5. Hoàng Quốc Hải, Văn hóa phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội

6. Mai Thanh Hải [2002], Từ điển Tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội

7. Nguyễn Đức Lữ [2013], Bàn thêm về thờ cúng tổ tiên, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 12, tr.108-114.

8. Phan Ngọc [2010], Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội

9. Trần Đăng Sinh [2010], Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

10. Đặng Nghiêm Vạn [2003], Bàn về tín đồ và tổ chức của một tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2.

Nguồn gốc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Theo nhà nghiên cứu Trần Đăng Sinh: “Tổ tiên là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống nhưng đã mất như cụ, kỵ, ông bà, cha mẹ... những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần tới thế hệ con cháu”.

Các nhà nghiên cứu không thống nhất trong việc xác định thờ cúng tổ tiên là tôn giáo hay tín ngưỡng. Thờ cúng tổ tiên thoạt nhìn có thể coi đó là tôn giáo, vì hầu hết các nhà đều có bàn thờ, đều làm những nghi thức thờ cúng trang trọng và thành kính, nghĩa là có những dấu hiệu của tôn giáo.

Nhưng đó chưa phải là tôn giáo nếu hiểu theo nghĩa chặt chẽ của khái niệm này. Thờ cúng tổ tiên không có những giáo lý thống nhất, không có giáo hội với những phép tắc nghiêm ngặt như thường thấy các tôn giáo xưa và nay.

Ở miền Bắc nước ta, nhiều người gọi thờ cúng tổ tiên là đạo thờ tổ tiên. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, dân chúng quan niệm “đạo” ở đây không có nghĩa là một tôn giáo, như đạo Công giáo, đạo Phật, đạo Hồi... mà phải hiểu nó như là đạo lý làm người, đạo làm con, đạo hiếu nghĩa.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành từ xa xưa và tồn tại ở nhiều dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian, xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn, người Việt cũng như các dân tộc khác trên thế giới tôn sùng các vị thần cổ sơ nhất là các nhiên thần, đặc biệt là thần cây, thần đá, thần núi, thần sông nước... Việc nhân hóa các thần tự nhiên đã tạo ra một bước chuyển cho việc hình thành hệ thống nhân thần.

Khi con người bắt đầu khám phá về bản thân mình, mối quan hệ giữa thế giới hữu hình và vô hình, nhất là giữa cái sống và cái chết khiến con người quan tâm, muốn lý giải. Sự hạn chế của con người trước tự nhiên và xã hội, dẫn đến sự hạn chế về việc giải thích cái chết của con người. Khi chết thì linh hồn đi đâu, thể xác đi đó hay linh hồn sẽ đi đâu? Thế giới bên này, thế giới bên kia, sự sống cái chết như thế nào?... Họ không lý giải được hoặc giải thích sai. Đó là những tiền đề của thờ cúng tổ tiên.

Đại lễ Giỗ quốc tổ Hùng Vương của dân tộc Việt Nam.

Cùng với biểu tượng về các thần linh, biểu tượng về tô tem [totem - vật tổ] xuất hiện trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ. Theo nhà nghiên cứu Nga X.A.Tô-ca-rev, thờ cúng tổ tiên trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ chỉ mới manh nha, chưa là hiện tượng phổ biến. Tô tem giáo là giai đoạn phát triển đầu tiên của thờ cúng tổ tiên.

Tổ tiên trong xã hội nguyên thủy là tổ tiên tô tem giáo của thị tộc. Chủ nghĩa tô tem tin rằng, tất cả các thành viên của một nhóm thị tộc đều sinh ra từ một số động vật, thực vật, hoặc vật thể hay hiện tượng tự nhiên khác. Người trong thị tộc đều có quan hệ họ hàng với “tô tem”, người đẻ ra do tô tem nhập vào, khi chết lại trở về với tô tem của mình. Đối với họ, tô tem là vật tổ - vị thần bảo vệ đặc biệt nên họ tôn thờ. Về văn hóa tinh thần, thời kỳ Hùng Vương dựng nước đã có tín ngưỡng tô tem khởi thủy từ hậu kỳ Đá Cũ gắn liền với Thị tộc nhưng tập trung chủ yếu vào tổ tiên Chim và Rồng.

Ở thời kỳ thị tộc mẫu hệ, tổ tiên tô tem là những vật trong thiên nhiên được thần thánh hóa hoặc là các vị thần. Thời kỳ thị tộc phụ hệ, tổ tiên là những người đứng đầu thị tộc đầy quyền uy, khi mất họ trở thành thần che chở cho gia đình thị tộc.

