TPHCM bay ra Hà Nội có bị cách ly không

F1 tại Hà Nội đi cách ly tập trung - Ảnh: NAM TRẦN

Trong ngày 16-11, Hà Nội nóng lên bởi 2 vấn đề: UBND TP Hà Nội quyết định cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày người về từ các tỉnh, thành có số ca mắc cao như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... và thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Quyết định của UBND TP Hà Nội khiến nhiều người từ TP.HCM và các tỉnh đang muốn ra Hà Nội không kịp trở tay. Giới chuyên gia cho rằng quy định của TP Hà Nội là chưa phù hợp.

Ảnh hưởng lớn đến công việc

Chị L.T.D.H. [30 tuổi], đang sống ở phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM - vùng vàng, có lịch ra Hà Nội công tác từ ngày 20 đến 25-11. 

Tuy nhiên, theo yêu cầu mới từ TP Hà Nội, khi ra thủ đô làm việc, chị H. phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, xét nghiệm một lần vào ngày đầu tiên đã khiến chị H. "không kịp trở tay", nên phải quyết định tạm hủy chuyến công tác.

"Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính nhưng vẫn yêu cầu tôi tự theo dõi tại nơi lưu trú. Nếu tôi có thể giải quyết công việc tại nơi lưu trú thì tôi ở trong TP.HCM cũng có thể xử lý được, không cần phải bay ra thủ đô. 

Sau khi có quyết định trên từ Hà Nội, tôi đã quyết định bảo lưu vé máy bay tại hãng và hủy phòng khách sạn, ảnh hưởng rất lớn tới dự định, công việc của tôi", chị H. cho hay.

Anh Lê Mạnh Linh [24 tuổi, Long Biên, Hà Nội] cho biết tuyến giao thông giữa TP.HCM và Hà Nội là 2 tuyến trọng yếu về công việc, nhu cầu đi lại rất cao, nên quy định trên của TP Hà Nội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc của rất nhiều người.

"Tôi là một người làm việc giữa cả 2 miền, nếu không có dịch thì tôi thường xuyên phải bay ra vào TP.HCM - Hà Nội để phục vụ công việc. Việc Hà Nội có quy định như vậy trước hết tôi thấy ảnh hưởng rất lớn. 

Về khía cạnh chống dịch, tôi thấy việc tiêm 2 mũi và có xét nghiệm âm tính thì nên mở cửa để cho mọi người được làm việc. Bởi quy định trên chỉ dành cho những người có nhu cầu hồi hương, còn những người có nhu cầu làm việc sẽ không ai có thể đi được", anh Linh cho hay.

"Không có giá trị nhiều về chống dịch"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 17-11 về quy định cách ly tại nhà đối với người từ một số tỉnh, thành theo công điện số 23 của chủ tịch UBND TP Hà Nội, bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn chuyên môn khoa nhiễm khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 [TP.HCM] - cho biết quy định trên ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế, xã hội.

"Tôi thấy việc cách ly như thế không có giá trị nhiều về chống dịch. Việc cách ly thêm 7 ngày làm giảm nguy cơ lây nhiễm cũng không chắc, quan trọng là kiểm soát tốt 5K trong nội bộ. Bây giờ chúng ta phải thích ứng và sống chung với dịch, đặc biệt là trong bối cảnh đã chích ngừa vắc xin COVID-19", ông Khanh cho hay.

Bác sĩ Khanh nhận xét quy định trên của Hà Nội là rất gấp gáp. Ông nói: "Nếu Hà Nội quyết định cách ly người về từ 1 số tỉnh thì phải thông báo trước 1 tuần để người dân chuẩn bị, nay nhiều người trở tay không kịp, tôi cũng không thể hiểu nổi".

Một vị lãnh đạo Bệnh viện Phổi trung ương nói với Tuổi Trẻ Online: "Những quy định về chống dịch của Hà Nội không theo một nguyên lý khoa học nào cả. Những quy định về cách ly người về từ các tỉnh làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội. Tôi thấy sự tham mưu về chống dịch của Hà Nội không nhất quán, hôm nay như thế này, ngày mai thay đổi theo hướng khác".

