Tư duy cố định là gì

BBT: Cách bạn suy nghĩ, cảm nhận về một sự vật, sự việc nào đó diễn ra trong cuộc sống, và kết quả bạn gặt hái được sau một quá trình suy nghĩ và hành động, đều được hình thành nên bởi hai lối tư duy cơ bản, mà Carol Dweck gọi đó là “Tư duy phát triển” và “Tư duy cố định”.

Trong bài viết dưới đây, ngoài việc tìm hiểu hai lối tư duy phổ biến nêu trên dưới góc nhìn tâm lý học hành vi và động lực học con người, mời bạn đọc cùng FLC khám phá việc ứng dụng hai lối tư duy này trong giáo dục – cách nghĩ nào vượt trội hơn cách nghĩ nào? Mỗi lối tư duy mang lại lợi ích như thế nào cho học sinh trong việc học? – từ đó thay đổi cách nhìn nhận của bản thân, đồng thời hướng dẫn và rèn luyện học sinh của mình theo lối tư duy tích cực để cải thiện kết quả học tập bạn nhé!

Giáo sư Carol Dweck là một trong những cái tên sáng giá nhất trong lĩnh vực tâm lý học hành vi và động lực học của con người. Nghiên cứu lớn nhất của cô là về hai lối tư duy – phát triển và cố định – với cuốn sách Mindset: The New Psychology of Success [Tư duy – Nghiên cứu tâm lý mới về thành công]. Nghiên cứu này trở thành nền tảng cho những hướng tiếp cận hiện đại về hành vi trong mọi mặt của cuộc sống con người, và cụ thể trong bài này là phương diện giáo dục.

1. Tư duy phát triển là gì?

Trước tiên, chúng ta cần giải nghĩa từ “mindset” – tư duy. Tư duy là một cách suy nghĩ, một tuyến, một lộ trình lập luận. Nói cách khác, khi chúng ta suy nghĩ về một vấn đề hay cách giải quyết của nó, tư duy là phương pháp định hình những suy nghĩ cụ thể của chúng ta. 

Tư duy phát triển [growth mindset] là một khái niệm khá tích cực và tiên tiến trong khoa học và xã hội học hiện nay. Nó đề cập đến”plasticity” – tính mềm dẻo linh hoạt của não bộ, và tính “malleability” – khả năng biến đổi và định hình não bộ theo ý muốn. Các nhà khoa học ủng hộ tư duy phát triển cho rằng, những đặc tính trên có nghĩa là não bộ không có một giới hạn về khả năng cũng như giới hạn về lĩnh vực. Thay vào đó, não bộ có thể ngày càng phát triển và có thể thuần thục những lĩnh vực mới mà chúng ta không thường nghĩ là mình có thể làm được. 

2. Tư duy cố định là gì?

Ngược lại, tư duy cố định [fixed mindset] là một tư duy truyền thống, với nếp nghĩ rằng mọi người sinh ra với một bộ não có sức chứa và sức hoạt động ở một mức cụ thể được định sẵn, và các mức này không thể phát triển hơn dù chủ thể có cố gắng hết sức. Một biểu hiện khác của tư duy này là chủ thể tin rằng mình chỉ giỏi trong một hoặc một vài lĩnh vực cụ thể, và không thể nào làm tốt ở một lĩnh vực mình tin là mình không có “năng khiếu.”

Đúng vậy, “năng khiếu” vs. “cố gắng” là hai từ đại điện chính xác nhất cho hai lối tự duy đối lập này. Tư duy phát triển tin rằng sự cố gắng mài dũa sẽ giúp chúng ta mở rộng khả năng của não bộ và năng lực bản thân, ví dụ, “Tôi đã tập yoga được 6 tháng, nhưng tôi vẫn chưa tập được động tác headstand. Nhưng tôi tin nếu cố gắng tập, dần dần, tôi sẽ thực hiện thành công động tác cực khó này,” hoặc “Tôi là con người thuộc về logic và khoa học, nhưng tôi sẽ chọn học một lớp về cảm thụ nghệ thuật. Tôi nghĩ tôi sẽ học được nhiều từ nó và ứng dụng được vào cuộc sống của tôi.” Trong khi đó, tư duy cố định chỉ chăm chăm vào những hạn chế nhất định hoặc định kiến về một năng khiếu, ví dụ, “Tôi chỉ học được những ngôn ngữ theo hệ Latin, chứ không học được những ngôn ngữ có chữ viết tượng hình như tiếng Trung, tiếng Nhật,” hoặc “Tôi vừa thi IELTS xong và được điểm 6.0. Tôi sẽ không tiếp tục ôn hoặc thi nữa vì tôi biết khả năng mình chỉ đến đó.”