Tổ tiên trong xã hội có giai cấp được thể hiện đầy đủ hơn. Họ thường là những người giữ địa vị chủ gia đình, gia tộc nhưng đã mất, có quyền thừa kế và di chúc tài sản được luật pháp và xã hội thừa nhận.

Trong quá trình phát triển của lịch sử khái niệm tổ tiên cũng có sự biến đổi phát triển. Nó không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống gia đình, họ tộc... mà đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội. Sự hình thành và phát triển của các quốc gia, dân tộc thường gắn liền với tên tuổi của những người có công tạo dựng, giữ gìn cuộc sống của cộng đồng. Họ là những anh hùng, danh nhân mà khi sống được tôn sùng, kính nể, khi mất được tưởng nhớ, thờ phụng trong các không gian tôn giáo. Ở Việt Nam, họ là những tổ sư, tổ nghề, thành hoàng làng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa...

Về nguồn gốc tâm lý, thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên. Tổ tiên khi còn sống thì “khôn”, đến lúc chết thì “thiêng”, vẫn ngự trên bàn thờ, vừa gần gũi, vừa xa lạ, lại rất đỗi linh thiêng. Con cháu thành kính, tôn thờ tổ tiên là tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Ý thức về tổ tiên là ý thức về cội nguồn. Thờ cúng tổ tiên là sự phản ánh liên tục của thời gian, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự sống là bất diệt, chết không phải là hết. Các thế hệ tiếp nối nhau, chết chỉ là sự bắt đầu của một chu kỳ sinh mới.

Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập “mối liên hệ” giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới hiện tại và thế giới tâm linh.

Nội dung tín ngưỡng của tục thờ cúng tổ tiên là quan niệm về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống [cùng chung huyết thống] bằng con đường: hồn về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ. Trong tín ngưỡng này, đạo lý là nội dung nổi trội. Một trong những đạo lý đó là “uống nước nhớ nguồn”.

Mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ tổ tiên.

Thờ cúng tổ tiên trong gia đình

Các nghi thức thờ cúng tổ tiên ở nước ta tuy phần lớn phỏng theo nghi lễ Nho giáo, nhưng lại có những yếu tố rất gần gũi với Phật giáo hay Đạo giáo. Mặt khác, với tính chất một tín ngưỡng dân dã, các hành vi lễ thức thường được thực hiện theo tâm thức dân gian và cũng không hoàn toàn thống nhất ở các gia đình, các địa phương.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện ở 3 cấp độ khác nhau: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình, họ tộc [dòng họ], tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong làng xã [tín ngưỡng thờ thành hoàng làng] và đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương [thờ cúng tổ tiên trong cả nước].

Với niềm tin thiêng liêng rằng, tổ tiên tuy đã chết nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, có khả năng che chở, phù giúp con cháu, được thể hiện thông qua nghi lễ thờ phụng. Đó là sự biết ơn, tưởng nhớ và tôn thờ những người có công sinh thành, tạo dựng, bảo vệ cuộc sống như: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ, tổ sư tổ nghề, thành hoàng, tổ nước...

Quan hệ huyết thống của Việt Nam khá phức tạp. Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi vì giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó lại tồn tại một quan hệ ràng buộc mà người ta gọi là họ hàng, dòng tộc. Và theo “quy định” huyết thống ấy, nhiều gia đình sẽ họp thành một ngành, nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông Tổ chung.

Thủy tổ là người sáng lập ra dòng họ, từ đó hệ thống các đời cùng dòng máu nối tiếp nhau phát triển theo thời gian. Họ là sự tập hợp tự nhiên những người cùng dòng máu, tụ hội theo từng đời và nhiều đời do cùng một ông tổ sinh ra. Dòng họ ở đây được tính theo trục dọc có thể theo họ mẹ hoặc họ cha, nhưng hầu hết được lấy theo họ cha. Để tưởng nhớ về nguồn gốc của họ tộc mình, mỗi dòng họ đều xây nhà thờ thủy tổ của dòng họ [còn gọi là từ đường].

Thờ cúng tổ tiên, ông bà đã trở thành một phong tục trong đời sống tâm linh của người Việt tồn tại qua bao thế hệ là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người; đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dân Việt trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và có hiếu với ông bà tổ tiên, với nguồn gốc của mình.

Đến thế kỷ XV, khi Nho giáo chiếm địa vị ưu thế trong xã hội, gia đình, gia tộc, và vấn đề “dương danh hiển gia” được đề cao, nhà Lê đã thể chế hóa việc thờ cúng tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ, việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời [tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: Cha, mẹ, ông bà, cụ, kỵ]; ruộng hương hỏa, ruộng đèn nhang, cơ sở kinh tế để duy trì thờ cúng tổ tiên dù con cháu nghèo cũng không được cầm bán... Đến thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách “Thọ mai gia lễ”.

