Tự đại là gì


Ấy vậy mà hiện nay có nhiều người vẫn tự cho rằng mình "cái gì cũng biết", cả chuyện "trên trời, dưới đất", chuyện to, chuyện nhỏ, hễ gặp ai là tranh thủ khoe cái hiểu biết của mình. Mà hiện tượng này không phải là hiếm, có người còn nói vui, sao bây giờ số người khiêm tốn lại... khiêm tốn thế nhỉ?

Trước hết, những người có tư tưởng như vậy mắc phải căn bệnh tự cao, tự đại, kiêu căng, tự mãn. Họ luôn tỏ ra vẻ ta đây, cái gì cũng biết rồi, cái gì cũng giỏi rồi, rằng mình luôn giỏi hơn, biết hơn người khác. Từ đó sinh ra bảo thủ, trì trệ, không chịu đổi mới, không muốn đổi mới.

Người tự cao, tự đại thì hễ làm được việc gì hơi thành công một chút thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi người khác, không muốn cho người ta phê bình, góp ý mình. Việc gì cũng muốn làm thầy người ta. "Căn bệnh" này gây "dị ứng", "ngứa mắt", "ngứa tai" người khác.Họ không biết rằng mình giỏi thì cũng có người giỏi hơn, mình biết thì cũng có người biết hơn. Trí tuệ, tri thức, thông tin của loài người không ngừng biến đổi, tăng lên hằng ngày, hằng giờ.

Theo tính toán của các nhà khoa học, tri thức của loài người ở thế kỷ XIX cứ 50 năm thì tăng gấp đôi, sang đầu thế kỷ XX cứ 30 năm tăng gấp đôi, vào giữa thế kỷ XX, cứ 10 năm tăng gấp đôi, đến những năm 1970, cứ 5 năm tăng gấp đôi và đến những năm 1980, cứ 3 năm tăng gấp đôi. Còn bây giờ, tri thức trung bình của con người tăng gấp đôi sau 13 tháng. Nếu mình tự mãn, mình không chịu học thì không biết, mà không biết thì không thể làm được.

Cổ nhân đã dạy: "Mình không biết mà bảo rằng mình không biết. Như vậy coi như là đã biết rồi vậy" là để khuyên răn những người tự cao, tự đại phải biết khiêm tốn, biết học hỏi người khác.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu, một tấm gương của sự khiêm tốn cũng đã nhắc nhở chúng ta: Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập. Tính khiêm tốn yêu cầu người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức và thành tích đã đạt được.

Thứ hai, người có quan điểm như vậy dễ mang cái căn bệnh "óc lãnh tụ", nghĩa là biết được một chút, làm được một ít đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, rằng mình là người "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý", phải đứng trên người khác, đáng làm "lãnh tụ" rồi. Cho nên, khi nói thì mang cái phong cách "lãnh đạo", "chỉ đạo" người khác.

Những người này ở cương vị cán bộ mà nói như lãnh đạo, ở cương vị trưởng phòng thì nói như Giám đốc, ở cương vị Cục trưởng mà nói cứ như Bộ trưởng. Họ không biết rằng, nếu đem so những việc họ đã làm được với công việc to tát của đất nước thì đó chỉ là một chút cỏn con, có thấm vào đâu. So với những điều to tát trong thế giới, lại càng chẳng thấm vào đâu.

Từ xưa đến nay, quần chúng nhân dân không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ có "óc lãnh tụ", tự xưng ta đây là anh hùng. Mỗi người chúng ta cố làm tốt những công việc mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và cấp trên giao cho, thế là đã hoàn thành nhiệm vụ, giúp chúng ta tiến bộ mãi.

Thứ ba, đó là biểu hiện của thói ba hoa, khoác lác, mà ngôn ngữ giới trẻ bây giờ hay gọi là "nổ", "chém gió"... Những người ấy thành công ít, "suýt" ra nhiều, ưu điểm thì phóng đại lên cho thật to, khuyết điểm của mình thì giấu đi, không nói đến. Họ không biết rằng đó chẳng qua chỉ là cách che giấu sự thua kém người khác, chỉ sợ người ta biết "trí tuệ" thật của mình, nên chủ động khoe khoang cho ra vẻ ta đây, "cái gì cũng biết".

Người thông minh, có tài, có thành tựu nổi tiếng, ai cũng biết, chẳng cần khoe khoang, ba hoa. Người vô danh tiểu tốt, chẳng ai biết, nên phải khoác lác để "lòe" thiên hạ. Những người như vậy nhiều khi không thấy hết hậu quả mà mình gây ra. Có nhiều trường hợp là cán bộ bình thường thôi nhưng "nổ" nào là có ông, bác, chú làm chức này to, chức kia to, quen biết nhiều người có chức quyền lớn, "cái gì cũng biết, cũng làm được" nên lừa dối, lừa đảo người dân, thậm chí người nhà để trục lợi. Nhẹ thì gây mất thiện cảm, đánh mất niềm tin, uy tín, danh dự của bản thân, cơ quan, của ngành trong mắt nhân dân. Nặng thì bị xử lý hình sự, vướng vào vòng lao lý.

Mặt khác, vì "cái gì cũng biết" nên hễ ngồi đâu là "thao thao bất tuyệt" từ sáng đến chiều, hết chỗ này đến chỗ khác. Họ dễ bị lợi dụng, trở thành những cái loa phát ngôn không công, dễ để lộ, lọt thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước và của lực lượng Công an. Thực tế cho thấy, có người để lộ bí mật nhà nước trong thời gian qua vì sự ba hoa, khoe khoang của họ, gây hậu quả nghiêm trọng đối với công tác của lực lượng Công an và của đất nước.

Quan điểm "cái gì cũng biết" vì thế đã mắc phải nhiều căn bệnh nặng. Mà bệnh nặng thì quan trọng phải bắt đúng bệnh và uống đúng thuốc. Nếu không, người bệnh không khỏi được và bệnh còn lây lan sang người khác nữa. Chữa bệnh đó không có gì hiệu quả hơn bằng cách mỗi người phải tự "biết mình, biết ta", luôn khiêm tốn, thật thà, chân thành, tôn trọng người khác, coi trọng việc học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công việc và vị trí công tác của bản thân. Bên cạnh đó, cần phát huy sự giám sát, góp ý, phê bình của tập thể, cơ quan nơi công tác của người "cái gì cũng biết" để làm cho họ nhận thấy khuyết điểm của mình, biết mình đang thật sự ở đâu để từ đó thành thật khiêm tốn, học hỏi, tiến bộ.