3. Tư duy cố định tiềm ẩn nguy cơ gì trong giáo dục?

Nếu học sinh mang lối tư duy cố định, mặc định rằng mình không có khả năng phát triển trong một lĩnh vực cụ thể, ví dụ như môn Hóa, em sẽ bị thui chột sự tự tin và động lục học tập – một đều tối quan trọng trong việc thúc đẩy thái độ và hiệu quả học tập. Bên cạnh đó, tư duy này sẽ giảm đi khả năng và tần suất mà học sinh cố gắng trong môn học, ví dụ ít chủ động phát biểu ý kiến, ít tự tìm tòi, học hỏi ngoài bài học trên lớp do học sinh tự chấp nhận kết quả rằng mình không thể phát triển thêm dù có áp dụng bất kì cách gì. 

Còn đối với giáo viên, nếu họ mang một tư duy cố định trong sư phạm, họ sẽ bảo thủ và áp đặt trong việc đánh giá trình độ của các học sinh khác nhau, cho rằng học sinh giỏi sẽ luôn làm được bài tập và tiếp tục tiến bộ còn ngược lại, học sinh đang mang điểm kém sẽ không giải được bài hoặc có xu hướng gian lận. Điều này trước hết sẽ tạo một áp lực vô hình lên tất cả học sinh; các học sinh được cho là “giỏi” phải chịu sự kỳ vọng giữ phong độ và biểu hiện xuất sắc trong lớp, trong khi các học sinh được gán mác “kém” sẽ bị ảnh hưởng tâm lý hoặc chán nản học hành. Hơn thế nữa, sẽ có sự chênh lệch lớn trong mức độ quan tâm, theo sát của giáo viên với học sinh “giỏi” và “kém” do suy nghĩ khả năng của học sinh là do thiên bẩm, không thể thay đổi theo thời gian. Vì vậy, dù cho học sinh có tiềm năng nhưng “lỡ” bị giáo viên gán mác “cá biệt” hay “kém” từ lớp nhỏ, các em sẽ bị tước mất quyền và cơ hội được bứt phá lên sau này do thiếu thốn sự quan tâm, đào tạo cần thiết cũng như chịu tâm lý “thua kém” từ lâu.

4. Tư duy phát triển được áp dụng thế nào trong giáo dục?

Tư duy phát triển đang là tinh thần tiền đề cho phần lớn các triết lý giáo dục và chương trình học hiện đại, do nó hướng cả nhà giáo và học sinh tin vào sự phát triển và tiến bộ không ngừng của não bộ và khả năng học tập. 

Nhờ vào lối tư duy này, học sinh không bị đóng khung các kĩ năng của bản thân, mà luôn trong tâm thế tìm tòi, khám phá các giá trị và tiềm năng bản thân, nhờ đó phá vỡ mọi giới hạn và định kiến trong kiến thức và cuộc sống của các em. Ví dụ, một học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên vẫn hứng thú tìm hiểu về các lĩnh vực khoa học xã hội sau giờ học, và nhờ đó, em tìm được định hướng công việc trong tương lai là một ngành nghề dựa trên kiến thức khoa học nhưng phục vụ sát sao cho mục đích xã hội, nhân văn. Mặt khác, với giáo viên, khi họ nhận biết được rằng mình không được gán ghép học sinh theo một nhãn mác “label” nào, họ sẽ linh hoạt hơn trong việc tinh chỉnh bài giảng, kiến thức theo trình độ phù hợp của từng học sinh vì họ tin rằng, học sinh nào cũng sẽ tiến bộ nếu được hỗ trợ một cách phù hợp. Bên cạnh đó, giáo viên cũng sẽ là người truyền nội lực, cảm hứng cho học sinh luôn vượt lên hoàn cảnh và những phán xét từ bên ngoài trong cả việc học lẫn cuộc sống.