Thờ cúng tổ tiên cùng huyết thống có nhiều hình thức, cấp độ khác nhau. Trước hết là việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình [thờ cúng gia tiên]. Mang đặc tính của cư dân nông nghiệp đa thần giáo, trong gia đình người ta thường thờ phụng nhiều vị thần. Bên cạnh việc thờ tổ tiên, thờ Phật, người ta còn thờ bà Cô, ông Mãnh là những người thân thích, chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng. Trong các vị thần được thờ tại gia, thường không có vị thần nào được sắp xếp ngang hàng với tổ tiên.

Bàn thờ tổ tiên là không gian linh thiêng để các thành viên trong gia đình thể hiện, gửi gắm lòng tưởng nhớ, biết ơn tiên tổ. Bàn thờ là nơi tổ tiên “đi”, “về” và ngự trên đó. Hai cây đèn tượng trưng cho Mặt Trời, Mặt Trăng, hương là tinh tú. Từ những đặc tính cơ bản này, người Việt đã hội dần vào bàn thờ nhiều hình tượng phụ mang tính thiêng liêng khác. Khi phát hiện ra lửa, người ta nhận thấy chỉ có khói bay lên và dần dần khói lửa đã đi vào hội lễ, từ đó nảy sinh nến và hương trong việc tín ngưỡng.

Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương [tượng trưng cho tinh tú] và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng [tượng trưng cho trục vũ trụ]; ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn [hoặc nến] tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên [thỉnh cầu, sám hối...] người ta thường đốt nến [đèn dầu] và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên. Mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên.

Lễ thức trong tang ma được coi là lễ thức quan trọng bậc nhất để đưa ông bà, cha mẹ vừa mất về gặp tổ tiên và gia nhập vào hàng các vị tổ tiên. Sau lễ tang ma, lễ giỗ là nghi thức rất được chú trọng trong tâm lý người Việt.

Tam giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Sự hiện hữu của tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo được tìm thấy trong một số tư tưởng và biểu hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam. Tư tưởng của đạo Khổng là đề cao chữ “Hiếu” và coi đó là nền tảng của đạo làm người. Với quan niệm “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, hiếu với cha mẹ khi chết cũng như hiếu với cha mẹ khi còn sống, Nho giáo đặt nền tảng lý luận về giá trị đạo đức, về trật tự kỷ cương xã hội cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Đặc biệt, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự giữ gìn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam. Trước hết là quan niệm của Phật giáo về cái chết, về kiếp luân hồi và nghiệp báo... Phật giáo cho rằng, sống chết là quy luật tất yếu của thế gian giống như mặt trời lặn rồi lại mọc, mọc rồi lại lặn. Sống và chết chỉ có nghĩa là thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Chết là bắt đầu của một chu kỳ sống mới, một kiếp sống mới.

Theo Đạo Phật, không có kiếp sống đầu và kiếp sống cuối cùng. Sau khi chết, linh hồn con người sẽ được tái sinh, đầu thai vào một kiếp khác. Kiếp đó là hạnh phúc hay đau khổ, tuỳ thuộc vào bản thân họ đã sống thiện hay ác trong quá khứ.

Còn Đạo giáo góp phần củng cố niềm tin vào sự tồn tại và năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay, tang lễ, mồ mả và đốt vàng mã.

Một trong những nghi lễ của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thấy rõ biểu hiện của Đạo giáo chính là lễ trai tiếu độ bạt [lễ giải oan cho người đã khuất] bắt nguồn từ lễ “Sám hối gọi trai” của Đạo giáo. Lễ trai của Đạo giáo có hai loại: Một là trai bùn, trai than - tức bôi than vào mặt, trầm mình vào bùn để sám hối những tội lỗi của mình. Thứ hai là Trai bùa vàng sám hối cho người chết.

Trai tiếu độ bạt trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam được dùng khi trong nhà có “động mồ động mả”, xuất hiện nhiều tai ương được cho là liên quan đến người đã mất, là nghiệp chướng của tổ tiên.

