Ngày 30-10-1936, Đảng xuất bản tài liệu Chung quanh vấn đề chiến sách mới để giải thích cho đảng viên và quần chúng hiểu rõ hơn về sách lược mới của Đảng.

Trong lời nói đầu, Đảng giải thích về chiến lược và chiến sách" của Quốc tế Cộng sản của Đảng Cộng sản Đông Dương trong tình hình mới. Cách mạng vận động phải có chiến lược và chiến sách, không có chiến lược nhất định, không biết tình thế, lực lượng địch nhân và của mình đặng quyết định chiến sách khôn khéo thì không bao giờ đánh được địch nhân". Chiến lược của Quốc tế Cộng sản là đánh đổ chế độ tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản đi tới xã hội cộng sản. Chiến lược không bao giờ thay đổi. Còn chiến sách thì tuỳ tình hình và lực lượng giai cấp mà có thể thay đổi.

Tuy nhiên, tuỳ theo trình độ kinh tế, chính trị và xã hội ở từng nước mà đề ra chiến lược cách mạng. Theo đúng chiến lược của Quốc tế Cộng sản thì chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương là phải làm cách mạng tư sản dân quyền - phản đế và điền địa - lập chính quyền của công nông bằng hình thức Xôviết, để dự bị điều kiện đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa". Để đạt được mục tiêu ấy cần phải có chiến sách.

Trước tình hình thế giới và Đông Dương có nhiều thay đổi, chiến sách của Đảng Cộng sản Đông Dương có sửa đổi như vấn đề lập Mặt trận Nhân dân phản đế, vấn đề đối với Chính phủ phái tả ở Pháp, cách tổ chức quần chúng. Một số đảng viên chưa hiểu rõ sự khác nhau giữa chiến sách và chiến lược cho rằng chiến sách mới của Đảng là cải lương". Đảng nhấn mạnh, một số chính đảng không biết tuỳ theo hoàn cảnh mà thay đổi chiến sách thì không bao giờ làm xong mục đích của cuộc cách mạng.

Về sách lược trong giai đoạn này, Đảng nhận thấy trình độ chính trị và tổ chức quần chúng chưa đạt tới trình độ trực tiếp đánh đổ đế quốc Pháp lập chính quyền công nông, nên chiến sách của Đảng là lập Mặt trận Nhân dân phản đế rộng rãi bao gồm các giai cấp, đảng phái, đoàn thể chính trị, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau "để cùng nhau tranh đấu để đòi những điều dân chủ đơn sơ". Với chiến sách mới, Đảng có thể tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân đấu tranh chống đế quốc.

Về chủ trương liên hiệp với phái quốc gia cải lương, Đảng nêu rõ đứng về mặt phản đế, Đảng hết sức liên lạc các lực lượng phản đế. Đảng Cộng sản Đông Dương luôn chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế với các Đảng quốc gia cách mạng, song Đảng cũng hết sức chống sự không triệt để của các Đảng quốc gia cách mạng. Đảng nhấn mạnh, ở Đông Dương nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản là giải phóng dân tộc, nên Đảng phải liên hệ mật thiết với các đảng quốc gia. Nhưng Đảng cũng không bao giờ bỏ tranh đấu giai cấp trong xây dựng Mặt trận thống nhất với tư sản bản xứ.

Đảng nêu rõ chính sách của Đảng Cộng sản Đông Dương không phải là chống người Pháp mà "chỉ chống đế quốc Pháp". Một số người thấy khẩu hiệu ủng hộ Chính phủ Bơlum thì cho rằng đó là chính sách Pháp - Việt đề huề. Đảng giải thích Chính phủ Bơlum chưa phải là Chính phủ Mặt trận Nhân dân theo đúng ý nghĩa trong nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, nhưng là một Chính phủ phái tả có các Đảng trong Mặt trận Nhân dân tham gia và được Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ để thực hiện bản chương trình của Mặt trận Nhân dân. Đảng lên tiếng ủng hộ, mong Chính phủ Bơlum thực hiện những quyền dân chủ cho nhân dân Đông Dương.

Đảng còn đề cập tới vấn đề Mặt trận Nhân dân với cách mạng giải phóng dân tộc, với đấu tranh cho các tổ chức công khai tồn tại, với phương pháp tuyên truyền.

Đảng Cộng sản Đông Dương kết luận: Sách lược mới của Đảng dựa trên cơ sở vận dụng linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam. Chiến sách mới của Đảng là chiến sách theo điều kiện hiện thực ở xứ Đông Dương, theo kinh nghiệm tranh đấu của Đảng, học kinh nghiệm của Quốc tế Cộng sản và kinh nghiệm của cuộc vận động cộng sản thế giới, không phải đem kinh nghiệm xứ này sang xứ khác một cách như máy. Trong khi thực hiện chiến sách, cần nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm riêng từng địa phương, giúp công tác lý luận Đảng phát triển.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.468-471, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.