Một điểm quan trọng trong tư duy phát triển, theo tác giả Carol Dweck, chính là việc “thành công nằm ở việc trở thành phiên bản tốt nhất của bạn chứ không phải là việc bạn trở nên giỏi giang, tốt hơn người khác. Thất bại là một cơ hội, không phải một hình phạt hay bản án. Sự cố gắng là chìa khóa đến thành công. Tuy nhiên nhiều người không thể biến nó thành hiện thực do tư duy căn bản của họ – tin tưởng vào những đặc điểm cố định – lại cho họ thấy điều ngược lại: rằng thành công nằm ở việc bạn tài năng hơn người khác, rằng thất bại sẽ cho thấy khả năng của bạn , và rằng sự cố gắng là dành cho những ai không có sẵn tài năng bẩm sinh.” 

Success is about being your best self, not about being better than others; failure is an opportunity, not a condemnation; effort is the key to success. But they can’t put this into practice because their basic mindset— their belief in fixed traits— is telling them something entirely different: that success is about being more gifted than others, that failure does measure you, and that effort is for those who can’t make it on talent.”

Câu nói của Dweck cho thấy, để hòa quyện vào tinh thần cao nhất của tư duy phát triển, chúng ta phải quy mọi hệ tham chiếu và đánh giá khả năng về chính bản thân mình của quá khứ, thay vì so sánh bản thân với người khác và nhụt chí [để rồi bỏ cuộc] hoặc tự cao [và ngừng cầu tiến]. Thêm vào đó, chúng ta phải nhìn nhận những thất bại, thiếu sót là những trải nghiệm giá trị, không thể thiếu trong chặng đường vươn đến thành công trong tri thức. Học sinh không được để những bài kiểm tra điểm kém, những lỗ hỗng kiến thức làm chùn bước trong quá trình học tập, mà phải lấy đó làm bài học và thước đo cho sự tiến bộ lần sau. Giáo viên cũng tương tự, không được chăm chăm vạch lá tìm sâu, chì chiết những sai phạm của học sinh hay dùng chúng để đánh giá cứng nhắc về trình độ của học sinh. 

Hơn hết, Carol Dweck cho rằng không có phương pháp nào là hoàn hảo và chuẩn xác nhất để tiếp cận mọi phương diện của cuộc sống. Cô tin những cuốn sách self-help như Mười bí mật của những người thành công nhất thế giới là dựa trên và cổ xúy cho tinh thần tư duy cố định, rằng lộ trình đến thành công nhất định sẽ phải trải qua những điều như thế cho tất cả mọi người. Qua đó, ta nhận thấy rằng trong giáo dục, không có con đường hay triết lý nào là đúng và áp dụng được cho tất cả mọi người. Thay vào đó, khi để tinh thần rộng mở và tin tưởng vào sự phát triển của bản thân trong mọi trường hợp, sẽ có những lựa chọn, cơ hội khác nhau được mở ra trước mắt mỗi người để hướng đến thành công của riêng họ.

Cuối bài, tôi xin một lần nữa giới thiệu cuốn sách Mindset: The New Psychology of Success của tác giả Carol Dweck để đọc giả có thể hiểu thêm về những điều kìm hãm hoặc giải phóng tiềm năng của bản thân, đặc biệt là trong môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, đọc giả có thể tham khảo video tóm tắt này của Linkedin Learning về hai lối tư duy phát triển và cố định hoặc video này về khả năng linh hoạt của não bộ. Hai video trên cũng là nguồn thông tin ngắn gọn, trực quan để các đọc giả giới thiệu đến con em, học sinh mình về khái niệm lối tư duy và quá trình tiếp thu kiến thức của con người.

Tác giả: Đinh Trần Phương Anh

Video liên quan

Chủ Đề