PGS.TS Hoàng Bùi Hải - trưởng khoa cấp cứu, hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết không nên cách ly người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam ra.

"Theo tôi, ví dụ một người từ TP.HCM ra công tác, nên cho họ đăng ký điểm đến làm việc và nơi lưu trú và yêu cầu họ đảm bảo 5K khi tới những điểm đến kể trên, khi xong việc là trở về luôn, chứ không nên yêu cầu cách ly", ông Hải nói.

Phủ nhận việc F1 cách ly tại nhà phải được hàng xóm "đồng thuận"

Về việc cách ly F1 tại nhà, ông Khổng Minh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật [CDC] Hà Nội - cho biết nếu F1 ở chung cư và muốn được cách ly tại nhà thì cần được sự đồng thuận của những gia đình bên cạnh.

"Khi sống ở chung cư, những hộ bên cạnh phải đồng thuận thì cơ quan chức năng mới cho phép cách ly ở nhà, tránh hiện tượng người dân xung quanh phản đối", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, trả lời VTV trưa 17-11 về vấn đề trên, bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - phủ nhận và cho biết TP không có chủ trương kể trên, và không có bất kỳ văn bản nào của TP quy định nội dung này. 

“Cách ly F1 tại nhà rất cần sự vào cuộc, giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, tổ COVID cộng đồng, cán bộ y tế tuyến cơ sở, và rất cần sự chấp hành nghiêm túc về quy định chống dịch của người dân. 

Với Hà Nội, chúng tôi cũng đã tính toán phương án điều trị F0 ngay tại tuyến y tế cơ sở tại các trạm y tế lưu động để người dân được cung cấp dịch vụ từ sớm, từ xa. Trước mắt thí điểm tại 5 quận huyện gồm Sóc Sơn, Long Biên, Thanh Trì, Mỹ Đức và Hoài Đức và sẽ nhân rộng trên toàn TP”, bà Hà nói.

"Không có cơ sở khoa học"

PGS.TS Hoàng Bùi Hải nói: "Hàng xóm cũng rất quan trọng, sẽ giúp cho việc giám sát theo dõi cách ly, nếu không tuân thủ thì báo cơ quan chức năng. Nhưng nếu được sự đồng thuận của hàng xóm mới được cách ly tại nhà thì tôi nghĩ mang tính cảm tính. Về mặt khoa học thì nếu F1 không giao lưu với hàng xóm, cách nhau 1 bức tường, không thể lây lan COVID-19", ông Hải cho hay.

"Việc cách ly tại nhà không ảnh hưởng gì tới hàng xóm cả, sai hoàn toàn về mặt y khoa. Các điều kiện về cách ly F1 tại nhà Bộ Y tế đã quy định rất rõ, Hà Nội cứ dựa vào đó mà làm, việc được sự đồng thuận của hàng xóm ngoài việc sai quy định, còn gây bất hòa làng xóm, gây nhiều hệ quả", vị lãnh đạo Bệnh viện Phổi trung ương nói.

Có thể tạo ra những mâu thuẫn giữa các hộ dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS - luật sư Đặng Văn Cường [Văn phòng luật sư Chính Pháp] cho hay, nhà chung cư có đặc điểm khác với nhà ở riêng lẻ là có các phần sử dụng chung, kể cả các phần thông khí, hành lang, rác thải.

Bởi vậy, quy định về cách ly y tế tại nhà chung cư cũng cần phải có quy định cụ thể. Hiện nay, không có quy định pháp luật nào có nội dung là cách ly y tế tại nhà phải xin phép hàng xóm.

Việc cách ly y tế tại nhà do Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia hoặc ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh từng địa phương tự đặt ra cho phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh.

“Việc quy định có thể cách ly y tế tại nhà đối với F1 nếu đảm bảo các điều kiện chung theo quy định. Ngoài ra có thêm một quy định nữa là phải được hàng xóm đồng ý là một quy định có hướng mở. Tuy nhiên sẽ có những trở ngại là có thể tạo ra những mâu thuẫn giữa các hộ dân nếu như họ không đồng ý”, luật sư Cường nói.