Dân gian có tín ngưỡng đồng bóng [gọi hồn người đã khuất] nhưng không thể cử hành được những đại lễ giải oan bạt độ, vì vậy cần phải cầu viện đến Đạo giáo phù thủy. Lễ Trai tiếu độ bạt của Đạo giáo được thực hiện theo nghi thức của pháp sư, đạo sĩ chính truyền sẽ không phù hợp với tín ngưỡng, thị hiếu của người Việt Nam nên các đạo sĩ đã linh hoạt biến đổi nghi lễ buổi lễ, phối hợp tín ngưỡng đồng bóng vào lễ chính của Đạo giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Biểu hiện của Đạo giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được thể hiện trong quan niệm về sinh tử. Tín ngưỡng dân gian quan niệm, người chết sau khi hồn lìa khỏi xác phải trải qua 10 địa ngục lớn do sự cai quản của các vua âm phủ, gọi là Thập điện diêm vương. Người Việt lấy sự trừng phạt linh hồn sau khi chết để khuyến thiện trừ ác. Còn Đạo giáo có 10 điện với 88 quỷ quan trong Phong Đô bát đế thực hiện.

Điện thứ nhất do Tần Quảng Minh vương cai quản, nếu người chết là người thiện sẽ có cơ hội đầu thai làm người trở lại. Nếu là người làm nhiều điều ác sẽ bị tống giam vào địa ngục, chịu nhiều hình phạt. Điện thứ hai do Sở Giang Minh vương cai quản. Từ điện thứ hai đến điện thứ 10, mỗi điện đều có 16 địa ngục nhỏ. Linh hồn làm điều ác sẽ bị hành tội ở 16 địa ngục nhỏ, sau đó chuyển khác điện khác theo trình tự đến 10.

Một trong những biểu hiện nữa của Đạo giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là niềm tin tang ma, nên người chết được tổ chức tang ma cẩn thận. Niềm tin về cái chết cho rằng “tử tuất quy thổ, cốt nhục tê ư, hạ âm vi giả thổ, kỳ phí phát dương ư thượng vi chiêu minh”, nghĩa là chết tất trở về với đất, xương thịt xuống thấp tan biến vào trong lòng đất, còn khí dương bay lên cao sáng rực rỡ.

Theo quan niệm của Đạo giáo, mỗi người sống gắn liền với một vì sao trên trời, vì sao đó tắt thì người qua đời. Trông coi sự sinh tử của trần thế là Nam Tào và Bắc Đẩu. Sao Nam Tào ghi sự sinh, Bắc Đẩu ghi sự chết. Bởi thế khi có người chết, dân gian thường nói xóa sổ thiên tào.

Đạo giáo đã xây dựng nhiều nhân vật thần tiên có dáng dấp của con người. Thần tiên của Đạo giáo chính là những cá nhân đã được tôn vinh thành những nhân vật trường sinh bất tử, ở nơi bồng lai tiên cảnh, lại rất thần thông quảng đại có thể cưỡi mây, đạp gió, làm được những việc phi thường. Viễn cảnh thần tiên ấy đã trở thành niềm mơ ước, khát vọng của rất nhiều người đang sống ở một thế giới mà Phật giáo cho là “biển khổ”.

Với quan niệm vạn vật hữu linh, trong nhận thức dân gian, người Việt quan niệm rằng, con người có 2 phần: phần xác và phần hồn. Đàn ông ba hồn bảy vía, đàn bà ba hồn chín vía. Hai phần này vừa gắn bó, vừa tách biệt, chúng gắn bó với nhau. Khi con người còn sống, hồn nhập vào xác điều khiển hành vi của con người.

Khi con người chết, phần hồn rời khỏi xác, thể xác của họ hòa vào cát bụi, phần hồn vẫn tồn tại và chuyển sang sống ở một thế giới khác. Thế giới ấy có thể gọi bằng những tên gọi khác nhau, là cõi ma của người Mường, hay Âm phủ [cõi Âm] theo cách nói của người Việt. Cõi Âm cũng có mọi nhu cầu như cuộc sống dương gian. Ở cõi Âm [được mô phỏng từ cõi Dương] mọi linh hồn đều có các nhu cầu như cuộc sống nơi trần thế.

Quan niệm của Đạo giáo là chết về cõi tiên nên các bức trướng phúng đám tang hiện nay thường có dòng chữ “Bồng lai tiên cảnh”. Việc đốt theo các đồ tùy táng được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ cho thấy việc đốt vàng mã trước kia và tiền âm phủ hiện nay là biểu hiện của niềm tin vào ông bà vẫn đang sinh hoạt như trên trần thế.

Các tài liệu khảo cổ cho biết, tục chôn của cải theo người chết đã có từ văn hóa Sơn Vi. Trong các khu mộ táng người ta tìm thấy các công cụ lao động, vật liệu sinh hoạt mà đoán chừng đó là những thứ cung cấp cho người chết sử dụng ở thế giới bên kia. Như vậy theo quan niệm dân gian, chết cũng là một dạng “sống” mới trong môi trường khác.

[Còn nữa]

TS. Nguyễn Thị Bích Hạnh

Video liên quan

Chủ Đề