DANH TRỌNG

Tin sáng 17-11: Quyết định cách ly người từ TP.HCM của Hà Nội gây xôn xao

PHẠM TUẤN

Hà Nội cho phép người dân đi từ TP.HCM được cách ly tại nhà - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Chiều 11-10, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký văn bản triển khai thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến TP Hà Nội.

Theo đó, TP Hà Nội quyết định thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về thực hiện quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, từ ngày 10 đến 20-10 tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến/ngày [chở khách 2 chiều], ngồi giãn cách 50% công suất.

Đối với hành khách đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế như tiêm 2 mũi vắc xin, xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ thì thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của trung ương và TP, không phải cách ly tập trung.

Trước đó, UBND TP Hà Nội có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc đồng ý mở lại 2 đường bay TP.HCM và Đà Nẵng. Theo đó, Hà Nội đồng ý từ ngày 10-10 đến ngày 20-10 tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất một chuyến khứ hồi/ngày, ngồi giãn cách 50% công suất; đồng thời đề nghị Bộ Giao thông vận tải tạm thời chưa khai thác các đường bay từ các địa phương khác đến Hà Nội.

Theo đó, TP Hà Nội yêu cầu với hành khách bay từ Tân Sơn Nhất, TP.HCM về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội, TP yêu cầu phải có chứng nhận tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19, trong đó liều cuối cùng trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng, hoặc có giấy xác nhận khỏi COVID-19 không quá 6 tháng.

Ngoài ra, phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ 5K, khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến.

"Hành khách phải cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của TP và cơ sở lưu trú [khách sạn] do TP công bố. Hành khách tự đảm bảo các chi phí cách ly và xét nghiệm theo quy định.

Sau thời gian cách ly tập trung, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. TP Hà Nội sẽ công bố các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở lưu trú, khách sạn phục vụ cách ly và chi phí liên quan để người dân tự chọn", công văn nêu.

Quy định trên từ phía UBND TP Hà Nội đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận, chuyên gia. Nhiều người cho rằng những yêu cầu trên là không cần thiết, gây cản trở nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế, đi lại của Chính phủ.

Trong ngày 11-10, một số hành khách có vé máy bay chặng TP.HCM - Hà Nội gặp khó khăn bởi không đặt được khách sạn để cách ly tại Hà Nội. Toàn bộ 20 khách sạn mà TP Hà Nội chỉ định làm nơi cách ly tập trung đều không nhận khách vì nhiều lý do.

120 hành khách đầu tiên từ TP.HCM bay ra Hà Nội sau nhiều tháng

Chuyến bay đầu tiên áp dụng quy định không cách ly tập trung hành khách của Hà Nội chính là chuyến bay VN216 của Vietnam Airlines, chở gần 120 hành khách cất cánh từ TP.HCM đi Hà Nội lúc 17h chiều 11-10.

Đây cũng là chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.HCM đi Hà Nội sau khi hàng không khôi phục đường bay nội địa kể từ ngày 10-10, do chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội trong ngày 10-10 không thực hiện được bởi Hà Nội quy định khách từ TP.HCM ra phải cách ly tập trung, và trước giờ chuyến bay khởi hành, UBND TP Hà Nội chưa có hướng dẫn cách ly tập trung cụ thể khiến Vietnam Airlines không thực hiện được chuyến bay.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết hành khách trên chuyến bay VN216 từ TP.HCM ra Hà Nội chiều 11-10 đều có xác nhận địa điểm cách ly ở Hà Nội trước khi khởi hành. Đồng thời hành khách tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về xét nghiệm âm tính, tiêm vắc xin ngừa COVID-19, khai báo y tế và thực hiện thông điệp 5K.

Đây là chuyến bay được rất nhiều hành khách trông đợi, khi đường bay từ TP.HCM đi Hà Nội đã bị "đóng băng" suốt nhiều tháng qua.

"Quyết định không cách ly tập trung của UBND TP Hà Nội kịp áp dụng cho chuyến bay VN216. CDC sân bay Nội Bài sẽ phối hợp hỗ trợ khách về nhà theo quy định mới của Hà Nội", một lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết.


PHẠM TUẤN - TUẤN PHÙNG

Video liên quan

Chủ Đề